Thứ Bảy, 30/04/2022 10:30

Những nhà văn “đi B” từ ngôi nhà số 4

Sau chuyến đi của nhà văn Thanh Giang, nhà thơ Thu Bồn... là chuyến đi của Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc... Đây là những nhà văn đi B đầu tiên. Tiếp đó, lần lượt là Văn Phác, Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh...

Như nhiều người đã biết, ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng ta về Cách mạng miền Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội đã được Tổng cục Chính trị giao một nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn, bồi dưỡng những cây bút có khả năng và điều kiện đi chiến trường - “đi B”. Sau chuyến đi của nhà văn Thanh Giang, nhà thơ Thu Bồn... là chuyến đi của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi - Nhà văn, Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND), Nguyên Ngọc... Đây là những nhà văn đi B. đầu tiên. Tiếp đó, lần lượt là những chuyến đi “B dài” của Văn Phác, Nam Hà (Trúc Hà), Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân), Lưu Trùng Dương... - những nhà văn sau này là yếu nhân của các tờ tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng miền Nam và Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung bộ và Hội Văn nghệ Giải phóng.

CÓ MỘT VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI GIỮA CHIẾN TRƯỜNG MIỀN NAM

Trong một hồi ức có tên “Thời cầm súng, cầm bút”, nhà văn Thanh Giang nhớ lại: “Bất ngờ Tổng cục Chính trị quân đội gọi tôi từ sư đoàn 330 về cho học lớp bổ túc cán bộ tuyên huấn. Từ chế độ ăn, đến chương trình học, chúng tôi nhận ra lãnh đạo trang bị cho mình khá bài bản để rồi sẽ giao nhiệm vụ đặc biệt gì. Sau khi mãn lớp tuyên huấn, số anh em bạn viết chúng tôi (trong đó có Thu Bồn) được đưa về ngôi nhà số 4 - Lý Nam Đế, để “bồi dưỡng” kinh nghiệm viết văn, làm báo với các anh nhà văn quân đội. Xong phần nghiệp vụ, Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội Văn Phác “làm công tác tư tưởng” chúng tôi về ý chí và vai trò, trách nhiệm đối với chiến trường miền Nam... Khuya ngày 22 tháng 12 năm 1961, đoàn chúng tôi lên xe, phủ vải bạt bịt bùng, rời Thủ đô Hà Nội thân yêu!”…

Một cuộc tiễn chân các nhà văn "đi B" trước cổng nhà số 4, trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1962.

Cũng trong hồi ức vừa nêu, nhà văn Thanh Giang nhớ về những ngày làm tờ Văn nghệ Quân Giải phóng như sau: “Tháng 8 -1962, tại khu rừng Bời Lời, tạp chí Văn nghệ Giải phóng quân số đầu tiên chào đời, rập khuôn gần y chang tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nguồn “nhân tài” của lực lượng viết văn Quân Giải phóng là: từ Bắc điều vào, từ các đơn vị gọi lên và nhất là từ các trại viết văn do Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Miền Nam tổ chức. Nhà văn Nguyễn Thi (Phụ trách tạp chí) cùng với các nhà văn của tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng đã tổ chức nhiều trại viết để bồi dưỡng cho các cây bút trẻ. Sinh thời, chính Nguyễn Thi đã đề xuất với Cục chính trị Miền, kết hợp với Hội Văn nghệ Giải phóng mở trại viết văn đầu tiên ở Nam Bộ. Sau đó, các trại viết được tổ chức gần như thường xuyên.

