Thứ Tư, 17/11/2021 08:39

Những biểu tượng bóng đêm, sóng gió, bão, lụt trong văn thơ Bác Hồ

Biểu tượng là sự kết tinh để rồi trở thành thành tố cơ bản của văn hóa nên đi tìm tầm cỡ của một nhà văn hóa trước hết là có giàu có biểu tượng hay không... (CAO THANH HÀ)

. CAO THANH HÀ

Biểu tượng là sự kết tinh để rồi trở thành thành tố cơ bản của văn hóa nên đi tìm tầm cỡ của một nhà văn hóa trước hết là có giàu có biểu tượng hay không. Bác Hồ rất giàu có biểu tượng. Hầu như dân gian có biểu tượng gì thì Bác có biểu tượng ấy. Bài viết xin chứng minh ở một góc độ nhỏ!

1. Biểu tượng Bóng đêm.

Nhật ký trong tù nhiều hình tượng bóng tối, đêm tối (Vãn, Mộ, Hoàng hôn,Vãn cảnh, Dạ lãnh, Thu dạ, Tảo giải...). Điều ấy dễ hiểu vì người tù bị giam trong phòng giam, có khi tối theo nghĩa đen, có khi bị giải đi trong đếm tối, có khi đêm không ngủ được nhìn ra ngoài trời, thấy khóm chuối, trăng soi lạnh lẽo...Có trường hợp bóng đêm vừa mang nghĩa đen vừa mang nghĩa bóng biểu hiện sự bất công tăm tối, như ở bài Đăng quang phí (Tiền đèn): “Vào tù phải nộp khoản tiền đèn/ Tiền Quảng Tây mỗi người sáu đồng/ Bước vào nơi tối tăm mù mịt/ Sự quang minh đáng giá có sáu đồng”. Có khi thiên về biểu hiện một không gian tối làm nền tương phản cho một cuộc sinh hoạt âm nhạc rộn rã, như ở bài Chiều hôm: “Nhà ngục Tĩnh Tây mờmịt tối/ Bỗng thành nhạc quán viện hànlâm”.

Có một đặc điểm về bút pháp Hồ Chí Minh là miêu tả bóng đêm nhưng là để nổi bật hình tượng hương vị, ánh sáng, như ở bài Cảnh chiều hôm, Chiều tối...Rõ hơn cả là bài Giải đi sớm: “Gà gáy một lần, đêm chưa tàn/ Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu/ Người đi xa đã cất bước trên đường xa/ Gió thu táp mặt từng cơn từng cơn lạnh lẽo”. Ở khổ 2 thì cả bầu trời rực sáng: “Bóng tối đêm tàn quét sạch không”. Cả vũ trụ ấm áp, người vui, không còn là người tù mà trở thành một thi nhân: “Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”.

Trong văn xuôi, ở những bài nói, bài viết về giáo dục đạo đức cách mạng Bác Hồ dùng hình tượng bóng tối làm biểu trưng. Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác nhận xét ngắn gọn: “Trong mấy mươi năm khi chưa có Ðảng, tình hình đen tối như không có đường ra”[1]. Chỉ bốn chữ “tình hình đen tối” đã khái quát một cách rõ nhất về thảm cảnh mất nước, nô lệ, cả dân tộc chìm đắm trong bế tắc. Giải thích vì sao cán bộ chúng ta sau ngày cách mạng thành công còn yếu về năng lực cả về lý luận lẫn thực tế, Bác Hồ cũng dùng biểu tượng: “Từ Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta mới thoát khỏi vòng tối tăm bước lên đường sáng sủa. Nhưng, từ chỗ tối bước sang chỗ sáng không khỏi có người hoa mắt, choáng váng. Từ địa vị nô lệ bước lên địa vị chủ nhânkhông khỏi có người chưa quen gánh vác, chưa hiểu mình là người chủ gánh vác trách nhiệm, thiếu lòng tự tin. Vả lại cho đến nay sự giáo dục của Đảng và Chính phủ còn nhiều thiếu sót. Vì những lẽ đó mà cán bộ còn mắc nhiều khuyết điểm” [2]. Một cách diễn đạt mà không một cách nói nào ấn tượng hơn: “chỗ tối” chỉ cuộc sống cũ bần cùng lạc hậu; “chỗ sáng” là cuộc sống tự do; “hoa mắt, choáng váng” thì đúng với cả nghĩa sinh học và nghĩa tâm lý.

2. Biểu tượng sóng gió, bão táp, lũ lụt.

2.1. Sóng – Biểu tượng của sự kết tinh lòng yêu nước.

Trong Báo Cáo Chính trị tại Đại Hội Đảng lần thứ II, tháng 2 năm 1951, Bác viết: “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mọi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Hình tượng “sóng” được sử dụng mang tính hiệu quả nghệ thuật cao nhất, ở sự gần gũi, ai cũng hiểu; ở đặc điểm hình tượng luôn là sự kết tinh của nước, mạnh mẽ, sôi nổi, ào ạt, lan truyền, kết nối...Người viết đã thực sự là một nhà ngôn ngữ khi xác lập cấu trúc biểu nghĩa cho hình tượng (ở bổ ngữ): “lướt qua”, “nhấn chìm”. Đây là bài học chung: sử dụng biểu tượng phải thật hiểu hình tượng gốc.

