Thứ Bảy, 28/05/2022 14:47

‘Nơi ngày đông gió thổi’: Những đong đếm buồn vui một cõi riêng mình

Người đàn bà ấy đong đếm buồn vui một cõi riêng mình, nơi khu vườn bao la nắng gió, cỏ cây, hoa lá... Từ nhân vật trữ tình ấy, Đinh Thị Như Thúy lấy đó làm điểm nhìn, và cũng là cái cớ để nhà thơ nhấn nhá vào những chi tiết nhỏ vẽ nên thân phận con người trong một không gian sống.

Nơi ngày đông gió thổi là tập trường ca vừa được ra mắt bạn đọc của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy. Đây là tập sách thứ 5 và là tập trường ca đầu tiên của chị. Nơi ngày đông gió thổi thể hiện rõ những trăn trở của một người đàn bà làm thơ mang nhiều nỗi ưu tư về thân phận con người.

Đinh Thị Như Thúy đã sáng tạo theo lối riêng không lặp lại, không theo lối mòn. Đó là một hành trình sáng tạo nhọc nhằn, đầy bản lĩnh, rất đáng trân trọng với mục đích chuyển tải vào tác phẩm hơi thở của cuộc sống, của thời đại theo những cảm thức riêng của chị. Trong Nơi ngày đông gió thổi, Đinh Thị Như Thúy đã làm cuộc hành trình tự khám phá, tự nhận thức một cách nghiêm túc về đời về người, nhất là về thân phận người đàn bà. Những con người đi qua biết bao cung bậc cảm xúc với những niềm đau, hạnh phúc, nỗi hoang hoải, mông lung. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, nhân vật trữ tình em - người đàn bà - nàng vẫn luôn sống và tận hiến khi hiểu những quy luật, sự hiện hữu của bản thân ở cuộc đời này.

Tập thơ Nơi ngày đông gió thổi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Nơi ngày đông gió thổi với bối cảnh không gian là vùng đất Tây Nguyên và thời gian trải dài từ chiều quá khứ đến chiều tương lai, những đồng hiện, đan cài giữa mơ và thực. Thời gian mùa đông và không gian khu vườn là thật, nhưng cũng mang tính biểu tượng để nhân vật trữ tình làm cuộc hành trình dài của đời mình với những khao khát, suy ngẫm, chiêm nghiệm về tình yêu và cuộc đời. Thứ sáu ngày mười ba. Buổi chiều không dưng đỏ rựng như đám cháy. Gió cuồng nộ. Ngoài bờ rào, dã quỳ vàng một màu gắt gỏng. Người đàn bà chợt thèm ngoại ô với những đồi dã quỳ ngờm ngợp./ Nàng thở./ Một góc đồi núi Dak Song. Hoang dã lạnh lẽo và rực cháy nhưng dã quỳ nồng nàn dâng hiến./ Nàng thở./ Những đồi dã quỳ đẹp đến mức có thể lẩn vào đó mà chết. Nhưng đồi dã quỳ mạnh mẽ đến mức có thể tan rã vào đó mà không để lại chút dấu vết nào. Có chăng là những sợi tóc vấn víu bàn tay ai đó, một ngày nào đó, tình cờ chợt đến giữa hoa mà nghịch đùa bỡn cợt (Khúc hai).

Nơi ngày đông gió thổi gồm 21 khúc ca, khi 21 khúc ca ấy được đọc lên, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều sẽ có những rung cảm trước vẻ đẹp của tạo hóa, vẻ đẹp vốn luôn hiện hữu quanh ta, và cả những ám ảnh phận người trước bao biến đổi của tự nhiên và đời sống.

Đọc Nơi ngày đông gió thổi, người đọc nhận thấy nhân vật trữ tình dường như “ôm lấy” về mình mọi bất trắc; nhìn đời, nhìn người và suy ngẫm về mọi thứ xung quanh bằng con mắt và trái tim cả tin, hồn nhiên nhưng đôi lúc cũng tỏ ra yếu đuối và sợ hãi. Người đàn bà ấy đong đếm buồn vui một cõi riêng mình, nơi khu vườn bao la nắng gió, cỏ cây, hoa lá... Từ nhân vật trữ tình ấy, Đinh Thị Như Thúy lấy đó làm điểm nhìn, và cũng là cái cớ để nhà thơ nhấn nhá vào những chi tiết nhỏ vẽ nên thân phận con người trong một không gian sống. Không gian đó cũng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về những khát khao muốn quẫy đạp, muốn tự do, hướng đến tình yêu rộng lớn hơn ở thế giới bên ngoài. Khu vườn không chỉ đơn thuần là một không gian hẹp, mà nó mang nghĩa tạo sinh, hàm chứa những giá trị tinh thần và nhân văn sâu sắc. Qua Nơi ngày đông gió thổi nói riêng cũng như qua hành trình sáng tạo thơ Đinh Thị Như Thúy nói chung, người đọc nhận ra có một người thơ Đinh Thị Như Thúy lặng lẽ, trầm tính và điềm tĩnh đến lạ lùng. Người đàn bà cúi mặt vào những bông dã quỳ./ Nàng thở// Và cơn đau đã quật ngã nàng nhanh chóng. Thân thể nàng nhũn mềm nóng rực trong cơn sốt. Tâm trí nàng lênh đênh. Những cơn ho xé ruột. Những tia máu nhỏ trong đờm.// Nàng mê man trong những tưởng tượng nhập nhòe. Có gì như giấc mơ? Có gì như vai diễn? Những đối thoại vang vang trong tích tắc liên hồi. Cái gì đang xảy ra giữa chúng ta? (Khúc hai).

