Thứ Sáu, 10/08/2018 00:53

Những liệt sĩ thời bình

Hơn hai mươi năm làm báo, viết văn trong quân đội, đã nhiều lần tôi tiếp cận với sự hi sinh quả cảm của đồng chí, đồng đội mình ngay trong thời bình. Điều đó luôn ám ảnh tôi. Day dứt, tiếc nuối và trăn trở. Có người còn trẻ lắm, vừa tròn hai mươi. (Bút kí của PHÙNG VĂN KHAI)
Bút kí. PHÙNG VĂN KHAI

Hơn hai mươi năm làm báo, viết văn trong quân đội, đã nhiều lần tôi tiếp cận với sự hi sinh quả cảm của đồng chí, đồng đội mình ngay trong thời bình. Điều đó luôn ám ảnh tôi. Day dứt, tiếc nuối và trăn trở. Có người còn trẻ lắm, vừa tròn hai mươi. Có người chưa biết mặt đứa con sắp sinh của mình. Có người đang xây dở ngôi nhà cho cha già mẹ héo. Có người chưa lập gia đình... Một số được phong Anh hùng ngay sau khi hi sinh như Liệt sĩ Lê Văn Phượng, Lù Công Thắng… Đặc biệt, có một người anh cùng cơ quan, trong một chuyến công tác, mà chỉ hôm trước thôi, anh còn điện thoại dặn tôi điều này điều khác về nghề, vậy mà mấy ngày sau, anh đã nằm đó, xương cốt cũng chẳng còn được bao nhiêu trong chiếc quan tài kẽm phủ lá cờ đỏ sao vàng cùng những đồng đội khác.
Nước mắt dường như vô nghĩa với chúng tôi, những người lính, đồng đội của anh.

Đã tròn hai mươi năm, tôi còn rõ mồn một chiếc quan tài kẽm của anh trong hàng quan tài kẽm phủ lá cờ đỏ sao vàng ấy. Anh là Liệt sĩ - Thượng tá Nguyễn Duy Thanh.

Khi tôi về mái nhà Truyền hình Quân đội Nhân dân, anh đã có hàng chục năm tuổi nghề, hàng trăm phóng sự từ chiến trường nóng bỏng đến những cuộc tháp tùng cờ hoa lộng lẫy nơi trời Âu, Phi cùng các đoàn quân sự cấp cao. Người con quê Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình ấy, lịch lãm mà gần gũi vô cùng. Cơ quan báo chí truyền hình mỗi người mỗi nết, có thể tranh luận kịch liệt về nghề, phê phán những điểm yếu, quyết liệt những khuôn hình chưa chuẩn, gay gắt một lời bình hời hợt, dễ dãi, nhưng khi rời phòng họp là yêu thương quấn túm lấy nhau. Tôi về Truyền hình Quân đội trong tâm thế e dè của một người trẻ tuổi, chưa từng học nghề, càng chưa từng làm nghề, cái nghề truyền hình vốn đào thải khốc liệt. Thế thì tôi sẽ làm sao đây ở nơi cạnh tranh đó? Các chị các anh, nhiều người đã thành danh, đã là những tên tuổi. Những chị những anh khác đều là những gương mặt trẻ nổi trội. Tất cả rộng mở bàn tay đón người em út là tôi. Nguyễn Duy Thanh bảo: Hãy đi xuống đơn vị cùng anh. Đó là nơi những người trẻ như em rèn luyện trưởng thành.

