Chủ Nhật, 27/05/2018 00:38

Những tín hiệu của thơ

Với mỗi người làm thơ, hẳn ít ai quên được cảm xúc khi viết bài thơ đầu tay của mình. Rưng rưng và vui sướng, vừa như muốn hét lên với cả thế giới rằng tôi là nhà thơ lại vừa như muốn giấu đi thật kĩ cảm xúc của mình. Nhất là với những người trẻ cầm bút thì điều này thường vẫn xảy ra. Đây là một điều đáng quý và phần nào chính là tín hiệu cho con đường thơ của bạn về sau. (Người Biên Tập)
Với mỗi người làm thơ, hẳn ít ai quên được cảm xúc khi viết bài thơ đầu tay của mình. Rưng rưng và vui sướng, vừa như muốn hét lên với cả thế giới rằng tôi là nhà thơ lại vừa như muốn giấu đi thật kĩ cảm xúc của mình. Nhất là với những người trẻ cầm bút thì điều này thường vẫn xảy ra. Đây là một điều đáng quý và phần nào chính là tín hiệu cho con đường thơ của bạn về sau. Thơ trên bàn biên tập số này Người Biên Tập xin được trò chuyện với các cộng tác viên mới, và rất trẻ.

Trước tiên, xin chào bạn Cao Thọ Nhật Trường, một chiến sĩ trẻ đang đóng quân tại Đồng Nai. Trong lá thư rất dài gửi về tòa soạn, Nhật Trường chia sẻ, bạn nhập ngũ vào tháng 2/2017, tất cả thật bỡ ngỡ, bạn phải làm quen với môi trường sống mới, mọi thứ đều thực hiện theo điều lệnh, điều lệ, cảm giác những ngày đầu thật khó khăn. Có một điều “thật tuyệt vời” với Nhật Trường, đó là qua một người bạn, Nhật Trường lần đầu tiên đã biết đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội và bạn đặc biệt yêu thích những bài thơ in trên Tạp chí. Thơ đã đồng hành cùng bạn trong những ngày đầu quân ngũ như thế. Xin trích một phần thư của Nhật Trường: “Điều làm con ây ấy là, không biết vào thời bình ở cái thế kỉ 21 này có còn nhiều tác giả, tác phẩm hay và kinh điển như ngày xưa nữa không? Thơ thường theo giai đoạn, vậy thơ bây giờ người ta sáng tác thế nào, theo thể loại gì, có mới không... Khi đọc Văn nghệ Quân đội con mới thấy được. Nên hôm nay con lấy hết can đảm gửi những bài thơ của mình lên ban biên tập, con run lắm. Con thích thơ, đặc biệt là thể thơ tự do có vẻ đang hot trong giai đoạn này. Nên con rất mong cô, chú cho con ý kiến, nhận xét”.

Nhật Trường thân mến! Có thể nói, sự hồn nhiên, non trẻ của bạn khi nói về thơ đã khiến Người Biên Tập thực sự ấn tượng. Cái sự “ây ấy” mà bạn chưa diễn đạt được thành lời chính là những cảm xúc và sự băn khoăn của một người trẻ trước sự không cùng của thơ. Tuy nhiên, thơ không là khoảng cách mà thơ đem lại sự đồng điệu cho tất cả chúng ta. Như cái sự tuyệt vời mà Nhật Trường đã cảm thấy khi đọc thơ trên Văn nghệ Quân đội. Nhật Trường ạ, có lẽ Người Biên Tập cũng không thể đưa ra bất cứ khái niệm, định nghĩa nào hay một câu trả lời chính xác về thơ cho bạn. Và cũng không phải thơ tự do có vẻ đang “hot” như bạn nói mà người viết cũng phải chọn thể loại này. Thơ là sự thăng hoa của cảm xúc kết hợp với ngôn ngữ đã được chắt lọc để bật ra câu thơ làm lay động người đọc. Và thơ càng không nhất thiết phải là những câu chữ được gò ép với nhau cho có vần như bạn viết: Trăng mờ thoang thoảng tựa hơi sương/ Như đâu ngai ngái vãi mùi hương/ Gió thổi nhè nhẹ tạc ngang đường... Cảm xúc, nhịp điệu, cấu tứ là những yếu tố cần có của một bài thơ. Nếu Nhật Trường đã rất thích những bài thơ in trên Văn nghệ Quân đội, hãy đọc lại thật kĩ và cảm nhận, bạn sẽ tự tìm ra được một ý niệm riêng về thơ. Cảm ơn Nhật Trường đã chia sẻ với tòa soạn những tình cảm đáng trân trọng này. Chúc bạn có những ngày tháng ý nghĩa trong quân ngũ.

Em Lê Như Quỳnh ở Phú Thọ, trong lần đầu tiên gửi thư đến tòa soạn đã bày tỏ tình yêu của mình với thơ: “Em đang là học sinh cấp ba, em vô cùng yêu thích môn văn học và càng yêu thích những bài thơ như Tây Tiến, Đàn ghi-ta của Lorca. Nhưng có một điều em cảm thấy không vui là các thầy cô lên lớp thường định hướng cho chúng em theo dàn ý trong sách, trong khi em muốn được tưởng tượng rộng hơn nữa thì cô giáo bảo như vậy là sai. Em không muốn môn văn cũng có đáp án như toán, lí, hóa. Bác em là bộ đội về hưu, thỉnh thoảng bác có đọc Tạp chí Văn nghệ Quân đội và qua đây em đã được đọc những bài thơ mà em thấy mới mẻ, độc đáo. Những bài thơ này như thôi thúc em viết nên gì đó...”.

Như Quỳnh thân mến! Người Biên Tập rất xúc động khi đọc những chia sẻ của em, và với ý nghĩ chủ quan của mình, Người Biên Tập cảm thấy em là một cây bút trẻ khá triển vọng, trước hết bởi em đã không áp đặt mình ở những gì đã có sẵn. Văn chương phải là thế giới của sáng tạo và tưởng tượng. Trong bài thơ Hoài niệm trắng em viết: Bầu trời có nhiều màu sắc/ Sao chỉ mây trắng lắng hồn ta/ Và áo bạn chiều nay thảng thốt/ Trắng trong ta năm tháng học trò/ Nếu có thể bạn đừng về lối ấy/ Áo trắng bay, xuyến chi cũng trắng trời/ Ta e sợ màu trắng thì dễ mất/ Cơn mưa qua, hoài niệm trắng lòng ta. Những câu thơ rất đẹp và tinh khôi như chính lứa tuổi của các em. Như Quỳnh đã biết lồng trong câu thơ miêu tả những cảm xúc nội tâm của mình. Vẫn là những hình ảnh quen thuộc của tuổi học trò nhưng em đã đem đến một tín hiệu lấp lánh cho thơ. Tuy nhiên, nếu em tiết chế hơn trong cách sử dụng từ ngữ trắng, mà có một cách viết cô đọng và gợi hơn nữa thì bài thơ sẽ thành công hơn. Và câu thơ: Ta e sợ màu trắng thì dễ mất chưa được thơ cho lắm, em có thể sửa lại thành: Ta e sợ màu trắng là không thực thì sự liên tưởng sẽ lớn hơn rất nhiều. Cảm ơn em đã không ngần ngại để chia sẻ, và Người Biên Tập hi vọng sẽ được đọc những sáng tác tiếp theo em gửi. Chúc em luôn có thành tích học tập tốt và giữ cho mình niềm đam mê văn chương.

Những trang viết đầu tay là tín hiệu để chúng ta chờ đợi và hi vọng vào những người viết trẻ.
 
Người Biên Tập