Thứ Hai, 28/04/2025 08:02

Những trang văn về chiến tranh còn mãi với thời gian

Thế hệ nhà văn đến với văn học từ chiến tranh thường được gọi là nhà văn mặc áo lính - nhà văn chiến sĩ, một truyền thống đặc trưng của nền văn học Việt Nam...(BÙI VIỆT THẮNG)

(Về những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Thái Bá Lợi viết sau 1975)

. BÙI VIỆT THẮNG

 

Nhà văn Thái Bá Lợi - 1/366

Thế hệ nhà văn đến với văn học từ chiến tranh thường được gọi là nhà văn mặc áo lính - nhà văn chiến sĩ, một truyền thống đặc trưng của nền văn học Việt Nam hiện đại từ sau 1945. Sách Tổng tập Nhà văn Quân đội (Nxb Văn học, 2023, hơn 5000 trang) ghi nhận 366 nhà văn mặc áo lính là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - “một con số biết nói”. Nó nói về “Những người dũng cảm cả trong đời sống lẫn nghệ thuật, luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức và luôn đổi mới. Nhiều nhà văn đã từng trải qua quân đội đã đóng vai trò tiên phong trong việc cách tân, mở ra những hướng đổi mới và tạo nên sự đa dạng, sinh động cho văn chương nước nhà” (Tuoitre.vn, 2/2/2024). Lời của người trong cuộc nói về người trong cuộc quả thật sát hợp, lý tình phân minh. Đó là ý kiến của nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội về bộ sách Tổng tập Nhà văn Quân đội. Bộ sách đẹp cả về nội dung và hình thức này đoạt Giải A Giải thưởng Sách quốc gia, năm 2024, bao gồm kỷ yếu và tác phẩm của 366 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận-phê bình, dịch giả tiêu biểu cho các thế hệ nhà văn - chiến sĩ của cả nước. Dư luận xã hội và văn giới đánh giá cao đây là “một bộ sử bằng văn”. Nhà văn Bảo Ninh - 1/366 khác - chia sẻ “Không có đời sống bộ đội tôi không có đời viết văn”.

Khi chúng tôi viết “Nhà văn Thái Bá Lợi - 1/366” là hàm ý sâu xa như vậy. Trong Tổng tập Nhà văn Quân đội, Thái Bá Lợi đứng chân ở tập 3 với số trang tác phẩm khiêm tốn trong bố cục chung của bộ sách có tính chất của một “thùng thư” (hơn 100 trang trích tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai; Nxb Quân đội nhân dân, 1981, tái bản lần thứ 3; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1983; Giải thưởng Nhà nước về VHNT, 2012). Nhà văn đã đóng cùng lúc vai nhân chứng (can dự thời cuộc), bảo chứng bằng chữ (viết chiến tranh như một cách gìn giữ ký ức lương thiện). Trong một bài viết cách nay hơn bốn mươi năm có tựa “Nghĩ về truyện ngắn của một số cây bút trẻ quân đội” (in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 3/1981; in trong sách Bùi Việt Thắng - Bình luận truyện ngắn, Nxb Văn học, 1999) về sáng tác truyện ngắn của các nhà văn Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Khuất Quang Thụy chúng tôi đã trình hiện dự cảm về đường văn của mỗi tác giả được tiếp nhận trên căn cứ của yêu cầu phát triển bền vững. Nghĩa là tiếp cận văn chương từ góc độ văn hóa khi “các cây bút trẻ có ý thức đưa nhân vật vào những mối quan hệ đa chiều, muốn gắn bó số phận của những con người cụ thể với số phận lịch sử, nhân dân”. Đường đời và đường văn Thái Bá Lợi được kết tinh và tỏa sáng trong bộ sách Thái Bá Lợi tuyển tập (5 tập, Nxb Hội Nhà văn, 2021, hơn 2500 trang); gồm 14 truyện ngắn, 1 bút ký và 8 tiểu thuyết (chưa tính đến phần Tác phẩm và dư luận, hơn 400 trang ở cuối tập 5).