Tôi nhớ như in lời anh và lăn mình vào sống cùng bộ đội. Cái ngày ấy vất vả lắm. Bốn giờ sáng tự mình báo thức, khẽ khàng chui khỏi chăn ấm, nhóm lửa ăn bát cơm cà muối rau dưa rồi lọc cọc đạp xe ra bến, đi xe tuyến sang cơ quan 84 Lý Thường Kiệt. Nhà tôi ở một huyện nhỏ tỉnh Hưng Yên, đến cơ quan hơn hai mươi cây số, mất già một tiếng. Hôm nào cũng thế, trước sáu giờ sáng tôi đã có mặt. Tôi vốn con nhà nông nên xác định phải lấy cần cù chăm chỉ bù những thiếu hụt về học hành, nghề nghiệp. Nhà văn Chi Phan khi ấy phụ trách Truyền hình Quân đội ở căn phòng riêng trên gác hai cũng đã sáng đèn. Hai chú cháu không chào hỏi nhau nhưng đều biết một ngày mới đã bắt đầu. Chính đức tính chăm chỉ của ông đã rèn tôi không phải bằng lời nói mà là hành động thường trực của mình. Tôi soạn các tờ báo, ghim đóng theo khuôn khổ đặt ngay ngắn trên bàn rồi mau chóng đun nước sôi, chuẩn bị trà, đánh ấm chén để các chú các anh bắt đầu buổi giao ban sớm. Công việc ngày này qua ngày khác, tôi mặc nhiên kiêm quản vai trò liên lạc của cơ quan. Cần bài vở đưa vào cơ quan Tổng cục đánh máy: sẵn sàng. Cần sang Truyền hình Việt Nam đưa công văn: sẵn sàng. Cần gác cổng sắp xếp xe máy xe đạp của cộng tác viên tới làm việc: sẵn sàng. Những hôm làm việc khuya, đi mua cơm mua cháo cho các anh, tôi đều nhất nhất xung phong. Tôi nhập gia đình truyền hình tự nhiên và có phần an nhiên như vậy. Mọi người cũng tận tình chỉ bảo nghề cho tôi. Từng câu từng chữ, từng khuôn hình, từng vệt ánh sáng, cả những đường ăn nết ở ở đời. Anh Duy Thanh là người truyền nghề nhiều và tinh. Anh khẳng định tôi sẽ theo được nghề. Anh luôn rủ tôi đi làm những phóng sự dài về văn hoá thể thao. Anh bảo, chú phải phát huy thế mạnh văn học trong làm truyền hình mới có nét riêng và mới định danh nghề nghiệp được. Buổi chúng tôi đến chào để anh lên đường theo đoàn cấp cao thăm nước bạn Lào vào mùa hè năm 1998 định mệnh, cũng là khi anh đang giao tôi thực hiện một phóng sự dài về bóng đá Thể Công, đội đang trên đà vô địch nhưng anh đã sớm nhìn thấy những điểm yếu, những hụt hẫng chiến lược của nó. Duy Thanh rất yêu bóng đá. Anh là bạn thân của huấn luyện viên trưởng Vương Tiến Dũng khi ấy đang cầm trịch đội bóng. Cái ngày Thể Công không còn tên nữa, nước mắt tôi đã rơi, không riêng vì tiếc nuối thương hiệu đội bóng Quân đội mà còn cả nhớ đến anh. Hẳn còn sống, chắc chắn Duy Thanh sẽ không chịu để mất tên Thể Công dễ dàng như thế.

Trước hôm anh đi Lào, buổi chiều anh mời mấy phóng viên trẻ ra quán gần sân Cột Cờ. Bên cốc bia sủi bọt trắng, anh dặn tôi về những phỏng vấn với người yêu đội Thể Công. Anh bảo phải để họ cho roi cho vọt mới mong đội bóng trưởng thành bền vững. Đã có dấu hiệu ngôi sao ở đội bóng bắt đầu xuống dốc đấy. Tôi bảo, hay chờ anh về vì với những bậc đa đề làng bóng đá, tôi chưa chắc đã tiếp cận được. Anh bảo tôi hãy mạnh dạn lên. Mình làm vì nghề, vì đội bóng chứ đâu phải tên tuổi danh dự cá nhân ai đó. Anh đã điện thoại cho các vị ấy cả rồi. Phần lời bình anh hoàn toàn tin tưởng ở tôi. Anh bảo, nếu chú viết bớt ôi a đi thì sẽ sắc hơn. Chú vẫn còn làm văn trong lời bình. Lời bình cần chất văn học nhưng tuyệt đối tránh làm văn trong đó. Những lời của anh, cả sau này khi anh đã mất, ở những lời bình phim xuất sắc nhất được các giải thưởng của tôi, đều ít nhiều ảnh hưởng từ những căn dặn ấy…

Ngay chiều hôm sau, cả cơ quan lặng đi khi nghe thông tin: Máy bay đoàn công tác bị rơi ở Xiêng Khoảng. Buổi tối, thời sự đưa tin.