Trên trang cá nhân của mình, trong bài “Nhớ về một trại viết thời chiến tranh”, nhà văn Hào Vũ viết: “Vào năm 1972, từ chiến trường Long An tôi được gọi lên rừng miền Đông, lúc ấy gọi là “R”, dự trại. Lần thứ 2 là vào năm 1974. Cũng vẫn tại địa điểm cũ, trong rừng. Một cái lán lớn mái lợp lá trung quân, là nhà bếp, nhà ăn của anh em trong Tạp chí, cũng là của các trại viên mỗi khi dự trại. Xung quanh là những cái lán nhỏ mái lợp lá trung quân, không vách, không giường, chỉ có cột giăng võng, thường là hai chiếc cho hai người. Ở khoảng trống giữa hai chiếc võng là một cái bàn nhỏ, mặt bàn là những thân cây tròn nhỏ ghép lại, ghế ngồi cũng là thân cây ghép thành, chân bàn, ghế đóng luôn xuống đất. Đó là các phòng riêng dành cho các trại viên nằm, ngồi để sáng tác. Hẳn nhiên căn cứ của Tạp chí cùng nơi ở chính thức của anh em làm việc trong Tạp chí thì chúng tôi không được phép “mò” vào...”. Nhiều nhà văn có mặt trong các trại viết bấy giờ còn cho biết, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng chương trình làm việc khá là khoa học. Sau khi nộp đề cương hoặc bản thảo cho trại, các nhà văn Trần Ninh Hồ, Triệu Bôn (phụ trách văn xuôi, nhà văn Thanh Giang (thơ)... sẽ trao đổi trực tiếp với từng trại viên. Sau đó anh em sửa chữa, lại đọc tiếp, thấy được, cán bộ hướng dẫn sẽ nộp lên “thày” Nguyễn Trọng Oánh và nghe ông phê bình hay “khuyên đỏ” tùy theo chất lượng. Chữ “khuyên đỏ” là do Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng nói. Nhà văn đàn anh này còn giải thích thêm là, ngày xưa, các cụ đồ Nho, đọc thơ văn, chỗ nào hay thì khuyên đỏ, (khoanh một vòng tròn nhỏ như cái khuyên tai, màu đỏ bên cạnh). Trại còn có một thông lệ trao đổi nghiệp vụ rất đặc biệt tại “hội trường” rất thú vị và hiệu quả! Qua các trại viết, người viết về với Văn nghệ Quân Giải phóng ngày một thêm đông. Bạn viết từ các đơn vị về, “nở nồi” thành hai cụm nhà, chia hai bộ phận. Bộ phận “vòng trong” là khung tạp chí, bộ phận “vòng ngoài” là trại viết. Khá nhiều trại viên triển vọng như: Phùng Khắc Bắc, Thái Vượng, Lê Văn Vọng, Xuân An, Trùng Khánh, Hào Vũ, Nguyên Nam, Nguyễn Ngọc Mộc, Hoàng Đình Quang, Vũ Hòa… đã có mặt.

…Và, nhớ về “cái thưở ban đầu cầm bút chưa xa kia, nhà văn Hào Vũ bày tỏ: “...Từ trại viết ấy, các trại viên trở về đơn vị, với những gì thu lượm được, tiếp tục học hỏi, sáng tác. Rồi hòa bình, nhiều người trong số họ vẫn say mê sáng tác, tự học thêm qua sách báo, qua đồng nghiệp, có người tu luyện tại trường đại học viết văn Nguyễn Du. Nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, góp phần xứng đáng của mình vào thành tựu chung của văn học nước nhà. Có thể kể ra đây những cái tên trưởng thành từ trại sáng tác Lộc Ninh như: Văn Lê, Trần Mạnh Hảo, Lê Văn Vọng, Nguyễn Ngọc Mộc… Và tất cả chúng tôi, khi nhắc đến trại sáng tác ấy , lại rưng rưng nhớ về nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, người thầy, người đồng nghiệp, người anh tận tình, chu đáo!”

TỔNG BIÊN TẬP CŨNG "ĐI B"

Từ ngôi nhà số 4 là tên một tập hồi kí của tướng Tám Trần, tức Trần Văn Phác (1926 - 2012). Ông nguyên là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân Giải phóng miền Nam…nguyên thiếu tướng Phó Chủ nhiêm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa V, VI), nguyên Bộ trưởng Bộ văn hóa - Thông tin). Từ ngôi nhà số 4 in năm 2005 tại Nxb Quân đội Nhân dân, viết về những năm tháng ông bí mật rời cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Trụ sở đặt tại số 4 - Lý Nam Đế (Hà Nội) theo đoàn tàu không số vượt biển đi B. ra chiến trường… và có măt ở Sài Gòn tháng Tư năm 1975

