Thứ Tư, 18/08/2021 16:57

Những “Yết Kiêu” hiếm mà không kiêu

 Hàng năm, Binh chủng Đặc công “đỏ mắt” đi tìm những chiến sĩ đủ tiêu chuẩn về những khả năng đặc biệt để đào tạo, huấn luyện trở thành những “Yết Kiêu người nhái”.

Phóng sự của NGUYỄN VĂN HẠNH

Tuyển đặc công “người nhái” cũng chẳng kém cạnh gì tuyển phi công, bộ đội tàu ngầm… Hàng năm, Binh chủng Đặc công “đỏ mắt” đi tìm những chiến sĩ đủ tiêu chuẩn về những khả năng đặc biệt, để tiếp tục đào tạo, huấn luyện trở thành những “Yết Kiêu người nhái”. Dù là những con người có khả năng đặc biệt, có sức chịu đựng áp suất nước “hơn người” và thực hiện nhiệm vụ trong môi trường độc lập, vô cùng cực nhọc, đặc biệt hiểm nguy… thế nhưng, với mỗi chiến đấu viên ở Lữ đoàn Đặc công nước 5 (Binh chủng Đặc công) nhiệm vụ của các anh còn là niềm tự hào, vinh dự, luôn nguyện một lòng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Một nội dung huấn luyện của các chiến sĩ người nhái, Lữ đoàn Đặc công nước 5. Ảnh: Xuân Cường

Khả năng đặc biệt của “người nhái”…

Trời về đêm, trước mặt biển lúc này chỉ còn những vạt sóng nhả bọt gầm rít, Đại tá Nguyễn Công Long, Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn Đặc công nước 5 gợn lên sự lo lắng: “Hôm nay biển sóng to gió lớn nên anh em cập bờ muộn hơn mọi hôm… Nói rồi anh kịp trấn an tôi: “Nhưng… đây cũng là chuyện thường ngày ở huyện của đặc công nước anh ạ”. Đó là một buổi tối chúng tôi ngồi đón đợi những chiến sĩ đặc công “người nhái” trở về sau khoa mục huấn luyện: “Bơi dông kéo vũ khí trang bị cá nhân, thời gian 14 giờ, đạt cự li 20 đến 25km”… Không một tiếng động, giữa đêm đen những bóng đen từ lòng biển lần lượt xuất hiện, được thông báo trước mà mãi tôi mới nhận ra. Đại tá Nguyễn Công Long cho rằng, đây chưa phải là khoa mục huấn luyện khó, nhưng cũng là khoa mục huấn luyện tiêu hao năng lượng nhất, dài thời gian và đòi hỏi có sức chịu đựng bền bỉ nhất...

Chiến đấu viên gạo cội nhất liên đội Nguyễn Văn Điền, cũng đủ tuổi lên chức ông chức bà vừa từ dưới biển lên cho biết: “Những buổi huấn luyện dài hơi như này sẽ giúp mỗi chiến đấu viên rèn luyện được sức bền, dẻo dai để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống”. Nói rồi anh lôi chai thức ăn (do đơn vị chế biến, dạng cháo đặc) kể tiếp: Dù năng lượng tiêu hao nhiều, bụng đói rất thèm ăn, nhưng anh còn tự rèn luyện mình nhịn đói để lại một chai… Với các anh đó cũng là một cách rèn luyện sức chịu đựng của mỗi chiến đấu viên khi đối mặt với nhiệm vụ. Đói mà vẫn phải nhịn đến lúc còn có thể, khát mà chẳng thể uống…