Chúng tôi bị sốc nặng. Tất cả lầm lũi, ngơ ngác, đau đớn nhưng vẫn mong chờ một màu nhiệm nào đó. Căng thẳng nhất có lẽ là vợ anh.

Chị đến cơ quan với một tâm thế rằng anh chưa hi sinh. Cơ quan không được phát tin hay có động thái gì. Anh vẫn còn sống. Cái sự máy bay rơi kia, chưa chắc đã phải sự thật. Mà máy bay có rơi thật đi nữa thì anh vẫn còn sống trong cánh rừng ở nước bạn Lào. Một ngày chị khẳng định thế. Nhiều ngày chị khẳng định thế. Tất cả cơ quan căng thẳng. Không riêng gì truyền hình mà cả các cơ quan cấp trên, cấp rất cao đều đang tất bật, dốc hết sức vào việc tìm kiếm dù rất khó khăn. Việc tiếp cận khu vực máy bay rơi trên đỉnh núi cao hơn hai nghìn mét là vô cùng phức tạp trong mùa mưa nước bạn, trời âm u cả ngày cũng như đêm. Những tiểu đoàn đặc công hai nước vạch đá, xuyên rừng, tiếp cận mục tiêu để xác định rõ người mất người còn, liên tiếp báo về những thông tin xấu. Ngay cả Đại tướng Chu Huy Mân, một người lính dày dặn chiến trường qua mấy cuộc chiến tranh cũng vô cùng bồn chồn, bởi con ông, Thượng tá Chu Tấn Sơn cũng ở trong đoàn công tác.

Nhưng sự thực đau lòng vẫn diễn ra.

Toàn bộ đoàn công tác với nhiều sĩ quan cao cấp đã hi sinh.

Cái thông tin ghê gớm ấy giáng xuống đầu những người lính thời bình chúng tôi. Trong đám tang kéo dài ấy, có lúc tôi tưởng như không chịu đựng nổi. Nhìn dãy quan tài kẽm phủ cờ đỏ nằm im lặng trong hội trường sân bay Gia Lâm không một ai cầm lòng được. Ngoài kia trời mưa như trút nước. Sấm nổ đì đoành không dứt. Những vệt sét nhoáng trắng trên vòm trời xám xịt nước mưa. Từ tờ mờ sáng, trong hội trường vắng ngắt, tôi thấy rờn rợn khi nhìn vào đôi cầu vai rung rung cùng mái đầu bạc trắng của Đại tướng Chu Huy Mân đang ôm những chiếc quan tài kẽm có phủ cờ của đồng đội ông, của con ông. Những mất mát hi sinh này vị tướng trận có mấy chục năm đằng đẵng đánh Pháp, đánh Mĩ, chiến đấu ở biên giới phía Nam, biên giới phía Bắc... làm sao ngờ được. Tôi đứng như trời trồng không bước được khỏi hội trường, nước mắt cứ thế rơi ra.

 
IMG 1691 new
Tác giả (thứ hai từ trái qua) và gia đình liệt sĩ Ngô Văn Vinh - Ảnh: PV

Cha mẹ anh Nguyễn Duy Thanh không ngờ là người đứng vững nhất. Cha anh, mái đầu bạc nâng cô con dâu và các cháu đã như tàu lá héo bên ngôi mộ đang lấp đất. Trên trời sấm vẫn nổ đì đoành. Tôi chưa từng chứng kiến đám tang nào đông người và nhiều nước mắt đến vậy. Em trai liệt sĩ Nguyễn Duy Thanh, anh Việt - khi đó là sĩ quan Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng, nén nỗi đau cùng cơ quan đoàn thể thu xếp công việc trong tang lễ. Sau này tôi khá thân với anh và nhận ra, mỗi khi có người hi sinh, những người thân đều trưởng thành vượt bậc dù không nói nên lời.

Lần đầu tiên tôi chứng kiến liệt sĩ thời bình là như thế.