Tướng quân có lần kể, năm 1964 lúc ông đang làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và phụ trách báo Quân đội nhân dân thì được cấp trên cử đi chiến trường Nam Bộ, đi bí mật bằng đường biển (từ bãi biển Đồ Sơn - Hải Phòng vào thẳng cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh). Cùng đi có bốn đồng chí nữa. Trước hôm lên đường, Bộ Chính trị tổ chức chiêu đãi đoàn tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (33 - Phạm Ngũ Lão - Hà Nội). Trong buổi tiễn đoàn, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và các tướng lĩnh cao cấp, Bác Hồ đến rất đúng giờ hẹn. Người ân cần hỏi thăm từng cán bộ, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của đoàn công tác và… yêu cầu nhà thơ Tố Hữu đọc thơ tiễn đoàn. Nhà thơ bị bất ngờ, nhưng đã “ứng khẩu” kịp thời hai câu như sau: Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay / Bạn về chúc bạn ngày ngày thành công. Bác tỏ ra hài lòng, nhưng đề nghị nhà thơ sửa chữ về bằng chữ đi. Rồi Bác đọc lại: Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay / Bạn đi chúc bạn ngày ngày thành công. Mọi người rất vui vẻ. Bác đi một vòng xem xét chỗ ngồi và thức ăn của mọi người đâu vào đấy, rồi trở về chỗ của mình…”.

Bìa cuốn sách của tướng Văn Phác.

Trở lại những trang hồi ức của nhà văn - Thiếu tướng - Bộ trưởng Văn Phác, ông viết: “Tết Ất mão (1975), Cục Chính trị đón Tết trong rừng Lộc Ninh. Mai vàng nở khắp rừng. Bên mai vàng là phong lan với rất nhiều loài. Chưa bao giờ rừng chiến khu hoa phong lan lại nhiều thế. Anh em bộ đội lấy về buộc vào thân cây ngành ngạnh, và cả cơ quan như một rừng lan. Vào các buổi trưa, hoa toả hương khắp nơi, vào tất cả các phòng làm cho không khí thật xuân, thật Tết. Tết năm ấy lại có nhiều thịt thú rừng (dộc, cheo cheo) và gà lính ta nuôi được nên thật là rôm rả, đậm đà. Ai cũng nghĩ xuân này, Tết này sẽ có những niềm vui lớn…”.

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975 lịch sử, Văn Phác là Chính ủy sư đoàn 232 có mặt trong cánh quân vào giải phóng Sài Gòn làm nên Đại thắng mùa Xuân. Đất nước hòa bình thống nhất, ông được phong hàm cấp tướng và giữ trọng trách Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Gắn bó gần 40 năm với đời lính, ông hiểu về bi kịch của chiến tranh và niềm hạnh phúc của hòa bình. Còn nhớ trong bút kí Một mùa xuân rực rỡ, ông đã dành những dòng cuối cùng cho... nước mắt: “Thì ra chị mong quá mà khóc đấy thôi. Nước mắt của chị làm tôi bỗng chạnh lòng. Nước mắt làm nhẹ những buồn đau mất mát trong chiến tranh”. Và ông còn dành riêng tình cảm mình cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người ông đã từng là thư kí riêng suốt những năm ở R.: “Thế mà đến nay, nhân dân ta đã đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, tới ngày anh có thể đi thăm khắp miền Nam yêu quý thì anh không còn nữa... Nước mắt tôi bỗng trào ra không thể kìm lại được”.

Nhớ về Tháng Tư năm 1975, nhớ về những mùa xuân chưa xa, lúc ông mới nghỉ hưu, tôi có một đôi lần ghé nhà ông ở 16A cùng “phố nhà binh” chỗ Văn nghệ Quân đôi đặt trụ sở, và tháng Tư nào; Tết xuân nào cũng thấy trong phòng ông có một chậu mai vàng bên đòn bánh tét. Ông bảo để mãi mãi nhớ về những năm tháng chưa xa, để nhớ về anh em đồng đội một thời sống và viết!.                                                                                                       Phố nhà binh, tháng 4 năm 2022

NGÔ VĨNH BÌNH

(Đại tá, nhà văn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội )