Thứ Ba, 03/12/2019 08:48

Những mảnh vỡ của chủ thể sáng tạo

Có lẽ, điều những người nghiên cứu văn học phải quan tâm khi đi tìm chân dung nghệ thuật của một nhà văn là sự phân biệt giữa tác giả với tư cách là một phạm trù xã hội học và tác giả với tư cách là phạm trù thi pháp học.

.MẶC ANH

Có lẽ, điều những người nghiên cứu văn học phải quan tâm khi đi tìm chân dung nghệ thuật của một nhà văn là sự phân biệt giữa tác giả với tư cách là một phạm trù xã hội học và tác giả với tư cách là phạm trù thi pháp học. Sự phân biệt này có thể được xem như một khả năng mềm dẻo để chủ thể tiếp nhận mà đặc biệt là những nhà phê bình, nghiên cứu văn học tiếp cận với thế giới nghệ thuật của tác giả. Từ điển thuật ngữ văn học do nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (Nhà xuất bản Giáo dục, 2004) đã nhìn nhận tác giả văn học từ góc độ “bên trong” để nêu lên cách hiểu: Tác giả văn học là chủ thể của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên cuốn từ điển cũng nêu rõ, tác giả văn học phải là người sáng tạo ra các giá trị mới, có đặc trưng riêng, có cách nhìn nhận, lí giải riêng về thế giới, con người, cuộc sống, không lặp lại, không bắt chước, mô phỏng hay minh hoạ thời đại một cách vụng về, nô lệ. Cùng với đó, tác giả văn học là người sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật, tồn tại được trong đời sống văn học, trong công chúng độc giả. Hình tượng đó phải có cái riêng, cái độc đáo mang bản sắc của chủ thể sáng tạo. Như vậy, các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học chủ yếu quan tâm khía cạnh tác giả thuộc phạm trù thi pháp học. Quan niệm này đúng, nhưng chưa toàn vẹn nhất là trong bối cảnh văn học hiện nay (phải luôn đặt tác giả trong đời sống văn học, trong tính lịch sử cụ thể của chủ thể sáng tạo). Và như thế, để có được cái nhìn thấu đáo một tác phẩm văn học nói riêng, thế giới nghệ thuật của một tác giả nói chung và làm hiện hình một chân dung nghệ thuật cần kết hợp một cách mềm dẻo hai hướng nghiên cứu tác giả trên cả bình diện xã hội học và bình diện thi pháp học. Nói cách khác, nghiên cứu chủ thể là sự khớp nối, lắp ghép từ nhiều mảnh vỡ, trong đó có mảnh vỡ xã hội học và thi pháp học.

Thế nào là tác giả văn học với tư cách là một phạm trù xã hội học? Đây là một khái niệm nằm ngoài thi pháp. Ở phạm trù này, tác giả là một người có tiểu sử, có quê quán, sống trong một không gian, thời gian cụ thể với những đặc điểm riêng biệt của một thực thể mang tính tự nhiên và xã hội. Trong nghiên cứu, phê bình văn học có một phương pháp xuất phát từ tác giả gọi là phương pháp tiểu sử. Phương pháp này cố gắng bằng những liên hệ giữa cuộc đời tác giả với các yếu tố biểu hiện trong tác phẩm tìm ra thông điệp của thế giới nghệ thuật. Trong bối cảnh văn học hiện nay, ẩn ngữ “con người toàn nguyên” đang là một cơ hội cho phương pháp nghiên cứu tác giả với tư cách là một phạm trù xã hội học. Có thể lấy một vài dẫn chứng để thấy dấu ấn của tác giả với tư cách là một phạm trù xã hội học trong văn học. Đó có thể là những khắc khoải, tủi cực của một đứa con người vợ lẽ đã hình thành nên cảm hứng thi ca của Xuân Diệu - nhà thơ luôn “khát khao giao cảm với đời”, vương vít với muôn vàn luyến ái của nhân gian, khao khát, vội vàng đến cuống quýt, vồ vập tình yêu thương, sự gần gũi của con người trên thiên đường trần thế. Không chỉ như thế, một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra mối liên hệ ẩn mật giữa giới tính của Xuân Diệu với các biểu hiện nghệ thuật trong tác phẩm. Con người tiểu sử được đưa ra nhằm lí giải cho những biểu hiện nghệ thuật và không phải không có những điều hợp lẽ (Tình trai, Chó mèo hoang). Một hiện tượng khác, khá điển hình là Hàn Mặc Tử. Một cuộc đời bất hạnh, tình duyên trắc trở, những đau đớn vò xé đến bật máu của một linh hồn khao khát yêu thương mà luôn bị bủa riết bởi hơi lạnh của lưỡi hái tử thần, một xác thân bệnh tật, một đức tin mãnh liệt, những ẩn ức sâu kín… tất cả đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử, khắc niệm những dấu ấn đầy ám ảnh. Bích Khê với những áng thơ Tinh huyết - Tinh hoa cũng có thể được khám phá từ những yếu tố bệnh tật, thân thể. Những diễn biến đời tư có lẽ đã ẩn hình vào trong thơ, làm nên hình thái thơ tượng trưng đầy nhục cảm.