Truyện ngắn Hai người trở lại trung đoàn của nhà văn Thái Bá Lợi - một dấu mốc văn học đổi mới

Như ý kiến của nhà văn Nguyễn Bình Phương đã dẫn ở trên, có thể là câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi nếu có “Vì sao các nhà văn quân đội chính là những người tiên phong đổi mới văn chương từ sau 1975?”. Nếu có thể nói thì Thái Bá Lợi cùng với những đồng nghiệp mặc áo lính như Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu đã đóng vai trò xung kích trong trong những thử nghiệm nghệ thuật mới mẻ, táo bạo đạt tới hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả như cách nói bây giờ. Những trang văn tiểu thuyết về chiến tranh của Thái Bá Lợi được khảo luận kỹ càng và công phu trong các bài phê bình của đồng nghiệp văn chương in trong phần cuối Tác phẩm và dư luận trong bộ sách Thái Bá Lợi tuyển tập (5 tập, Nxb Hội Nhà văn, 2021). Đặc biệt ân tình và ấn tượng là tiểu luận của Phạm Phú Phong “Thái Bá Lợi với tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975” (tập 5, trang 360 - 374). Thiết nghĩ, chưa phải là toàn bích nhưng những dấu ấn quan trọng nhất của nhà văn trên đề tài chiến tranh cách mạng là tập trung, phát sáng và kết tinh trong thể loại tiểu thuyết theo cách diễn đạt của Chu Lai “Chiến tranh là một siêu đề tài. Người lính là một siêu nhân vật”. Trong số 21 tiểu luận - phê bình về sáng tác của Thái Bá Lợi có 2 bài của Phạm Xuân Nguyên “Một sư báo động rất sớm” và Nguyễn Thanh Tâm “Trở lại và mang theo những gì?” (đều in trên chuyên đề Viết & Đọc, số Mùa Thu, 2020) cùng luận bàn về thiên truyện ngắn xuất sắc Hai người trở lại trung đoàn (có ý kiến cho là truyện vừa xét về thể loại, được nhà văn viết vào tháng 7/1976, in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4/1977). Một tác phẩm sau 43 năm vẫn cần thiết đọc lại và bình xét tiếp tục thì đó là dấu chỉ của sự hấp dẫn, của sự thành công. Trong thời điểm này, chúng tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, Hai người trở lại trung đoàn, nếu có thể ví von thì, như một “đột phá khẩu”, một “phát pháo lệnh” của đổi mới văn học. Nhà văn Thái Bá Lợi, theo chúng tôi, tựa một người lính xung kích trên mặt trận chữ - nghệ thuật ngôn từ, hay là văn chương như cách chúng ta mặc định.

Phải đặt thiên truyện Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi trong bối cảnh/ trên nền một mặt bằng văn chương đang vận động theo quán tính (trong khoảng thời gian 10 năm sau chiến tranh, 1975 - 1985). Đặc trưng của văn học quán tính là chưa ra khỏi phên giậu của cảm hứng sử thi - lãng mạn, hướng về nhân vật lý tưởng, có tính “đồng ca”. Từ bỏ một thói quen (kể cả thói quen tốt) cũng không hề dễ dàng. Huống hồ từ bỏ một công thức (như vòng kim cô) cũ lại khó gấp bội. Hai người trở lại trung đoàn, xét về hình thức là một tác phẩm về chiến tranh vì câu chuyện được kể gắn với các sự kiện, biến cố, tình huống chủ yếu trong chiến tranh. Nhưng kết thúc câu chuyện lại gắn với thời hòa bình. Nên nhan đề tác phẩm mới có động từ (hay tính từ/ trạng từ) “trở lại”. Nhưng vẫn chỉ “trở lại trung đoàn”. Thiên truyện được viết một cách bình tĩnh, giản dị, thặng dư nghĩa. Nó bàn về - qua hình tượng nghệ thuật, ở đây qua ba nhân vật Trí - Mây - Thanh, một vấn đề quan thiết có ý nghĩa triết học - đạo đức như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết “Bước ra khỏi chiến tranh chúng ta cũng cần bình tĩnh và thông minh như khi bước vào chiến tranh”. Tính vấn đề của Hai người trở lại trung đoàn có ý nghĩa thâm hậu - vấn đề nhân cách (cao hơn tính cách, vươn tới phẩm cách) như là đòi hỏi cao nhất với mỗi con người phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành CON NGƯỜI.

