Thứ Hai, 20/12/2021 06:04

“Những cánh thư vượt sóng” đến Trường Sa

Những thư và thiếp đẹp nhất đã được chọn ra để trưng bày trong triển lãm thư thiếp Những cánh thư vượt sóng năm 2022 để công chúng cùng chiêm ngưỡng, qua đó tiếp tục lan tỏa tình yêu biển đảo.

 Để thể hiện tình cảm và sự quan tâm đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biên cương, hải đảo, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phối hợp cùng Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức hoạt động Xuân biên giới - Tết hải đảo năm 2022. Trong đó, ban tổ chức đã phát động chương trình Những cánh thư vượt sóng.

Chương trình Những cánh thư vượt sóng được tổ chức, phát động tới các học sinh, sinh viên trên toàn quốc với hình thức viết thư tay và làm thiếp chúc tết gửi tới các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.
Sau một thời gian phát động, ban tổ chức đã nhận về rất nhiều thư, thiệp chúc tết cực kì công phu, đẹp đẽ gửi gắm tình cảm đến các chiến sĩ hải quân từ rất nhiều các tỉnh thành trong cả nước. Những bức thiệp 3D, 4D vô cùng cầu kì, sống động và đầy bất ngờ. Những bức thư chan chứa tình cảm được thể hiện bởi những nét chữ đẹp như hoa… CLB quyết định trưng bày thư và thiếp trong ba ngày trước khi gửi ra biển đảo. Thời gian gian trưng bày từ ngày 17-19/12/2021 tại Bảo tàng tuổi trẻ Việt Nam, số 3 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo anh Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương chia sẻ: Xuân biên giới - Tết hải đảo là hoạt động hết sức ý nghĩa mà CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tổ chức định kì hàng năm. Đây là năm thứ 5 liên tiếp chương trình được thực hiện. Trong đó, triển lãm Những cánh thư vượt sóng lần đầu được thực hiện bởi sự tham gia nhiệt huyết của học sinh đến từ khắp các vùng miền. Sau 20 ngày phát động, CLB đã tiếp nhận hàng vạn thư, thiếp chúc tết. Tiêu biểu các tỉnh có số lượng lớn, chất lượng cao bao gồm: Yên Bái, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nội. Có tỉnh xa như Cà Mau cũng gửi thư, thiếp về CLB. Các cấp học có số lượng thư thiếp chiếm đa số là tiểu học và THCS. Trong đó, xuất hiện những thư thiếp tập thể làm rất công phu, thể hiện 3D, chữ viết rất đẹp. Có những bức thư cô giáo và học sinh cùng làm. Có những cô giáo là vợ bộ đội làm thư thiếp. Có học sinh làm thiếp gửi cho bố là chính trị viên ở đảo Trường Sa đông…

Điều đặc biệt là, có rất nhiều tỉnh thành tuy không có biển nhưng tinh thần vì biển đảo được thể hiện rất ấn tượng. Tiêu biểu là ở huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ, một địa phương vùng trung du, sau bốn tháng phát động, đã khánh thành tại các trường học 25 mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, công trình ý nghĩa kỉ niệm 46 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa. Đáng chú ý, kinh phí để thực hiện việc làm ý nghĩa này đều do nhân dân đóng góp, thực hiện. Bên cạnh đó, có tới 80 điểm trường, tính cả trường mầm non của địa phương đều đang trồng và chăm sóc cây bàng quả vuông được đưa về từ Trường Sa.

Ông Bùi Xuân Vĩnh, Phó Bí thư huyện ủy Cẩm Khê chia sẻ về chương trình Những cánh thư vượt sóng: ngành GD&ĐT huyện đã nỗ lực trong công tác giáo dục tình yêu quê hương và chủ quyền biển đảo cho các em học sinh. Chương trình này là cơ hội để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục được thể hiện tình cảm với biển đảo quê hương bằng những hành động thiết thực, nối gần Trường Sa với vùng quê đất Tổ. Đặc biệt là với học sinh, các em đang chuẩn bị những hành trang cần thiết để chuẩn bị bước vào đời với tương lai rộng mở phía trước. Các em hãy luôn tự hào mình là người con Đất Tổ, mang dòng máu con Rồng cháu Tiên. Ngoài việc học kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng xu thế hội nhập hiện nay, các em cần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương con người. Các em luôn phải ghi nhớ, biển đảo là một phần máu thịt của đất nước, do cha ông ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu giữ gìn. Chúng ta cần có trách nhiệm tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, Tổ quốc Việt Nam.

Với các em học sinh tại Thủ đô Hà Nội, chương trình đã mang đến cho các em những trải nghiệm rất ý nghĩa. Các em đã thể hiện tình cảm của mình một cách chân thành và sâu sắc qua từng tấm thiệp nhỏ, qua từng dòng thư: “Kính gửi các chú hải quân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, cháu tên là Nguyễn Khoa Đăng lớp 3A8 trường Tiểu học Dịch Vọng B. Từ Thủ đô Hà Nội, cháu xin gửi tấm thiệp nhỏ cùng bài thơ do cháu tự sáng tác dành tặng các chú. Các bạn học sinh trường cháu cũng vẽ rất nhiều thiệp, tranh và viết rất nhiều thư để gửi các chú đấy ạ. Mẹ cháu nói, Trường Sa ở xa lắm, từ đất liền ra hải đảo phải đi mấy ngày trên tàu mới tới. Để bảo vệ biển đảo Tổ quốc, các chú phải ở rất xa gia đình, xa đất liền. Cháu mong những lá thư, tấm thiệp của chúng cháu sẽ nhanh chóng đến được với các chú. Tết lại sắp đến rồi. Cháu kính chúc các chú hải quân luôn mạnh khỏe, luôn chắc tay súng để kẻ thù không dám tới gần, để bảo vệ nhân dân, bảo vệ chúng cháu…”

Cũng ở một nơi không có biển đảo, cô giáo Trần Hải Hoài, giáo viên trường THCS thị trấn Văn Giang, Hưng Yên bày tỏ: “Tôi chưa từng được đi Trường Sa và thăm nhà giàn DK1, mà chỉ biết những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh gác biển trời của Tổ quốc nơi hải đảo xa xôi qua các phóng sự, phim ảnh, bài báo. Được sống trong cuộc sống đầy đủ về vật chất và sự yêu thương, tôi mới thấy rằng những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nói chung và cán bộ, chiến sĩ hiện đang công tác tại Trường Sa và nhà giàn DK1 là vô cùng to lớn; các anh, các bạn, các em đã không tiếc tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với tình cảm nhỏ bé của trường THCS thị trấn Văn Giang được thể hiện trong Những cánh thư vượt sóng hi vọng sẽ mang chút tình cảm nơi hậu phương, chút ấm áp khi chuẩn bị bước sang mùa xuân mới tới những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Chúc các anh đón một mùa xuân mới vui tươi, đầm ấm bên đồng đội thân yêu”.

Những thư và thiếp đẹp nhất đã được chọn ra để trưng bày trong triển lãm thư thiếp Những cánh thư vượt sóng năm 2022 để công chúng cùng chiêm ngưỡng, qua đó tiếp tục lan tỏa tình yêu biển đảo. Chương trình sẽ mang đến cho mùa xuân Trường Sa trọn vẹn hơn, ấm áp hơn khi quê hương luôn bên người lính. Ngày 20/12/2021, toàn bộ số thư thiếp sẽ được chia thành 48 phần gửi tới 33 điểm đảo Trường Sa và 15 Nhà giàn DK1.

ĐỨC SƠN