Nhiệm vụ của đặc công “người nhái” không chỉ có rèn sức bền bơi lội, mà đặc biệt các anh còn phải rèn luyện chịu đựng của áp suất nước, mức lặn sâu dưới đáy biển. Lặn ở độ sâu 50 đến 60 mét nước là những nhiệm vụ các anh đã từng thực hiện và hoàn thành xuất sắc. Đó là khả năng đặc biệt, sức chịu đựng đặc biệt và vô cùng nguy hiểm, độ an toàn của trang bị cũng phải đảm bảo tuyệt đối... Nếu như trong huấn luyện, các anh chỉ luyện tập lắn tới độ sâu 40 đến 50 mét nước, thì trong nhiệm vụ vẫn có những chiến đấu viên có khả năng cao hơn và sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi điều kiện yêu cầu độ sâu cao hơn. Câu chuyện thực hiện nhiệm vụ ở đảo Phú Quý, Bình Thuận năm 2015 là một ví dụ, các chiến đấu viên đã phải làm nhiệm vụ ở độ sâu gần 50 mét. Nếu chẳng may có một chút sơ suất về trang thiết bị, sai lệch một chút hiệp đồng sẽ rất dễ dẫn đến tính mạng của chiến đấu viên bị đe dọa. Đã từng có chuyện đau lòng xảy ra khi điều kiện thời tiết và dòng chảy dưới lòng biển có biến động, đã cướp đi sinh mệnh của đồng đội các anh. Nhiều chiến đấu viên đã trở thành những “mình đồng, da thép”, có sức chịu đựng bền dẻo tiêu biểu như: Chiến đấu viên Nhữ Đình Huy, ở Mũi 2, Đội 11; Trương Đức Tương, Mũi 3, Đội 11; Bùi Quang Thận, Mũi 3, Đội 11, Liên đội 3… các anh đều có sức bơi liên tục trên 10 giờ liền, có khả năng chịu đựng áp lực nước ở độ sâu trên 50 đến 60 mét nước dưới lòng biển… Với nhiệm vụ huấn luyện này, mỗi chiến đấu viên “người nhái” ở đơn vị đã thuộc làu địa hình dưới lòng biển ở các quần đảo trong khu vực mà các anh đang đảm đương, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi điều kiện, tình huống…

Thiếu tá Nguyễn Văn Tài, Liên đội trưởng Liên đội 3, Lữ đoàn Đặc công nước 5 khẳng định: “Hầu hết các nhiệm vụ của chiến đấu viên đều phải chiến đấu trong đội hình nhỏ lẻ, tác chiến độc lập, chiến đấu viên phải lặn ở độ sâu lớn, đối mặt với những hốc đá, san hô hiểm trở, nguy cơ sinh vật biển độc hại tấn công, hay những luồng chảy bất thường… nên không cho phép mình lơ là chủ quan với công tác đảm bảo an toàn mỗi khi nhận nhiệm vụ. Mỗi chiến đấu viên luôn xác định tư tưởng, xây dựng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, luôn phải rèn luyện cho mình có bản lĩnh vững vàng khi đối mặt với hiểm nguy, linh hoạt, sáng tạo về phương án tác chiến mới có thể hoàn thành xuất sắc nội dung huấn luyện và mọi nhiệm vụ được giao”.

Đặc thù nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của đặc công nước là nhiều phương án nguy hiểm, cường độ cao, vận hành nhiều trang thiết bị hiện đại, cần sự mưu trí, linh hoạt trong mọi tình huống với nhiều nhiệm vụ huấn luyện như: Bơi ếch dai sức kết hợp dong kéo khí tài, kĩ thuật đánh tàu, các mục tiêu trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo... Nhiều năm gần đây Lữ đoàn Đặc công nước 5 luôn là đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác huấn luyện. Thành quả ấy là nỗ lực của cả một tập thể từ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đến mỗi cán bộ, chiến đấu viên, chiến sĩ luôn duy trì nghiêm túc, đồng bộ công tác đảm bảo an toàn huấn luyện…

Đội hình "người nhái" chuẩn bị xuất quân huấn luyện. Ảnh: Nguyễn Văn Hạnh

Đại tá Nguyễn Công Long cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ yêu cầu mỗi chiến đấu viên “người nhái” phải chấp hành nghiêm khắc tính hiệp đồng, phát huy khả năng độc lập trong điều kiện chiến đấu riêng lẻ; chấp hành nghiêm kỷ luật trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, bảo đảm tốt các loại vũ khí trang bị kĩ thuật, phương tiện, trong nhiều năm qua đơn vị tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất an toàn trong huấn luyện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Nhiệm vụ đặc biệt, nhân văn…