Hai người trở lại trung đoàn ngay từ khi xuất hiện đã thực sự chia đôi dư luận độc giả như một hiện tượng văn học khiến chúng tôi nhớ lại triết lý của một đại doanh nhân “Một ý kiến đưa ra nếu được tất cả mọi người biểu đồng tình thì hãy dè chừng; một ý kiến đưa ra bị tất cả mọi người phản đối thì hẵng bình tĩnh xem xét tận nơi chốn; một ý kiến đưa ra có khả năng chia đôi dư luận thì hãy nghĩ ngay đó có thể là một ý kiến thú vị” (!?). Một tác phẩm thành công thường có tầm ảnh hướng đến công việc viết văn của những người đi sau có thể coi là một dấu chỉ thành công. Nhà văn Sương Nguyệt Minh (nguyên Trưởng ban Văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội) chia sẻ “Tôi bị chinh phục, bị mê hoặc ngay bởi truyện ngắn Hai người trở lại trung đoàn của nhà văn Thái Bá Lợi. Có cảm giác cái truyện ngắn đó như người bạn lớn bất ngờ ập đến và ở mãi cùng tôi, chân thành,sâu sắc, ẩn chứa một nỗi đau không nói thành lời. Có thể nói: Tôi yêu Văn nghệ Quân đội bắt đầu từ truyện ngắn ông Thái Bá Lợi” (Thái Bá Lợi tuyển tập, 5 tập, tập 1, Nxb Hội Nhà văn, 2021, tr. 13-14). Có lẽ tình yêu sâu sắc cái truyện xuất sắc của “ông” Thái Bá Lợi mà cây bút trẻ Sương Nguyệt Minh (sinh 1958) dạo đó (từ tháng 1/1998) đầu quân về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm biên tập văn xuôi. Gần đây nhất, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ với tác giả bài viết này về thời điểm đọc Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi là vào tháng 5/1977, khi đang đóng quân tại Căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Mới thấm thía ai đó nói văn chương hay cũng như người con gái đẹp, có sức quyến rũ và thôi miên. Nói cách khác đó là duyên văn. Một thứ duyên trời cho chứ không phải cố gắng mà đạt được.

Trong chuyên luận Truyện ngắn - những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000, 2007, 2011) của tác giả Bùi Việt Thắng, ở chương 5 - Khái quát sự phát triển truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX; mục 3 - Truyện ngắn Việt Nam 1976-2000, đã nêu và khẳng định tác phẩm Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi là một “cái mốc” trong lộ trình phát triển truyện ngắn Việt Nam đương đại sau 1975 (sđd, tr. 178). Gần nhất, trong tham luận Văn xuôi Nghệ An 1975 - 2025 nhìn từ thế hệ và thành tựu gửi tham dự Hội thảo do Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An sẽ tổ chức vào tháng 4/2025, chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh đóng góp xứng đáng của nhà văn Thái Bá Lợi vào công cuộc Đổi mới văn học bằng những truyện ngắn xuất sắc về chiến tranh như Hai người trở lại trung đoàn (1977) và Đội hành quyết (1984).

Thiên truyện Đội hành quyết của nhà văn Thái Bá Lợi và cách thức viết về “mặt sau của tấm huân chương”

Trong một trả lời phỏng vấn, được hỏi về 5 tác phẩm (giả định con số) viết về chiến tranh hay nhất trong văn chương đổi mới, chúng tôi đã đề xuất: Cỏ lau (truyện ngắn) của Nguyễn Minh Châu, Nỗi buồn chiến tranh (tiểu thuyết) của Bảo Ninh, Bến không chồng (tiểu thuyết) của Dương Hướng, Nhiệt đới gió mùa (truyện ngắn) của Lê Minh Khuê, Đội hành quyết (truyện ngắn) của Thái Bá Lợi. Có người nhận xét, viết như Thái Bá Lợi trong Đội hành quyết là đã đi vào tận cùng của “hiểm địa văn chương”. Đọc nó, tôi cứ váng vất nhớ tới tiểu thuyết chiến tranh xuất sắc Sống mà nhớ lấy (1977) của nhà văn Nga V. Raxputin. Chính vì sự gần gũi cái cấu tứ truyện “người lính mang tội”. Đó là anh lính Angđơrây vì hèn nhát đào ngũ đã gây ra cái chết cho vợ và đứa con còn trong bụng mẹ. Nên anh ta sau đó còn sống nhưng đã như chết vì hối hận, sám hối. Đành “sống mà nhớ lấy. Motif chủ đề và cốt truyện “người tốt mang tội” gần đây rất ngấm trong tiểu thuyết Một ví dụ xoàng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2021) của Nguyễn Bình Phương.

