Thứ Bảy, 08/02/2020 00:16

Những biểu tượng đối lập diễn tả bản chất vấn đề - một nghệ thuật đặc sắc của Bác Hồ

Chỉ có tầm trí tuệ kiệt xuất mới có cách dùng những hình ảnh, sự vật vào những mục đích lớn lao mà dễ hiểu, giản dị đến không ngờ. Bác Hồ là người như vậy. (HẢI NGUYÊN)

. HẢI NGUYÊN

Chỉ có tầm trí tuệ kiệt xuất mới có cách dùng những hình ảnh, sự vật vào những mục đích lớn lao mà dễ hiểu, giản dị đến không ngờ. Bác Hồ là người như vậy.

1. Vàng, ngọc, tiền là biểu tượng của cải quý giá

Sau Cách mạng tháng Tám mấy chục vạn quân Tưởng khiêu khích ta, một số anh em đòi đánh. Bác nói:

“Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không?”[1]

Ngôn từ luôn mang tính quan niệm. Ta thấy Bác dùng rất chính xác khi so sánh ”Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc”. ”Bình ngọc” thì rất quý nên phải trân trọng, gìn giữ. ”Con kiến” là loài vật nhỏ bé, tầm thường nên không cần vì chúng mà mất hơi mất sức. Ở đây còn toát ra quan niệm yêu hoà bình, về tư tưởng nhân nghĩa, nhân ái với chính kẻ thù.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (5-1-1960), Bác Hồ nói:

“Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng.”[2].

“Vàng” rất quý, rất giá trị. Bác khẳng định giá trị lớn lao, vĩ đại, thật sự quý giá của Đảng ta.

Nói về sự cần thiết của việc giữ nhà giữ nước Bác dùng ẩn dụ: “Người thường ai cũng có cái ví đựng tiền. Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khoá, để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn. Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn”[3]. Những ẩn dụ cụ thể, dễ hiểu và cũng thật sâu sắc.

Đồng chí Lương Thị Khanh kể về việc Bác Hồ huấn luyện giữ bí mật:

“Cụ lại hỏi tiếp chúng tôi:

- Chị em có đồng bạc trắng thường giữ bằng cách nào để khỏi mất?

Có chị nói: “Thưa Cụ cất vào trong hòm ạ!”. Lại có chị nói: “Thưa Cụ cất vào trong bao vải rồi buộc vào lưng ạ!”.

- Các chị đều nói đúng cả, cất giấu bí mật cẩn thận như vậy thì đồng bạc trắng không sao mất đi đâu được. Bây giờ cán bộ, bộ đội đến đông, chị em chúng ta phải giữ bí mật bảo vệ cán bộ, bộ đội như thế nào cho cẩn thận như cất giấu đồng bạc trắng vậy”[4].

Bác Hồ vĩ đại ở ngay những điều giản dị, bình thường nhất.

Người đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, coi đây là công việc cần thiết, cấp bách luôn phải được chú ý đặc biệt. Trước hết là tuyên truyền về lòng yêu nước: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”[5].

2. Vàng, ngọc là biểu tượng của sự khổ công rèn luyện

Bác yêu cầu cán bộ đảng viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[6].

Vàng thật thì không sợ lửa, càng được đe và búa tôi luyện, thì vàng sẽ tốt thêm”[7]. “Vàng thật” ở đây là những cán bộ, quần chúng trong sạch đúng với nghĩa của “liêm chính”.

Người nhắc nhở văn nghệ sỹ phải học tập sáng tác của nhân dân lao động, bởi “Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý. Muốn làm như thế thì cố nhiên là phải có chính trị, có kỹ thuật, thì mới mài cho viên ngọc ấy thành tốt, khéo và đẹp”[8]. Biểu tượng “hòn ngọc” vừa cho thấy một thái độ hết sức trân trọng trí tuệ, tài năng, tình cảm của nhân dân vừa nhắc nhở văn nghệ sỹ phải chịu khó, chịu khổ, tu dưỡng chính trị và nghiệp vụ để “mài” những hòn ngọc ấy sáng hơn.

Cũng trong sách này tác giả chỉ rõ nếu không đoàn kết không thể làm cách mạng: “Dân thường chia rẽ phái này bọn kia, như dân ta người Nam thì nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc, nên nỗi yếu sức đi, như đũa mỗi chiếc mỗi nơi.

Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”[9].

Đây là những dòng đầu của cuốn Cần kiệm liêm chính được Người viết vào cuối tháng 5/1949. Điểm tựa của lập luận này là lấy các quy luật của tự nhiên để nói tới “nền tảng” của đời sống mới mà Hồ Chủ tịch phát động. Chính nhờ lập luận theo cách nói vòng có điểm tựa làm cho lập luận Hồ Chí Minh vừa giản dị dễ hiểu vùa có sức thuyết phục. Thêm một dẫn chứng nữa: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”[10].

3. Nhóm biểu tượng là những sự vật bụi bẩn, cặn, bã

Dùng những biểu tượng này lại cho thấy Bác Hồ là người bình thường, thậm chí là nông dân như bất cứ người nông dân Việt Nam cần cù, chăm chỉ, chất phác nào.

