Chủ Nhật, 06/02/2022 06:46

Những cái tết của gia đình Nhất Linh

Và những cái Tết đầy ấn tượng ấy cũng kể lại với người đọc về một gia tộc nhiều chìm nổi, cũng như chân dung của một thủ lĩnh văn học một thời, luôn luôn hiện diện quanh quất với cái đẹp.

Lịch sử có thể được ghi chép theo rất nhiều cách, mà một trong số đó là theo dòng nước chìm nổi của những gia tộc lớn. Nguyễn Tường - nơi nhà văn Nhất Linh sinh ra, một dòng tộc khoa bảng từng nổi danh ở đất Hội An xưa với công khai quốc thời vua Gia Long, là một trong số đó. Trong các ghi chép của hậu duệ đời sau với những đóng góp quan trọng trong làn sóng đổi mới văn hóa, người đọc dễ thấy những khoảnh khắc đầu năm mới của gia đình Nhất Linh trong các trang viết, từ đó tái hiện một thời đoạn lịch sử riêng biệt mà cũng đặc biệt.

Gần đây, hai cuốn sách của con trai nhà văn Nhất Linh – Nguyễn Tường Thiết, đã được phát hành, đó là cuốn Nhất Linh, Cha tôi và cuốn Căn nhà An Đông của mẹ tôi. Bên cạnh đó, cuốn Hồi kí về gia đình Nguyễn Tường của bà Nguyễn Thị Thế, em gái nhà văn Nhất Linh cũng được xuất bản. Qua tác phẩm của bà Nguyễn Thị Thế mới được in lại, những cái Tết đặc biệt của gia đình Nhất Linh đã hiện lên từ ấu thời ở Hà Nội cho đến khi ở trại Cẩm Giàng. Trong khi đó, hai cuốn sách của Nguyễn Tường Thiết lại tập trung viết về Nhất Linh trong quá trình sáng tác Xóm Cầu Mới bên dòng suối Đa Mê ở rừng Fin Nôm, Đà Lạt. Đó thực sự là những lát cắt rất riêng, như tiếng nói về thời đoạn của một thế hệ, hiện lên vừa gần gũi vừa mới mẻ.

NHỮNG CÁI TẾT TỪ ĐẦM ẤM ĐẾN NGẬP TRONG NỢ NẦN

Hồi kí về gia đình Nguyễn Tường là những trang viết chân thật và rất tiệm cận với những thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Nguyễn Thị Thế là người con gái duy nhất trong số các anh em Nguyễn Tường, bà không tham gia sáng tác văn chương nhưng ngược lại, có sự quan sát và trí nhớ vô cùng tốt. Những cái Tết từ thời còn sung túc cho đến đói khổ, được bà họa lại một cách chân thành như những câu chuyện bên bếp lửa Tết.

Bà viết về những khoảnh khắc cận kề Tết, khi cả gia đình mới rời Hà Nội chuyển về Cẩm Giàng, bà thích mặc quần áo đẹp để nhận tiền mừng tuổi, và đặc biệt là được đi đón các anh ở xa về. Những ngày ấy trong nhà nhộn nhịp tưng bừng, với những câu chuyện về việc học hành, về thầy giáo nào khó, ông giám thị nào dữ… Trong dư âm của những đêm quây quần ấy, bà nội sẽ đem quần áo ra soạn để khâu lại những chỗ rách, còn cái nào ngắn để lại ở nhà cho các em mặc. Chính chất liệu này rồi sau sẽ xuất hiện trở lại trong tiểu thuyết Xóm Cầu Mới ở chương về gia đình bác Lê. Đối với các anh lớn, năm mới nào mẹ bà cũng mua một tấm vải chúc bâu để may cho mỗi người một bộ, với tiếng vải mới kêu sột soạt nghe rất lạ tai.

Cuốn Hồi kí về gia đình Nguyễn Tường của bà Nguyễn Thị Thế.

