Thứ Bảy, 04/12/2021 14:03

Những góc nhìn mới về “Antigone”

Bên cạnh các thể loại nghệ thuật nhằm tái hiện lại vở kịch của Sophocles, thì các tiểu luận triết học, những tiểu luận so sánh về nhân vật này cũng được độc giả quan tâm.

Có thể thấy đây là một vở bi kịch vô cùng điển hình, tưởng như thân quen, mà trước đó, Freud đã lấy Oedipus như đối tượng nghiên cứu phân tâm học của mình. Vậy thì có thể đặt ra câu hỏi, nếu không phải Oedipus mà chính Antigone là đối tượng nghiên cứu mà Freud có thể đã chọn; thì lịch sử triết học đã đổi khác ra sao? Và câu trả lời nằm ở tiểu luận của Judith Butler.

Mới đây, chương trình giao lưu văn hóa xoay quanh vở bi kịch Hy Lạp cổ đại Antigone do Viện Goethe và Nhà hát Tuổi Trẻ tổ chức, đã ra mắt khán giả dưới sự dàn dựng của hai đạo diễn kỳ cựu Bùi Như LaiTrần Lực. Đây là dự án nhằm tái hiện Antigone dưới góc nhìn Đông Phương, đặt cách tiếp cận gần với hiện tại cũng như thế giới quan của người Việt trẻ. Được hi vọng nối tiếp thành công của dự án Kiều năm ngoái, có thể nói sự trở lại của Antigone lần này đầy mới mẻ và nhiều thể nghiệm cho những ai đam mê nghệ thuật và những tiếng nói giao thoa.

Trong khuôn khổ chương trình, ngoài các tên tuổi gạo cội kể trên, thì dự án Antigone cũng được thể hiện dưới các góc nhìn và hình thức mới mẻ. Theo đó Dự án Kịch nói - Đối thoại cộng đồng Bức Chân Dung được Saigon Theatreland thể hiện dưới hình thức kịch một màn, lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 70 trong hành trình đi tìm bản lai diện mục của một con người qua những nỗi đau từ trong qua khứ. Được biết đây sẽ là hình thức có sự kết hợp giữa các nghệ sĩ dàn dựng, các chuyên gia tâm lí cũng như khán giả thưởng thức nhằm tìm ra được những gì ẩn sâu dưới lớp vở kịch.

"Antigone" bản dựng của đạo diễn Trần Lực. Ảnh: Công Nguyễn

Ngoài ra, XplusX Studio và đạo diễn Hà Nguyên Long cũng sắp giới thiệu tiếp đây dự án Antigone - Âm Mù dưới hình thức trình diễn đa phương tiện trên nền tảng online. Được biết, với hình thức này, khán giả có thể tương tác với một không gian ảo tái hiện thành Thebes phiên bản kĩ thuật số. Trong đó họ có thể lựa chọn những kênh cho mình, chọn tập trung vào một cá thể hay một góc nhìn mà mình ưa thích, cả trong và ngoài mạch truyện, từ đó góp phần tăng thêm sự tương tác và sự đồng hành của khán giả đối với vở kịch.

Bên cạnh đó, đạo diễn Hà Thúy Hằng cũng dùng lối dựng ước lệ biểu hiện tương tự đạo diễn Trần Lực nhằm tái hiện lại một không gian vô định, những thời gian – không gian nhảy cóc nhằm làm rõ hơn những gì diễn ra bên trong nhân vật Antigone cũng như cái chết của nàng. Cũng tromh lúc đó, vở múa đương đại A wo|man dưới bàn tay của các biên đạo Trần Minh Hải, Hoàng Thúy Hà, Phạm Thanh Hương cũng đào sâu thêm vào những diễn biến nội tâm và nhiều khơi gợi của Antigone.

Đa phần được diễn ra trong thời kì đại dịch, những khó khăn mà các đạo diễn gặp phải là không hề nhỏ, thế nhưng với những sáng tạo và các góc nhìn đầy đam mê hứa hẹn sẽ đem đến những biện giải vô cùng thú vị cho vở kịch quan trọng bậc nhất của Hy Lạp cổ này.

Antigone là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của Sophocles được viết hơn 2.500 năm trước; và từ lâu đã trở thành trung tâm của những biện luận, lí giải, phỏng đoán và phân tích từ các triết gia và nhà làm nghệ thuật trên toàn thế giới. Lấy bối cảnh thành Thebes cổ đại, Antigone là người con thứ trong số 4 con của Oedipus - người vô tình giết cha và lấy Jocasta - mẹ mình, làm vợ. Antigone là vở kịch sau của Oedipus làm vua.