2.2. Sóng gió – Biểu tượng của sự khó khăn, gian nan.

Tháng 1- 1949, nhân kỷ niệm lần thứ 19 Ngày thành lập Ðảng, dưới bút danh Trần Thắng Lợi, Bác viết bài Đảng ta có ghi rõ Tặng các đồng chí chi bộ (Bác luôn coi trọng và nhấn mạnh vai trò nòng cốt của chi bộ): “Năm nay, Ðảng ta mới 19 tuổi. Nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Ðảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn”[3]. Các mệnh đề “bao nhiêu bước khó khăn”, “nhiều gian nan” có chức năng làm rõ nghĩa cho hình tượng “sóng gió”.

Ngày 28-1-1946, bài viết Tự phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 153, có đoạn: “Vì yêu mến tôi và tin cậy tôi mà đồng bào đã giao vận mệnh nước nhà cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc cho nhân dân”[4]. Cách dùng từ của Bác luôn thống nhất trong một trường từ vựng, ở đây là trường ngữ nghĩa thuyền/sóng/bờ: cầm lái/ chèo chống/ chiếc thuyền/ sóng gió/ bến bờ. Tất cả đều lôgich, chặt chẽ. Ai cũng hiểu “sóng gió” ở đây là ẩn dụ của khó khăn, gian nan.

3. Lụt - Biểu tượng cho giặc giã xâm lược.

Là người Việt sống ở vùng văn minh sông nước thì ai cùng biết, hiểu về “lụt”. Bác Hồ so sánh nó như giặc ngoại xâm với các nét nghĩa: hung hăng, tàn ác, cướp phá, làm cho có thể người chết, đói khổ: “Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm”[5]. Ở một ví dụ khác, Người nhấn mạnh bằng cách in hoa các chữ quan trọng: “Giặc LỤT là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó mong làm cho dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta. Đắp đê giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch”[6]. Như vậy, dù dùng theo nghĩa đen nhưng trong xu hướng so sánh, liên tưởng luôn mở ra cho biểu tượng nhiều cách hiểu mới. Lụt đồng nghĩa với đói, nguy hiểm như giặc ngoại xâm nên chống lụt như chống giặc đói và giặc ngoại xâm.

Trong Lời kêu gọi nhân ngày 27/7/1948, Người viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”[7]. Đoạn văn ca ngợi các thương binh, liệt sĩ đem xương máu bảo vệ đồng bào nên cả đoạn đều dùng biểu tượng: trận lụt to - xương máu - bức tường đồng/con đê vững. Giả sử tước bỏ các biểu tượng này thì nghĩa đen vẫn còn. Câu văn sẽ chỉ còn nội dung thông báo nhưng sự hấp dẫn, sinh động không còn, nhất là tính chất biểu cảm tác động tới người đọc sẽ giảm hẳn. Ở đây là tác động vào các giác quan (thị giác –hình ảnh lụt, thính giác – âm thanh réo gào, cuồn cuộn của lụt), vào nhận thức (sự nguy hiểm của “lụt”), vào thái độ, tình cảm (xương máu)...

4. Bão táp – Biểu tượng của khó khăn gian khổ cần vượt qua.

Hình tượng “bão táp” được Bác dùng làm biểu tượng cho những khó khăn, gian nan, khổ cực. Giành lại độc lập từ tay Pháp, khó khăn vất vả là tất nhiên, nhưng đối với nước ta thì còn vất vả hơn nhiều vì vừa mới giải phóng khỏi ách nô lệ lại phải đối đầu với các cuộc xâm lăng của hai đế quốc to: “Cố nhiên, chúng ta kinh qua 80 năm nô lệ và 15 năm chiến tranh thì cái khó nhất là việc giải phóng đất nước, đuổi bọn thực dân đi thì ta làm được. Nhưng sau đó cũng như sau một cơn bão táp, khó khăn của ta còn nhiều”[8]. Đoạn văn vừa tác động vào nhận thức người đọc (bão bao giờ cũng để lại hậu quả) vừa tác động vào tình cảm (càng phải cố gắng khắc phục).

Bàn về sự kế thừa giữa các thế hệ, người trẻ học tập, tiếp thu người già, nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm Người yêu cầu: “Mặt khác, thanh niên phải biết công lao các đồng chí già, phải thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập”[9]. Bác dùng cụm từ đồng nghĩa quen thuộc “phong ba bão táp” để nhấn mạnh sự từng trải của “các đồng chí già”.

C.T.H


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. Sđd, tr 401.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 144.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 5.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 191.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 188.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 166.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 579.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 564.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 277.