Trường ca Nơi ngày đông gió thổi, gợi cảm giác vừa mông lung vừa cụ thể, vừa vô hình lại vừa hữu hình, vừa quen vừa lạ, vừa gần gũi lại xa ngái... Ở đó, là thân phận con người với bao tác động của ngoại cảnh và cả những gì xảy ra trong chính nội tại bản thân. Thơ Đinh Thị Như Thúy mới đọc qua cảm giác đơn giản, bình thường, đôi khi mơ hồ nhưng nếu đọc kĩ, giải mã được những ẩn tàng qua cách thể hiện cũng như phân tích sâu sắc nội tại chỉnh thể tác phẩm thì sẽ nhận ra thơ chị mới, hay và lạ. Sự thủng thẳng, nhấn nhá, bình thản đến vô cùng đã làm nên cái độc đáo trong thơ Đinh Thị Như Thúy. Nhưng chắc chắn một điều là thơ Đinh Thị Như Thúy sẽ rất kén độc giả! Bởi thơ Việt đương đại nói chung, thơ Đinh Thị Như Thúy nói riêng có xu hướng cách tân thể thơ, ngôn ngữ và không theo một thể thức, quy định chuẩn mực nào cả. Mỗi thể loại có ưu thế riêng trong việc bày tỏ và thể hiện những ý đồ nghệ thuật của nhà thơ. Và mỗi nhà thơ tùy vào sở trường, khả năng của bản thân mà chọn cho mình thể thơ phù hợp để sử dụng. Đinh Thị Như Thúy đã chọn cho mình thể thơ văn xuôi với hình thức phóng khoáng nhất để biểu đạt ý tưởng, suy ngẫm của mình về đời sống với một cái tôi “đột phá” của mình. Nói như TS. Hoàng Thị Huế: “Sự gắn kết của cấu tứ, của ngôn từ không còn nằm ở vần, mà ở nhịp suy tưởng của nhà thơ, giữa thật và rỗng, giữa tồn tại và hư vô. Hành trình đời người là sự dấn thân của nếm trải, nghiệm sinh, truy vấn, một cuộc hành hương tư tưởng. Những tự do trong hình thức thơ đã mở đường cho cuộc hành hương ấy của thi nhân”.

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy.  Ảnh: FBNV

Nơi ngày đông gió thổi, Đinh Thị Như Thúy thỏa sức thể hiện những sáng tạo nghệ thuật và gửi gắm những suy niệm, triết luận của mình về cuộc sống. Không khó để người đọc tìm ra những câu thơ thể hiện những điều vừa nói ở trên:

- Em đã tìm đến mệt để không nhận ra được cả chính mình.

Thân thể em đang co xếp lại.

Mỗi một ngày một hao mòn.

Mỗi một ngày một bé xíu.

Mỗi một ngày một ra tan (Khúc mười bốn).

- Người đàn bà thở.

Nàng nói: Yêu là yêu. Là làm điều gì đó cho tình yêu.

Là có được vì tình yêu. Là mất mát bởi tình yêu.

Nàng nói: Tội nghiệp thay cho những người tiện thể mà yêu nhau (Khúc mười tám).

- Bướm hoang ong rừng rồi hết. Nhưng những lẩn khuất đơn côi đau đớn mãi còn. Như tiếng gió u u. Chưa bao giờ mất. Trên xứ sở này (Khúc hai).

