Chủ Nhật, 14/07/2019 10:32

Nỗi nhớ K'ro Lapia

Khoảng đầu năm tám mươi tôi được điều về đội công tác dân vận đóng ở K’ro Lapia, một thôn thuộc xã Pring Thum, cách trung tâm huyện Choam K’san, Campuchia - nơi tiểu đoàn tôi đóng quân, ba mươi cây số.

.TRẦN NGỌC PHƯƠNG

Khoảng đầu năm tám mươi tôi được điều về đội công tác dân vận đóng ở K’ro Lapia, một thôn thuộc xã Pring Thum, cách trung tâm huyện Choam K’san, Campuchia - nơi tiểu đoàn tôi đóng quân, ba mươi cây số. Làng có khoảng trăm nóc nhà, nằm lọt thỏm giữa rừng. Với dân làng, rừng như một khu vườn chung rộng lớn, mọi thứ từ thịt, cá, rau... cho đến nguyên liệu làm men rượu cũng lấy từ rừng. Đặc biệt thú rừng ở đây nhiều vô kể. K’ro Lapia có nhiều thợ săn đẳng cấp, đi săn ban ngày và bắn thú đang chạy. Nổi tiếng về tài bắn trăm phát trăm trúng ở làng có Tà Đưa và Tà Đù.
Năm tám mốt, anh Triên đội trưởng dẫn một trung đội đi tuần, gặp một đại đội địch cách nơi đóng quân chừng mười lăm cây số. Trận tao ngộ chiến này, lực lượng địch áp đảo cả về quân số và hỏa lực, nhưng phần chủ động thuộc về quân ta. Trung đội nổ súng đánh quỵ toán đi đầu, xung phong chớp nhoáng, thu vũ khí và nhanh chóng rút quân trước khi địch tổ chức phản công. Anh Triên bị thương và một chiến sĩ hi sinh. Địch bỏ lại ba xác. Hôm sau lệnh của tiểu đoàn tổ chức lực lượng tuần tra mở rộng quanh khu vực. Không muốn theo đường mòn vì có thể địch tổ chức phục kích, lại không có bản đồ và địa bàn để cắt rừng, đơn vị đành phải nhờ Tà Đưa. Chỉ cần nghe qua, sau mấy tiếng xuyên rừng, Tà Đưa dẫn chúng tôi đến nơi. Ba cái xác địch bỏ lại đã bị cọp ăn mất.
Mấy năm ở K’ro Lapia tôi đã theo Tà Đưa, Tà Đù đi săn không biết bao nhiêu chuyến mà vẫn chưa hết ngạc nhiên về khả năng phán đoán của họ, nhất là trong các cuộc săn voi rừng về thuần dưỡng. Voi thường đi từng đàn từ mười mấy đến vài chục con. Là loài vật hiền lành nhưng khi bị tấn công chúng trở nên hung dữ, có thể quật chết bất cứ đối thủ nào. Nhược điểm chết người của đàn voi là đi đến đâu cũng cất tiếng gầm rống gọi đàn. Tiếng gầm của chúng cách vài cây số cũng nghe rõ. Với đôi tai nhà nghề, Tà Đưa chỉ cần nghe vài lần, mỗi lần cách nhau chừng mười phút là xác định được đàn voi đang ở đâu, đang di chuyển theo hướng nào, biết luôn ngày mai chúng sẽ dừng nghỉ uống nước tại con suối nào...
Năm tám mốt, tre trong làng K’ro Lapia trổ bông rồi kết trái rụng rất nhiều. Người dân gọi là lúa tre, hốt về, xay giã được một loại hạt tựa gạo lức. Nấu thành cơm ăn hơi nhạt nhưng cũng đỡ đói. Dân làng nói tre rất ít khi trổ bông, cả đời người có khi chỉ thấy một lần. Mà tre đã trổ bông thì mất mùa nặng. Quả vậy, năm ấy K’ro Lapia mất mùa, dân thiếu cả bốn, năm tháng ăn. Tỉnh, huyện cũng có cho gạo cứu đói nhưng không đáng kể. Dân làng xơ xác phải ăn củ k’đuôch, gạo tre thay cơm dài ngày.
Hôm tôi vào nhà me Xường, thấy có con chó con gầy giơ xương đang nằm thiêm thiếp bên cạnh chó mẹ. Me Xường bảo chó mẹ đẻ bốn con nhưng chết gần hết vì đói, chỉ con này là khỏe và hay nhất đàn, được mẹ dành sữa cho nên mới sống tới giờ. Tôi hỏi: “Vì sao biết nó hay nhất?”. Me đáp: “Đứa con nào được chó mẹ thương, đi đâu cũng tha đi trước nhất, là con chó hay nhất đàn”.