Sau này, tưởng nhớ anh, nhớ lời căn dặn của anh, tôi thường lăn mình xuống với bộ đội, đặc biệt nơi nào có chiến sĩ ta hi sinh, tôi thường sớm có mặt. Đi vì được phân công đã đành, tôi đi còn vì sự thôi thúc của trái tim mình. Gia đình dòng họ tôi có nhiều liệt sĩ. Hôm công tác Điện Biên, vào nghĩa trang liệt sĩ, tôi lặng người bởi những tấm bia trong đó có nhiều người mang dòng họ Phùng. Thắp những nén hương thơm mà lòng day dứt dưới trời xanh mây trắng. Đã hơn nửa thế kỉ, sao những người hi sinh tuổi mười tám đôi mươi vẫn trẻ trung thế này. Dưới đất là xương cốt người đã khuất. Có những người không vẹn nguyên thi thể. Có cả những ngôi mộ gió chỉ đất và đất. Nhưng chính họ, đã làm cho lá cờ Tổ quốc tung bay, đã làm nên non sông của ngày hôm nay mà chúng ta đang sống. Những buổi đi nghĩa trang Thành Cổ, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn, trước trùng trùng mộ trắng, hàng vạn ngôi sao vàng nhấp nháy trên mộ các chị các anh. Gió thổi miên man. Cỏ xanh. Trời xanh. Những dòng sông xanh nơi đất mẹ. Và xa kia là biển xanh vạn dặm mà tổ tiên từng vùi xương trắng máu đào. Năm nào trở lại các nghĩa trang dâng hương cho các chị các anh, chúng tôi đều vẹn nguyên một cảm xúc thương tiếc khôn khuây. Hình hài nào chả do cha mẹ sinh thành. Nào ai ước muốn chiến tranh để những chàng trai cô gái mười tám đôi mươi phải lấy thân mình hiến dâng cho Tổ quốc. Tổ quốc của chúng ta, vẻ đẹp đầu tiên phải là vẻ đẹp những anh hùng liệt sĩ.
*
*     *
Có rất nhiều chiến sĩ hi sinh trong thời bình.

Không một ai mong muốn điều đó. Thế mà nó vẫn diễn ra. Đó là nỗi đau, trăn trở lớn nhất của chúng ta trong cuộc sống hôm nay.
Khi đối diện người vợ trẻ của liệt sĩ Đặng Đình Hào ở Yên Khánh, Ninh Bình, tôi đã không dám nói với cô một điều gì. Nhìn đàn gà con lích rích ngoài sân bên cạnh cậu bé con liệt sĩ Hào lẫm chẫm, tôi thấy mọi lời đều thừa thãi. Hôm cùng nhà văn Nguyễn Thế Hùng đến thăm gia đình liệt sĩ Lê Văn Phượng ở Nghệ An, tôi còn bàng hoàng hơn khi trong căn nhà tuềnh toàng dột nát, người mẹ già gần chín mươi tuổi đã không dậy được, nằm trên chiếc chõng tre, bên dưới là chậu than hồng nghi ngút khói trong tiết trời lạnh 5-6 độ. Hôm ở Lạng Sơn, trước vành khăn trắng của vợ liệt sĩ Ngô Văn Vinh, tôi và nhà báo Hàn Viết Hoan - Báo Biên phòng cũng chỉ biết ngồi im như tượng. Rồi trong căn nhà nhỏ thuê của một đơn vị xăng dầu, chị Đỗ Thị Hương, vợ liệt sĩ Vũ Anh Dũng mới ngoài hai mươi tuổi ru con ngủ khi chúng tôi quay những cảnh phim càng như cứa vào tâm can mỗi người. Những nỗi đau quá lớn với một gia đình, mỗi người cha, người mẹ, người vợ, người con. Họ đâu có lỗi gì. Họ càng không đáng phải chịu thiệt thòi như vậy.

