Thứ Sáu, 02/05/2025 00:23

Những dấu chân nơi biển đảo Tây Nam

Đứng trên con tàu hướng ra biển Tây Nam, tôi lặng người trước vùng trời nước bao la. Xa xa, những hòn đảo hiện ra lấp lánh trong ánh mặt trời và sóng nước... (Ghi chép của VŨ THÀNH DUY)

. VŨ THÀNH DUY

Đứng trên con tàu hướng ra biển Tây Nam, tôi lặng người trước vùng trời nước bao la. Xa xa, những hòn đảo hiện ra lấp lánh trong ánh mặt trời và sóng nước. Ở nơi ấy, những người lính Hải quân Vùng 5 đang bám trụ…

Đoàn công tác di chuyển từ xuồng vận chuyển lên tàu HQ 526. Ảnh: Giang Phương

Thuyền trưởng 526 và hành trình giữ sóng

Đêm giữa biển Tây Nam, sóng đánh ầm ì vào mạn tàu, từng cơn gió mang theo hơi mặn len qua khe cửa, phả vào không gian thứ hơi thở đặc quánh của đại dương. Tôi trằn trọc không ngủ được, nằm nghe tiếng động cơ trầm trầm vọng từ khoang máy, nghe cả tiếng cựa mình của những người lính trên tàu.
Bên ngoài, ai đó vừa trở dậy thay gác, tiếng bước chân nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Tôi ngồi dậy, khoác vội chiếc áo rồi bước lên boong. Biển đêm sâu thẳm. Bầu trời lác đác vài ánh sao heo hắt. Ở góc boong tàu, Đại úy Nguyễn Văn Đăng, Thuyền trưởng tàu 526, vừa kết thúc ca trực, đang ăn vội bát cháo còn bốc hơi. Đồng hồ đã điểm một giờ sáng. Tôi bước đến, anh ngước lên cười nhẹ, ánh mắt lộ rõ sự mệt mỏi nhưng vẫn vững vàng.
“Không ngủ được à anh?” - Đăng hỏi bằng giọng khàn khàn.
Tôi gật đầu, ngồi xuống cạnh Đăng. Những con sóng bạc đầu vẫn miệt mài xô vào thân tàu. Giữa cái lạnh của biển cả, tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình đồng đội.
“Tàu 526 ra khơi bao lâu rồi Đăng?” - Tôi hỏi, nhìn về phía chân trời vô định.
“Chuyến này mới đi được vài ngày, nhưng từ ngày em về Vùng 5 thì đi không biết bao nhiêu chuyến rồi” - Đăng đặt bát cháo xuống, kéo cao cổ áo tránh cơn gió biển để tiếp tục câu chuyện.
Quê Đăng ở Hà Tĩnh, lúc ở nhà chẳng nghĩ sẽ vào hải quân. Vì hồi ấy nhà nghèo, bố là thương binh, chỉ mong con cái có cái nghề để đỡ vất vả, mà nghề gì cũng được miễn sao lương thiện. Cậu cũng từng thi vào Đại học Giao thông Vận tải, đỗ đấy nhưng không dám học vì nhà không có tiền. Đi làm thuê một thời gian, thấy cuộc sống khó khăn quá, cậu quyết tâm phải thi vào trường quân đội cho đỡ gánh nặng gia đình. Lúc đăng kí, cậu chẳng biết Học viện Hải quân ở Nha Trang. Cứ nghĩ là ở loanh quanh Hải Phòng thôi. Ngay cả ngành Hàng hải, Đăng cũng chọn vô tình, vì nghĩ đơn giản chỉ cần có chỗ học là tốt rồi. Ai ngờ đâu, cái vô tình ấy lại đưa cậu ra với biển cả…
Tôi bật cười trước sự hồn nhiên trong giọng kể của Đăng. Nhưng tôi hiểu, đằng sau sự hồn nhiên đó là cả một hành trình đầy gian nan.
“Đăng nhớ nhất chuyến đi nào?”
“Chắc là chuyến đi bảo vệ tàu khảo sát địa chấn CGG Amadeus. Ba tháng lênh đênh trên biển, sóng to đến mức bốn ngày không ăn nổi cơm, chỉ uống sữa cầm hơi. Mỗi ca trực kéo dài bốn tiếng, lúc đó em bị say sóng kinh khủng, đã vậy còn mắc bệnh khó ngủ, lúc nào mắt cũng quầng sâu, nhưng đã nhận nhiệm vụ là phải quyết tâm làm bằng được anh ạ. Tàu em chạy liền hai tuần trong điều kiện gió bão, hết phiên trực được vào đất liền tránh sóng ba ngày, chưa quen đất liền lại phải quay lại làm nhiệm vụ”.
Tôi nhìn Đăng, dù đã quá quen với những chuyến đi, nhiều ngày tháng không thấy đất liền, nhưng tôi hiểu Đăng vẫn không tránh khỏi nỗi nhớ gia đình, nhất là trong khoảng thời gian lênh đênh trên biển này.
“Từ ngày về đơn vị, chưa năm nào em về Hà Tĩnh ăn tết cùng bố mẹ. Con em sinh năm 2021, lúc ấy em đang đi khảo sát Trường Sa. Lúc mới sinh, con em bị tràn dịch phổi, phải cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Huế. Lúc đó em sốt ruột lắm, muốn xin về thăm con ngay. Nhưng khi ấy đang thời kì cách li dịch Covid, tưởng đã không về được. May thay lúc đó không còn ca mắc mới, một số chuyến bay trong nước được mở lại. Đơn vị tạo điều kiện cho em về phép. Vợ em sau sinh sức khỏe yếu không đưa con đến viện được, bà nội lủi thủi thay cha mẹ vượt hơn 300km đưa cháu vào Huế để chữa bệnh. Em về đến viện, cũng không được vào thăm con. Ngày đó muốn đi đâu, làm gì phải có giấy xét nghiệm PCR, mà bệnh viện quy định mỗi bệnh nhân chỉ được kèm một người nhà. Nếu em muốn vào thì mẹ em phải ra ngoài, sau đó muốn trở lại lại phải xét nghiệm... Sức khỏe mẹ em lúc đó cũng không tốt. Em đành lặng lẽ đứng ngoài bức tường theo dõi tin con suốt ba ngày. Các bác sĩ biết chuyện, ra động viên là con em đã ổn, em yên tâm về chăm sóc vợ ở nhà đi”.
Tôi lặng đi khi nghe chuyện của Đăng. Tâm trạng của Đăng hẳn đã rối bời khi không thể ở bên gia đình lúc họ cần mình nhất. Sóng vẫn vỗ đều đều vào mạn tàu. Bầu trời đen thẫm. Không thấy một ánh đèn nào từ đất liền.
“Em đi nhiều như vậy, vợ có giận không?” Đăng bật cười, nụ cười của một người đã quen với những dỗi hờn. “Lúc đầu cũng giận chứ. Nhưng rồi cũng hiểu dần. Mỗi lần về, vợ em chẳng hỏi gì khác ngoài câu: “Bao giờ anh đi?” Câu nói ấy như một mũi kim đâm nhẹ vào lòng, bởi nó quen thuộc với biết bao người lính xa nhà…
Từ câu chuyện của Đăng cả đêm đó tôi cứ vẩn vơ nghĩ về gia đình, về những hành trình mải miết từ điểm đảo này sang điểm đảo khác của những người lính biển.

