Thứ Tư, 17/03/2021 00:32

Những cánh hoa rơi

Tôi đang múc nước thì nghe nhiều tiếng chân vội vã vọng tới từ phía hàng rào cuối vườn rau. Qua những tán lá thấp của cây bồ đề bên giếng, tôi thấy những bóng phụ nữ gần như trần truồng... (Truyện ngắn của NGÔ NHÂN ĐỨC)

. NGÔ NHÂN ĐỨC

Tôi đang múc nước thì nghe nhiều tiếng chân vội vã vọng tới từ phía hàng rào cuối vườn rau. Qua những tán lá thấp của cây bồ đề bên giếng, tôi thấy những bóng phụ nữ gần như trần truồng chạy về phía thực đường. Hình như vì lí do nào đó, họ không kịp mặc gì mà chỉ vơ vội những mảnh quần áo để che chỗ kín rồi chạy. Nhưng tôi thì kịp thấy một cặp mông tròn trắng lách vào cửa phòng ở của bà bếp.

“Thằng bé” của tôi bỗng lớn dậy. Hơi nóng của thành giếng buổi chiều muộn sau ngày nắng gắt, giờ đây tôi có thể nhận thấy rõ hơn từ dưới lưng. Vừa hốt hoảng nhắm mắt niệm Phật, tôi vừa kéo gàu với hi vọng sẽ khá hơn. Nhưng ý niệm tà vạy đó vừa nảy sinh thì đã lan tràn, tôi không sao giữ chánh niệm được nữa.

Thấy tưng tức ở vùng bẹn, tôi nhìn xuống. “Thằng bé” của tôi đã cứng như một cái dùi. Thuở ấy, tôi còn chưa biết mặc quần trong. Tôi buông gàu nước, lấy tay mình đè xuống để nó có thể trở về tư thế bình thường. Nhưng rõ ràng là tôi bất lực. Tôi cảm thấy được một cảm giác còn hơn cả cảm giác ăn năn mà tôi từng biết khi làm gì đó sai và bị sư phụ quở trách.

Minh họa: Thành Chương

Có vẻ tôi khá nhỏ con so với tuổi của mình nhưng tôi vừa được mười sáu vào rằm tháng giêng rồi. Tôi vào chùa vì sinh ra đã èo uột khó nuôi. Sư phụ tôi bảo khi mẹ tôi đem tôi đến đây, bà nói rằng không phải bà không thương tôi mà vì ai cũng bảo tôi là con nhà Phật, có giữ nuôi cũng không được mà còn đem tới tai ách cho dòng họ bốn bên.

Trí óc tôi không lưu giữ được hình ảnh gì về mẹ tôi. Hình như bà có đến thăm tôi hai hay ba lần gì đó sau lần gửi tôi vào chùa nhưng rồi sau bà không đến nữa. “Ta nghĩ mẹ con là một người nữ thông minh, ngoan cường,” một lần sư phụ bảo thế khi tôi hỏi về bà, “và chắc cũng là con nhà.” Ông hơi mỉm cười, khẽ nhắm mắt như đang hình dung lại cảnh ông gặp mẹ tôi. “Ta từng gặp và trò chuyện với rất nhiều khách viếng, nhưng mẹ con thì ta nhớ rõ. Đó là một sớm mùa đông trắng mưa phơ phất. Ta đang thiền hành trong lối đi có mái dẫn quanh vườn chùa thì mẹ con gõ cửa. Đôi bốt da lấm tấm bùn, áo khoác đen dựng cổ, ô đi mưa màu xanh lơ hơi nghiêng ra trước để che một bọc quấn nhiều lớp khăn lông dày màu vàng ủ đứa bé là con trước ngực. Chiếc khăn quàng cổ bằng lụa mỏng, họa tiết cánh sen nhiều màu, hơi cũ, có lẽ là cái cũ nhất cô ấy tìm được trong tủ đồ cho dịp này. Da trắng, dong dỏng, trán cao thanh tú với những chân tóc mảnh như tơ, đôi mắt có mí sâu và đồng tử đen láy nở lớn gây ấn tượng rằng nó sẽ theo đuổi thắc mắc nào đó tới cùng kì lí. Ít lộ răng khi mở miệng với một giọng nhiều âm sắc nhưng chậm rãi và lễ độ, mẹ con khiến người đối diện nảy sinh những thiện ý mát lành.” Ông mở mắt, chấm dứt dòng hồi tưởng với một hơi thở ra nhẹ như bông. “Có khi, chỉ là do ta thấy thế.”

Tôi hiểu ý ông. Là trụ trì khai sơn của một ngôi chùa nức tiếng thiêng ở vùng ven không quá xa trung tâm thành phố, nhờ tài bặt thiệp và khả năng nhiếp độ quảng đại, (cũng phải nói nhờ cả dung mạo tiêu sái anh tuấn của ông nữa) từ thuở vừa chớm ba mươi, đến nay chân tóc đã điểm sương đôi phần, ông có cơ hội để thấy biết bao nhiêu cảnh nghịch thường diễn qua trước mắt. Còn tôi, từ nhỏ đến bây giờ, như con ruột ông, đâu lạ gì ý tứ cha mình.

