. NGÔ VĨNH BÌNH
Mùa hè năm 2014, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức một trại sáng tác văn học. Trại sáng tác năm ấy là dịp gặp gỡ, trao đổi, giao lưu về nghề của những nhà văn đã, đang và sẽ là cộng tác viên thân thiết của Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Đồng Nai và Nhà xuất bản Đồng Nai. Về dự có nhiều nhà văn từ trẻ đến già. Có cả những tên tuổi đã từng đứng trên bục cao nơi “nhà số 4” nhận giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội hay giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (Khôi Vũ, Nguyễn Trí, Nguyễn Đức Thọ, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Một, Đàm Chu Văn, Thu Trân, Bích Ngân, Trần Thu Hằng…).
Một cảnh trong phim Dưới cờ đại nghĩa
Với riêng tôi, trại viết nói trên là dịp may để tôi biết thêm về những nhà văn ở xứ này, có người tôi mới chỉ nghe danh, có những anh chị là người quen trong công việc hoặc qua tác phẩm của họ. Một điều rất thú vị là trong số nhà văn mà tên tuổi, văn nghiệp gắn với miền đất này có rất nhiều người đã từng ở, từng công tác, là công dân một thời của phố Lý Nam Đế, Hà Nội - nơi Tạp chí Văn nghệ Quân đội đặt trụ sở tòa soạn - như nhà văn liệt sĩ anh hùng Nguyễn Thi, nhạc sĩ liệt sĩ anh hùng Hoàng Việt, nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn Nam Hà, nhà thơ Xuân Sách… và tướng quân thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ. Theo nhiều tài liệu “giải mật” sau khi nhà thơ mất, Huỳnh Văn Nghệ từng có một thời gian dài là cư dân của “phố nhà binh”. Ông trú ở nhà số 10, cách “nhà số 4” mấy bước chân thế mà rất ít người biết! Cuộc đời của ông luôn phủ một màn khói sương huyền thoại.
Dòng sông Đồng Nai oai linh, hiển hách đã cưu mang, nuôi dưỡng, lưu giữ tâm hồn, khí phách, phẩm chất cần cù của người dân nơi đây. Người dân Đồng Nai luôn thấy bóng mình trên dòng sông ấy qua đủ vui, buồn, li tán, đạn bom.
Rạch Đông nước chảy, con cá nhảy
con tôm nhào
Thương người xa xứ lạc loài tới đây
Huỳnh Văn Nghệ - tướng quân thi sĩ không phải là người “xa xứ lạc loài” mà là sinh ra tại đất này. Ông sinh ngày 2/2/1914 tại xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (tỉnh Biên Hòa cũ). Ông từng học ở Sài Gòn, học rất giỏi và được nhận học bổng Trường Petrus Ký - một ngôi trường danh tiếng thời Pháp thuộc, sau làm viên chức Sở Hỏa xa. Huỳnh Văn Nghệ tham gia các phong trào yêu nước do Đảng lãnh đạo từ khi còn rất trẻ. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, ông sang Thái hoạt động và chủ biên tờ báo yêu nước có tên Hồn cố hương, rồi về nước tham gia khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trực tiếp chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Huỳnh Văn Nghệ trở về quê hương Tân Uyên xây dựng căn cứ kháng chiến - một căn cứ mạnh của miền Đông Nam Bộ thuộc “chiến khu Đ”. Câu ca Chiến khu Đ, đi dễ khó về/ Quân đi mất mạng tướng về mất lon để chỉ nỗi ám ảnh, khiếp sợ của thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Tại chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ là chỉ huy trưởng một chi đội, sau đó là Khu phó Khu 7, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310 - đơn vị nổi danh với trận đánh La Ngà, được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Chiến công (Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được Bác gửi thưởng riêng một áo trấn thủ)... Trong Lượm cánh hoa rơi (Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai, 2000), nhà văn Hoàng Văn Bổn cho rằng Huỳnh Văn Nghệ là “con người huyền thoại” của đất miền Đông “gian lao mà anh dũng”, một người chỉ đứng sau tướng Nguyễn Bình. Nhà văn viết: “Lúc ấy, anh (tức tướng quân Huỳnh Văn Nghệ) đã sừng sững là một chỉ huy trưởng, một Tư lệnh Khu, một Khu bộ phó... Dưới trướng của anh có nhiều vị “khổng lồ, bặm trợn” như các vị chỉ huy trưởng: Quang đen, Quang trắng, Nguyễn Văn Lung, Hoàng Thọ, Hoàng Trường, Võ Tinh Quân, Võ Bá Nhạc... mà chỉ nghe tên giặc đã nể dè.”
