Thứ Tư, 30/10/2019 16:09

Nói như Người Hà Nội

“Bắt khách”, đó là một sự sáng tạo ngôn ngữ của người mình quả là sinh động, lại còn mang tính thời sự nữa. Bắt khách, cụm từ này chỉ xuất hiện trong những năm gần đây, còn trước kia, vào những năm còn chế độ bao cấp, chỉ là hành khách

.Y PHƯƠNG

“Bắt khách”, đó là một sự sáng tạo ngôn ngữ của người mình quả là sinh động, lại còn mang tính thời sự nữa. Bắt khách, cụm từ này chỉ xuất hiện trong những năm gần đây, còn trước kia, vào những năm còn chế độ bao cấp, chỉ là hành khách. “Hành” ở đây có nhiều nghĩa, hiểu theo nghĩa thông thường là người đi đường. Còn một biểu cảm nữa, là hành hạ người đi xe. Vào những năm 60, 70, 80… của thế kỉ trước, cánh lái xe chém chặt người đi đường, dã man, tàn bạo, thô thiển hơn bây giờ nhiều.

Ngày nay, cụm từ “bắt khách” làm người ta liên tưởng đến cảnh săn bắt cướp. Bắt kẻ tình nghi trộm gà vịt trâu bò của cải… ” Bắt khách”, động từ “bắt” diễn tả hành vi ứng xử giữa nhà xe với hành khách, vô cùng chính xác. “Bắt khách”, không chỉ diễn ra ở những thành phố, thị xã, thị trấn. Mà còn có ở những nơi khỉ ho cò gáy.

Người ta tranh giành nhau từng khách một, không bắt là gì. Vào thời buổi cơn bão tài chính thổi rung toàn cầu, người có nhu cầu đi xa ngày càng ít. Xe chuyên dụng chở khách thì quá nhiều. Nói theo dân gian người Việt: Mật ít ruồi nhiều. Nói theo người Tày: Ma lai quá khỉ (chó nhiều hơn c…).

Trong thị trấn Trùng Khánh (Cao Bằng) cỏn con, nhỏ bé bằng ba tiếng ho có đến chục đầu xe chở khách tư nhân. Chiếc nào cũng mới coong, đáng giá bạc tỉ. Cứ sáng ra, người ta cho xe đi đến tận nhà, đón lấy bao tải, đỡ lấy hành lí, dắt tay từng người, mời nài họ lên xe. Chiều khách như chiều vong.

Một tay cầm lái, còn một tay cầm điện thoại di động, nhà xe vừa nói chuyện vừa lái xe, nom ngon lành như một nghệ sĩ múa. Em xuất bến rất đúng giờ đấy. Nhà chị chuẩn bị ra cửa ngay nhé. Mười phút nữa em tới. Nào! Có ai thị xã, Quảng Nguyên không…

Đấy là một kiểu “bắt khách” ở quê tôi, cảm thấy dễ chịu nhất. “Bắt khách” đấy, nhưng nó mang màu sắc tính cách người địa phương Trùng Khánh. Nhà xe với hành khách hầu như là người quen, người cùng xóm bản, chả nề hà mưa gió, họ đánh xe đến tận cửa đón rước. Nhưng chú chưa ăn sáng. Cháu có bánh mì, có xôi, chú ăn tạm đi. Thôi, ra thị xã ăn phở. Hì! Thế cũng được. Chỉ một tiếng nữa là cùng. A! Cháu nhớ rồi. Chú là chú Phương phải không. Chú có người cháu tên là Huân. Anh ấy làm ở phòng văn hóa. Thôi đúng rồi. Năm ngoái chú cũng đi xe cháu. Bố Dũng ơi, xếp cho chú Phương ngồi sau lái.

Tự nhiên lòng tôi lắng lại, có bao nhiêu “những điều trông thấy…” bỗng chùng xuống hết. Người dân quê tôi quen nếp sống chan hòa thân ái. Chả cứ quen biết thân hay sơ, hễ là người đang đứng trên đất Co Xàu thì không còn là khách lạ nữa. Họ tự nhiên cảm thông và chả bao giờ cáu gắt. Họ cứ chân mộc mà xưng hô, chân mộc mà tiếp đãi.

Khoảng vài năm trước đây, còn đương chức, mỗi khi có việc đi công tác xa, tôi thường có xe cơ quan phục vụ nên không lường hết về nỗi nhọc nhằn vất vả của người đi đường. Chưa hiểu hết và cảm thông với những người ở vào cảnh “xảy nhà ra thất nghiệp” khổ sở như thế nào.

Bây giờ nhìn thấy những ông bà nông dân từ làng bản ra tỉnh, ra thành phố, đi vùng kinh tế mới lôi thôi nhếch nhác ra làm sao. Những gói, những đùm chằng chịt ra làm sao. Con bồng con bế ngơ ngác ra làm sao. Quần ống cao ống thấp ra làm sao. Mẹ già lưng còng cũng ngồi chờ xe ra làm sao. Cày cuốc chăn màn đùm buộc ra làm sao. Đất bùn nâu đen lấm láp ra làm sao. Nhìn những đôi mắt cũ kĩ, tròn xoe như mắt nai mắt thỏ ai mà không thương xót, ai mà không động lòng thương cảm. Những mắt nai mắt thỏ đang trong vòng vây của một thế giới hoàn toàn lạ hoắc. Ai ở trong vòng vây lạnh lùng của đồng tiền mới thấy mình khốn nạn như thế nào. Đồng tiền làm biến dạng con người thật kinh khủng. Đang từ một anh nông dân cù mì, hiền lành, thật thà, trở thành một kẻ hung hăng, giả dối và tàn ác. Đồng tiền làm mờ mắt, không nhìn ra người. Ai thân thuộc? Ai cùng dòng máu mủ ruột rà? Không cần biết! Tất cả chỉ vì tiền thôi.