Mỗi ngày, ngoài giờ tụng kinh sáng sớm và đầu hôm, tôi làm công quả, đọc sâu ba tạng, học nghi lễ, và điệu thức sử dụng các pháp khí khó điều dẫn như khánh, linh, tang, đẩu, pháp loa… với giáo thọ; những chỗ khó hiểu trong công án thì tham vấn sư phụ. Nói như thế có nghĩa là một ngày bao gồm cả những việc lặt vặt khác nữa đấy. Tôi không muốn mình bị hiểu nhầm là một thiền sư trẻ tuổi. Mà có là thiền sư thì cũng phải làm việc lặt vặt khác ấy chứ nhỉ?

Tôi ít khi đi đâu ra khỏi chùa, nếu có thì cũng là cùng với một ai đó. Tôi tin lời sư phụ, thế giới hiện bày như một toàn thể sinh hoá, trùng trùng tương duyên và nếu ta phá chấp ngã và phi ngã, thì sẽ không còn dấu chân đi tìm ngoại thân, nên cũng chẳng nghĩ gì khác ngoài những việc hàng ngày ở chùa.

Nhưng các giáo lí kia chẳng giúp được gì cho tôi trước tình huống trớ trêu lạ lẫm này. Tôi đành đứng vậy, dựa sát chỗ đang căng tức kia vào thành giếng, gắng giữ hơi thở cho bình thường và cố trấn tĩnh lại. Rõ ràng, đã có một cái gì vượt quá định ý của tôi và nó có một mãnh lực khủng khiếp mà trước nay tôi chưa hề hình dung. Sư phụ tôi chưa bao giờ, hoặc không có dịp nào, nhắc đến loại tà niệm này.

“Cậu nhỏ! Cậu nhỏ...”

Giọng của ai đó lôi tôi lên khỏi mặt nước loạn động trong mình. Tôi mở mắt và nhìn thấy một cô gái chừng hai sáu hai bảy, đứng nấp sau bụi trúc, khuôn mặt được trang điểm khá đậm. Cô đặt một ngón tay được cắt tỉa rất đẹp với móng tay sơn màu cánh sen lên đôi môi cong cong, ra dấu cho tôi nhỏ tiếng. Cô khá xinh, bây giờ hồi tưởng lại, tôi có thể nói vậy. Ấn tượng về khuôn mặt đó là không dễ bị bắt nạt, lanh lợi và trực tính nhưng không phải là không có phần mẫn cảm và yếu đuối.

“Cậu nhỏ, à, quên, chú tiểu…” cô ngần ngại, “chú có thể giúp tôi một chút được không?”

“A Di Đà Phật,” tôi đâm lo khi thoáng thấy bờ vai trần của cô, “tôi giúp được gì cho chị?”

“À,” giọng cô ngập ngừng, “tôi bị cảnh sát đuổi trong khi… trong khi… không kịp gì cả… ” cô thở ra, “mà làm sao chú biết được những chuyện này…”

Một ý nghĩ chạy nhanh qua tôi. Tôi là một chú tiểu chứ không phải là một thằng đần. “Chị không mặc, ờ… không có quần áo?” Dù sao thì tôi cũng bỗng thấy nóng rân cả mặt mày sau câu hỏi của mình.

Dường như cô cũng hiểu tâm trạng tôi lúc đó, nên quay mặt đi chỗ khác, gật đầu.

Tôi lúng túng hoàn toàn. Trời đã sâm sẩm tối, tôi có thể cho cô mượn áo ngoài của mình nhưng đó là áo của tôi, một người xuất gia. Hơn nữa, tình hình của tôi vẫn chưa cải thiện được chút nào, nếu không nói là đang ngày càng tệ hơn. Cũng không thể mang cái của nợ lủng lẳng thế này mà đi mượn cho cô một bộ của bà bếp được. Nhưng nhìn cô xấu hổ và lo lắng thế này thì…

Bằng cách nào đó, tôi đã cởi áo của tôi cho cô mặc vào. Nhưng không hiểu sao, cô đã cởi nó ra lại khi nhìn thấy chỗ nhô cao lộ ra dưới lớp vải xô của quần tôi, sau khi dợm bước.

“Khó chịu lắm phải không? Tôi giúp cho chú thoải mái một chút!” Cô đã nói thế khi đứng trước tôi, trần truồng hoàn toàn trong bóng tối nhập nhoạng bên giếng nước và ánh sáng mờ mờ của ánh trăng đầu tháng chiếu xuống những cành lá bồ đề rung rẩy. Cô khá nhanh nhẹn và tôi chỉ có thể đứng trân, mê man và bấn loạn từng chút một với cái mát rượi của bàn tay thuần thục...

“Hoàn toàn trong sáng đấy nhé! Chú không phạm lỗi gì đâu. Tôi không quen nợ ai và cũng thấy ngứa ngáy khi nhìn thứ kia” cô chỉ tay vào của tôi, “cứ dựng thẳng như vậy. Bệnh nghề nghiệp.” Cô hất mặt, thở dài, nghe không có vẻ đau rầu gì mấy, đoạn nói. “Tôi xin chịu hết tội cho chú. Tôi nhiều tội rồi mà, thêm chút chẳng sao. Nhưng, mua vui cũng được một vài trống canh đấy.”