Ngồi bên các anh tôi nêu câu chuyện về nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của “người nhái” đã khiến các chiến đấu viên trầm lặng, nhói buốt, khi nhắc tới nhiệm vụ này… Đó là nhiệm vụ cứu nạn, giúp đỡ nhân dân, bởi chính các anh là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, là người trong cuộc. Có câu chuyện vừa xảy ra ở hồ Suối Le, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận là một ví dụ. Một thanh niên địa phương bơi qua hồ lớn bị đuối nước, khi phát hiện gia đình đã nhờ tất cả các thợ lặn và lực lượng chức năng để tìm kiếm thi thể của thanh niên… Dù đã huy động máy lặn, thời gian đã mất cả buổi mà chẳng có kết quả. Lúc này gia đình mới sực nhớ “chỉ có bộ đội người nhái” rồi chạy tới báo tin nhờ đơn vị. Hôm ấy trời rét, nước hồ lạnh buốt như muốn đóng băng, những “người nhái” chẳng nề hà gian khổ… Gia đình đã xác định sai vị trí, bị nước cuốn trôi và lòng hồ quá nhiều hốc đá sâu, hiểm trở, nhưng chỉ hơn 30 phút nạn nhân đã được tìm thấy. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp dân, gia đình một mực xin được bồi dưỡng cho bộ đội “người nhái”, nhưng các anh đã xin phép không nhận bất cứ hình thức trả ơn nào. Bởi với các anh đó là nhiệm vụ cao cả của lương tâm, là tình nghĩa cá-nước quân dân lúc hoạn nạn, thiên tai mà lớp lớp các thế hệ trước đã vun trồng, bồi đắp hình ảnh người chiến sĩ “Đặc công nước 5” Anh hùng...

Đại tá Tạ Hồng Quang, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công nước 5 cho hay: “Dù huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vất vả, đối mặt với hiểm nguy, thế nhưng tất cả anh em đều xác định tốt nhiệm vụ, có bản lĩnh vững vàng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thậm chí có một số chiến đấu viên tuổi đã cao, nhiệm vụ đang cần, anh em vẫn sẵn sàng tiếp tục cống hiến”. Trò chuyện với các chiến đấu viên, câu chuyện về chế độ đãi ngộ của Nhà nước, các anh không ai ngỏ ý đòi hỏi, ca thán điều gì… nhưng lâu nay chế độ phụ cấp của các anh lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã nhìn thấy, đã từng đề nghị cho chiến đấu viên “người nhái” xứng đáng được hưởng phụ cấp cao hơn như một số lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” khác. Hay về nguồn lực lượng kế cận tiếp bước các anh cũng là một vấn đề khó khăn. Hằng năm Binh chủng “đốt đuốc đi tìm” cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, để đào tạo, huấn luyện bổ sung cho lực lượng. Đó là sự khó khăn lâu dài về nhân lực của bộ đội đặc công nước.

Thầm lặng cống hiến, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến đấu viên, chiến sĩ luôn được đón nhận được niềm tự hào, tin yêu của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và nhân dân. Năm 2019 Đơn vị thực hiện nhiệm vụ “Thực binh báo cáo kết quả huấn luyện Đặc công toàn quân” với thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn được Thủ trưởng Bộ đánh giá cao và tặng bằng khen. Nhiều năm qua Lữ đoàn luôn đạt danh hiệu "Đơn vị huấn luyện giỏi", đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối… Bên cạnh đó, nhiệm vụ thời bình của các anh luôn được nhân dân yêu quý, trân trọng, được xướng lên cái tên trìu mến “Bộ đội Yết Kiêu”- tên người anh hùng có biệt tài thủy chiến năm xưa…

Lữ đoàn Đặc công nước 5 (Binh chủng Đặc công) là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ cơ động tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống khủng bố, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Nhiều năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tăng cường khả năng cơ động, rèn luyện ý chí, bản lĩnh và thể lực cho bộ đội, toàn Lữ đoàn đã thực hiện thắng lợi mọi yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao...

Một số hình ảnh huấn luyện của các chiến sĩ "người nhái" Lữ đoàn Đặc công nước 5:

Kiểm tra trang thiết bị trước khi bước vào huấn luyện. 
Các trang bị đảm bảo an toàn cho "người nhái" khi hoạt động dưới nước.
Đội hình "người nhái" trước giờ xuất quân. 
Lên đường.
Chân dung "người nhái". 
Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công nước 5 huấn luyện dã ngoại tại đảo Phú Quý. 
Các chiến đấu viên huấn luyện nội dung bởi dông kéo vũ khí trang bị cá nhân thời gian 14 giờ, cự li 20 đến 25km. 
Trên biển.

Ảnh: Văn Hạnh - Xuân Cường

N.V.H