Những ca mổ không máy móc
Con đường từ chân dốc lên Trạm Radar 625 đảo Hòn Đốc gập ghềnh đá sỏi, uốn lượn theo triền núi. Gió biển thổi mạnh. Tôi vừa leo dốc vừa trò chuyện với Trung tá Nguyễn Văn Du, bác sĩ quân y của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, người được tăng cường chăm lo sức khỏe trong chuyến đi này. Nguyễn Văn Du đã có 25 năm gắn bó với những hòn đảo xa.
Anh chia sẻ, làm bác sĩ ở đất liền, sau lưng là cả một bệnh viện. Còn ngoài đảo, nhiều khi chỉ có mình với bệnh nhân. Ở đây, bộ đội hay ngư dân, ai cần là mình cứu. Anh nói về công việc nhẹ như không, nhưng tôi biết anh đã phải đối mặt với nhiều tình huống gian nan.
Năm 2012, lúc đó anh công tác trên đảo Thổ Chu, một ngư dân bị tai nạn lao động, đứt động mạch chủ. Khi có người chạy đến báo tin, anh vội vàng lao đi. Tới nơi, anh thấy máu đã phun xối xả nhuộm đỏ cả một khoảng sân, bệnh nhân gần như kiệt sức, ai cũng nghĩ sẽ không qua khỏi. Không có phòng mổ, không có dụng cụ chuyên biệt, ngay lập tức, anh dùng tay bịt chặt động mạch chủ, giữ lại những giọt máu cuối cùng của bệnh nhân. Thiếu dụng cụ, thiếu thiết bị, anh chỉ có thể tận dụng những gì có sẵn. Một đoạn ống nhựa nhỏ được anh luồn vào trong động mạch để duy trì dòng chảy, rồi khâu từng mũi một ngay tại chỗ, dưới ánh đèn pin yếu ớt. Vừa khâu vừa nhờ người tiêm thuốc trợ tim cho bệnh nhân. Bảy tiếng đồng hồ căng thẳng trôi qua, máu ngừng chảy, bệnh nhân dần ổn định. Khi anh tháo găng tay, những ngón tay đã tê cứng vì giữ vết thương quá lâu. Lúc đó anh mới thở phào. Khi trời sáng, các anh lập tức đưa bệnh nhân vào đất liền. Sau một thời gian điều trị bệnh nhân đã mạnh khỏe trở về đảo trong niềm hân hoan của bà con ngư dân và những người lính đảo.
Hai năm sau, Trung tá Nguyễn Văn Du lại phải đối diện với một ca nguy hiểm khác. Một người dân trên đảo tên Vàng đau bụng suốt hai ngày mà không rõ nguyên nhân. Đảo không có máy siêu âm, theo kinh nghiệm anh chẩn đoán chị Vàng bị viêm ruột thừa cấp. Nếu đưa vào đất liền mất ít nhất 10 tiếng, trên đường đi nguy cơ chỗ viêm bị vỡ là rất cao sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Không còn lựa chọn nào khác, anh quyết định mổ ngay tại đảo. Một chiếc bàn gỗ vuông đơn sơ, những thân cây tre được buộc ngang qua bàn để cố định bệnh nhân, thuốc tê chỉ đủ tiêm trực tiếp vào vùng bụng. Không có máy thở, anh phải đặt bông trước mũi bệnh nhân để theo dõi, nếu thấy yếu, lập tức tiêm thêm thuốc trợ tim. Máu chảy đến đâu, kẹp lại đến đó. Từng thao tác đều phải chính xác tuyệt đối. Chỉ sau 25 phút, ca mổ thành công, bệnh nhân sau đó bình phục nhanh chóng.
Nhưng tình huống khiến anh nhớ nhất là ca đỡ đẻ cho một sản phụ gặp biến chứng. Hôm đó, người nhà hớt hải đưa chị vào trạm xá, báo rằng đau bụng dữ dội nhưng chưa sinh được. Anh khám xong là hiểu ngay thai nhi bị ngạt, nếu không mổ gấp, cả mẹ lẫn con đều có thể nguy hiểm. Lúc mổ, anh chỉ nghĩ làm sao để hai mẹ con an toàn. Đến khi cháu bé cất tiếng khóc đầu tiên, cả phòng mới thở phào nhẹ nhõm. Sau này, mỗi lần quay lại đảo, anh lại thấy gia đình bế đứa bé ra đón, gọi anh là “bố nuôi”. Ngày trước trên đảo không có số điện thoại, nhưng bà con ngư dân vẫn nhớ anh, vẫn tìm đến đơn vị cảm ơn. Cái tình cảm quân dân đó không gì có thể đánh đổi được.
Nghe anh kể, tôi chợt hiểu ra, giữa vùng biển xa xôi này, bác sĩ quân y cũng chính là một trong những chỗ dựa cho người dân yên tâm đến và ở lại đảo.