Rồi cô thoả mái cười lảnh lót khi đứng lên, lại mặc chiếc áo nâu kiểu la hán của tôi vào. “Hoàn toàn trong sáng, tôi nhắc lại. Chú và cả tôi nữa. Tôi đã luôn hơi ghê ghê, dù đã quen dần, với những chuyện như thế này trước đây. Nhờ chú mà có khi tôi cảm thấy khá hơn không chừng. Không, chắc chắn là khá hơn. Nhờ chú cả đấy.”

“Tôi…” Tôi lúng búng, hoàn toàn á khẩu.

“Tôi, tôi cái gì?” Cô vừa đi vừa quay lại, nheo nheo mắt. “Cảm ơn chú về cái áo nhé, tôi sẽ không trả lại nó đâu đấy. Kỉ niệm sâu sắc mà.”

Tôi không biết tại sao lúc ấy mình chẳng nói được gì cả. Mà có nói thì có lẽ kết cuộc cũng ra thế thôi. Đôi khi có những chuyện như được sắp đặt từ trước. Chúng ta chẳng làm gì mà tránh né được cả. Như chuyện tôi phải rời chùa sau đó. Phong trào đấu tranh chống chính sách thiên vị tôn giáo của chính quyền Diệm của tăng ni Phật tử sau đó không lâu đã cuốn tôi đi. “Sự đó như một giọt nước cũng thừa sức làm chảy tràn một bát nước vốn đã quá đầy,” như một tuần báo đã nêu lời. Tôi hoàn tục, trở thành nhà thơ, sống buông tuồng như kiểu các nghệ sĩ thời đó, độc thân và phóng túng. Hoặc tôi nghĩ thế trong đầu óc mình, hoặc tôi như con trâu đực tơ sổng chuồng sau khi bị nhốt quá lâu. Coi mòi cái sau có vẻ đúng hơn, dù không hẳn suy nghĩ của tôi đã hoàn toàn sai. Có nhiều thí dụ không tiện kể ra đây. Tôi, sau này, đã ôm ấp nhiều cơ thể phụ nữ trần truồng khác trong tay mình nhưng chưa bao giờ có thể tìm được một cơ thể khoả thân nào đẹp như tòa thiên nhiên của cô gái điếm năm ấy.

Tôi đã luôn mong có dịp gặp lại cô lần nữa. Những lúc rủng rỉnh nhuận bút, tôi đến các nhà thổ, luôn tỏ ra khó tính để gặp được nhiều cô gái nhất trong khả năng có thể. Mặc dù tôi không dám chắc chắn rằng mình có thể nhận ra nếu gặp lại cô không. Chỉ có hình ảnh về cơ thể của cô là còn lưu lại rõ nét mà thôi. Hơn nữa, cũng chẳng ai dám khẳng định rằng sẽ nhớ từng chi tiết về khuôn mặt mà mình chỉ gặp một lần và đã thôi không gặp lại trong một thời gian dài cả, nhất là trong thời loạn động mà khuôn mặt nào cũng thất thần na ná nhau. Cũng có thể cô đã chết, trong một trận đạn lạc (khả năng này cao hơn cả), bên một bàn đèn, vì bệnh hoa liễu, tự vẫn, trong một vụ ẩu đả hay tai nạn giao thông, trong một lần sẩy chân ngộp nước (cái này thì hi hữu quá, nhưng chẳng phải không có khả năng trong cuộc đời vô thường này) và vân vân.

Đầu óc tôi nghĩ ra đủ các kiểu về những nguyên nhân tử vong của một người, và qua đó mới thấy, cái thân những tưởng chắc thật này mới mong manh và dễ tan hoại làm sao chứ. Có những trường hợp kì lạ, chẳng hạn như ca sĩ opera qua đời trên sân khấu khi đang hát về cái chết, hay thậm chí còn buồn cười nữa vì gần như không thể tin được. Tôi nói buồn cười ở đây là theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này, vì quả thật đã có những người đã chết vì cười không ngừng nổi, và nhà triết học Hi Lạp cổ đại Chrysippus là kinh điển cho thí dụ này. Nhưng sao tôi không nghĩ đến chuyện cô đã bỏ nghề nhỉ? Không, nếu thế thì thất vọng quá. Thật khốn nạn, tôi đang mong một người con gái sẽ giữ nghề này sau nhiều năm đến vậy. Nhưng tôi còn có cơ hội mảy may nào để gặp lại cô đây?

*

*       *

Đêm ấy, tôi khá say. Tôi vừa in tập thơ thứ hai và buổi ra mắt một tập thơ thì không bao giờ được thiếu rượu. Đó là loại quy tắc mà ta biết rằng chưa hẳn đã đúng nhưng không thế không xong. Có những thứ quy tắc lạ thế đấy. Thanh toán các chi phí xong xuôi, tôi không còn được bao nhiêu tiền. “Có lẽ chỉ có thể đủ một cuốc loại thường. Cũng chả sao.” Tự nhủ thế, tôi bắt xe xuống Thị Nghè.