Tuy vậy, khoa nghiên cứu văn học vẫn đề cao cách xem xét vấn đề tác giả như một phạm trù thi pháp học và hình thành khái niệm: hình tượng tác giả. Hình tượng tác giả cũng là một hình tượng được sáng tạo trong tác phẩm như hình tượng nhân vật nhưng theo những nguyên tắc khác. Đó là nguyên tắc tự biểu hiện cảm nhận và thái độ thẩm mĩ của tác giả về con người và thế giới trong tác phẩm. Có nghĩa là nhà văn biểu hiện cách cảm nhận, cách suy nghĩ và ngôn ngữ của mình về thế giới - đối tượng gây chú ý thẩm mĩ. Hình tượng tác giả không chỉ là sự phản ánh của tác giả tiểu sử vào trong tác phẩm thể hiện tương quan giữa chủ thể sáng tạo với thế giới hình tượng trong tác phẩm, mà còn là vấn đề của cấu trúc nghệ thuật, sự thể hiện con người toàn nguyên trên mọi phương diện. Đặc biệt đối với thơ trữ tình - thể loại đậm tính chủ quan, đôi khi người ta thấy gần như có sự đồng nhất giữa hình tượng tác giả với tác giả tiểu sử. Tuy nhiên đó chỉ là những cảm nhận ấn tượng mà chưa có sự soi chiếu một cách kĩ lưỡng dưới góc nhìn của thi pháp học.

Khoa nghiên cứu văn học đã có những kiến giải hợp lí về vấn đề tác giả văn học với tư cách là một phạm trù của thi pháp học. Hình tượng tác giả biểu hiện chủ yếu ở một số phương diện: cái nhìn nghệ thuật, giọng điệu và sự tự thể hiện… Từ các vấn đề này, người đọc có thể hình dung ra phong cách của tác giả, nhưng trước hết là diện mạo của chính hình tượng tác giả trong thế giới nghệ thuật.

Cái nhìn nghệ thuật thể hiện năng lực tinh thần của chủ thể trong việc thâm nhập vào thế giới, phát hiện ra những vẻ đẹp thẩm mĩ của sự vật, bảo lưu hoặc nâng cấp vẻ đẹp đó trong những hình tượng nghệ thuật và các phương diện khác của tác phẩm… Marcel Proust đưa ra nhận định khá xác đáng: “Phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn”. Cái nhìn thể hiện những khả năng quan sát, cảm giác, tri giác, phát hiện ra những giá trị mới của cuộc sống. Cái nhìn luôn gắn với một không - thời gian nhất định, gắn với khả năng tư duy, liên tưởng, tưởng tượng, khả năng bao quát, chiếm lĩnh, đánh giá và lí giải thế giới. Chẳng hạn, cái nhìn nghệ thuật trong thơ nôm Hồ Xuân Hương luôn đem đến cho người đọc những rung động hết sức thú vị, những liên tưởng ám gợi, đa nghĩa: Cầu trắng phau phau đôi ván ghép/ Nước trong leo lẻo một dòng thông/ Cỏ gà lún phún leo quanh mép/ Cá diếc le te lách giữa dòng (Cái giếng) Cũng là nữ sĩ, nhưng cái nhìn hoài niệm đã làm nên thế giới thơ của Bà Huyện Thanh Quan luôn khắc khoải một nỗi niềm nhớ thương cảnh cũ, quá khứ vàng son, trong sự đối lập với hiện tại hoang phế và tịch liêu: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Thăng Long thành hoài cổ)… Cái nhìn trong tác phẩm xác lập hình tượng tác giả như là một nhân vật trong thế giới nghệ thuật của chủ thể sáng tạo. Theo đó, Hồ Xuân Hương đã kiến tạo được chân dung một trí thức dân gian, còn Bà Huyện Thanh Quan lại xây dựng nên một kiểu trí thức cung đình trong thơ.