Liệt sĩ Nguyễn Tuấn Ngãi hi sinh ngày 22/4/2013 tại đèo La Hy, xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là vùng dân tộc ít người, thường xuyên xảy ra cháy rừng rất khủng khiếp. Nguyễn Tuấn Ngãi quê ở Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An. Cha anh, người lính từng chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên như một động cơ thôi thúc anh nhập ngũ. Có ai ngờ, anh lại hi sinh đúng nơi vùng đất ngày xưa cha mình từng chịu mưa bom bão đạn. Chiến đấu với giặc lửa cứu dân nơi đồng đội cha mình từng hi sinh xương máu, người lính Nguyễn Tuấn Ngãi đã ngã xuống. Người cha, ông Nguyễn Tuấn Đức nghẹn ngào nhắc nhớ con trai: Mấy tháng trước, hai vợ chồng tui vô thăm con trong đó, thấy đồng đội và con trưởng thành mà mừng. Dọc bản, ai cũng bảo ông có người con đúng là Bộ đội Cụ Hồ. Người Nghệ An quê Bác Hồ tốt quá. Bộ đội Ngãi giúp đỡ bà con nhân dân nhiều lắm.

Thế mà giờ đã hai thế giới âm dương.

Châm nén hương trên bàn thờ con mình, ông Đức thờ thẫn như người mất hồn mất vía. Xưa mưa bom bão đạn suýt cướp cuộc đời ông. Nay bão lửa cháy rừng đã thực sự cướp đi người con máu thịt. Nước mắt người đàn ông bảy mươi tuổi như vón cục khiến chúng tôi nghẹn lại.

Có liệt sĩ hi sinh trong thời bình này khi vừa tròn hai mươi tuổi.

Anh là Hoàng Đặng Hùng, sinh năm 1984 tại quận Ngô Quyền thành phố Hải Phòng.

Hoàng Đặng Hùng nhập ngũ năm 2002 khi mới 18 tuổi.

Anh hi sinh ngày 25/7/2004 khi vừa tròn 20 tuổi.

Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng là con trai duy nhất trong gia đình bố mẹ đều là bộ đội công tác tại Cục Kĩ thuật - Quân chủng Hải quân. Chàng trai mười tám tuổi chắc là hồn nhiên và vô tư lắm, cả mộng mơ nữa khi cầm súng canh giữ biển trời Tổ quốc ở đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Một năm ở đảo, chàng trai mười tám rắn rỏi, trưởng thành, nước da sạm màu cát biển. Trong một lần cứu tàu giữa cơn lốc xoáy, Hùng anh dũng hi sinh. Trong lễ đón nhận liệt sĩ Hùng từ Trường Sa về quê hương, Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân bùi ngùi: Trong thời chiến và ngay cả thời bình, vẫn có những người chiến sĩ ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Máu của các chiến sĩ ngấm vào đất, tan vào biển để ngày ngày góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng như tiếp thêm sức mạnh cùng quân và dân cả nước làm thất bại mọi ý đồ của các thế lực thù địch lăm le lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền vùng biên hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng như bó đuốc sáng mãi tuổi hai mươi.

Những người hi sinh trong thời bình ở Trường Sa, không ít người có hoàn cảnh rất đặc biệt. Chị Đinh Thị Xoa, vợ liệt sĩ Đinh Văn Nam sinh năm 1982 thuộc Lữ đoàn Hải quân 125 cho biết, hai vợ chồng cưới nhau từ năm 2010. Vì nhiệm vụ công tác nên từ lúc cưới đến khi anh hi sinh, chị mới được gặp chồng ba lần. Anh Nam cũng chỉ được gặp cô con gái đầu lòng của mình duy nhất một lần. Trong nước mắt, người vợ trẻ nói câu được câu mất: Hai vợ chồng dự tính sắp tới, anh ấy xin chuyển công tác về Hải Phòng để được gần vợ gần con. Tôi cũng tính khi nào anh ấy ra thì cố đi xin việc làm rồi lo cho con. Buổi tối hôm trước khi hi sinh, anh ấy vẫn gọi điện về nói chuyện với gia đình…

Liệt sĩ Nam hi sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ một tàu Hải quân mắc cạn trên khu vực đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo Phan Vinh là khu vực luôn có sóng to gió lớn. Kiên quyết cứu tàu, Đinh Văn Nam hi sinh khi bị cáp tàu hất văng xuống biển.
Nước biển như càng mặn hơn, thiêng liêng hơn ở từng hạt cát chủ quyền.