Tôi đứng khá lâu mà không thấy có cô nào ngang qua. Tôi khá rành khu này. Chỉ cần đứng đó, nhìn quanh với vẻ nháo nhác một chút, sẽ có một cô nào đó đến hỏi, ‘bay’ hay ‘đậu’, ngã giá và thoả thuận nơi nghỉ lại, thế là xong.

Khi bắt đầu thiếu nhẫn nại và định bước xuống lề để bắt xe về thì tôi trông thấy cô gái đó. Tôi không nhận ra ngay nhưng khi thấy cô đi chậm và mắt ngóng ra đường thì tôi biết cô là cái mình cần đêm nay. Cô mặc chiếc váy jean xanh dương có hàng cúc cài phía trước, hơi cũ, sơmi không tay với cách điệu ở cổ, vai mang xắc nhỏ màu nâu, loại hàng hiệu là mốt cách đây ba bốn mùa thời trang. Chân mang giày đế xuồng tím quai mảnh, cộng với chiều cao ấy, tôi đoán, nếu sánh vai có khi cô sẽ vượt hẳn tôi cả nửa cái đầu. Hầu như không trang điểm gì, cô trông hơi già dặn với đôi mắt đọng quầng thâm khá sẫm trên khuôn mặt có những đường nét cân đối, rõ ràng. Nhưng có lẽ tối đa cô chỉ ngoài ba mươi một chút, tôi nghĩ thầm lúc đưa tay vẫy cô. Có lẽ, nếu ở một nơi nào khác, tôi ắt đã không dám tự tiện làm thế.

“Dạ, anh gọi em?” Cô hỏi, giọng Sài Gòn chính gốc, nhẹ và trong hơn miệt thứ. Tôi chắc thế vì khá rành các thổ âm vùng cận qua những chuyến lang bạt của mình.

“Ừ, tôi gọi. Cô rảnh chứ?” Tôi không hiểu sao mình lại hỏi thế.

“Dạ.” Cô kín đáo đưa mắt nhìn đồng hồ trên tay tôi. “Đến 12 giờ. Không trễ hơn.”

“Tốt thôi. Nhưng,” tôi bỗng nghĩ là có lẽ mình không mang đủ tiền, “tôi có thể hỏi cô bao nhiêu không?”

“Dạ. Hai trăm. Nếu một tiếng thì ba trăm rưỡi.” Cô cắn nhẹ môi dưới khi thấy vẻ tần ngần do dự trên mặt tôi. Chắc cô sợ tôi chê đắt. “Nhưng với anh thì ba trăm cũng được.”

Cô thấp giọng nói nhanh câu sau, tiếng nhíu lại với nhau gần như nghe không rõ. Tôi cảm giác ánh mắt cô đang đâm sâu vào tôi. Quá khỏi tôi. Và lướt tới một khoảng mênh mông tối nào đó đằng sau. Tôi kéo kéo cổ áo, xuýt xoa.

“Nhiều gió nhỉ? Em lạnh không?” Tôi vừa nói vừa đút tay vào túi quần. Tôi bỗng quên bẵng là mình còn bao nhiêu tiền. “Xin lỗi, nhưng tôi có thể đếm xem mình còn bao nhiêu tiền trước mặt em không?”

Cô gật nhẹ.

Tôi còn chính xác ba trăm bảy mươi tư đồng. Dường như cô cũng thấy nên khi tôi ngước nhìn lên thì cô nhắm mắt.

“Nếu về nhà em, thì anh có thể ở đến sáng mai.” Cô quay mặt đi. Tiếng cô loãng tan vào gió đêm, nhẹ bẫng.

Nhà cô, hay tạm gọi thế, cách cầu không xa nên chúng tôi đi bộ. Tôi đi ngoài lề sát mép đường và cô bên trong. Cô im lặng, đi chậm vừa phải và hơi cúi đầu. Tôi ngửi thấy một mùi gì như mùi oải hương. Chúng tôi đi khá gần nhau, đến mức đôi khi theo nhịp bước, tóc cô khẽ chạm vào má tôi. Tôi cởi chiếc áo khoác da của mình đưa sang cô nhưng cô chỉ khẽ lắc đầu.

Tôi chợt nhớ đến cô gái năm ấy. Một liên tưởng bật dậy tựa như có ai đó vừa kéo phựt một sợi dây đàn nào trong óc tôi vậy. Có cái gì giông giống và có vẻ như trực giác tôi vận động nhanh hơn trí óc tôi nhiều. Tôi đã ngờ ngợ ngay từ đầu. Nhưng xét kĩ, không thể có khả năng cô gái ấy là cô gái này. Tính ra, họ hơn kém nhau khá nhiều tuổi.