Minh họa: Bùi Quang Đức

Nói rồi bà hỏi tôi có mang về nuôi được không. Nhìn con chó con sắp chết, tôi định trả lời không vì nghĩ khó cứu được. Nhưng nghe giọng nói tha thiết của bà, tôi không nỡ từ chối. Chẳng biết chó mẹ có hiểu gì không mà nó nhìn tôi đầy cảnh giác. Me Xường lại bên, xoa đầu nó: “Để bộ đội nuôi thằng Kh’mau, nhà mình không còn gì cho nó ăn nữa rồi, nó sẽ chết đấy!”. Bà bế con chó con lên, chó mẹ cũng đi theo. Khi bà trao cho tôi, con chó mẹ bước tới, liếm vào mình con, rên vài tiếng ư ử như từ biệt và gửi gắm tôi.
Thấy tôi mang con chó nhỏ sắp chết về, mấy đứa trong tiểu đội cười: “Mày mang về chôn hả?”. Cười vậy nhưng mấy hôm sau, bọn nó rất tích cực đi xin đường, sữa về chăm sóc. Trời không phụ lòng người, con chó đã được cứu sống. Thấy lông đen tuyền, bọn tôi gọi nó là Mực, nhưng có vẻ nó đã quen tên me Xường đặt cho, đành gọi là Kh’mau (nghĩa tiếng Việt là đen). Kh’mau lớn nhanh và dễ dạy. Các chuyên gia xem tướng chó của tiểu đội bắt đầu săm soi. Thằng Hòa có vẻ rành hơn cả vì từng nuôi chó săn, tuyên bố: Đây là con chó hội đủ các tướng tốt của một chó săn thượng hạng. Nó phân tích, thứ nhất có u sọ, thứ hai có bớt lưỡi, thứ ba mũi ướt, thứ tư bốn chân đều có móng đeo (đặc biệt hai chân sau có móng đeo đôi), thứ năm chân cao, ngực nở, eo thon.
Nghe nó phán thì biết vậy chứ tôi không rành về chó, chỉ biết Kh’mau khá khôn, hiểu ý chủ rất nhanh, đôi khi có cảm giác nó rất rành tiếng người. Nó bắt đầu bộc lộ khả năng săn thú từ lúc mới sáu tháng tuổi. Đêm đó, tôi đang ngủ thì nó đến giường cào chân và ẳng lên mấy tiếng nho nhỏ. Tôi bật dậy, nó dẫn tôi ra hiên nhà. Một con thỏ rừng nằm ở đó, trên cổ là vết răng của Kh’mau. Từ đó, thỉnh thoảng vào những đêm trăng sáng, nó lại bắt được thỏ và bao giờ tôi cũng là người đầu tiên nó báo tin. Thấy Kh’mau săn được, mỗi lần đi tuần tôi thường dẫn theo, không ít lần nó bắt được cả chồn. Có lần nó chạy trước, mất hút, nửa tiếng sau mới quay lại, trên miệng ngậm con gà rừng. Chẳng biết bằng cách nào nó bắt được loài gà bay như chim này. Lạ là ở đơn vị, nó từng đuổi gà bị mắng, từ đó không bao giờ đuổi nữa. Bây giờ nó dám săn gà mang về, lẽ nào nó phân biệt được gà nhà và gà rừng?
