Thứ Năm, 11/08/2016 00:29

Nhụy khúc và lối viết "sương mù" của Đinh Phương

Nhụy khúc là cuốn sách không thỏa mãn những ai muốn tìm ở trong đây những đề tài gây sốc, muốn lắng nghe một giọng điệu cảm thương, muốn tóm được ngay những luận đề nổi trên bề mặt, hay đơn giản hơn, muốn đọc một câu chuyện có thể kể lại được. (TRẦN NGỌC HIẾU)
. TRẦN NGỌC HIẾU
Giới thiệu Đinh Phương - một tác giả trẻ và tiểu thuyết đầu tay của anh - Nhụy khúc(1), hẳn có độc giả chờ đợi tôi đưa ra một tiên báo nào đó về triển vọng, đường đi của cây bút này. Đối với tôi, việc ấy không dễ. Nó thách thức bản lĩnh của người làm phê bình: Anh có dám đặt cược niềm tin nơi một người vừa mới xỏ đôi giày để bắt đầu hành trình dấn thân vào một thể loại vốn dĩ vẫn luôn gắn với sự phiêu lưu, lang thang, trôi dạt vô định?

Nhụy khúc là cuốn sách không thỏa mãn những ai muốn tìm ở trong đây những đề tài gây sốc, muốn lắng nghe một giọng điệu cảm thương, muốn tóm được ngay những luận đề nổi trên bề mặt, hay đơn giản hơn, muốn đọc một câu chuyện có thể kể lại được. Thay vào đó, cuốn tiểu thuyết này dường như dám “chấp nhận những đòi hỏi cao nhất của thơ”(2). Tính thơ được thể hiện đậm nét ngay từ những câu đầu tiên của văn bản tiểu thuyết, với một tiết tấu được chủ ý nhấn mạnh và luôn cố gắng duy trì xuyên suốt tác phẩm:
“Nhụy khúc buồn lắm. Mùa nào cũng buồn, chẳng cứ tháng cứ năm. Không biết đừng nói. Không biết im lặng mà nghe. Nhụy khúc buồn lắm. Mùa nào cũng thế, ngằn ngặt rồi chết… Nhụy… khúc…

 
nhuy khuc

Bao lần đoạn hội thoại trên về với mình trong mơ. Về giữa lúc tưởng cuộc sống an nhàn, bình yên nhất sau một ngày làm việc. Chập chờn sáng, quá giấc đêm. Tiếng ngáy, tiếng nghiến răng kèn kẹt của người phòng bên. Tiếng rồ ga, tiếng lê dép lẹt quẹt dưới đường. Tiếng hàng quà ế lướt qua xa lắc. Tiếng loài chim chờ sáng, loài chim đến từ cổ tích, giống như mèo đi hia. Loài chim có tên cụ thể nhưng trong mơ mình chẳng nhớ tên. Nó rúc lên chít chít chít…, ngừng lại, tiếp chít chít chít…, rồi lại chít chít chít…”

Nhụy khúc dẫn dụ người đọc bằng những lời văn ngắt nhịp như thơ với những âm tiết chủ đạo nghiêng về thanh bằng, gợi một không khí u trầm và mơ hồ như thế. Sự mơ hồ - một phẩm tính của thơ ca - được Đinh Phương dung nạp và nuôi dưỡng trong toàn bộ tiểu thuyết, từ sự trộn lẫn hư và thực, quá khứ mông lung và hiện tại mắc kẹt, trang sách và ngoài trang sách, mình và kẻ khác… Một lối viết như “sương mù” (một hình ảnh trở đi trở lại trong cuốn tiểu thuyết này với nhiều dụng ý) là điều mà Đinh Phương đã gây dựng được ở đây. Nhụy khúc nhẹ nhưng không loãng, lời văn đủ sức đeo đẳng ấn tượng với người đọc và đồng thời trao cho anh ta khoái cảm của sự thưởng thức ngôn ngữ thơ ca với những hình ảnh được tạo nên từ một trí tưởng tượng không chịu sự câu thúc nào, vừa thanh thoát vừa kì dị:
 
“Bước chân chập chững, mình len qua các giấc mơ, ở triền các giấc mơ là nhụy khúc. Trong căn nhà đóng kín bố mẹ ngồi đối diện nhau. Mình đi về phía nhụy khúc, càng đi càng xa, con đường đến bên kia sườn núi phải qua ngôi mộ mẹ vẫn dẫn mình lên thắp hương. Ngôi mộ câm lặng, các tảng đá xếp bên trên toát ra vẻ kì bí khó hiểu. Ánh trăng trải xuống dải vàng lấp lánh. Mặt trăng méo ở góc trái, đám mây ở góc phải đang tiến qua. Ánh sáng đột ngột bị vắt kiệt, rút khỏi không gian.”
 