Tôi bỗng thấy mình choàng tay qua hông cô. Bàn tay tôi chạm đến một đường lườn nhỏ nhắn và mềm mại. Cô hơi rùng mình, nhưng không phản đối, chỉ nhẹ ngước mắt nhìn sang tôi. Ngoài phố khá tối, nhưng không hiểu sao tôi bỗng thấy bóng mình rất rõ trong đôi đồng tử sâu thẳm ấy. Một nỗi u hoài như trách móc, như cảm thông gợn lên trong mặt hồ phẳng lặng đó khiến lòng tôi chùng lại thông qua một luồng điện ấm áp đến rợn gáy, và trong một tích tắc, tôi bỗng nhiên thấy mình thấu hiểu cô trọn vẹn, triệt để đến tận chân tơ kẽ tóc, như thể cô đã hóa thành một pho tượng bằng pha lê trong suốt trước mắt tôi. Hoàn toàn không ngăn cách, hoàn toàn thân thuộc, bất chấp tuyến tính của thời gian. Cái cảm giác phi lí đó hệt như cô là một người mẹ, nếu tôi có mẹ, dịu dàng nhìn đứa con hoang đàng trở về nhà sau nhiều năm dài lưu linh lưu địa trong bộ dạng bơ phờ thiểu não của một kẻ cháy túi, cả tình lẫn tiền. Và tôi xoay người để đối diện hẳn với cô, ôm choàng lấy cô trong vòng tay níu chặt.

Tôi đứng đó, cả hai tay vòng ra sau lưng cô, hơi cúi để ngả đầu lên vai cô, hít đến ngạt thở mùi tóc, mùi oải hương thơm thoảng của nước hoa quyện lẫn mùi mồ hôi nồng dịu trên cổ cô, cả một ít mùi long não giữ quần áo để lâu trong tủ, cho đến khi chợt ý thức rằng mình đang đứng giữa hè phố. Tôi nghe giọng cô êm êm vọng đến bên tai, chừng như vì cô đã nhận ra cử động nhúc nhích mơ hồ của tôi trên vai mình.

“Không sao, anh cứ tựa thêm chút nữa,” tay cô se sẽ vỗ nhịp nhàng trên lưng tôi, “em sẽ chờ.”

Chúng tôi giữ im lặng suốt đoạn đường về còn lại. Một lời nào lúc ấy sẽ vô duyên lắm, tôi và chắc là cả cô nữa, đều hiểu thế. Người xích lô ngủ gà gật trên chiếc cần câu cơm của mình nơi đầu ngõ, duỗi bàn chân đen nhẻm gác lên khung xe trong lúc đưa tay đập chát vào mặt để đuổi muỗi và nhóp nhép nói mê khi chúng tôi ngang qua. Mùi cồn kèm hơi chua khó chịu từ dạ dày khuấy qua mũi tôi. Tôi định khịt mũi, nhưng kịp thắng lại, mình có khá gì hơn đâu?

“Đến nhà em rồi.” Cô chợt dừng lại.

Tôi buông tay đang quàng bên hông cô. “Thế ư?”

“Dạ.” Quay qua tôi, cô nói khẽ. “Anh chờ em ở đây chút nhé.”

Tôi nhìn quanh. Một con hẻm nhỏ hút với những ban công chằng chịt dây phơi quần áo lấn ra phía trên - một điển hình cho những xóm sâu. Bóng đèn điện với chụp đèn móp méo treo đầu hẻm xô bóng tôi dài ngoẵng lên mặt đường xám hục hiu. Ở đây có vẻ không nhiều rác như những con hẻm khác chúng tôi đã đi qua. Từ nhà ai vẳng tới tiếng chương trình tin tức cuối ngày. Có tiếng giường kêu cọt kẹt mơ hồ. Cũng có thể là tôi nghe nhầm.

Cô quay ra, cầm theo chiếc chìa khóa cổng chung ở đầu dãy nhà mà cô không bỏ trong túi xách, hẳn là sợ đánh mất, hay bị cướp. Cô tra chìa vào ổ, rón rén nâng sợi xích nhỏ cột vào trụ cổng, nhưng nó vẫn phát ra tiếng leng keng trong không gian lặng tờ. Cô nép qua một bên chờ tôi vào rồi lại quàng xích lên, vừa bấm khóa vừa quay ra nhìn tôi, vẻ xin thứ lỗi vì phiền hà. Tôi khẽ đưa tay, lắc đầu, ý đừng ngại. Nhưng khuôn mặt nghiêng nghiêng bị che đi phân nửa với mớ tóc xõa mượt trong bóng tối kia vẫn thoáng hiện nét ngượng ngùng, tựa như biểu cảm của một nàng thục nữ học đường bị bắt quả tang đang lén lút mở cửa gặp người yêu.

Cô dẫn tôi lên cầu thang bằng gỗ, bề ngang vừa đủ một người đi. Tôi nhón bước theo cô, bật cười với ý nghĩ: đây là những nấc thang dẫn đến Niết Bàn. Cô quay lại nhìn. Tôi biết mình hơi lố, trong đêm, tiếng cười tôi vang lên khá rõ.

Căn phòng cô ở có ban công nhìn ra hẻm. Cuối ban công kê một ban thờ nhỏ trên hai giá đỡ chữ L, có tượng Quan Âm và một lư hương, bông trái tinh tươm. Có lẽ thường xuyên được lau dọn. “Phòng này chủ nhà không dùng đến, sau khi cô con út mất vì tai nạn,” cô giải thích khi thấy tôi nhìn quanh, “khi đến đây tìm chỗ ở, em may mắn được họ cho thuê với giá khá rẻ.” Căn phòng đơn giản, có toilet nhỏ ở góc, một tủ quần áo màu cánh gián đã bong tróc đôi chỗ, một chiếc bàn vuông đóng bằng gỗ thô sơ bày một lọ cúc trắng nhỏ không còn tươi lắm cạnh đầu giường ngủ đã có người nằm - một bé gái chừng ba tuổi. Thấy tôi nhìn, cô bế đứa nhỏ dịch sát vào tường.