Thổ Chu từ thảm sát đến hồi sinh
Từ Hòn Đốc tiếp tục hải trình tôi đến với Thổ Chu. Chợt nhớ lại những thông tin tra trên Google mà không nguôi ám ảnh. Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ tràn lên đảo, cưỡng ép hơn 500 cư dân địa phương lên tàu rồi sát hại một cách dã man. Chỉ một gia đình may mắn trốn thoát và mang tin dữ trở về đất liền. Ngày 23/5/1975, bộ đội ta tổ chức tấn công, tiêu diệt quân địch, giành lại Thổ Chu. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về cuộc thảm sát kinh hoàng ấy vẫn còn đè nặng, khiến suốt gần 20 năm không một ai dám quay lại sinh sống. Mãi đến năm 1992 mới có những hộ dân tiên phong đặt chân đến Thổ Chu với khát vọng hồi sinh hòn đảo này.
Tôi gặp ông Lê Minh Chiến, một trong những hộ dân đầu tiên ra đảo lập nghiệp. Ông nhớ lại ngày 27/4/1992, gia đình ông cùng sáu hộ khác lên tàu từ đất liền ra đảo. Chuyến đi kéo dài từ sáng đến tối, khi đặt chân lên đảo ai cũng rợn người vì cảnh hoang vu, đường sá chưa có, cỏ mọc cao quá đầu người. Hai tháng trời phải tá túc trong doanh trại quân đội. Nhờ sự hỗ trợ của bộ đội mà nhà đã được dựng, đất đã được khai hoang. Nhà nước cũng trợ cấp lương thực trong một năm đầu tiên, mỗi người lớn nhận 15kg gạo/tháng, trẻ em nhận 13kg.
Ông Huỳnh Văn Kịch, một trong những người đầu tiên ra đảo năm 1993, cũng kể lại những tháng ngày gian khó. Hồi đó, mọi thứ đều khan hiếm, đặc biệt là rau xanh. Cả năm trời, người dân trên đảo gần như không cần dùng đến tiền, vì thức ăn chủ yếu là tự cung tự cấp hoặc trao đổi với nhau. Điện chỉ có vài giờ vào buổi tối, nước sinh hoạt phải gánh từ suối về. Khi đau ốm, lại phải nhờ đến các bác sĩ quân y. Chính tinh thần đoàn kết giữa những người khai hoang với bộ đội trên đảo đã giúp họ vượt qua khó khăn.
Trải qua hơn 30 năm, từ những hộ dân ban đầu, đến nay Thổ Chu đã có hơn 2.000 nhân khẩu, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Đảo có trường học đến bậc THCS, trạm y tế theo mô hình quân dân y kết hợp, đường giao thông được bê tông hóa. Đời sống của người dân cũng khá hơn nhờ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hàng tuần có các chuyến tàu từ Phú Quốc ra giúp kết nối Thổ Chu với đất liền. Dù vẫn còn những khó khăn, nhưng cuộc sống của người dân trên đảo đã ổn định hơn nhiều so với những ngày đầu gian khổ.
Ở chuyến đi này tôi còn được gặp Đào Quốc Thanh, sinh năm 1991, ra đảo từ năm 1992 khi mới một tuổi. Chàng thanh niên có nụ cười hiền lành say sưa kể về những năm tháng tuổi thơ đầy khó khăn nhưng cũng tràn đầy tự hào.
“Hồi xưa ai cũng nghĩ Thổ Chu là vùng đất dữ, nhưng với gia đình em, đây là nhà, là nơi em lớn lên và gắn bó”.
Thổ Chu không còn là vùng đất hoang vu đầy ám ảnh của quá khứ, mà đã trở thành một vùng quê biển đảo yên bình. Những ai đã từng đến đây sẽ hiểu được rằng mỗi tấc đất nơi biên cương hải đảo không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống…