Vào năm 1946 những phần tử phản động Quốc dân Đảng câu kết với thực dân đế quốc để lật đổ chế độ cộng hoà. Bác Hồ chủ trương tránh mọi khiêu khích. Nhưng lắm lúc chúng chọc tức không chịu được, một số đồng chí trong Ban Bảo vệ giao cho Bùi Lâm xin phép Bác đánh cho bọn này một trận:

“Tôi về ngay nơi Bác làm việc. Tôi vào phòng, thấy Bác đang đánh máy chữ. Bác ra bàn ngồi uống nước trà nói chuyện. Bác hỏi: “Chú đến gặp Bác có chuyện gì vậy?”. Tôi kể lại với giọng bực tức về bọn phản động khiêu khích và đề nghị Bác cho phép bố trí đánh cho chúng một trận. Bác mỉm cười: “Chú Lâm, bây giờ ở trong phòng này chú đang làm gì?”. Tôi trả lời: “Đang được nói chuyện với Bác”. Bác nói: “Chú trả lời đúng, nhưng còn thiếu. Chú đang làm gì nữa?”. Tôi nói: “Đang được uống nước trà của Bác”. Bác nói: “Đúng! Bác hỏi thêm câu cuối cùng nữa. Trong chén trà có gì? Chú nhìn cho kỹ để trả lời Bác”. Tôi nói: “Thưa Bác, có nước trà và tý cặn trà”. Bác nói: “Chú trả lời đúng! Trong một chén nước con mà chú uống, còn có tý cặn, thì ở hồ, ở sông, ở biển, thiếu gì thuồng luồng, ba ba, các sấu, cá mập! Cần có quyết tâm sắt đá và phải bền gan vững chí, đồng thời, phải bình tĩnh và sáng suốt thì dần dần có thể trừ được mọi loài ác vật dưới biển, trên cạn. Thắng lợi cuối cùng sẽ về chúng ta”[11] nên phải tuyệt đối bí mật.

"Muốn giồng khoai giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn đi đến dân chủ mà tất cả chúng ta đều muốn, đôi khi chúng ta phải làm những việc chúng ta không vui lòng làm"[12]. Bối cảnh câu nói này là sau ngày 2/9/1945 vận mệnh cách mạng nước ta như treo trên sợi tóc, giặc Tàu cướp phá, giặc Anh gây hấn, giặc Pháp lăm le quay lại, nên ”giồng độc lập tự do” cũng phải dùng ”phân” như ”giồng khoai giồng lúa”. ”Phân” ở đây là kẻ thù, kẻ cơ hội, xảo trá...cũng đồng thời là việc làm của ta khi phải biết tranh thủ kẻ thù, tìm ra chỗ yếu, sơ hở của chúng. Bác Hồ từng nói trong lúc khó khăn ấy phải dùng ”chính sách Câu Tiễn” nhẫn nhịn để chờ cơ hội đuổi kẻ xâm lược là như thế.

Bác dạy cán bộ tình báo qua hình tượng ”nước bẩn”: “Tình báo địch cũng như một thứ nước bẩn. Có chỗ trũng, chỗ hở thì nó chảy vào. Ta sơ hở, không biết giữ bí mật, tức là vô tình ta đã giúp địch, và đã phạm tội hại nước hại dân”[13]. Hình tượng này dựa trên thành ngữ: ”Nước chảy chỗ trũng” nên ai cũng hiểu. Giặc là thứ ”nước bẩn” nếu ta sở hở (trũng) là chúng ”chảy” vào. Hình tượng này còn dựa vào đặc trưng ”nghề nghiệp”: leo cao chui sâu để phá hoại (như thứ nước bẩn ngấm vào, chảy vào, chui vào tổ chức) nên rất thuyết phục.

Bác dạy cán bộ rèn luyện bằng cách đấu tranh với những tư tưởng sai trái, loại bỏ cái xấu, phát huy cái tốt: “…cải tạo những cái gì không đúng, học tập những tư tưởng tốt. Ghét, bụi còn chải giũa được, nhưng tư tưởng phải đấu tranh gay gắt, không phải dễ dàng. Đấu tranh để tiến bộ, nếu không đấu tranh thì thoái bộ, nên chúng ta phải cố gắng học tập cải tạo, quyết tâm cải tạo”[14].

Thì ra biểu tượng có thể là bất kỳ sự vật nào, dù nhỏ bé, xấu xí nhưng có sức biểu cảm lớn. Tất cả phụ thuộc vào tài năng và tâm hồn người nghệ sĩ!.

HN


[1]Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - NXb Chính trị quốc gia, 2009, tr 72.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 5.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 121.

[4]Đỗ Hoàng Linh (biên soạn) - Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Ba Đình. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 241.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 172.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 293.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 576.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 250.

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 2, tr 267.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 644.

[11]Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao - Nxb Chính trị Quốc gia, 1999, tr 246.

[12]Trần Dân Tiên- Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. NXb Văn học. 1970, tr 121.

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 378.

[14]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 25.