*

Thơ là nghệ thuật của ngôn từ, lịch sử của thơ ca là lịch sử của ngôn từ” (Zhirmunski). Đinh Thị Như Thúy đã hiểu rõ điều này nên chị đã tạo cho thơ mình một nét riêng, và để tạo nên nét khác biệt này không phải là điều đơn giản một sớm một chiều có thể làm được. Bên cạnh, năng khiếu, tài năng, vốn sống của mỗi người, tôi tin Đinh Thị Như Thúy còn có sự nghiền ngẫm và gia công cho thơ mình một cách kĩ lưỡng. Điều đặc biệt trong trường ca này, người đọc sẽ nhận ra một Đinh Thị Như Thúy làm thơ như “chơi”, diễn tiến sự việc và ngôn ngữ cứ trôi chảy một mạch bình thường, không đại ngôn, không đao to búa lớn. Chính sự tự nhiên, giản dị này trở thành thế mạnh trong thơ Đinh Thị Như Thúy.

Mơ và thực luôn đồng hiện trong Nơi ngày đông gió thổi của Đinh Thị Như Thúy. Nhà thơ đã khéo tạo nên nhiều biểu tượng trong tập trường ca. Ở đó giấc mơ là biểu tượng có sức ám ảnh và tạo nên sự bí ẩn nhất trong việc khám phá chiều sâu tâm hồn và những khao khát chân thành nhất của con người. Người đàn bà trong Nơi ngày đông gió thổi có nét đáng yêu bởi sự hồn hậu, chân thành, rất đời, rất người. Ở nhân vật trữ tình ấy vừa mang nét riêng với vẻ đẹp và những phẩm tính đàn bà lại có nét chung của lớp người dám sống, dám mơ ước, dám đối đầu với thực tại, dẫu biết rằng tất cả mọi thứ rồi cũng sẽ tàn lụi trước sự khắc nghiệt của thời gian và những tác động khôn lường của thời đại. Người đàn bà thở./ Ứa nước mắt. Những thớ thịt trong trái tim đã ngân rung tận cùng cảm xúc.// Nàng thì thầm:/ Đôi khi em ước trái tim mình rỗng tuếch.//... Mọi chứa đựng đang làm em nặng trĩu xuống mọi chứa đựng lại làm em như nhẹ bẫng muốn lơ lửng bay lên/... Thân thể em như không thuộc về em nữa. Thân thể em/ đang lên cơn sốt đang trong suốt và dịu nhuyễn như/ thể sẵn sàng tan vào không gian./ ... Ta còn gì để cho nhau?/... Buổi tối này gió nhiều như thể chúng đã mang chúng / ta đến một thế giới khác, một tháng ngày khác./ Lời gió hát: Đã mang đi. Đã không để lại gì. Này hơi thở giăng giăng tơ nhện. Đã mang đi. Đã không để lại gì. Kể cả lý do để khóc./ Trong thế giới chết tình yêu có còn vang lên? (Khúc mười chín).

Khi thực tại trở nên bất ổn, con người dễ mất kiểm soát trước biến động của thời đại, vì thế nỗi khổ đau, thậm chí cái chết là không tránh khỏi nhưng có một điều kì diệu là niềm tin vào tình yêu và cái đẹp luôn vĩnh hằng.

Điều đặc biệt, trong trường ca Nơi ngày đông gió thổi, Đinh Thị Như Thúy đã sử dụng rất nhiều câu hỏi tu từ. Trong 21 khúc thì có đến 95 câu hỏi tu từ. Những câu hỏi nhưng không có lời giải đáp. Bên cạnh đó, chị cũng dùng dấu chấm kết thúc câu dày đặc. Phần nhiều là những dấu chấm câu có tính chất tu từ, biểu đạt một trạng thái bất ngờ: buồn, vui, nuối tiếc, ngậm ngùi, hốt hoảng... Đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của thơ Đinh Thị Như Thúy. Mà cuộc sống hiện đại với nhiều bất trắc, biến động, vì thế đặt ra những thách thức và biết bao câu hỏi cần phải có câu trả lời.

Trong xu hướng đổi mới chung, các nhà thơ đương đại đã chọn cho mình hướng đi riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của một cái tôi đa chiều kích và đầy kiêu hãnh. Đinh Thị Như Thúy là một trong số những nhà thơ nữ có giọng thơ khác biệt so với những nhà thơ nữ đương thời. Và trong hành trình sáng tạo, chị đã bộc lộ những phẩm chất đáng quý của một gương mặt thơ nữ đầy tiềm năng, với nội lực và sức sáng tạo sung mãn, phong phú. Nơi ngày đông gió thổi, từ những suy tưởng về thân phận con người hôm nay với bao giá trị bị đảo lộn, đến những suy tưởng về cả một dân tộc, niềm tin, giá trị bất biến vĩnh hằng của tình yêu... khiến thơ trở về gần hơn với đời sống, mang những nghiệm sinh mới về con người và cuộc đời.

NGUYỄN VĂN HÒA