Mô hình chồng bộ đội - vợ giáo viên nơi đảo xa
Tôi gặp vợ chồng Trung tá Bùi Anh Dũng và cô giáo Hà Thị Oanh. Anh Dũng là thợ sửa chữa radar tại Trạm Radar 610 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, còn chị Oanh là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thổ Chu, cả hai cùng quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Năm 1992, khi còn là chàng trai trẻ vừa hoàn thành khóa huấn luyện từ Hà Nội, anh Dũng nhận nhiệm vụ ra đảo Thổ Chu. Khi này anh đã kết hôn, hai vợ chồng đành sống xa nhau.
Trạm Radar 610, nơi anh công tác, có nhiệm vụ quan sát, theo dõi các mục tiêu trên biển và trên không, báo cáo về sở chỉ huy để xử lí các tình huống tác chiến. Anh phải đảm bảo hệ thống luôn hoạt động ổn định, bất kể điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Những năm đầu, thiết bị còn thô sơ, nhiều khi gặp sự cố, anh em trong trạm phải tự mày mò sửa chữa, thậm chí nhờ đồng đội ở đất liền tư vấn từ xa. Bên cạnh nhiệm vụ quân sự, những năm tháng đầu tiên trên đảo, anh cùng đồng đội hỗ trợ người dân trong những ngày biển động, khi tàu tiếp tế không thể vào bờ. Có những lúc dân hết lương thực, bộ đội lại san sẻ từng lon gạo, chai nước mắm, quân dân gắn kết, sẻ chia.

Vợ chồng Trung tá QNCN Bùi Anh Dũng và cô giáo Hà Thị Oanh tại Trạm radar 610 trên đảo Thổ Chu.