“Nó ngủ mê lắm.” Cô đưa tay sờ trán con bé. “Nó sốt.”

“Lâu chưa?” Tôi nhìn đứa bé ngủ mê man, vài sợi tóc bết mồ hôi lấm tấm trên trán và hai bên má. Cô bé thừa hưởng chiếc mũi cao thanh tú và đôi viền môi nhỏ sắc nét của mẹ, khiến khuôn mặt bầu bĩnh cân phân đang thiêm thiếp vì bệnh đó trông vẫn rất đáng yêu.

“Dạ, hai bữa rồi.” Cô chống tay ngồi dậy, bước vào toilet. “Anh chờ em chút.”

“Ừ.” Hai bên thái dương bỗng thấy nhưng nhức, tôi ngồi xuống giường. Mơ hồ nghe như có tiếng quần áo sột soạt, tôi tìm cách mở lời lấp đi. “Em làm chuyện này lâu chưa?”

“Lâu.” Phải mất một lúc mới nghe cô trả lời. “Hơn một tuần rồi.” Và tôi nghĩ là tai mình phong thanh một tiếng thở ra trong tiếng vòi nước đang được xả mạnh hơn một chút. “Em bị đuổi việc phụ bán quán A Chảy dưới Chợ Lớn.”

“Chỗ ấy thì tôi biết.” Tôi lấy hai ngón tay trỏ day day hai bên trán. “Nhưng sao mà bị đuổi?”

“Em…” cô ngập ngừng, “em không biết. Có lẽ bộ dạng của em không làm khách vui, như lời lão bản người Tàu nói khi lãnh lương lần cuối.”

“Em không có người thân nào để nhờ vả ở thành phố sao?” Tôi ướm hỏi, có chút hiếu kì. “Nghe giọng em, chắc là dân Sài Gòn đây mà.”

“Ông bà ngoại con bé ở quận Nhất.” Cô ngừng một thoáng. “Họ từ em khi em lấy ba con bé.”

“Thế anh ta đâu?” Tôi dựa lưng vào thành đầu giường, nhắm mắt và nghe tiếng nước đã ngưng chảy.

Giọng cô bình thản, gần lại. “Em cũng không biết, ít nhất là lúc này. Có lẽ cũng đâu đó trong thành phố thôi.” Hai bên cổ tôi mát lạnh, cô đã đặt tay mình lên đó. “Anh không sao chứ? Trông anh có vẻ mệt.” Mùi oải hương thoang thoảng, nhẹ hơn lúc nãy.

“Không sao đâu.” Tôi mở mắt. Cô có bộ ngực gọn với hai núm vú nhỏ khá hồng hào cho một phụ nữ đã có con. Cô xếp hai tay thành hình chữ X che đi khi thấy tôi nhìn.

“Em ngồi cùng anh nhé.” Cô nói, nửa đề nghị nửa thông báo, rồi ngồi vào lòng tôi.

Tay cô không thành thạo mấy nhưng tôi bỗng thấy mình cứng một cách nhanh chóng. Tuy vậy, tôi không muốn mình hấp tấp quá. Cô nhắm mắt và lặng lẽ hưởng ứng từng cử động của tôi. Da cô rười rượi mát, mềm vừa phải, và mịn màng. Tôi như chú mèo liếm láp cục mỡ đông.

“Không làm em đau chứ?” Tôi hỏi nhỏ vào tai cô.

Cô lắc đầu, im lặng xoa nhẹ hai tay lên ngực tôi. Khi đã sẵn sàng, tôi đi vào cô, dừng lại đủ lâu trước khi bắt đầu với những chuyển động nhanh và mạnh hơn. Dường như cơ thể cô cuối cùng cũng đã bắt lửa. Cô cố nén để không rên lên thành tiếng, âm thanh bị nghẹn lại ở yết hầu, nghe như tiếng kêu của kẻ bị trúng thương. Tôi thì cố để không trở thành tên đào ngạch nhà người khác lúc nửa đêm, thoắt vào lại thoắt ra.

Giữa lúc ấy thì con bé khóc. Cô mở mắt, quàng một tay sang bên cạnh, vỗ vỗ, xoa xoa vào lưng con, rồi quay lại nhìn tôi. “Em xin lỗi, xin lỗi! Anh cứ làm đi! Anh không sao chứ?”

