Thứ Năm, 27/08/2020 00:14

Những phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực kiến trúc 100 năm qua

Triển lãm có tên gọi "Phụ nữ trong kiến trúc hơn 100 năm qua" tại Đức, đã giới thiệu những phụ nữ tiên phong trong nghệ thuật kiến trúc với các tác phẩm tiêu biểu của họ.

Người ta vẫn thường nghĩ, kiến trúc là một lĩnh vực do nam giới thống trị. Một cuộc triển lãm mới đây có tên gọi Women in architecture for over 100 years (tạm dịch: Phụ nữ trong kiến trúc hơn 100 năm qua) ở thị trấn Dusseldorf, miền tây nước Đức, đã giới thiệu những phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực này và các tác phẩm tiêu biểu của họ, từ Lois L. Howe và Lilly Reich đến Zaha Hadid và Alison Brooks.

Kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Alison Brooks chia sẻ: “Để trở thành một người phụ nữ hoạt động trong ngành kiến trúc, bạn cần thật nhiều sự tự tin. Chúng ta lớn lên cùng với các anh hùng và các vị thần, và họ đều là nam giới”.

Alison Brooks là kiến ​​trúc sư người Anh duy nhất cho đến nay đã giành được Giải thưởng RIBA Stirling, Huy chương Manser và Giải thưởng Stephen Lawrence. Hiện nay, ở tuổi 58, bà là một trong những tên tuổi hàng đầu trong thế hệ của mình. Tuy vậy, trong suốt hành trình của sự nghiệp, bà đã phải chịu không ít sự bất bình đẳng về giới.

Cố kiến trúc sư người Anh gốc Iraq - Zaha Hadid, người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng Pritzker năm 2004, đã nhiều lần nhấn mạnh, việc khẳng định mình trong thế giới kiến ​​trúc do nam giới thống trị là điều khó khăn như thế nào.

Một minh chứng điển hình cho sự phân biệt giới tính đã và đang diễn ra trên thế giới, đó là một số nhà phê bình về kiến trúc đã chế nhạo thiết kế của Zaha Hadid cho World Cup 2022 Qatar là ‘giống phần kín của nữ giới”.

Cuộc chiến chống lại định kiến ​​về phụ nữ

Biệt thự Tugendhat ở Brno, Cộng hòa Séc.

Tên của Lilly Reich (1885 – 1947) kiến trúc sư nữ giới người Đức, không nổi tiếng như Ludwig Mies van der Rohe (1886-1969), nam kiến trúc sư Đức nổi tiếng thế giới, một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của trào lưu Kiến trúc hiện đại của thế kỉ 20 và được xem như cha đẻ của phong cách Kiến trúc tối giản, tuy vậy họ đã cộng tác với nhau để thiết kế nhiều công trình kiến trúc. Tiêu biểu trong số đó là Biệt thự Tugendhat ở Brno, Cộng hòa Séc - một biểu tượng của chủ nghĩa hiện đại. UNESCO đã đưa biệt thự Tugendhat vào danh sách Di sản thế giới năm 2001 trong khóa họp thứ 25.

Nhưng kể từ sau “tín hiệu đáng mừng” như trường hợp của nữ kiến trúc sư Lilly Reich, sau hơn một thế kỉ phát triển, định kiến về phụ nữ trong ngành kiến trúc hầu như không có gì thay đổi. Định kiến phụ nữ khó có thể làm tốt trong ngành kiến trúc đã hằn quá sâu. Người ta áp đặt những suy nghĩ sáo rỗng rằng, phụ nữ không thể tính toán, không thể quản lí ngân sách; không thể suy nghĩ trong không gian ba chiều; hoặc những công trường không dành cho phụ nữ.

Ngày nay ở Đức, lựa chọn công việc đã có sự thay đổi ngoạn mục. Nhiều phụ nữ hơn nam giới chọn học kiến ​​trúc và vào năm 2018, 60% những người lấy bằng Thạc sĩ kiến trúc là nữ.

Dù vậy, nữ kiến ​​trúc sư hữu ý hay vô ý đều bỏ cuộc vì khó dung hòa giữa công việc và cuộc sống gia đình. Một cuộc khảo sát nghiêm túc năm 2016 của Phòng Kiến trúc Liên bang của Đức: trong số các kiến trúc sư làm việc tự do, chỉ có 22% là nữ, kiến trúc sư làm về mảng đô thị thương mại tỉ lệ phụ nữ tham gia còn ít hơn, chỉ đạt 9%. Ngoài ra, phụ nữ kiếm được ít hơn đáng kể so với các đồng nghiệp nam - lương trung bình thấp hơn 20%.

Một bản tái tạo kĩ thuật số của Café Samt und Seide ở Berlin, cũng do Lilly Reich thiết kế vào năm 1927.

 

Trước khi phụ nữ lần đầu tiên được phép học kiến ​​trúc ở Đức hơn 100 năm trước, đã có những hoài nghi và cảnh báo. Nhưng điều đó không ngăn cản được họ - ngay cả trước năm 1919, khi phụ nữ được trao quyền bầu cử.