Đến năm 1995, chị Oanh quyết định đưa con gái 3 tuổi theo chồng. Những ngày đầu đặt chân lên đảo chị không khỏi bỡ ngỡ. Đảo lúc ấy chỉ có vài chục nhà tranh, đường đi toàn cát. Trường học chỉ có hai phòng nhỏ, học sinh đủ lứa tuổi học chung một lớp. Nhìn thấy các em thiếu thầy cô, chị Oanh mạnh dạn xin dạy học dù chưa có bằng sư phạm. Được chấp thuận, một tuần sau chị đã đứng lớp dạy chữ cho lũ trẻ.
Những năm tháng sau đó là hành trình vừa dạy học, vừa theo đuổi con đường sư phạm của chị Oanh. Hè đến, chị lại vượt biển hàng chục giờ để vào đất liền học nâng cao. Có lần, khi từ tàu lớn chuyển qua xuồng nhỏ vào bờ, sóng lớn đánh lật xuồng, suýt chút nữa chị đã bị cuốn trôi. Nhưng dù khó khăn, chị vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Từ một ngôi trường chỉ có hai phòng học, giờ đây, ngôi trường của chị đã có đủ lớp học từ mầm non đến trung học cơ sở, có cả thiết bị hiện đại như tivi, mạng internet.
Nghe tâm sự tôi mới biết cặp vợ chồng bộ đội - giáo viên này đã phải trải qua nhiều năm tháng thiếu thốn. Có thời điểm, gia đình không còn tiền, gạo cũng cạn, bữa ăn chỉ có trứng vịt và rau rừng. Như năm 1997, bão số 5 quét qua đảo, căn nhà tranh của anh chị bị cuốn bay, cả gia đình phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng họ chưa bao giờ nản chí, bởi họ tin rằng mình đang góp phần xây dựng vùng đất mới. Và ở vùng đất ấy, con trai anh chị đã được sinh ra, lớn lên, nối nghiệp cha trở thành một sĩ quan quân đội, tiếp tục gìn giữ vùng biển đảo tươi xanh này…
Trong chuyến đi này tôi còn gặp thêm một cặp đôi chuẩn mô hình bộ đội - giáo viên nơi đảo Nam Du. Đó là thiếu tá Nguyễn Văn Hoài, Trạm Radar 600 (Trung đoàn 511, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) và chị Hoàng Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Sơn. Anh Hoài quê Hải Phòng, ra đảo công tác từ năm 1995. Ngày ấy, Nam Du còn hoang sơ, thiếu thốn đủ bề. Bốn năm sau ngày đặt chân lên đảo, anh nên duyên với chị Hường, một cô giáo quê Nghệ An, tình nguyện ra xã đảo gieo chữ.
Anh Hoài ngày đêm bám trạm Radar 600, canh giữ biển trời, chị Hường lặng lẽ ươm mầm tri thức. Là một cô giáo rời quê ra đảo từ khi còn trẻ, chị hiểu học trò nơi đây dù thiếu thốn đủ bề nhưng luôn khát chữ. Hơn hai mươi năm đứng lớp, chị đã chứng kiến nhiều thế hệ học trò lớn lên, có em theo nghiệp biển, có em vào quân ngũ, có em làm cô giáo, tiếp tục công việc mà chị đã dày công vun đắp.
Khi tôi hỏi về những khó khăn trong cuộc sống trên đảo, anh Hoài cười hiền, nói rằng những thiếu thốn về vật chất chưa bao giờ làm anh chùn bước. Nhưng có lẽ, với anh, nỗi vất vả lớn nhất chính là những ngày biển động không thể về nhà, là những lần đứng trên trạm Radar nhìn về phía trường học, nơi có người vợ vẫn miệt mài bên bảng đen, phấn trắng. Còn với chị Hường, nỗi nhớ quê, nhớ gia đình cũng từng khiến chị trăn trở. Nhưng rồi, nhìn những đứa trẻ trên đảo, nhìn người chồng khoác áo hải quân chị hiểu rằng Nam Du không chỉ là nơi làm việc, mà đã trở thành quê hương của mình.
Rời biển Tây Nam, tôi còn tiếc nuối. Thời gian quá ít, có nhiều nhân vật thú vị tôi chưa được gặp; có những câu chuyện trĩu nặng tâm tư vẫn chưa kể hết... Tôi tự nhủ sẽ còn quay trở lại, để được chứng kiến những đổi thay, để cảm nhận sâu lắng hơn nhịp sống của người lính biển, để lắng nghe thêm những tâm tư nơi đầu sóng…

V.T.D