Tôi lắc đầu, rút lui, và ngả người sang một bên, để tránh nhìn đôi mắt cô lúc đó. Tôi chưa chuẩn bị để nói câu gì trong tình huống này. Nếu có, thì lúc này cũng sẽ quên mất. Đúng lúc thế kia mà. Tôi vụt nhớ đến mặt giếng nước lóng lánh sẫm tối. Và cả khuôn mặt cô gái năm xưa hiện ra trong đó như thể một tấm chân dung được lồng sau khung kính tròn. Khuôn mặt mà tôi đã không nhớ nổi, hoặc nghĩ mình không thể nhớ nổi qua bao nhiêu lần thử hình dung lại đó, khuôn mặt mà tôi nghĩ nó bị cắt rời, tách biệt hoàn toàn với cái cơ thể tôi ghi khắc rất rõ trong đầu kia, giờ đây đang hiển lộ trước đôi mắt đang khép lại của tôi, rõ ràng như khi quay cận cảnh chậm trên màn ảnh. Máy quay lùi xa ra một chút, và tôi thấy chiếc đầu mang gương mặt đó nối ghép liền lạc vào thân xác bên dưới, thành một nhân dạng hoàn chỉnh, rõ nét đến sững sờ.

“Xin lỗi anh! Anh thật sự là không sao chứ?” Mắt đỏ hoe, tiếng cô rung bấn, xen lẫn tiếng khóc thét của cô bé giờ đã thành tiếng rấm rứt dai dẳng, bất chấp đủ kiểu dỗ dành của người mẹ. Tôi sờ tay lên trán nó, giật mình vì hơi nóng hâm hấp đó chứng tỏ nó sốt cao hơn tôi tưởng.

“Bình thường thôi mà.” Tôi trấn an cô, nhưng thực sự lúc ấy thì tôi nghĩ bụng, bình thường thế quái nào được chứ? Vùng dưới bụng tôi đau quặn vì nín lại, nhưng tôi cắn răng tiếp tục, bởi hẳn cô cũng đâu có lường trước trò bỡn cợt của số phận này. “Bình thường thôi, không sao đâu. Vấn đề bây giờ là con bé. Em có biết bác sĩ nào gần đây không?”

Cô vẫn nhìn chăm chăm vào con, khe khẽ lắc đầu. “Em không.” Vai cô rung rung trong cơn quẫn trí, hai tay lóng ngóng sờ trán, hết quẹt mồ hôi, lại vén mớ tóc rối cho con. “Mà giờ này cũng đâu ai làm việc nữa. Bệnh viện thì…” Cô bỏ lửng không nói thêm. Trông sắc diện tái nhợt đó, tôi có cảm giác như cả thế giới vừa sụp đổ tan tành và chỉ còn lại mình cô trơ trọi đang đứng trong lổn ngổn bụi mù trước mắt.

“Em có chanh không, pha một ít nước mớm cho con bé uống để hạ nhiệt trước đã.” Tôi không đành lòng khoanh tay ngồi nhìn. Cho đến lúc đó, có lẽ đầu óc cô đã gần như bị đông cứng với đầy những giằng xé nát hồn. Cô bật dậy ngay khi nghe tôi nói thế, như người choàng tỉnh trong cơn mộng du, vội vàng chạy lại chỗ kệ gỗ nhỏ kê lên làm bếp sơ sài, có vài chiếc rổ con đựng gia vị linh tinh. Tôi nói với thêm, “cho anh xin cả chậu nước với khăn mặt nữa nhé, dấp trên trán nó đỡ vậy.” Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi áp dụng chính những cách mà ngày tôi còn bé, sư phụ đã từng làm mỗi khi tôi dặt dẹo vì cứ ốm sốt luôn.

*

*        *

“Rốt cuộc, con bé cũng ngủ lại sau khi cô ấy liên tục lau người và đắp khăn ướt lên trán nó. Tôi ngồi cạnh, giúp cô ấy xoay xở chăm sóc con bé.”

“Thầy nghĩ gì vào lúc ấy?” Tôi hỏi, sau một hồi nghe và ghi chăm chú. Tôi đã kết thúc cuộc phỏng vấn về trung tâm trẻ mồ côi do ông khởi xướng và điều hành từ mười mấy năm nay ngay tại chùa này từ sớm. Rồi cuộc trò chuyện không hiểu sao lại đi đến chỗ tâm sự về đời riêng ông. Có lẽ vì bản thân tôi cũng là người hám chuyện, hoặc biết cách gợi chuyện - thói quen của kí giả - và trông tôi cũng ra dáng một Phật tử thuần thành, nhờ công của cha mẹ người bạn thân từ thời đại học - đạo hữu mạnh thường quân của chùa - đã căn dặn hết mực kĩ lưỡng về phép tắc cư xử và cách xưng hô, cùng một số từ khóa “chuyên ngành” thường dùng trong chốn thanh tu, nên ông đã mở lòng với tôi chăng? Hay là vì cái chất chướng quái với những câu hỏi ngoắc ngoéo có ba phần hoài nghi, bảy phần châm biếm của kẻ phàm tục là tôi nhỉ?

“Nghĩ gì ư?” Vị sư già ngẫm nghĩ. “Tôi chẳng nghĩ gì vào lúc ấy cả. Nhưng sau đó thì có đấy.”

“Chẳng lẽ còn có… chuyện gì nữa ư?” Hỏi xong, tôi biết mình lỡ lời nên nâng chén nhấp một ngụm trà. Qua vành chén, tôi thấy một nụ cười ý nhị trên đôi môi nghiêm nghị của ông.

