Những bài thơ Ca sợi chỉ, Con cáo và tổ ong, Nhóm lửa là sự sáng tạo độc đáo của Bác Hồ
Trong những năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ sử dụng chủ yếu tiếng Pháp, tiếng Hán để nói và sáng tác văn học.
Trong những năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ sử dụng chủ yếu tiếng Pháp, tiếng Hán để nói và sáng tác văn học. Khi về nước Người lại dùng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ và dùng chữ Quốc ngữ để sáng tạo văn học, làm công cụ để đấu tranh cách mạng. Ngay từ mùa xuân Tân Tỵ (1941), ở Pác Bó Người sáng tác thơ văn với mục đích tuyên truyền cách mạng, hoặc ghi lại những cảm hứng và tình cảm của mình với dân với nước. Năm sau (1942) những bài thơ: “Ca sợi chỉ”, “Con cáo và tổ ong”, “Nhóm lửa” viết theo phương thức phúng dụ ra đời, nhằm động viên toàn dân ta đoàn kết, quyết tâm tranh đấu, giữ vững niềm tin, thực hiện nghị quyết TW Đảng lần thứ VIII, tập hợp dưới ngọn cờ của Việt Minh, quyết giành cho được quyền tự do và độc lập dân tộc.
Dệt vải: Nguồn internet
Những năm trước đây, có nhà nghiên cứu phê bình văn học coi những bài thơ trên dùng để tuyên truyền nên giá trị nghệ thuật hầu như không có gì. Thực ra không phải thế. Viết theo phương thức phúng dụ là khó. Người viết phải am hiểu, nhận thức sâu sắc về ngôn ngữ tiếng Việt mới sáng tạo nổi. Khi viết tác giả không chỉ sử dụng một ẩn dụ mà phải đưa ra một loạt ẩn dụ biểu đạt một vấn đề có tính chất chung, tính chất xã hội, dùng để khuyên răn, bằng cách miêu tả, hoặc xây dựng một câu chuyện nói lên một ý niệm trừu tượng là một chân lý khách quan.
Trong nền văn học dân tộc, những câu ca dao như:
“Thực vàng chẳng phải thau đâu
Mà đem thử lửa cho đau lòng vàng”
Hoặc:
“Cha chung không ai khóc
Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”
Những bài ca dao “Mèo trèo cau thăm chuột”, “Đám ma con cò”, những chuyện Nôm: “Trê cóc”, “Trinh thử”, “Lục súc tranh công”, truyện “Dế mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài, bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ được sáng tác theo phương thức phúng dụ, đều có giá trị nghệ thuật rất cao.
Tiếp nối truyền thống ngôn ngữ dân tộc vận dụng phương thức phúng dụ, Bác Hồ đã sáng tác thành công những bài thơ cách mạng.
Bài “Ca sợi chỉ”, Bác viết ngày 1 tháng 4 năm 1942. Chủ đề bài thơ này rất sáng tỏ, Bác nói về ý nghĩa lớn lao của sự đoàn kết. Bác dùng một loạt ẩn dụ chân thực như: “đóa hoa”, “cái bông”, “sợi chỉ”, “tấm vải mỹ miều”. Khi là đoá hoa thì thân tôi trong sạch, khi là cái bông, cả khi là đoá hoa thì “yếu ớt vô cùng” và “Ai vò cũng rứt, ai rung cũng rời”. Khi đã thành sợi chỉ cũng “còn yếu lắm” thân hình chỉ “càng dài”, càng “mỏng manh” dễ đứt. Nhưng khi những sợi chỉ biết kết hợp nhau lại kết thành “đồng bang” hợp nhau “sợi dọc sợi ngang rất nhiều” làm nên “tấm vải mỹ miều”, lúc đó “bền hơn lụa”, “điều hơn da”. Không một ai “bứt xé được”. Như thế trở thành “lực lượng” là “vẻ vang”.
Bài “Con cáo và tổ ong”, Bác viết ngày 1 tháng 7 năm 1942. Chủ đề bài này cũng rất rõ, Bác nói về sự đoàn kết, nhưng chủ yếu là nêu quyết tâm chiến đấu. Bác dùng những ẩn dụ “con cáo”, “tổ ong”, phát triển thêm những ẩn dụ mới như “cáo già”, “mật nhộng”, cả hình ảnh đàn ong trong tổ ong “kéo nhau xúm lại vây tròn”, “châm đầu, châm mắt” cáo già. Cuối cùng cáo già phải lui, đàn ong đã thắng, tổ ong được bảo vệ.