Thế nhưng khó khăn đến liền sau đó. Trong một lần gặp ông Công sứ Hải Tường, thân phụ của bà đã quyết định sang Lào để làm việc, với mức lương cao và nếu mẹ bà muốn buôn bán thì cũng dễ. Nhưng chỉ một năm sau đó, dây thép báo về Thầy đã mất bên đó. Và kể từ đó, những năm túng thiếu trong gia đình Nguyễn Tường bắt đầu. Bà Nguyễn Thị Thế ghi lại những lần bị đòi nợ đầy sầu não như sau: “Những năm túng thiếu, Tết nhiều người đến đòi nợ, mẹ tôi phải nằm trốn trong buồng dặn anh Tráng ra khất nói mẹ tôi đi vắng. Ai thấy anh với hai con mắt xếch lúc đó lại xếch thêm rất dữ nên đứng lâu một lúc họ bỏ về không dám nói gì. Anh quay vào nói với mẹ tôi: ‘Thôi từ nay có thì ăn không thì nhịn chứ mợ đừng vay mượn chi của họ, họ nói nghe khổ lắm’”.

Cái khó khăn ấy còn đứng giữa những sự tan tác trong gia đình hai bên nội - ngoại với những trận cãi khó mà hàn gắn. Bà viết: “Nhà tôi tiền không có, ngày Hai mươi tám Tết rồi, bánh cũng không. Bên ngoại thì mổ heo gói bánh om sòm. Gia đình tôi chỉ thấy người đòi nợ thôi. Lúc hai bà cãi nhau, chị em tôi nấp vào một chỗ ngồi xem như đi xem hát vậy. Hình như bà nào nói bà ấy nghe, hai bà cùng nói một lượt, thích gì thì nói cho hả thôi, chẳng ai nghe ai cả. Mẹ tôi bảo ăn Tết xong sẽ bán cái nhà này lấy tiền trả nợ cho mợ. Mợ tôi nhất định đòi ngay bây giờ. Hai bà cứ găng như vậy tôi biết khó có thể chấm dứt được”.

Thế nhưng dù có khó khăn đến đâu, thì những cái Tết nghèo ấy lại để lại những cảm xúc rất riêng, về việc quét vôi nhà cửa, lau dọn bàn thờ hay các bức tranh tứ bình. Phiên chợ đông đúc ngày Hai mươi chín Tết cuối năm cũng được bà kể lại: “Dân từ các làng xa xôi đổ về, họ đi từ gà gáy cho kịp chợ. Ngoài thức ăn còn bán tranh Tết, pháo, mứt, hoa giấy. Hai chị em tôi thế nào cũng xin cho bằng được vài hào ra mua mấy bức tranh đám cưới chuột, thầy đồ ngồi dạy học, ông trạng vinh quy bái tổ, cả tranh con gà, cá chép, đem về dán la liệt trên vách tường. Mẹ tôi mua hai bức vẽ ông tiến tài, tiến lộc dán hai bên cánh cổng. Các anh lấy vô vẽ cung tên trước cửa để đuổi ma quỷ. Tôi nghĩ chả cần đuổi, ma quỷ nó thấy cũng chạy mất vì có năm gian nhà nhỏ chỗ nào cũng người là người”. Sự khó khăn cũng dần chấm dứt khi các anh lần lượt thi đậu, có tiền để giúp đỡ gia đình. Đó là cái Tết “thoát nghèo” đầu tiên khi không còn cảnh trốn nợ, bị đòi nợ và cãi nhau.

GIẤC MƠ VỀ CĂN NHÀ BÊN SUỐI

Có lẽ chính từ cảm hứng về Xóm chợ ở quê ngoại Cẩm Giàng toàn những người làm ruộng quê ở Hà Nam, Phủ Lý, vì bị lụt lội không đủ sống nên đưa nhau đến đây mà Nhất Linh có chất liệu để viết nên Xóm Cầu Mới. Nói về tác phẩm này, thì đó chính là “cao vọng” trong nghiệp viết của ông, với tham vọng tạo nên một cuốn “Đông chu liệt quốc” của những thân phận bình thường. Quá trình viết kéo dài nhiều năm, khi thì ở Hương Cảng, khi thì ở Việt Nam, mà một trong số những địa điểm quan trọng “thai nghén” nên nó là suối Đa Mê ở Đà Lạt.