Elisabeth von Knobelsdorff là người phụ nữ đầu tiên ở Đức lấy bằng kiến ​​trúc tại trường Cao đẳng Kĩ thuật Hoàng gia ở Berlin vào năm 1911. Công chúa Viktoria zu Bentheim und Steinfurt đã thiết kế một số lượng lớn các tòa nhà trong dinh thự của gia đình mình, và Emilie Winkelmann là người phụ nữ đầu tiên ở Đức mở văn phòng kiến ​​trúc tại Berlin năm 1907.

Triển lãm "Frau Architekt. Những người phụ nữ làm kiến ​​trúc trong hơn 100 năm" tại Phòng Kiến trúc sư ở Düsseldorf và một cuốn sách cùng tên giới thiệu những nữ kiến ​​trúc sư, những người đã vượt qua mọi khó khăn để viết nên lịch sử kiến ​​trúc.

Phụ nữ làm kiến ​​trúc trước năm 1945

Phụ nữ phải thực hiện nhiều cam kết và nỗ lực nhiều hơn nam giới vì họ có nhiều trở ngại hơn để vượt qua. Vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỉ, đã có một cuộc tranh luận về trang phục mà nữ kiến trúc sư nên mặc khi đi làm và người ta cho rằng, trang phục thích hợp nhất dành cho họ là chiếc áo choàng mà các nhà điêu khắc đã mặc.

Ở nước Mĩ, người ta có cách nhìn nhận tự do hơn đối với nữ kiến trúc sư… Vào năm 1902, kiến ​​trúc sư Lois L. Howe của Boston đã nhận xét rằng, dựa trên kinh nghiệm tiên phong của bản thân, khi một người phụ nữ đặc biệt yêu thích và quan tâm đến một điều nào đó, thì không có trở ngại nào mà họ không thể vượt qua.

Những nữ kiến ​​trúc sư tiên phong người Đức như Emilie Winkelmann, Therese Mogger và Elisabeth von Knobelsdorff một ngày nào đó cũng sẽ được nhìn nhận thích đáng hơn giống như những gì mà phụ nữ Hoa Kỳ đã đạt được. Tuy vậy, dưới thời kì Đức quốc xã, hoạt động xây dựng được nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Khoảng 100 nữ kiến ​​trúc sư Do Thái đã chết ở Holocaust, bao gồm cả sinh viên tại Trường nghệ thuật Bauhaus là Friedl Dicker-Brandeis và Zsuzsanna Banki.

Nước Đức thời hậu chiến do nam giới thống trị

Trong những năm 1950 và 1960, phụ nữ ở Đức được cho là luôn đảm nhiệm vai trò nội trợ. Trong kiến trúc, phụ nữ phải rút lui vào các lĩnh vực mang ý nghĩa “phụ nữ”, như thiết kế các dự án và cơ sở nhà ở cho thanh niên, trẻ em và thiết kế nội thất. Rất ít phụ nữ được tham gia xây dựng các tòa nhà công cộng.

Tại Đông Đức, Iris Dullin-Grund đã thiết kế Nhà Văn hóa và Giáo dục ở Neubrandenburg vào năm 1965 và trong những năm 1970 và 1980.

Nữ kiến trúc sư Verena Dietrich bắt đầu làm nghề tự do vào năm 1982; cô đã giành chiến thắng trong cuộc thi năm 1993-1994 để thiết kế cây cầu đi bộ này ở Cologne.
Tại Tây Đức, Sigrid Kressmann-Zschach đã thiết kế các tòa nhà thương mại và Ingeborg Kuhler đã tạo dựng được tên tuổi của mình vào năm 1990 với Bảo tàng Công việc và Công nghệ ở Mannheim.

Còn hiện nay: “Các nữ kiến trúc sư cần sự hỗ trợ từ những người đã dám thực hiện hành trình phải có của mình. Dù ngày nay có nhiều nữ kiến trúc sư nổi tiếng và được kính trọng hơn trước đây, điều đó không có nghĩa là công việc của các nữ kiến trúc sư đã trở nên dễ dàng hơn” - Zaha Hadid nói khi bà được trao giải Jane Drew, giải thưởng dành cho các nữ kiến trúc sư xuất sắc vào năm 2012.

Nữ kiến ​​trúc sư tự điều hành công việc kinh doanh vẫn là một điều hiếm hoi, điều này cũng là do sự không tương thích giữa công việc đòi hỏi nhiều thời gian và nhu cầu của gia đình. Theo quan niệm phổ biến, các kiến ​​trúc sư thiết kế toàn bộ thành phố mặc vest đen, đeo kính đen và đội mũ cứng - và họ là nam giới.

Các nữ kiến trúc sư tiên phong với những công trình kiến trúc vượt bậc

Alison Brooks là nữ kiến ​​trúc sư người Anh được truyền thông quốc tế săn đón. Bà 3 lần giành giải thưởng RIBA - “Oscar” của giới kiến ​​trúc. Công chúng yêu thích công trình kiến ​​trúc bằng gỗ đồ sộ của cô The Smile, một đường hầm lớn do cô thiết kế làm gian hàng cho Tuần lễ thiết kế London năm 2016. Nó nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích của đám đông.