Đối diện trước những bức thư của chồng gửi về vẫn còn nguyên vẹn, người vợ liệt sĩ - chị Nguyễn Thuý Hạ ở xóm 14, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội như vẫn bâng khuâng nhớ về anh. Nguyễn Hữu Hoà sinh năm 1971, nhập ngũ, được biên chế vào Lữ đoàn Công binh vượt sông 249 với công việc thường trực của ngành. Làm vợ lính Công binh vất vả đã đành, còn phải thường xuyên xa cách. Những lá thư như những cánh én nối từ đơn vị về gia đình thân thương biết mấy đang còn nguyên vẹn. Chị bảo, tính từ lúc cưới đến khi có hai mặt con, chẳng mấy khi anh ấy ở nhà. Cho đến lúc hi sinh, đã tám tháng anh không về và khi về lại là một thông tin định mệnh. Trong nước mắt, người phụ nữ sẻ chia những câu chuyện thật đến thắt lòng: Tôi vốn nhút nhát, mỗi khi đêm đến tôi thấy rất sợ. Nhà chỉ có ba mẹ con, lại ở giữa khu cánh đồng hoang vắng nên chỉ một tiếng động nhỏ cũng thấy giật mình. Trước đây, khi anh Hòa còn sống, dù lâu lâu anh mới tranh thủ về nhà thăm vợ con nhưng đó vẫn là một điểm tựa, niềm tin. Từ ngày anh mất đi, tôi càng cảm thấy sợ và cô đơn, nhưng vì nghĩ đến con nên cố gắng ở vậy nuôi các cháu ăn học nên người để anh có thể mỉm cười nơi chín suối.

Đứa con thứ hai chưa đầy ba tuổi trong lòng chị ngước cặp mắt trong veo ngơ ngác nhìn mẹ rồi nhìn về phía chúng tôi.

Mỗi người lính hi sinh ở thời bình, gia đình đều có mỗi vẻ khác nhau.

Căn nhà nhỏ ở xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là nơi chúng tôi cùng đoàn công tác đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Đoàn. Năm 2011, khi chở vũ khí gặp lũ quét bị lật xe, anh đã dũng cảm cứu xe và hi sinh. Bàn thờ nghi ngút hương thơm. Chị Trần Thị Thạch vợ anh đang lầm rầm khấn. Di ảnh liệt sĩ là một thiếu uý còn rất trẻ với đôi mắt sáng nhìn ra phía trước. Chúng tôi tiến tới bàn thờ thắp nén hương thơm. Đôi mắt anh nhìn chúng tôi như nhắn nhủ. Vâng. Điều anh nhắn nhủ, nhất định chúng tôi, những đồng đội của anh sẽ làm được.

Nhất định thế.
*
*     *
Những ngày ngâu tháng Bảy, cây cỏ đất trời u ám sũng nước. Từng đoàn, từng đoàn người đi về các nghĩa trang liệt sĩ. Những bông huệ trắng thơm, bông cúc vàng vương giọt nước mưa hay nước mắt người đồng đội, người mẹ, người vợ, người con đứng trang nghiêm trước bạt ngàn mộ trắng. Người nào còn chưa về đây, còn vương vấn nơi đỉnh núi đáy khe, nơi hoa sim hoa mua hoa gạo ủ lửa tháng ngày. Người nào đang đêm ngày nơi đầu sóng ngọn gió, bão lốc rình rập, lũ quét hung dữ, lửa cháy ngút rừng… Từng mảnh đất thuở chiến tranh đang xanh lại, đang mở ra chặng đường no ấm. Những người nằm dưới cỏ hẳn cũng ấm lòng. Trong đoàn người thành kính ấy, ở những nghĩa trang nhỏ nơi thôn mạc, có cả những người cha, người mẹ từng bước ra khỏi chiến tranh đang đứng trước mộ con mình. Và người vợ trẻ dắt theo những cô bé, cậu bé lẫm chẫm vành khăn trắng. Có những nấm mộ, cỏ còn chưa xanh hết. Mái đầu người cha trắng cước như bị vít xuống tấm bia in ảnh quân phục người con đang nhìn thẳng. Gió thổi. Gió từ đâu đưa những cánh bướm chập chờn lẫn vào hương khói, vào cánh hoa cúc hoa huệ đang lặng lẽ toả hương thơm.
 
P.V.K