Quá trình hiện đại hóa văn học dần phá vỡ các khuôn khổ mĩ học trung đại, xác lập cái nhìn mới của chủ thể sáng tạo. Xem xét vấn đề hình tượng tác giả trong văn học lãng mạn 1932 - 1945, từ góc độ điểm nhìn, có thể nhận ra sự hiện diện một cách mạnh bạo, quyết liệt của cái tôi cá thể. Họ - lớp nghệ sĩ lãng mạn tiền chiến, đã không chấp nhận trường nhìn đầy quy phạm của cha ông, họ muốn mở rộng những chân trời cảm giác, tri nhận: Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta (Hy Mã Lạp Sơn - Xuân Diệu); Không gian đâu thuyền ta vượt trùng dương/ Lòng vỡ tung ta say khướt đau thương (Sầu - Xuân Diệu); Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu (Ê chề - Huy Cận); Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu? (Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử)… Hình tượng tác giả trong Thơ mới là hiện thân của những người thanh niên trẻ tuổi, vừa rất yêu đời, yêu sống, vừa rất âu lo, sợ hãi, tha thiết tỏ bày sự tồn tại của mình. Đó trước hết là nhu cầu tự thân, sau nữa là phản ứng lại truyền thống quan niệm, mĩ học trung đại đã xóa nhòa những dấu vết riêng tư. Điểm nhìn của một cá nhân nói lên hoàn cảnh của anh ta khi tách khỏi bầy đàn, tách khỏi truyền thống cộng đồng. Từ sự phóng chiếu cái nhìn của cá nhân - một cái tôi vừa kiêu hãnh, vừa cô độc, vừa hân hoan lại vừa sợ hãi ấy, người ta nhận ra “tính hiện đại” của xã hội Việt Nam trong văn chương giai đoạn giao thời.

Trong văn học sử thi giai đoạn 1945 - 1975, hình tượng tác giả cũng có thể nhận ra từ cái nhìn mang dấu ấn thời đại - cái nhìn sử thi. Con người sử thi là con người đoàn thể. Bởi vậy, khác với con người cá thể tiền chiến, cái nhìn của con người sử thi hiện lên những hình ảnh hào hùng trong thế đối đầu lịch sử với kẻ thù xâm lược: Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu! (Bài ca mùa xuân 1961 - Tố Hữu). Cái nhìn ấy chủ động hướng đến những đối tượng phù hợp với nhu cầu phản ánh, thể hiện của nó. Và đương nhiên, trong một mô hình mĩ học có tính thống nhất, hình tượng tác giả của văn học sử thi về cơ bản có nhiều điểm tương đồng.

Thời điểm 1986 là một cú đảo chiều về mặt mô hình mĩ học (so với 1945 - 1975), nhưng lại là một bước trùng lặp có tính nhịp điệu so với tiền chiến. Các nhà văn đã trở về vương quốc đầy bí ẩn, riêng tư của lòng người, nhưng trong một phong khí mới. Thời đại trả lại cho nhà văn cái nhìn khách quan hơn để thấy rõ những gì con người đã sống, đang sống và sẽ trải qua... Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh mang một cái nhìn hậu chiến đầy ám ảnh. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Không có vua, Con gái thủy thần…) mang cái nhìn khắc khoải, u uất về thân phận con người trong thời đại không có khế ước, “thời đại mất Chúa”. Cái nhìn trong văn học lúc này là cái nhìn của kẻ đứng giữa cuộc đời một cách trụi trần. Cái nhìn của con người cá nhân thời Thơ mới, dẫu sao còn được che chở, nương náu bởi niềm kiêu hãnh (kiêu hãnh vì được phát hiện ra, được sống dậy sau hàng ngàn năm bị quên lãng) vì thế nó vẫn dường như được chắt lọc, được khúc xạ. Cái nhìn của con người đương đại không còn gì để che chắn. Đó là cái nhìn trực diện, nhìn rất gần, bằng toàn bộ những gì có thể thuộc về thân xác, tinh thần của một thực tại sống: sinh học - văn hóa. Thông qua cái nhìn đó từ trong văn chương, người ta nhận ra yếu tính của thời đại. Một thời đại cái gì cũng không thể và không gì là không thể; một thời đại mâu thuẫn đầy mai mỉa giữa cái thấy và cái biết, cái biết và cái hiểu, cái hình thức và nội dung, tinh thần và vật chất, đức tin và hoài nghi, vĩnh hằng và thoáng chốc, tồn tại và hư vô… Cái nhìn của con người đương đại là cái nhìn của “hỗn mang” - con quái vật ấy đã trở lại và trùm bóng lên văn chương.