Đội hành quyết kể một câu chuyện đau thương, bi thương trong chiến tranh khi người lính tên Đán vì muốn cứu mình và đồng đội khỏi cơn đói chết người đã đi “cướp gạo” của những người gùi gạo thuộc một xưởng dược mặt trận. Một khẩu súng vô tình rơi vào tay anh ta và sau sự kiện “long trời lở đất” Đán tự thú “Em nghĩ mình bắn dọa để họ bỏ gạo chạy chứ không chủ tâm bắn trúng người” (chiến sĩ Đán đã vô tình làm chết 1 người và làm bị thương 1 người khác đều là đồng đội, đồng chí của mình). Anh đã tìm về đơn vị tự thú trước chính trị viên đại đội và rơi vào hoảng loạn đêm nào cũng chìm vào ác mộng. Anh mong được tha thứ. Nhưng chiến tranh có quy luật nghiệt ngã của nó. Sức mạnh của quân đội là kỷ luật (quân lệnh như sơn). Tòa án binh được lập và Đán nhận tội chết. Về lý là đúng. Nhưng về tình thì người đọc không khỏi vân vi bởi cái chết là sự tước đoạt sinh mạng một con người. Không mất mát nào lớn bằng cái chết. Người ta là hoa đất. Vậy là một bông hoa của đất đã héo tàn. Nên ký ức với người kể chuyện dẫu có là ký ức lương thiện thì vẫn đau đớn khi “Trước mắt tôi hiện lên bữa ăn cuối cùng của Đán. Một đĩa cơm trắng, một con gà, đó là những thứ mà đại đội tôi tìm được lúc ấy, vì cả tuần chúng tôi vẫn ăn cháo. Bữa ăn của người tử tù. Dáng đi khập khễnh của Đán về phía cái hố được đào sẵn. Và chúng tôi, hai mươi tám người, quân số của đại đội lúc đó, với hai mươi tám khẩu AK đồng loạt nổ súng. Đán gục ngã bên bờ hố. Và buổi tối nặng nề ấy, tất cả chúng tôi ai cũng cam đoan rằng chính mình bắn chệch hướng, không nhắm vào Đán” (Thái Bá Lợi tuyển tập, 5 tập, tập 1, Nxb Hội Nhà văn, 2021, tr.277). Bà Phấn, người mẹ của Đán nghe câu chuyện do “Tôi” kể lại đã bình tĩnh nói “Em cứ kể đi, bác chịu được mà!”. Nhưng Tôi thấy “Giọng nói cố làm ra vẻ rắn rỏi của bà cũng đã nghẹn lại”. Và “Cặp mắt người mẹ tưởng như không còn đủ nước mắt trước các đau thương đang nhìn tôi. Lẽ nào dòng đời cứ cuốn đi không đủ thì giờ để nghĩ đến người mẹ này. Và vẫn câu nói của bà: Bác chịu được, bác chịu được mà... Lẽ nào?”. Cái kết truyện gây ấn tượng mạnh, tạo nên một ám ảnh nghệ thuật bền lâu, gợi liên tưởng sâu xa về kiếp người trong cõi nhân sinh nơi trần gian. Ở đây là vấn đề tình thương, tình mẫu tử của một người mẹ vĩ đại khiến cho Tôi - người kể chuyện cảm thấy “Câu chuyện của bà, giọng nói của bà, đôi mắt của bà làm tôi nhớ một câu của ông Faulkner tận bên Mỹ rằng: “Các bà mẹ thường thương đứa con giết người hơn đứa con trở thành tu sĩ”.

Truyện Đội hành quyết được tác giả viết năm 1984, trước ngưỡng cửa Đổi mới văn học. Bối cảnh ra đời một tác phẩm nghệ thuật là một chỉ dấu quan trọng để bình xét giá trị của nó. Vì thế tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu giai đoạn 1976 - 1985 mới thực sự có ý nghĩa mở lối, tiên phong trong công cuộc Đổi mới văn học. Những ai non gan yếu mật, những ai quá “hiền lành” khi đọc Đội hành quyết sẽ không hề dễ dàng, thậm chí có thể bị “sốc” vì những trụi trần, ngang trái của hiện thực.