“Nhụy khúc mọc hết sườn núi, mình chạy hết một vòng vẫn không thấy mệt. Mình gọi Chuồn chuồn ơi đợi tao với, chuồn chuồn không nghe thấy tiếng gọi. Mắt mờ dần, trong mắt mình là ngàn vạn ngôi sao trắng xóa đang rụng từ trời xuống. Vén áo lên hứng đầy một bụng áo mà sao vẫn rơi. Mặc kệ ngàn vạn đôi mắt nhìn về phía mình buồn bã, mình hứng sao đã. Chẳng cần chuồn chuồn ngô, giờ mình đã có sao. Sao ở khắp mọi nơi, sao ở xung quanh, các mảnh sao vụn cũng đẹp đến lạ lùng. Mải đuổi theo các ngôi sao đang rơi rồi mình không còn biết gì nữa.”

“Nắng ngày đông lên muộn, sắc vàng nhạt, vội vã xiên qua vạt lá trứng cá xuống thành muôn vàn các đốm sáng nhảy múa trên khoảng sân hẹp. Vạt mây lững thững thảy qua rồi đi sâu vào trong núi. Gió thổi vài chiếc lá chao khẽ lên rồi lặng lẽ đặt xuống. Mình bị cuốn đi trong ức kiếp của mưa, cuống cuồng, vội vã, đi để tránh mưa rửa trôi hình ảnh về một hình bóng.”

Sự mơ hồ hư thực bao trùm không gian tác phẩm. Thế giới nghệ thuật của Nhụy khúc được kiến tạo quanh Phố Chìa - một thị trấn vùng núi, dường như luôn mịt mờ sương, với những triền núi mọc đầy những cây rau dại. Ở thị trấn ấy, cơ hồ mọi thứ đều giấu một bí ẩn nào đó, một huyền thoại nào đó, đều khơi gợi một ảo giác nào đó, mọi bước chân đều có thể bị dẫn dụ vào một khúc ngoặt bất ngờ, đều có thể bị đánh lạc. Không gian ấy mang tính chất mê cung - một biểu tượng mà Đinh Phương yêu thích, xuất hiện trong nhiều tác phẩm của anh. Hành trình của nhân vật trong tác phẩm đồng dạng với hành trình của người viết: viết một tiểu thuyết thực chất là dấn mình vào cõi mê cung của thực tại và của nội tâm. Nhân vật của Đinh Phương và cả chính Đinh Phương càng đi vào mê cung ấy, càng thấy nhiều kết nối lạ lùng giữa những khoảnh khắc hiện sinh của mình với những điểm mù của lịch sử. Nhưng không một sự thật tất yếu nào được phát lộ, mà rốt cục, chỉ là trùng trùng vô tận những thực tại. Đắm chìm trong cái vô tận ấy, ít nhất với Đinh Phương, là một sự mắc kẹt dễ chịu, là một nỗi hoang mang nhưng cần thiết để nuôi dưỡng sự sáng tạo. Tôi cứ muốn nghĩ rằng cái thị trấn mù sương này hẳn sẽ còn ám ảnh đòi quay về với anh ở những sáng tác tiếp theo.

Nhụy khúc là một tiểu thuyết có thể được định danh theo nhiều cách. Nó là tiểu thuyết hiện thực huyền ảo mà dấu hiệu của lối viết ấy phần nào có thể nhận ra ở lời đề từ tác phẩm khi Đinh Phương dẫn lại Jorge Luis Borges: “Cho những con mắt không ánh sáng, chỉ có thể đọc trong thư viện của những giấc mơ”. Nó là tiểu thuyết phản trinh thám khi sự kiện hạt nhân của nó là cái chết bí ẩn của Vũ thôi thúc Trang, người bạn của cậu, đi tìm kiếm nguyên do. Nó là tiểu thuyết dòng ý thức khi những giấc mơ, những độc thoại nội tâm, những vùng cảm giác miên man của nhân vật lôi kéo người đọc vào mê cung thăm thẳm của bản ngã. Có thể thấy Đinh Phương ý thức rất rõ những khả năng của thể loại mà anh đang theo đuổi, dù Nhụy khúc mới chỉ là tiểu thuyết đầu tay. Tiểu thuyết là trò chơi của những khả năng hư cấu vô biên, của sự tổng hòa trong nó nhiều khả năng nghệ thuật đa dạng.