Ở thế hệ sau, sau khi bị các con trai tiếm ngôi, Eteocles lên ngôi Hoàng đế. Do bất mãn trước quyền lực, Polyneices - người con trai cả nổi dậy phản kháng, dẫn đến kết cục là cái chết của cả hai anh em. Creon - người Chú, theo đúng luật lệ là người thừa kế ngai vàng, coi Polyneices là kẻ bội phản và ra quyết định không được chôn cất. Antigone với niềm tin vào luật lệ của Đấng Thần linh đã dũng cảm đứng ra chôn cất cho anh trai mình, để rồi cái kết chờ đó là việc bỏ đói và giam vào lòng hang sâu.

Sau khi Antigone tự vẫn, hôn phu của nàng cũng đồng thời là con trai của vua Creon đã không thiết sống. Hoàng hậu khi chứng kiến bi kịch này cũng tự vẫn, để lại Creon đơn độc và đầy hối hận trước sự ham mê quyền lực của mình.

Bên cạnh các thể loại nghệ thuật nhằm tái hiện lại vở kịch của Sophocles, thì các tiểu luận triết học, những tiểu luận so sánh về nhân vật này cũng được độc giả quan tâm. Ngoài những điểm chung với các nhân vật nữ anh hùng lịch sử hay là Nàng Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, thì mới đây Yêu sách của Anigone - nghiên cứu học thuật quan trọng bậc nhất trong hơn 70 năm qua - của triết gia, nhà nghiên cứu về giới Judith Butler, cũng được Nxb Phụ Nữ phát hành.

Tác phẩm "Yêu sách của Antigone" do Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành. 

Có thể thấy đây là một vở bi kịch vô cùng điển hình, tưởng như thân quen, mà trước đó, Freud đã lấy Oedipus như đối tượng nghiên cứu phân tâm học của mình. Vậy thì có thể đặt ra câu hỏi, nếu không phải Oedipus mà chính Antigone là đối tượng nghiên cứu mà Freud có thể đã chọn; thì lịch sử triết học đã đổi khác ra sao? Và câu trả lời nằm ở tiểu luận của Judith Butler.

Với tác phẩm này, Judith Butler bằng góc nhìn vô cùng đặc biệt đã phân tích một lần nữa vai trò của Antigone, trong mối quan hệ của nàng với thân tộc, sự sống và cái chết. Antigone trong quan điểm của Butler vượt thoát khỏi những cách đọc có phần truyền thống của Hegel và Lacan trước đây. Theo đó, bà nghi ngại tính phổ quát, hồ nghi tính đại diện của một nhân vật hoàn toàn hư cấu, và cũng đồng thời là kết quả của những rối loạn thân tộc. Judith Butler cũng bắt nguồn từ nữ quyền để đưa ra một góc nhìn rất đặc trưng về Antigone, về cuộc đối thoại giữa nàng và Creon, và với em gái Ismene của mình.

Butler phá cách một cách hoàn toàn ở Yêu sách của Antigone bằng một góc nhìn rất riêng, rất ngách, dựa trên nữ quyền luận và tiệm cận rất gần với những yếu tố đương đại. Butler đưa quyển sách này ra khỏi những góc nhìn xưa cũ, vốn bị cố định, đóng khung bởi những khuôn ngọc thước ngà, để chứng minh rằng Antigone không hẳn là người đáng phải cắm mũi chịu sào cho những quy chụp, suy diễn cố hữu vốn vẫn tồn tại từ trước đến nay.

Kết cấu 3 phần cân xứng, nhưng ngay từ chương đầu, Butler đã đưa ra những lập luận vô cùng sắc bén về luận điểm này. Đây cũng là chương mà những nhận định vô cùng mạnh mẽ được thiết lập về vai trò của Antigone. Khởi đầu, bà đã đưa ra ý niệm vì sao Antigone không nên được coi là một điển hình, bởi, ngay từ ban đầu, nàng là một nhân vật hư cấu không hơn không kém, và đứng từ góc nhìn này, nàng chỉ đại diện cho ý chí của Sophocles - tác gia vở kịch, và khó có thể nói là tượng trưng cho một thứ gì đó to tát lớn hơn và phổ quát hơn.