Dấu ấn cá tính sáng tạo

Đánh giá tài năng một nhà văn người ta thường minh định theo công thức “Không phải là việc anh ta viết về cái gì mà là viết như thế nào”. Viết như thế nào là nghệ thuật kể chuyện trong thể truyện. Truyện ngắn Thái Bá Lợi qua dẫn xuất từ Hai người trở lại trung đoànĐội hành quyết có xu hướng tiểu thuyết hóa truyện ngắn (hay nói cách khác là truyện ngắn mang mầm mống tiểu thuyết). Truyện ngắn Thái Bá Lợi kiệm lời (chữ) nhưng thặng dư nghĩa.

Cả hai thiên truyện được dẫn phân tích đều có tình huống kịch tính và chiều sâu tâm lý của sự tái hiện đời sống và con người cả trong chiến tranh, cả trong hòa bình. Tình huống truyện luôn được xem là “thuốc thử” để làm nổi bật chủ đề tư tưởng và tính cách nhân vật. Tình huống kịch được đặc trưng bởi xung đột điển hình. Trong Hai người trở lại trung đoàn là xung đột về tính cách, nhân cách giữa một bên là Trí, kẻ cơ hội và một bên là Thanh và Mây, những người tử tế. Cuối truyện Trí là Trung đoàn trưởng một Trung đoàn anh hùng. Xét theo một phương diện nào đó, Trí cũng là một người bất bại, thậm chí có thể là một người anh hùng. Nhưng trong cuộc sống đời thường, anh ta lại là một kẻ hèn nhát, lẩn tránh trách nhiệm trước Mây và đứa con chính là con ruột của mình. Nói anh ta là kẻ phản bội cũng không quá lời. Vì địa vị, danh vọng, sĩ diện mà anh ta chối bỏ trách nhiệm với Mây một thời là người yêu. Thanh và Mây là những người bình thường, chân chỉ, thiệt thòi. Nhưng họ thuộc số đông. Họ đại diện cho số đông luôn tận hiến nhưng ít thời cơ tận hưởng. Nói rõ hơn Thanh và Mây là những con người tử tế, biết sống và làm việc tử tế.

Trong Đội hành quyết, xung đột giữa cái sống và cái chết đã dẫn dắt con người hành động. Xung đột này quyết định sự dấn thân, lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhưng không phải sự lựa chọn nào cũng được thực thi theo chân lý, khi lý trí chưa đủ sáng suốt. Ở đây có sự giao tranh giữa lý và tình cần phải phân minh trong những hoàn cảnh điển hình (sự khắc nghiệt của quy luật chiến tranh, đôi khi “mục đích biện hộ cho phương tiện”). Cái chết của Đán không bình thường khi những người xử anh lại là đồng đội thân thiết. Có phi lý? Không hề phi lý. Đó là cách viết về cái bất bình thường như một cái bình thường. Vì thế đọc truyện ngắn của Thái Bá Lợi nhiều người có cảm giác như xem kịch, gay cấn, căng thẳng, cao trào, hồi hộp. Nên không có gì khó hiểu khi bộ phim truyện được chuyển thể từ tác phẩm văn học Hai người trở lại trung đoàn đã không thành công vì những người làm phim chưa thấu triệt cái hồn cốt tác phẩm vốn có một dòng chảy ngầm theo lối viết của văn hào Mỹ E. Hemingway với lý thuyết “tảng băng chìm”.

Vĩ thanh

Kể từ truyện ngắn Lòng cha (1972) đến tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng (2015), đến nay với hơn 50 năm cầm bút viết văn trên 80 năm tuổi đời, nhà văn Thái Bá Lợi đã đi suốt một chặng đường đời và đường văn rốt ráo, sôi sục, miệt mài, nhiệt huyết sống và lao động nghệ thuật. Những Giải thưởng văn học nhà văn vinh dự nhận được thực sự xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ ngôn từ, nhà văn - chiến sĩ, nhà văn mặc áo lính: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1983, cho tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai; Giải A Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, năm 2004, cho tác phẩm Trùng tu; Giải thưởng Văn học ASEAN, năm 2013, cho tác phẩm Minh sư; Giải thưởng Nhà nước về VHNT, năm 2012, cho hai tác phẩm Họ cùng thời với những ai Trùng tu.

B.V.T