Nhưng với tôi thì trước hết, Nhụy khúc là cuốn tiểu thuyết về sự đọc, về sự phiêu lưu của cái đọc. Nhân vật của Đinh Phương ít nhiều là hóa thân của chính anh. Cả Vũ và Trang - hai nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này - đều là những con người sống với sách, đều đắm đuối tìm thực tại trong những trang sách. Dấu ấn của sự đọc của Đinh Phương hiển lộ qua tên những cuốn sách gắn với các nhà văn được nhắc đến ở tiểu thuyết này: Jorge Luis Borges, Nathalie Sarraute, Claude Simon, Haruki Murakami, Đoàn Minh Phượng... và ở bề sâu, người ta có thể nhận ra những nguồn cảm hứng từ Kafka, từ Nguyễn Bình Phương hay Trần Vũ đã thôi thúc hành động viết của Đinh Phương. Trong văn học thế giới, nhiều nhà văn lớn đồng thời cũng là những độc giả lớn, tiểu thuyết của họ đồng thời là sự “trình diễn” trải nghiệm việc đọc của họ. Sự lịch lãm trong cái đọc của Đinh Phương khiến ta có thể tin vào một cây bút có khả năng đi đường dài, bởi văn chương không chỉ trông chờ vào bản năng, trực cảm của người viết, văn chương cũng không nhất thiết đòi hỏi nhà văn phải lao mình vào thực tế, như Borges từng nói đại ý rằng có hiện thực nào không thoát thai từ tưởng tượng, hư cấu(3). Đọc chính là cách người ta nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng một cách mạnh mẽ và phong phú bậc nhất. Cho dù ở đây, cá nhân tôi muốn kì vọng nhiều hơn ở khả năng chuyển hóa cái đọc thành cái viết của Đinh Phương. Một cách thế ứng xử với cái đọc theo tinh thần “cannibalism” của các nhà văn Mĩ Latin là: viết là quá trình “ăn thịt” những nhà văn, những tác phẩm mình đã đọc, nhai nuốt chúng để tái sinh chúng trong một hình thức phi thường hơn.

Chính những cái mà Đinh Phương đọc cho phép tôi nghĩ đến một cách định danh nữa về tiểu thuyết này: Nhụy khúc là cuốn sách về sự viết. Như quan niệm của những nhà văn mà Đinh Phương và nhân vật của anh thích đọc, hứng thú của tiểu thuyết không phải là tìm câu chuyện nào đó để kể mà là tìm cách kể cho câu chuyện. Thực tại mà người viết quan tâm chỉ là thực tại trong/của sự viết. Theo ý nghĩa ấy, Nhụy khúc có thể được xem như một metafiction - siêu tiểu thuyết, nó biến toàn bộ sự viết và nỗi suy tư về sự viết của mình thành một tự sự. Ở đây, đã có thể nhìn thấy Đinh Phương như là một người chơi với sự viết một cách bản lĩnh: trong khi tưởng như để câu chuyện trôi đi một cách lang thang thì tác giả vẫn bình tĩnh đan dệt kết nối những thực tại tưởng chừng như không có liên hệ nào với nhau: sự biến mất của một con người và sự biến mất của một lịch sử, sự tra vấn quá khứ một con người và sự tra vấn lịch sử. Theo đó, sự viết mang một ý nghĩa hiện sinh rất rõ: hành động viết đối lập với hành động hủy hoại kí ức (mà cảnh tượng những cuốn sách cũ bị xé nát và thiêu đốt ở cuối truyện là một biểu trưng gây ấn tượng mạnh mẽ), đối lập với thứ sương mù luôn nhẹ nhàng nuốt chửng mọi quá khứ. Viết, bởi vậy, nuôi sự bất an, khắc khoải không nguôi ở con người về tình trạng không biết của mình.

Tôi sẽ quay về với câu hỏi ở đầu bài viết này: Tôi có thể nói gì về triển vọng của Đinh Phương như một tác giả tiểu thuyết? Đã có lúc, phê bình văn học Việt Nam thường nhấn mạnh đến sự nổi loạn, ý thức gây hấn, bất cần như những phẩm chất cần có ở một tác giả trẻ. Đã có lúc, văn học trẻ Việt Nam thích nói lớn, thích ồn ào, thích lí sự. Đinh Phương không mang tâm thế ấy vào văn chương. Đọc tiểu thuyết Nhụy khúc, tôi nhìn thấy một người vừa miệt mài, vừa khinh khoái trong sự viết, một người đủ mơ mộng để phiêu du với cảm giác lại vừa đủ lí trí để xây dựng một cấu trúc tự sự chặt chẽ, tinh vi, một người không thiếu những hoang mang nhưng lại cũng đủ quyết liệt dùng ngôn ngữ để gọi tên/về nỗi hoang mang ấy... Vừa bất an mà cũng vừa bình thản, tôi nghĩ, tâm thế đó ở Đinh Phương sẽ trao cho anh nhiều năng lượng để dấn mình tiếp vào cõi mê cung của tiểu thuyết, nơi sự viết là nỗ lực để giải tỏa cho niềm thao thức: “Tại sao ta không thể biết?”
T.N.H
 
-----
1. Nhụy khúc, tiểu thuyết của Đinh Phương, Nxb Hội Nhà văn và Công ti cổ phần sách Tao Đàn, 2016.
2. Xem Milan Kundera, Nghệ thuật tiểu thuyết (tiểu luận), Nguyên Ngọc dịch, Nxb Văn hóa thông tin và Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.
3. “Cái hiện thực so với cái tưởng tượng càng là kì lạ, bởi vì cái tưởng tượng bắt nguồn từ chúng ta, còn cái hiện thực thì bắt nguồn từ một sự tưởng tượng vô hạn hơn nữa” (Jorge Luis Borges, “Tôi viết truyện ngắn của tôi như thế đấy”, dẫn theo Trần Đình Sử [chủ biên], Lí luận văn học, tập hai, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008).