“Ừ,” ông gật đầu, “khi thấy con nhỏ đã thiếp đi, tôi vào toilet rửa mặt cho tỉnh táo. Khi bước ra, mũi tôi ngửi thấy một mùi mà nhắm mắt tôi cũng có thể nói chính xác. Mùi nhang trầm.” Ông nhìn tôi, mỉm cười. “Anh đoán được chuyện gì không?”

“Cô ấy thắp nhang cầu nguyện cho con?” Tôi thử nói, sau một lúc suy nghĩ. Cũng không phải quá khó đoán.

“Trước ban thờ Phật. Khoả thân.” Chuyện này thì chịu, không tưởng ra nổi, tôi nghĩ thầm. Đôi mắt ông lấp loáng sáng. “Trong ánh điện đỏ mù mờ hắt tới, đó là một cơ thể khoả thân đẹp kì dị. Hẳn là cô đã quên mất mình đang thế nào.”

Ông nhìn chén trà một lúc lâu, trong khi tôi kiên nhẫn chờ vì cũng không biết nên mở miệng nói gì, rồi thở nhẹ nói tiếp. “Tim tôi như ngừng đập, vì ngực tôi đau nhói như có ai vừa cầm một chiếc dùi sắt nung đỏ hừng hực đâm xuyên. Nói như thế còn nhẹ, và có phần sáo rỗng quá, nhưng tôi cũng chả có cách diễn tả nào tốt hơn. Và rồi bỗng thấy như có một thằng tôi khác đã tách ra khỏi xác mình, đang trân mắt nhìn cái thằng tôi này đứng như trời trồng ở đó. Tôi không chắc kẻ đang đứng chịu đựng đây là tôi thật, hay chính người đang đứng kia mới là thật tôi nữa.”

“Ý thầy là… có một người có bề ngoài hoàn toàn giống thầy đang đứng đó thực ư?” Tôi lên tiếng, khi thấy ông ngừng lại hơi lâu như để tìm lời. Tôi không rành ba cái vụ hồn xác kiểu này lắm.

“Như tôi đã nói,” ông trầm ngâm, “tôi không chắc. Chuyện xảy ra vào một thời điểm hết sức nhạy cảm. Đúng là có những thời khắc khi mà thân thể và não bộ quá một ngưỡng vật chất nào đó, tâm trí ta sẽ vô cùng khó xác định cái gì là thật, cái gì không. Tôi đã đọc nhiều tài liệu khảo cứu về thần kinh học và phân tâm học cho hiện tượng này, nhưng vẫn không có câu trả lời thích đáng. Nhưng, tôi giả định bằng vào những gì tôi biết dựa trên khoa học, nghe dễ chịu hơn mấy thứ thần bí lằng nhằng, phải không, rằng cái thằng tôi kia, hẳn muốn trốn khỏi cái đau chịu không thấu đó, hoặc đang muốn giễu nhại cái thằng tôi này với một cái cười đểu chua chát, có lẽ vậy.”

Ông lại nhìn tôi, như thử đang xem xét phản ứng trên mặt tôi, gật đầu, rồi lại khe khẽ lắc. “Mặc dù, xét ở một bình diện nào khác, bản thân tôi không hoàn toàn thấy thuyết phục, bởi vì cảm giác lúc đó là rất thực và tri giác của tôi thì hoàn toàn bình thường. Tôi đã thử tự véo, cấu, tát vào người mình mà kẻ trước mặt vẫn không biến đi. Nếu là yêu ma mộng mị gì đó, hẳn đã không như vậy.”

Tôi hơi rối trước tình tiết huyền hoặc dị thường và mớ lập luận vòng vèo kia, nhưng cố giấu đi bằng một câu hỏi khác. “Rồi sau thế nào ạ?”

Vị sư già quắc thước nhìn tôi ra chiều thông cảm. “Món này khó nhỉ?” Ông nheo mắt cười, đôi con ngươi ngả màu xanh lông chim trả, lấp loáng như điện chiếu ấy khiến tôi giật mình, nhưng thật may, ông đã lại trầm mặt ngay. “Tôi để lại tiền và chiếc đồng hồ, món đáng tiền duy nhất trong người khi ấy, lón lén xuống thang, leo rào ra ngoài. Gió đêm thổi lạnh. Rụt vai, tôi đút tay vào túi và dấn bước. Tiếng chân vang lẻ loi trong đêm tịch mịch, như những nốt nhạc lạc nhịp. Ngay lúc đó, tôi biết rằng, mình không bao giờ có thể chạm đến một cơ thể phụ nữ nào nữa trong phần đời còn lại, theo mọi nghĩa của từ này.”

“Thầy còn gặp lại cô ấy bận nào nữa không?” Tôi bỗng có ước muốn được gặp người phụ nữ ấy một lần.

“Không.” Vị sư già trước mặt tôi lắc đầu, đưa mắt nhìn ra khoảng sân lốm đốm nắng lay dưới tán bồ đề. “Không trực tiếp. Cô ấy không nhận ra tôi, hoặc có vẻ thế. Nhưng, anh biết diễn viên Yến Nguyệt chứ? Con gái của cô ấy đấy.”

“Vâng,” tôi đáp. “Chị ấy thì con biết. Chị của bạn thân con.” Câu này tôi nghĩ, nhưng không nói thành lời.

N.N.Đ