Công trình bằng gỗ The Smile của nữ kiến trúc sư Alison Brooks.

Cũng tại Anh quốc, kiến trúc sư Amanda Levete cũng từng đoạt giải thưởng RIBA. Bà đang điều hành một văn phòng ở London và đã có nhiều thiết kế tòa nhà nổi bật mang tên mình. Một ví dụ điển hình là Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc và Công nghệ của Lisbon, nơi những đường cong trên lối đi dạo trông như đỉnh của một con sóng. Mặt tiền của nó được trang trí bằng gạch gốm, giống như vảy của một con rắn, trong khi mái của nó đóng vai trò như một ban công hoàn hảo để ngắm nhìn quang cảnh thành phố.

Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc và Công nghệ tại Lisbon của Amanda Levete.

Còn nữ KTS Anh gốc Iraq Zaha Hadid là một trong những cái tên nổi tiếng nhất trong giới kiến trúc trước khi bà qua đời đột ngột vào năm 2016. Hadid được biết đến là tác giả của các công trình với các hình thái và hình dạng độc đáo, như được thấy ở Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia của Roma. Công trình này gồm các bề mặt bê tông dốc xếp chồng lên nhau. Bản thiết kế của bà đã “đánh bại” 273 đối thủ khác.

Tháp Leeza SOHO ở Bắc Kinh, thiết kế công trình cuối cùng của Zaha Hadid.

Iris Dullin-Grund lại là một trong những kiến trúc sư có ảnh hưởng nhất của CHDC Đức với những dự án lớn của mình. Bà lập kế hoạch phát triển chung cho Neubrandenburg và chịu trách nhiệm về tòa tháp cao tầng của Nhà Văn hóa và Giáo dục trong thành phố, nơi bà là kiến ​​trúc sư trưởng từ năm 1970 đến 1990. Tiếng tăm của cô lan rộng ra ngoài biên giới Đông Đức cũ.

Một số người coi Sigrid Kressmann-Zschach là đối tác ở Tây Đức của Iris Dullin-Grund. Sinh ra ở Leipzig vào năm 1929, nơi bà học về kĩ thuật, bà đã trở thành một nhà thầu xây dựng thành công với khoảng 300 nhân viên ở Tây Berlin vào những năm 1960 - một thành tích không nhỏ vào thời điểm đó. Bà chịu trách nhiệm về các tòa nhà độc đáo của Berlin trong đó có tòa Kudamm-Karee. Bà mất năm 1990 tại Berlin.

Lilly Reich và Ludwig Mies van der Rohe đã thiết kế Café Samt und Seide trong cuộc triển lãm năm 1927. Hai người gặp nhau vào năm 1924 và cộng tác với nhau cho đến khi chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 1938. Kết quả của sự hợp tác này bao gồm Gian hàng Barcelona cho Triển lãm Thế giới năm 1929 và Biệt thự Tugendhat ở Brno.

Kiến trúc sư Lotte Cohn, là một trong những phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp bằng Đại học kiến ​​trúc vào năm 1916. Sau khi làm việc ở Berlin, bà di cư đến Israel ngày nay vào năm 1921, nơi bà tạo dựng tên tuổi với tư cách là một kiến ​​trúc sư tự do ở Tel. Bà thường thi công các khu định cư tập thể, nơi cư dân chia sẻ của cải và tài sản.

Những gì dường như là một nhà bếp hoàn toàn bình thường ngày nay vốn là thành tựu của gần 100 năm trước: "Nhà bếp Frankfurt" là nguyên mẫu cho nhà bếp được trang bị hiện đại và được thiết kế bởi Margarete Schütte-Lihotzky vào năm 1926. Được coi là hiệu quả và thực dụng, hàng nghìn chiếc đã được lắp đặt trong các nhà ở xã hội ở Frankfurt vào thời Cộng hòa Weimar và đã trở thành một làn sóng trên toàn thế giới.

"Nhà bếp Frankfurt" của gần 100 năm trước.

Là một kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế nội thất, Eileen Grey là nhân vật tiên phong trong phong trào Chủ nghĩa hiện đại. Công trình nổi tiếng nhất của bà là biệt thự mà bà xây dựng trên Riviera của Pháp vào năm 1926, "E-1027." Nhưng trong nhiều năm, các nhà sử học tin rằng nó được xây dựng bởi đồng nghiệp nam của cô, Le Corbusier. Vào năm 2019, một cuốn tiểu thuyết đồ họa đã được xuất bản về nhà thiết kế-kiến trúc sư gan dạ, có tên "A House Under the Sun"

Những phụ nữ muốn trở thành kiến ​​trúc sư vào đầu thế kỉ 20 ở Đức thường gặp sự kì thị và bị từ chối. Ở Munich và Berlin, Therese Mogger không được phép học đại học và chỉ có thể kiểm tra các khóa học. Tuy nhiên, cô đã trở thành một trong những nữ kiến ​​trúc sư người Đức đầu tiên. Năm 1911, Elisabeth von Knobelsdorff là người phụ nữ đầu tiên ở Đức lấy bằng kĩ sư.

BÌNH NGUYÊN theo dw.com