Một tối, Tiểu đội 2 nấu chè, trong lúc tôi ngồi chơi với hai cậu nữa nơi bếp lửa, Kh’mau cứ bồn chồn đi ra đi vô. Thấy vậy tôi quát: “Kh’mau! Mày làm gì mà rối rít vậy?”. Nó kêu lên ăng ẳng trong miệng, đuôi vẫy lia lịa chừng như có việc gì gấp lắm. Tôi đứng lên, nó tiến tới cắn vào ống quần lôi đi. Thấy tôi bước theo, nó bỏ ống quần ra chạy trước. Được một đoạn, nó quay lại cắn quần tôi lôi mạnh vẻ hối thúc. Đi được khoảng hơn chục thước thì ùng oàng tiếng B40, tiếng AK của địch tập kích ngay chỗ tôi vừa rời khỏi. Tôi chỉ kịp nhoài người nằm xuống, trườn. Tiếng đạn rít bên tai làm Kh’mau hoảng sợ nhưng nó vẫn không rời tôi nửa bước. Tôi lấy tay rờ đầu nó, nói khẽ: “Nằm xuống!”. Toàn thân nó mồ hôi ướt đẫm, run bần bật. Vỗ nhẹ vào đầu nó trấn an, rồi lợi dụng lúc tiếng súng ngớt, tôi chồm dậy lao về lấy súng. Kh’mau bám theo sát gót cho tới lúc cả hai xuống được giao thông hào. Địch đã rút sau khi tập kích chớp nhoáng. Hai người ở Tiểu đội 2 ngồi cùng tôi, một bị thương nặng, một hi sinh.
Lần khác, nửa đêm, đang ngủ thì Kh’mau đến cào chân, tôi bật dậy, nó kéo tôi ra giao thông hào cho đến khi xuống hẳn dưới mới chịu ngồi yên. Sinh nghi, tôi đi dọc giao thông hào, đến các vọng gác bảo anh em cẩn thận, hình như con Kh’mau phát hiện được gì. Cả ba vọng gác đều nói chẳng có gì bất thường. Đi hết một vòng, tôi định dẫn Kh’mau về ngủ tiếp nhưng nó không chịu, tôi đành ra vọng gác của tiểu đội gác thay cho anh em tới sáng. Kì lạ, nếu tôi ngồi ở giao thông hào thì Kh’mau yên tâm ngồi bên cạnh, chỉ thỉnh thoảng vểnh tai nghe ngóng. Tôi mà bước lên khỏi là nó bồn chồn không yên. Nói điều này với Hưng ở vọng gác Tiểu đội 1, Hưng cười: “Chắc con Kh’mau sợ bởi mấy trận tập kích vừa rồi”. Tôi im lặng nhưng trong lòng vẫn hoài nghi bởi mọi người có thể không tin Kh’mau nhưng tôi thì khác. Nó chưa bao giờ báo sai.
Câu trả lời cho sự hoài nghi đã có ngay. Sáng sớm vừa báo thức, thấy lính Trung đoàn 29 vào đơn vị tôi mượn gạo nấu cơm. Hỏi mới biết, đêm qua, đài kĩ thuật của Sư đoàn bắt được tin địch tổ chức đánh úp đội công tác. Sư đoàn đã điều động một tiểu đoàn của Trung đoàn 29 gấp rút cắt rừng, ứng cứu. Chẳng biết vì lí do gì mà địch lại rút quân không đánh nữa, nhưng dấu vết còn để lại tại khu rừng cách đội công tác chừng hai cây số về hướng nam, ước chừng đội hình địch cỡ một tiểu đoàn tăng cường.
Sau lần ấy, Kh’mau càng được mọi người tin tưởng, ai đi tuần cũng muốn nó theo. Nhưng Kh’mau chỉ chịu đi khi có tôi, mặc dù nó cũng thích đi để được lùng sục săn thú.
Ngày 7/7/1982, Kh’mau cùng chúng tôi tuần tra quanh khu vực như thường lệ. Chúng tôi đi từ sáng sớm, kiểm tra các trục đường đi rẫy của dân và sâu vào khu rừng già ở phía nam. Không có dấu hiệu bất thường. Đến khoảng mười giờ, trung đội trưởng Xuân dẫn quân về. Cách làng chừng hơn một cây số, Kh’mau phát hiện một con chồn trong lùm cây ven đường. Mũi nó khịt liên hồi, hai chân trước giậm mạnh vào bụi cây. Con chồn lao ra vụt chạy. Một cuộc rượt