Viết về nơi chốn này, tác giả Nguyễn Tường Thiết trong cuốn Nhất Linh, Cha tôi đã có những gợi nhắc về kỉ niệm rất đặc biệt. Theo đó Thanh Ngọc Đình là tên mà thân phụ ông đặt cho căn nhà do chính Nhất Linh họa đồ và định xây cất giữa rừng Fim Nôm để nghỉ ngơi và… làm thơ. Cái tên Thanh Ngọc Đình xuất phát từ loài hoa mà ông thích nhất. Nhất Linh cũng từng thi hứng về nơi chốn này như sau:

“Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng

Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần...”

(Nhất Linh 28-10-1957)

Hai tác phẩm của ông Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh.

Thế nhưng, giấc mơ về căn nhà ấy thành dang dở. Năm 1959 căn nhà bị sụp trong một đêm giông gió, sau cái Tết Kỷ Hợi. Trùng hợp rằng đó cũng là năm đầu tiên mà Nhất Linh tổ chức ăn Tết trong rừng. Theo tác giả Nguyễn Tường Thiết, khởi nguồn của ý tưởng này có thể là bởi ông muốn ăn mừng căn nhà mới, nhưng cũng có thể là muốn làm sống lại những cái Tết xưa ở trại Cẩm Giàng mà bà Nguyễn Thị Thế đã từng kể lại trong cuốn hồi kí của mình.

Nhà thơ Huy Cận trong những ghi chép sau này cũng có lần kể lại về cái Tết mà Nhất Linh và Thạch Lam rủ Xuân Diệu cùng ông về ăn Tết ở Cẩm Giàng. Ông viết: “Đêm Giao thừa chúng tôi thức để đi bẻ lộc trong vườn, và sau khi ăn bát chè đậu xanh giữa phút Giao thừa thì chúng tôi trải chiếu ngủ trên ổ rơm rất ấm và thỉnh thoảng ngâm thơ Thế Lữ […] Ấn tượng tổng quát mà Nhất Linh để lại trong tôi ở giai đoạn ấy là một tâm hồn nghệ sĩ say mê, một người đứng đầu một trường phái văn học có hoài bão, một người bạn văn chương có con mắt sành biết khám phá và biết ủng hộ những tài năng. Đó là giai đoạn đẹp trong đời Nhất Linh”.

Và căn nhà mà ở đó giữa ánh lửa của nồi bánh chưng Nhất Linh ngồi viết cuốn trường thiên Xóm Cầu Mới thật ra chỉ là căn bếp của Thanh Ngọc Đình, khi được xây trước để dùng làm chỗ ở tạm đợi căn nhà bên suối hoàn thành. Do chưa có điện nên hầu như chỉ bóng tối tràn ngập, ở bên ngoài là rừng thưa Fim Nôm xào xạc gió. Trong những đêm tối trời với căn nhà tĩnh mịch ấy, tiếng kèn clarinette của Nhất Linh vang lên giữa rừng khuya vắng.

*

Từ những ghi chép được lưu giữ ấy, thời khắc đặc biệt của gia đình văn nhân đặc biệt thêm lần nữa được ghi và kể lại, như những khói trầm ngun ngút bay lên không trung. Như trong cái Tết năm 1953, vào mùng 1 Tết Nhất Linh đã viết “Trong hương trầm của đêm 30 Tết và mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích... tôi có mấy lời cảm xúc này - và cũng là chúc thư luôn thể - với một bài thơ để gửi các anh em cũ (bất cứ từ khu nào)... Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác...”

Và những cái Tết đầy ấn tượng ấy cũng kể lại với người đọc về một gia tộc nhiều chìm nổi, cũng như chân dung của một thủ lĩnh văn học một thời, luôn luôn hiện diện quanh quất với cái đẹp và nét ý nhị trong những tác phẩm của mình.

NGÔ THUẬN PHÁT