Thứ Sáu, 30/12/2022 08:34

Những nguyên mẫu nhân vật trong Bên dòng sông Mê

Năm 2012, khi Bên dòng sông Mê được trao giải thưởng Mê Kông, tôi vào thành phố Đà Nẵng dự hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương và nhận giải... (BÙI THANH MINH)

. BÙI THANH MINH
 

Hàng năm, các cựu chiến binh Trung đoàn 7 chúng tôi thường họp mặt truyền thống vào cuối tháng 8. Một trung đoàn từng tham chiến trên chiến trường Campuchia 10 năm. Trong 10 năm trải qua vô số trận chiến lớn nhỏ ấy, đọng lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là trận quyết chiến tại đồi 37 trong chiến dịch B3 giải phóng tỉnh Koh Kong. Sau này khi được Bộ Quốc phòng kí hợp đồng viết tiểu thuyết sử thi, tôi chọn Trung đoàn 7 trong chiến dịch này làm đề tài cho tác phẩm Bên dòng sông Mê.

Để chuẩn bị cho lần gặp mặt truyền thống năm 2022, tôi đi tìm một số nhân vật còn lại trong cuốn tiểu thuyết Bên dòng sông Mê. Lần này tôi vào thành phố Hồ Chí Minh tìm cho được cậu liên lạc có cái tên Cô Quận trong cuốn tiểu thuyết, bởi với tôi Quận như một người bạn tri kỉ. Buổi sáng 25/7/2022 tôi lên chiếc xe 4 chỗ ngồi của cậu y tá thời “Bên dòng sông Mê” đi Hóc Môn. Bụng bảo dạ, muốn tìm được Cô Quận thì phải tìm được cậu Thái. Bởi Thái và Quận đều là liên lạc của đại đội. Từ nhà Thái đến Củ Chi quê Quận liền kề. Chắc chắn họ vẫn liên lạc với nhau. Xe vòng đi vòng lại đến mấy lần, cuối cùng tôi cũng tìm được chú em ruột của Thái ở cổng thành Ông Năm. Tôi gần như vồ lấy chú em. Đây rồi, đường tới Cô Quận sắp tới nơi rồi. Nhưng chú em cho biết, anh Thái đã mất vì bị đột quỵ chính chỗ này... Thế là mọi hi vọng đều tắt.

Cho đến giờ phút này thì các nhân vật chính trong cuốn sách cơ bản còn đủ cả và tôi đã gặp lại họ. Trung đoàn trưởng Trần Bá Luân - tên thật Trần Duy Ngọt, người xã Đông Hoàng, Tiền Hải, Thái Bình - vừa mới đi viện 108 về. Đại đội trưởng Trần Bình - tên thật Nguyễn Văn Bình, người xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu, Nghệ An - giờ đã 80 tuổi, mắt mới mổ nên hơi lòa. Trung đội trưởng trinh sát Đặng Tình - tên thật Nguyễn Tín, người Hải Phòng. Mấy năm trước khi đi hỏi vợ cho con mới nhận ra rằng cô dâu chính là con gái của đồng đội mình trong Bên dòng sông Mê đánh trận đồi 37. Ông Đại, bà Thấn, bác sĩ Đặng Thị Hòa được hóa thân từ gia đình anh bạn tôi: Tô Huy Liệu. Hồi kháng chiến chống Mĩ anh là trung đội trưởng, mấy năm liền là Chiến sĩ thi đua mà không được kết nạp Đảng vì có bố vào Nam, lí lịch không rõ ràng. Sau giải phóng miền Nam ông trở về là một sĩ quan tình báo. Chiến sĩ trinh sát Quang, sau này là tiến sĩ y khoa... Nói tóm lại các nhân vật về phía ta hầu hết còn sống. Những người đã mất có đại tướng Lê Đức Anh, trung đoàn phó Nguyễn Hà... Riêng chính ủy Phạm Chiến thì tôi vẫn chưa tìm lại được. Nhân vật ấy được hóa thân bởi ông chính trị viên tiểu đoàn. Các nhân vật còn lại, trong đó phía bên kia thì tôi không có điều kiện tìm gặp.