Bài “Nhóm lửa” Bác viết ngày 1 tháng 8 năm 1942, với chủ đề động viên đồng bào tin tưởng vào những ngày trứng nước của cách mạng. Tạo dựng phong trào là rất khó khăn nhưng phải tìm cách duy trì và phát triển phong trào rộng khắp, tạo thế và lực cho cách mạng phát triển thành cao trào. Hình ảnh ẩn dụ mà Bác dùng là “Nhóm lửa” phát triển thành những ẩn dụ mới như “mảy gió xuân”, “thổi”, “quạt”, “che”, “lửa đà chắc chắn bén lên”, “mưa”, “gió”, lúc đầu cản trở sau lại là trợ lực cho lửa. “Núi rừng” bừng lên “cháy ào ào”, “Lửa nung đỏ cả trời sáng loé”.
Chuyện về “sợi chỉ”, “Con cáo và tổ ong”, “Nhóm lửa”, chỉ như vậy là đủ rồi, ở mỗi phần có mở, có phát triển, có kết. Về hình thức phúng dụ là hoàn chỉnh, ý nghĩa bề mặt cũng như ý nghĩa bề sâu, đã được thể hiện rõ ràng, minh bạch. Nhưng ở mỗi bài thơ đó, Bác còn sáng tạo thêm một đoạn nữa có ý nghĩa tương đồng với phần trên. Người đọc phần truyện đã hiểu ý nghĩa bài thơ nhờ vào sự liên tưởng, càng hiểu thêm, hiểu một cách tường tận khi đọc đoạn dưới. Hiểu để tán thành, làm theo lời khuyên răn của Bác.
Ở bài “Ca sợi chỉ”, Bác viết thêm 4 câu. Bác viết rõ ai là “con cháu Hồng Bàng”, phải biết “đoàn kết mau mau” làm một lực lượng thành sức mạnh, phải tham gia vào “Việt Minh hội”.
Bài “Con cáo và tổ ong”, Bác viết thêm 6 câu, đồng ý nghĩa với phần chính. Ong “yêu giống”, “yêu nòi”, ong biết “đoàn kết”, ong “đồng tâm hiệp lực” đuổi được loài cáo, chúng ta “là người” phải biết đoàn kết đánh “Nhật Tây” “đòi tự do, độc lập”.
Cũng như thế, bài “Nhóm lửa”, Bác nói về sự tạo dựng lực lượng cách mạng, bài này Bác phát triển thêm 14 câu, dài hơn phần truyện, Bác nói rõ cách mạng bước đầu còn đầy gian nan. Lực lượng địch còn mạnh, “đế quốc”, “mật thám”, “vua quan” đều là kẻ thù phá hoại, không được “hở” dù “hở một chút”, không được “sai” dù “sai một ly”.
Khi cách mạng đã đứng vững, đã phát triển thành cao trào, cách mạng sẽ bùng nổ và thắng lợi. Ở đoạn này, bây giờ, chúng ta thấy được dự đoán thiên tài của Bác, về sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Chỉ ba năm sau, Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã nổ ra, đúng như hình ảnh mà Bác đã miêu tả trong bài thơ này, “ồ ạt lan tràn khắp xứ” “vùn vụt như toà núi lửa”, “ầm ầm như ngọn thuỷ trào”, “Đồng bào” cả nước đồng loạt đứng dậy, “đè bẹp cả bầy lang sói” và vinh quang thay:
“Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi
Chiếu lên cờ độc lập, tự do”.
Tóm lại, phương thức phúng dụ mà Bác dùng để sáng tạo các bài thơ trên là chính, đoạn mở rộng là phụ nhưng tương đồng ý nghĩa với phần chính. Sự tìm ra những ẩn dụ chân thực phát triển thêm nhiều ẩn dụ mới, kết hợp linh hoạt với phương thức nhân hoá để tăng cường ý nghĩa bề mặt cũng như ý nghĩa bề sâu, vừa miêu tả vừa kể chuyện, vừa lập luận làm cho người đọc nhận thức rõ và tin tưởng vào cách mạng, những điều thuộc về chân lý cách mạng. Đó là sự sáng tạo độc đáo của Bác Hồ.
CAO THỊNH
Tài liệu tham khảo: Tạ Đức Hiền, Thơ Hồ Chí Minh những bài văn và lời bình, Nxb Hà Nội, HN, 1/2000.