Giọng điệu cũng được xem là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả. Giọng điệu không đơn giản là tín hiệu thanh âm mà như một khía cạnh của hình thức nghệ thuật mang nội dung tình cảm, thái độ ứng xử của tác giả trước các hiện tượng đời sống có nền tảng là cảm hứng chủ đạo. Cảm hứng như thế nào sẽ quyết định giọng điệu đó. Nhìn lại, giai đoạn 1945-1975 và “vết trượt quán tính” của mười năm sau đó (1975 - 1985), văn học Việt Nam mang cảm hứng sử thi - lãng mạn. Do đó giọng điệu chính - chủ âm của văn học thời kì này là ngợi ca, hùng tráng, hào sảng, mê say, phơi phới niềm tin cách mạng: Hoan hô anh giải phóng quân/ Kính chào anh! Con người đẹp nhất (Bài ca xuân 68 - Tố Hữu). Giọng điệu này dần thay đổi trong giai đoạn sau 1986. Trong văn học nghệ thuật, chúng ta bắt gặp trạng thái đa âm, đa bè, sắc thái chủ âm lĩnh xướng của văn học sử thi lắng xuống. Đây là sản phẩm văn hóa của một thời đại dân chủ mới phát huy trên nền tảng của ý thức về thân phận và hoàn cảnh sống cụ thể: Khi mắt đã no nê/ Những quy tắc lên men/ Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật/ Có gì không ổn/ Có gì như bệnh tật/ Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ/ Anh không muốn nhìn những gì mình đã vẽ/ Chính nước mắt, hay máu tứa ra từ cái nhìn bền bỉ/ Đã cho anh chiếc lăng kính này đây/ Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu (Hội họa lập thể - Nguyễn Lương Ngọc). Tự thân, mỗi bản thể lại cũng vỡ ra qua từng nhịp sống, để hiện hình trong những mảnh vụn khác nhau, chất giọng khác nhau. Quả là, văn chương đương đại mang đến hình dung mỗi người thăm thẳm một chiêm bao (Trần Dần).

Một yếu tố khác cũng rất quan trọng trong việc xác định, tìm hiểu hình tượng tác giả là sự tự thể hiện của tác giả trong tác phẩm. Tất nhiên, như đã nói, không thể đồng nhất hình tượng tác giả với tác giả tiểu sử. Nhưng, biểu hiện của tác giả trong tác phẩm là tín hiệu không thể bỏ qua. Hơn hai trăm năm trước, trong Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du từng khắc khoải: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như). Gần nữa, trong Thơ mới 1932-1945, Huy Cận tỏ bày: Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm/ Gió trăng ơi, nay còn nhớ người chăng? (Mai sau). Còn Nguyễn Bính: Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành (Hoa với rượu), để rồi: Xót xa một buổi soi gương cũ/ Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền (Sao chẳng về đây?). Có thể nói, căn cứ vào những dấu hiệu tự biểu hiện này, người đọc lần ra những căn cước thuộc về chủ thể, từ đó có thêm manh mối thâm nhập vào thế giới nghệ thuật. Trong thế giới nghệ thuật đó, hình tượng tác giả là một kẻ sĩ đau đời, một thi sĩ cô đơn sầu tủi, một thôn dân phá sản lạc lõng kiếp “con chim lìa đàn”… dần được nhận diện. Hình tượng đó không phải là bản sao trùng khít với tác giả tiểu sử, nhưng có những liên hệ không hề xa lạ.

Cái nhìn nghệ thuật, giọng điệu, sự tự thể hiện của tác giả là những yếu tố cơ bản tạo thành hình tượng tác giả mà ta luôn bắt gặp trong quá trình thưởng thức, tiếp nhận tác phẩm. Sự phân tách tác giả theo góc độ xã hội học hay thi pháp học là những hình dung khác nhau mang tính phương pháp nhưng lại hứa hẹn những kết hợp hiệu quả hơn trong tổng quan về chủ thể. Trong thực tiễn nghiên cứu, không chỉ là sự kết hợp hai phạm trù này mà sẽ cần thêm những thao tác, phương pháp liên ngành khác, nhằm tiệm cận được với những sinh thể nghệ thuật một cách đầy đủ nhất có thể, từ đó có hình dung tròn đầy về chủ thể sáng tạo

 

M.A