Thứ Bảy, 31/08/2019 09:06

Nơi đầu sóng: Vẻ đẹp của sự thật

Những điều tưởng như bình thường, bé nhỏ ấy được nhìn với đôi mắt tinh tế, nhạy cảm; được viết với ngòi bút sâu sắc, dồi dào, nhiệt huyết để làm nổi bật lên vẻ đẹp và giá trị và ý nghĩa của cuộc sống nơi-đầu-sóng.

 Biển đảo quê hương luôn là đề tài lớn đối với văn học, nghệ thuật. Không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên tạo hóa, mà ở đó có sự thiêng liêng của chủ quyền đất nước, có vẻ đẹp của con người và tình người giữa chốn gian lao.

Nhân dịp 74 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2019), Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phối hợp cùng Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học tổ chức lễ ra mắt sách, triển lãm ảnh với chủ đề Nơi đầu sóng.

Nơi đầu sóng là cuốn sách tập hợp hai mốt bài viết dưới dạng ghi chép, tản văn và những bức ảnh về biển đảo Trường Sa. Cuốn sách được thực hiện bởi hai tác giả trẻ: nhà thơ, nhà báo Lữ Mai và kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành. Hai mốt bài viết là hai mốt câu chuyện ấn tượng, sinh động và sâu sắc về biển đảo, những người chiến sĩ trên đảo, những người ở hậu phương, và những gì thân thương, gắn bó nhất với biển đảo và hình tượng người lính hải quân. Điều làm nên sự đặc biệt cho cuốn sách ở chỗ, cuốn sách không tham vọng diễn đạt những điều lớn lao, tầm vóc, mà các tác giả chọn cách đi sâu vào những chi tiết nhỏ của đời sống, sự vật, sự kiện, hành trình nơi biển đảo. Những điều tưởng như bình thường, bé nhỏ ấy được nhìn với đôi mắt tinh tế, nhạy cảm; được viết với ngòi bút sâu sắc, dồi dào, nhiệt huyết để làm nổi bật lên vẻ đẹp, giá trị và ý nghĩa của cuộc sống nơi-đầu-sóng.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa xúc động nói: Trường Sa, Hoàng Sa của chúng ta có rất nhiều cột mốc chủ quyền. Cột mốc bằng xi măng, cốt thép, cột mốc bằng xương máu con người. Rất nhiều thế hệ cha anh chúng ta đã hi sinh, lấy thân mình làm bức trường thành cho Tổ quốc. Đó là những cột mốc thiêng liêng nhất. Chúng ta còn có những cột mốc chủ quyền đặc biệt. Đó là những tác phẩm nghệ thuật viết về vùng lãnh hải thiêng liêng. Qua trái tim, tâm hồn của những văn nghệ sĩ, những cột mốc chủ quyền ấy sẽ còn mãi mà không sóng gió, muối mặn hay thời gian nào có thể bào mòn được. Khác với rất nhiều cuốn sách trước đó, Nơi đầu sóng không phải nghệ thuật hư cấu. Cuốn sách có sức hấp dẫn riêng, đó là vẻ đẹp của sự thật.

Các tác giả và khách mời tại buổi lễ

Điều làm nên sự đặc biệt, ấn tượng riêng của Nơi đầu sóng đó là cuốn sách bắt đầu từ những điều mến thương, bình dị nhất nơi biển đảo: Những hồi còi tàu thao thiết chào cảng, những loài hoa kiêu hãnh nở giữa bốn bề sóng biếc, cơn mưa đầu mùa gột muối mặn nắng rang làm dịu nước da đen cháy… Hai mươi mốt tản văn cùng bộ ảnh về quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, những chuyến tàu trên biển… với góc nhìn cận cảnh hướng đến từng con người, sự vật cụ thể đã mang đến cho độc giả trải nghiệm tình yêu, xúc cảm và niềm tin lan tỏa.

Nói về việc thực hiện cuốn sách đặc biệt này, nhà thơ, nhà báo Lữ Mai chia sẻ: Tháng 5 năm 2019 chị có chuyến công tác đầu tiên đến Trường Sa. Nhưng những câu chuyện, cảm xúc về Trường Sa thì đã ở trong chị từ rất lâu. Kỹ sư Trần Thành là người bạn đã cho chị nhiều kinh nghiệm, nhiều câu chuyện và tư liệu về Trường Sa, để từ đó cùng hình thành nên những ý tưởng và cảm xúc để viết Nơi đầu sóng. Cuốn sách là món quà mà hai tác giả muốn gửi đến những người lính và những ai luôn cùng đau đáu hướng về biển đảo quê hương.

Kỹ sư Trần Vũ Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ. Tính đến nay, anh có 8 lần đi Trường Sa qua các mùa, tích lũy được nhiều trải nghiệm, luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1. Là một kỹ sư có đôi mắt của người nghệ sĩ, rất nhiều bức ảnh về Trường Sa đã được anh chụp với sự tinh tế, nghệ thuật và mang đầy cảm xúc.

Triển lãm ảnh với 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các mặt hoạt động tại Trường Sa, nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển. Điểm nhấn của triển lãm là hình ảnh đầy đủ về 15 nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Trong khuôn khổ của lễ ra mắt sách và triển lãm ảnh, nhóm tác giả và các đơn vị tổ chức sự kiện phát động chương trình Tết Trung thu “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn” năm 2019 nhằm kết nối quà tặng gửi tới các cháu thiếu nhi là con em cán bộ chiến sĩ đang công tác trên biển đảo.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 3/09/2019 tại Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

HÀN SƠN