đuổi ngoạn mục trước mắt chúng tôi. Kh’mau giờ đã là một chó săn trưởng thành, khỏe và nhiều kinh nghiệm nên con chồn khó mà thoát khỏi nó. Bỗng một tiếng nổ lớn kèm theo bụi đất tung lên phía trước. Theo phản xạ, toàn đội hình lăn sang hai bên đường. Một phút yên lặng trôi qua, bọn tôi nhận ra không phải địch phục kích mà là mìn. Tôi hoảng hốt kêu “Kh’mau, Kh’mau” và lao tới, mặc tiếng đồng đội phía sau ơi ới. Cơ thể Kh’mau nát nhừ bởi quả mìn KP2 oan nghiệt. Một phút say mồi, linh giác của nó đã đi vắng. Tôi ôm xác Kh’mau, toàn thân nó bê bết máu. Nước mắt tôi trào ra khi vuốt mắt cho nó.
Chúng tôi mang Kh’mau về, bọc trong cái áo của tôi rồi chôn phía sau nhà tiểu đội, nơi nó thường nằm sưởi nắng. Lấy một tảng đá to để làm bia, tôi mất một tuần để khắc lên bia mộ: Nơi yên nghỉ của Kh’mau - Chú chó trung thành và dũng cảm 7/7/1982, bằng cả hai thứ chữ Việt và Kh’mer.
Đầu năm tám ba, tôi rời làng về lại đơn vị. Giã từ K’ro Lapia, ngôi làng nghèo khó chơ vơ giữa rừng mà ấm áp tình người. Ở đây tôi đã có những người mẹ, người chị không là ruột thịt mà thương yêu đùm bọc tôi bằng cả tấm lòng. Họ chỉ là những người dân nghèo, chất phác, không được học hành, yêu thương như một bản năng vốn có của người mẹ dành cho những đứa con. Tôi cũng bỏ lại nơi đây Phờn - cô gái Kh’mer tuổi mười bảy đem lòng yêu tôi, một tình yêu đầu đời trong veo như sương sớm.
Ngày chia tay, tôi hứa với mọi người sẽ trở lại, dù biết đời lính chiến không nên hứa trước điều gì. Đơn vị tôi bây giờ không còn đóng ở Choam K’san nữa mà đã ra sát biên giới, dưới chân điểm cao 428. Tàn quân địch không yếu đi mà còn mạnh lên. Đồng đội tôi, lớp lính bảy tám chẳng còn mấy người. Họ giã từ chiến trận bằng nhiều cách khác nhau, một số bị thương được ra quân, một số đi học để phát triển, một số vĩnh viễn nằm lại ở ngầm “Xa Em”. Số còn lại đơn vị đã là cán bộ đại đội, tiểu đoàn. Tôi trở thành lính già nhất đơn vị, làm người chiến sĩ tiếp tục chiến trận cho đến ngày ra quân.
Lời hứa năm xưa tôi đã không làm tròn. Giờ đây me Xường, Tà Đưa, Tà Đù đã thành người thiên cổ. Cô bé Phờn ngày nào chắc cũng đã con đàn cháu đống. Dù vậy, tất cả họ vẫn còn trong lòng tôi vẹn nguyên như ngày nào. Không chỉ họ, mỗi khi nhớ về K’ro Lapia, hình bóng của Kh’mau lại hiện về. Trong lòng tôi vẫn luôn có một chỗ đặc biệt, nhiều thương yêu và trìu mến dành cho nó. Cái tảng đá mà chúng tôi khiêng về làm bia cho Kh’mau to lắm, không dễ gì mất dấu. Dòng chữ mà tôi khắc khá sâu, chắc cũng chưa phai mờ. Bốn mươi năm trôi qua, Kh’mau vẫn còn trong lòng tôi và đồng đội

Tháng 12/2018
T.N.P