Thứ hai, bàn về tính nữ của nàng, dễ thấy ở Antigone tính “nam” đã vượt lên trên tính “nữ”. Vì sao ư, vì rõ ràng ngay từ tên nàng, Anti-gone đã mang hàm ý “chống lại sự sinh sản” - vai trò bức thiết nhất mà những phụ nữ cổ đại mang theo bên mình. Ngôn ngữ của Nàng được Sophocles đặt để cho thấy một ý chí sắt đá, mà có đôi lúc, nàng uy hiếp được cả Creon - vị vua đương nhiệm, khiến cho tính “nam” của Người giảm sút, và có đôi lúc đã nguyền rủa rằng, dẫu mình có chết thì không một nữ nhân nào được lên nắm quyền.

Thứ ba, Antigone luôn làm chủ những hành động và câu nói của mình. Nàng phủ định trong cái khẳng định từ cõi mơ hồ. Nàng chiếm được thế thượng phong và cũng đồng thời khẳng định một cách hoàn toàn những gì mình làm từ cái phủ định của xã hội đương thời. Đó là cái phủ định hoàn toàn không là đơn thuần, mà qua đó, bản tính khí khái của nàng hiện ra sáng rõ. Như khi vua Creon hỏi rốt cuộc có phải nàng là người đã chôn Polyneices không, Antigone đã đáp lại rằng “Tôi nói rằng tôi đã thực hiện hành động đó và tôi không phủ nhận hành động của mình”.

Thứ tư, là hậu duệ của một gia đình vốn có rắc rối về mặt thân tộc và là kết quả của một cuộc hôn phối gần mà dễ nói là trái luân thường đạo lí, giữa Oedipus và Jocasta, cũng đồng thời là mẹ mình. Điều này làm cho bản tính đại diện cho thân tộc của nàng dần bị lung lay, và càng rung lên gấp bội hơn nữa, khi chính Antigone cũng vướng vào vòng vây này, khi với Polyneices, nàng coi chàng ta còn hơn một người anh trai, một người đơn thuần chỉ có quan hệ huyết thống, mà đó còn là tình yêu nam nữ, tình cảm chôn giấu trong lời sấm truyền của gia tộc mình.

Thứ năm, về vai trò qua lại của nhà nước và thân tộc. Rốt cuộc rồi thì, Antigone không đóng vai trò của người đàn bà mất chồng, người mẹ mất con trong chiến tranh; để khái quát được motif của một “nữ thường”. Với nàng, việc mất đi Polyneices hướng về tính cá nhân hơn là cống hiến cho Nhà nước, và vì thế, tình trạng của nàng càng khác chuẩn hơn so với những gì mà Hegel và Lacan đặt ra. Như đạo diễn Trần Lực chia sẻ, ông cho rằng Ismene và Antigone là hai bản thể trong một con người, giữa một người nữ nhu nhược và người nữ cường. Trong khi đạo diễn Bùi Như Lai thì rất tượng hình, khi Ismene luôn chỉ quanh quẩn dưới những thang tre, và chưa khi nào có ý rời khỏi nơi đó trong vở kịch của mình.

Triết gia, Nhà nghiên cứu về giới Judith Butler. Nguồn: The Guardian

Từ năm điều trên, có thể thấy Antigone là một trường hợp vô cùng kì lạ, nàng không đơn thuần là một “người nữ sinh học”, nàng không chịu đựng nỗi đau chuẩn hóa của việc mất đi người thân từ trong chiến tranh. Nàng cũng đồng thời sinh ra trong một gia tộc có nhiều bi kịch thân tộc, trong khi luật pháp Creon dùng xét xử nàng cũng là một sự hòa trộn, không theo ý chí của các vị thần mà theo phần lớn là những ý niệm cộng đồng (theo lời buộc tuội của dàn đồng ca).

Antigone là một vở kịch hòa trộn mọi thứ, không theo quy chuẩn có thể khái quát, mang tính đại diện. Bằng góc nhìn nữ tính và vai trò của họ đối với chính trị, nhà nước; Judith Butler mang đến người đọc một góc nhìn “queer” vô cùng thú vị và nhiều kiến giải mới mẻ. Trường hợp Antigone đã vượt thoát ra ngoài vở kịch, và Judith Butler là người xây dựng cầu nối, quăng vở kịch vào những mảng miếng ngoài rìa xã hội, để cho thấy rằng nó không thích hợp một cách hoàn toàn với những gia đình không theo quy chuẩn, thiếu, dư hoặc không đủ những sự cốt cán, của những giới tính không theo thể thức nhị phân. Đây là một kiến giải rất mới mẻ và vô cùng tuyệt vời về Antigone mà ai yêu thích triết học cùng những góc nhìn mới rất nên đọc thử.

NGÔ THUẬN PHÁT