Năm 2012, khi Bên dòng sông Mê được trao giải thưởng Mê Kông, tôi vào thành phố Đà Nẵng dự hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương và nhận giải. Sau lễ lạt, đoàn các nhà văn các nước được đi tham quan Huế, Đà Nẵng... Buổi sáng hôm ấy đoàn vào thăm lăng vua Minh Mạng. Vì đã thăm nhiều lần, nên tôi không vào mà nằm võng ở một quán nước bên ngoài. Lúc đó có một cô gái người Khmer trong đoàn cũng ở lại ngoài quán nước. Thấy vậy tôi hỏi, sao em không vào tham quan. Cô gái trả lời, nơi đây em cũng đi vài lần rồi. Tôi lại hỏi, quê em ở đâu bên Campuchia. Cô gái nói, em ở phum Ang boung, huyện Thơ mo Kual, tỉnh Bát Tam Băng. Tôi giật mình nhổm dậy, ở phum Ang boung em có biết bà Chăn Thi Xa Van không. Cô gái cũng không khỏi ngạc nhiên, đó là mẹ em. Tôi quay hẳn lại và đổi cách xưng hô rồi hỏi, có phải cháu là Kem ly Heng. Cô gái ngạc nhiên hỏi, tại sao chú lại biết tên cháu... Hóa ra cô gái đúng là Kem Ly Heng. Thật không ngờ cái mầm sống đỏ hỏn khóc oe oe trên tay tôi mấy chục năm trước giờ đây đã trở thành một cô gái xinh đẹp, hơn nữa lại còn là nhà văn Campuchia đi nhận giải thưởng Mê Kông. Kem Ly Heng đoạt giải với tập truyện ngắn Di sản viết về những kỉ niệm của Quân đội nhân dân Việt Nam cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Dòng hồi ức trong tôi chợt chảy về. Sau ngày giải phóng Campuchia (1/1979), đại đội tôi về phum Ang boung để giúp nhân dân ổn định lại cuộc sống và truy quét tàn quân Pol Pot. Trong phum có một người phụ nữ quãng 26, 27 tuổi sống một mình, bụng chửa vượt mặt khoảng 8 tháng. Tôi mới hỏi, sao chị không có chồng lại chửa. Chị trả lời, nếu bộ đội Việt Nam vào giải phóng phum này sớm mấy ngày thì giờ tôi đã còn chồng. Chồng tôi đã bị Pol Pot giết rồi - chúng dùng lá thốt nốt cứa cổ cho đến chết. Tôi kiểm tra trong nhà không có thứ gì ăn được. Thế này thì khổ quá. Thân gái một mình, bụng mang dạ chửa lại không có gì ăn uống bồi dưỡng. Đại đội tôi hội ý nhanh và đi đến quyết định phải giúp người phụ nữ Campuchia này cho đến khi mẹ tròn con vuông. Thế là chúng tôi bớt gạo, quần áo, đồ dùng, đường sữa lại cho chị bồi dưỡng và có vật dụng sinh hoạt. Khoảng tháng sau chị sinh con. Khi đó, chúng tôi cùng y tá đỡ đẻ, giúp chị vượt cạn thành công. Chúng tôi lại tiếp tục cung cấp cho chị đường, sữa, gạo, muối để nuôi con. Một hôm, chị bế con đến đơn vị xin trình bày một việc “hệ trọng” làm đại đội tôi ai nấy đều hồi hộp. Hóa ra việc hệ trọng chị trình bày là bộ đội Việt Nam đã sinh ra con tôi thì bộ đội Việt Nam phải… đặt tên cho cháu. Cả đại đội ai nấy đều nhìn nhau, chưa biết xử lí thế nào. Thấy vậy, tôi mạnh dạn hỏi, chồng chị họ gì. Chị bảo, họ Kem. Tôi liền “quyết” luôn: Bố cháu họ Kem thì theo tôi tên cháu là Kem Ly Heng.

Không ngờ rằng 30 năm sau cháu trở thành nhà văn viết về bộ đội Việt Nam. Và hôm nay cả hai chú cháu đều nhận giải thưởng Mê Kông. Khi hai chú cháu nhận ra nhau, tôi mới chìa cuốn tiểu thuyết ra tặng cháu và nói, nhân vật bà mẹ cô Văn Lát trong tiểu thuyết, nguyên mẫu chính là bà Chăn Thi Xa Van mẹ cháu đấy. Cháu cũng tặng lại tôi tập truyện ngắn Di sản và cười bảo, trong tập truyện cũng có nhiều “nguyên mẫu” lấy từ bộ đội Việt Nam qua lời kể của mẹ cháu, chú đọc xem biết đâu lại nhận ra mình trong đó.

Sau này Điện ảnh Quân đội và Truyền hình Quốc phòng có làm bộ phim về sự kiện trao giải nói trên. Khi chiếu, phim gây xúc động với người xem. Nhiều bạn đọc chúc mừng tôi về thành công của Bên dòng sông Mê. Với tôi, tiểu thuyết này là cách tưởng nhớ những năm tháng sát cánh cùng các đồng đội ở Trung đoàn 7 chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot.

B.T.M