Thứ Tư, 26/02/2020 09:29

Những thước phim trong suốt

Với đam mê của mình, Nguyễn Hữu Tuấn khi đó đã nhận ra: hình như một bộ phim hay cần quá nhiều điều để thực hiện được ở một nền điện ảnh thời chiến tranh và bao cấp thiếu thốn, nhưng hình như nó cũng chỉ cần một điều, đó là tư duy điện ảnh.

 Nghệ sĩ nhân dân, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn là người đứng sau máy quay những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam như: Thị xã trong tầm tay, Hi vọng cuối cùng, Thương nhớ đồng quê, Bến không chồng, Lạc lối, Trở về, ... Nguyễn Hữu Tuấn cũng từng tham gia các đoàn làm phim nước ngoài quay tại Việt Nam như Đông Dương, Người tình, Người Mỹ trầm lặng… Say mê và nhạy cảm với hình ảnh, ông được nhận định là một bậc thầy trong lĩnh vực quay phim.

Truyện ký Những thước phim trong suốt là cuốn sách đầu tay của nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn. Chiều 25/2 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm Văn - Họa - Ảnh: Những điểm chạm nhân dịp cuốn sách được giới thiệu đến bạn đọc. Cuốn sách gồm 30 bài viết có tính hồi ức về những năm tháng đã qua. Qua đó người đọc sẽ hiểu thêm được niềm đam mê điện ảnh cũng như tuổi trẻ của ông, đồng thời qua đó, những con người và thời cuộc cũng hiện lên một cách đậm nét, sâu sắc. Với đam mê của mình, Nguyễn Hữu Tuấn khi đó đã nhận ra: hình như một bộ phim hay cần quá nhiều điều để thực hiện được ở một nền điện ảnh thời chiến tranh và bao cấp thiếu thốn, nhưng hình như nó cũng chỉ cần một điều, đó là tư duy điện ảnh.

Từ trái qua phải: dịch giả Trịnh Lữ, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nhà văn Nguyễn Trương Qúy

Trong cuốn sách này chúng ta sẽ vẫn gặp những hình ảnh, những con người, những cảnh vật hiện lên như những thước phim quay chậm về ký ức, chỉ khác là những điều này được biểu hiện bằng ngôn ngữ văn chương. Nói về cuốn sách đầu tay của mình, NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ: Khi buông máy rồi ông luôn tự hỏi lại, điều mình đã làm có ý nghĩa không, mình có làm gì sai với lòng mình không. Luôn tự vấn về những gì đã qua, điều đó thôi thúc ông viết ra những gì mình đã gặp, đã thấy, đã cảm. Ông không bằng lòng với quan niệm một thời người ta hay nói, rằng nghệ thuật phải có tính giáo dục. Khi làm phim ông nghĩ, mình cứ làm theo cách của mình, khán giả rút ra được điều gì là do cách cảm của họ. Cuốn sách này là cách ông kể lại những hình ảnh trong ký ức với “những thước phim trong suốt, trung tính, không bộc lộ điều gì cả”.

Nhà văn Nguyễn Trương Qúy bày tỏ: “Như một nhân chứng của nền điện ảnh nước nhà từ thời những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng đến tận những năm 2000, Nguyễn Hữu Tuấn gợi nỗi ngậm ngùi về con đường điện ảnh mình đã trải qua. Có nhiều thứ đấy, mà cũng chỉ toàn quay những thước phim "sạch sẽ" như nước cất trong phòng thí nghiệm. Không màu sắc, không mùi vị”.

Nhưng điều Nguyễn Hữu Tuấn muốn kể, không hẳn là về những bộ phim, mà về cuộc sống những người ông đã gặp, tựa như những cái tên phim hiện lên trong tâm trí khán giả song giờ đã mờ nhòe hết cả. Người ta nhớ tên phim, nhớ hình ảnh các diễn viên một thời, nhớ cái không khí có màu sử thi lung linh, nhưng khó mà nhớ được một phong cách, một thủ pháp, một mỹ cảm nổi bật nào.

Là một nhà quay phim, đồng thời cũng là nhà nhiếp ảnh, họa sĩ và viết văn, Nguyễn Hữu Tuấn đã cho công chúng thấy được những điểm chạm của văn - họa - ảnh. Đây đều là những thể loại nghệ thuật mà tác giả phải là người có lí luận. Ảnh là hiện thực, tranh họa là siêu thực, mông lung, văn chương đi sâu vào hai lĩnh vực trên để suy nghiệm. Theo dịch giả Trịnh Lữ, từ ảnh đến họa cho ta thấy cái vô hình tồn tại được là nhờ cái hữu hình. Nếu ngược lại thì phải nhờ đến ngôn ngữ văn học bộc lộ hình hài, cảm xúc. Văn - họa - ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn đã làm cho ta phải nghĩ. Nhìn thật kỹ, thật sâu vào hiện thực sẽ nhìn ra nghệ thuật và sự mông lung không cùng. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì cho rằng, trong văn chương Nguyễn Hữu Tuấn có tính hội họa và tính điện ảnh, và bản chất của hội họa, điện ảnh của ông cũng như một hình thái văn chương.

Những thước phim trong suốt, cuốn sách bao hàm cả văn - họa - ảnh được viết với phong cách nhẹ nhàng, tha thiết, giàu cảm xúc và nghiêng về gợi dẫn nhiều hơn là bình xét, nhẹ tênh mà ám ảnh.

AN CHI