Thứ Bảy, 25/09/2021 13:42

Những người lính “vẽ sông, đắp núi, dựng sa bàn”

“Vẽ sông, tô biển, xây hồn núi” là cách gọi vui của mọi người khi nói về công việc của cán bộ, nhân viên Ban Bản đồ - Phòng Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân khu 5. (Thực hiện An Khang)

Là lực lượng chủ công trong việc bảo đảm địa hình phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn và các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất khác của LLVT Quân khu 5, mỗi năm, các cán bộ, nhân viên Ban Bản đồ (Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân khu 5) phải tiến hành thu thập, đo đạc, cập nhật, chỉnh lí, in ấn, cấp phát, tác nghiệp trên hàng nghìn tờ bản đồ, xây dựng các sa bàn có tỉ lệ, kích thước khác nhau. “Vẽ sông, tô biển, xây hồn núi” là cách gọi vui của mọi người khi nói về công việc của các anh.

Thượng tá Nguyễn Bá Long (đứng giữa) và các cán bộ, nhân viên đang tác nghiệp trên bản đồ

Cuối tháng 10/2020, thiên tai, lũ lụt và những trận sạt lở đất kinh hoàng liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, khiến hàng chục người chết và mất tích. Theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu, chỉ trong thời gian ngắn, các cán bộ, nhân viên Ban Bản đồ đã sử dụng công nghệ, phần mềm chuyên dụng, cập nhật, bổ sung đầy đủ thông tin địa hình các khu vực sạt lở, cần cứu hộ. Ban cũng chuẩn bị hàng trăm tờ bản đồ, thể hiện đầy đủ, sinh động, chi tiết đặc điểm, điều kiện địa hình, hệ thống giao thông, dân cư, thủy hệ, thực vật tại những khu vực có liên quan để các lực lượng chức năng tham mưu, đề xuất cho BTL Quân khu xây dựng phương án tiếp cận hiện trường, triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, xây dựng sa bàn, phục vụ các nhiệm vụ quan trọng của LLVT Quân khu, Thiếu tá QNCN Võ Ngọc Hiền - Trạm trưởng Trạm định vị vệ tinh, cho biết: “Trước khi xây dựng sa bàn, chúng tôi phải nghiên cứu, hiểu rõ toàn bộ các thông tin, số liệu của khu vực mình sẽ tác nghiệp trên bản đồ, sau đó tính toán tỷ lệ, phương án xây dựng sao cho hiệu quả, phù hợp nhất. Màu sắc và dáng địa hình là “linh hồn” của các sa bàn, nếu hình dáng các dãy núi chính xác và được phối màu phù hợp, khi nhìn vào sa bàn, mọi người sẽ có cảm giác giống như đang được đứng trước thực địa vậy”.

Nhân viên phòng bản đồ tiến hành đô đạc, cập nhật dữ liệu về đất quốc phòng

Nhớ lần tham gia phục vụ diễn tập TNg-18 trên địa bàn Tây Nguyên, gần 2 tháng liền cán bộ, nhân viên Ban Bản đồ ăn ngủ tại thao trường để xây dựng sa bàn và in ấn, tác nghiệp văn kiện, chế tác hàng trăm mô hình, kí hiệu với kích thước, màu sắc khác nhau, thể hiện đầy đủ, sinh động các đặc điểm địa hình, sông suối, hệ thống giao thông, dân cư, hình thái tác chiến của ta và địch. Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại Quốc phòng, năm 2016, Ban Bản đồ được Bộ Tư lệnh Quân khu tin tưởng giao nhiệm vụ phối hợp với Ban Đối ngoại Quân khu sang nước bạn Lào, xây tặng Sư đoàn BB5 (Quân đội nhân dân Lào) một sa bàn. Sau một tháng làm việc tích cực khẩn trương, sa bàn địa hình khu vực 6 tỉnh Nam Lào có kích thước hơn 100m2, đảm bảo chính xác, có tính thẩm mĩ, độ bền cao hoàn thành bàn giao cho đơn vị bạn đưa vào sử dụng.

Tại diễn tập MN-13 do Bộ Quốc phòng tổ chức cách đây 8 năm, trước ngày khai mạc đúng một tuần, Ban Chỉ đạo diễn tập đề nghị Quân khu 5 tổ chức thiết kế, xây dựng thêm 1 sa bàn tỷ lệ 1/10.000 để các cơ quan, đơn vị tập bài. Xác định nếu sử dụng các loại vật liệu thông thường như mọi lần chắc chắn sẽ không kịp khô để phối màu và thể hiện các nội dung bản đồ và hình thái tác chiến, Ban Bản đồ quyết định dùng vỏ trấu, mùn cưa trộn chung với xi măng, cát sỏi và các loại phụ gia theo tỉ lệ phù hợp để làm sa bàn. Sáng kiến của Quân khu 5 được các đại biểu tham dự diễn tập trầm trồ thán phục và đánh giá rất cao.

Thượng tá Nguyễn Bá Long - Trưởng ban Bản đồ là một Kĩ sư Trắc địa - Bản đồ, có 12 năm gắn bó với ngành địa hình quân sự Quân khu 5 cho biết: “Hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, thường xuyên, Ban Bản đồ còn tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu đất quốc phòng, lập bản đồ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ của các địa phương, đơn vị trên địa bàn Quân khu, tham gia bảo đảm địa hình trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trước yêu cầu ngày càng cao, cán bộ, nhân viên ngành địa hình quân sự luôn tích cực tự học, tự rèn, nâng cao trình độ, khả năng làm chủ trang bị, khí tài, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

An Khang