Sau kháng chiến chống Pháp, Huỳnh Văn Nghệ ra Bắc tập kết, được phong hàm thượng tá, công tác tại Cục Quân huấn - Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1965, ông về lại chiến trường miền Nam phụ trách khu căn cứ Trung ương cục, Phó ban Kinh tài miền. Sau khi đất nước thống nhất, ông làm Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp (về sau hợp nhất vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ông lâm bệnh và mất tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/3/1977. Ba mươi năm sau, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Chiến khu xanh, Bên bờ sông xanh, Rừng thẳm sông dài. Ngày 17/4/2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đủ thấy ông văn võ toàn tài. Đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông là “Thi tướng rừng xanh”.
Cũng theo nhà văn Hoàng Văn Bổn, trong thời gian này ở chiến khu Đ, Huỳnh Văn Nghệ làm nhiều thơ về quê hương, về cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Thơ Huỳnh Văn Nghệ giàu chất hùng tráng, nặng tình nước, tình dân... Những bài thơ lẻ ông làm trong thời kì này được Nhà xuất bản Sông Bé tập hợp lại và in thành tập Dòng sông xanh (1981). Trong tập thơ này có nhiều bài được bộ đội chép tay, thuộc lòng. Chẳng hạn như bài Trăng lên vừa sâu lắng tình cảm vừa giàu chí hướng: Đưa tay lên chỉ trời cao trong vắt/ Hai ngôi sao trong chòm sao Nam, Bắc/... Muốn làm sao ta có sợi dây đàn/ Đem giăng thẳng nối Nam, Bắc/ Chờ tiếng xôn xao trong ngày đã tắt/ Ta trỗi lên khúc “hận ngàn thu”. Đặc biệt bài thơ Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ đã khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi với mỗi con người miền Nam. Hình ảnh Bác luôn hiển diện Trong ba lô chiến sĩ/ Trong cặp vở học trò/ Trong bức tranh họa sĩ/ Trong vần điệu nhà thơ. Cũng trong tập thơ trên còn có bài Nhớ Bắc với những câu thơ nổi tiếng: Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Theo nhà văn Hoàng Văn Bổn, “những câu thơ bất tử” này về sau có nơi, có lúc được in, được đọc là: Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Dị bản này cũng hay nhưng không đúng với khẩu khí của người dân xứ “Đồng Nai khoai củ”.
Những câu thơ bất hủ trong bài Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ không chỉ góp phần tạo cho ông một “bút danh” mới, một tên gọi đầy tinh thần nể trọng là tướng quân - thi sĩ, mà mãi về sau này còn là ngọn nguồn của rất nhiều cuộc tranh luận, giai thoại... Nghe kể, sau giải phóng miền Nam, nhà thơ Huy Cận khi được biết đó là những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ đã “vô cùng ngạc nhiên” vì trước đó ông cứ tưởng là một câu ca dao của vùng Đông Nam Bộ, còn nhà thơ Tố Hữu thì thốt lên: “Lạ hỉ... rứa mà bấy lâu ni tui không biết hề!”
Mộ của Huỳnh Văn Nghệ hiện nằm tại quê hương: xã Mỹ Lộc (nay là Thường Tân), huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trên mộ có khắc hai câu thơ trong bài Dòng sông xanh của ông: Xin gửi bài thơ trên cát trắng/ Và chiều nay tôi sang bến lên đường. Cuộc đời ông đã được Hãng TFS dựng thành phim truyền hình 37 tập có tên Vó ngựa trời Nam, do Nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc làm đạo diễn và diễn viên Huỳnh Đông thủ vai. Phim được dàn dựng từ năm 2007 và công chiếu vào tháng 3/2010, nhận được phản ứng tích cực của công chúng. Ngoài ra, trong phim Dưới cờ đại nghĩa sản xuất năm 2006, Huỳnh Văn Nghệ được diễn viên Lê Văn Dũng thể hiện… Tên của Huỳnh Văn Nghệ cũng được đặt cho một đường phố ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) và một giải thưởng văn học - nghệ thuật 5 năm ở địa phương.
N.V.B