Đời nào cũng có nhà văn, nhà báo lên án đồng tiền. Nhưng đồng tiền nào có tội tình gì. Chỉ có cái tâm của người sử dụng nó thiện hay ác mà thôi. Nhưng mà nói thật, không có tiền, con người lập tức yếu thế, đói khát, tàn tạ hơn nhiều. Vì thế người ta cứ thà mang tiếng vô văn hóa, là súc sinh, là sâu mọt, là dòi bọ…, chả sao. Cứ có thật nhiều tiền.

Con người ngày nay trơ lì, không còn cảm xúc biết xấu hổ. Đồng tiền biến con người xuống thành quỷ. Đồng tiền tác oai tác quái từ thượng tầng xuống đến hạ tầng. Nó xoắn bện vào nhau làm thành một giống trùng biến hình. Cái giống trùng biến hình ấy không thể đặt cạnh bất kì ai, cây trồng nào. Chúng sẽ nhiễm cái ác, biến gen thành cây cỏ độc.

Đây. Vòng vây những mặt người tăm tối, nhìn đời khó đăm đăm. Những mắt người trắng dã, môi thâm xì nhìn đời khó đăm đăm. Họ nhòm như thể ăn tươi nuốt sống người làng mà không hề ngán. Chỉ vì năm chục một trăm, họ sẵn sàng lôi người xềnh xệch như lôi khúc gỗ, lôi con lợn con gà. Cũng chỉ vì năm chục một trăm, họ kéo người như cướp của giữa đàng giữa chợ. Cũng chỉ vì năm chục một trăm, họ phứt phát giằng giật lấy bao túi, chẳng cần biết bên trong để hoa hay trứng. Cũng chỉ vì năm chục một trăm, họ đỏ mặt tía tai gắt gỏng quát tháo người như trâu bò chó má. Họ đúng như những con quỷ mất rồi. Đúng là quỷ, nhưng những con quỷ này no, chứ không đói. Trên người họ nào áo len áo da, thuộc hàng hiệu đắt tiền. Những tảng thịt vô cảm vô tình ấy, thường xuyên bốc ra mùi hôi tanh nồng nặc. Mồm miệng họ thở ra toàn hơi rượu tây và mùi thịt rừng.

Chắc chắn những con người này vừa mới nảy nòi lên từ hàng ghế lớp năm lớp sáu. Nói chính xác là những người này chưa hề thoát nạn mù chữ. Người chưa thoát nạn mù chữ mà xông pha nơi chợ búa thì ghê khiếp đến mức nào. Trên các bến tàu, bến xe, ở ta đâu đâu cũng có những người như thế. Họ đông như quân Nguyên. Họ là giặc nội xâm tới tấp tràn vào bờ cõi của những người lương thiện. Không còn xó xỉnh nào không có họ. Thậm chí, những người này, vượt biên sang các nước bạn làm tiền. Hình ảnh người Việt Nam thông qua họ, thật vô cùng xấu hổ.

“Bắt khách”. Họ lùa người như vịt. Lùa suốt chặng đường từ bến xe thị xã Cao Bằng về Hà Nội. Cứ có vài bóng dáng đứng ngồi lố nhố, nhà xe lập tức dừng xe. Có ai Bắc Kạn Thái Nguyên không? Không à. Nà Phặc Ngân Sơn không? Bao nhiêu. Ba chục. Đắt quá. Mười lăm thôi. Ừ thì lên. Làm gì còn chỗ nào mà ngồi? Ngồi lên bao gạo. Thôi tôi không đi nữa. Thế là nhà xe bặm môi, vằn mắt. Nhà xe nhìn thẳng mặt khách như hắt cả chảo lửa vào mặt. Làm anh ta co rúm người lại, không dám ho he. Thật tội nghiệp cho anh ta làn da tái mét, lẳng lặng lại ngồi xuống bao gạo. Bao gạo nằm chềnh ềnh ngay giữa lối đi. Chả dại gì mà cự nự với người có chức có quyền. Lái xe cũng là người có đầy quyền chức chứ bộ! Cho đi được đi. Bắt xuống phải xuống. Hơn nữa, họ lại là những người có võ. Nếu không có võ thì họ có sắt thép. Người nào có dao búa trong tay, họ muốn hại ai mà chả được.

Tôi đặc biệt chú ý tới một bà cụ, khoảng trên bảy chục tuổi. Người nhỏ thó như cái hom tôm cá. Cụ về Hà Nội thăm con cháu. Cùng đi với cụ có ba người nữa. Chắc là bà con anh em đưa cụ đi. Ngồi bên cạnh tôi, bà cụ một mực nói toàn tiếng Kinh. Một thứ tiếng Kinh rất khó nghe. Âm sắc vừa đục vừa mờ nhòe. Dấu ngã thành dấu sắc. Thỉnh thoảng cụ còn làm mất mũ nón, thêm tí râu vào chữ. Mỗi người thành “mõi người.” Ăn cơm thành “ăn cươm”. Tôi thành thực muốn giúp bà thoát ra khỏi cảnh tượng này. Hãy cứ nói tiếng của người mình đi mà. Như thế tự nhiên, dễ dàng hơn, mà lại gần gũi nhau. Nhưng bà cụ nhất quyết nói Kinh, trong khi tôi cứ tiếng Tày chuẩn Trùng Khánh mà phát!

Dọc đường đi có người nói chuyện, thế là mừng lắm rồi. Cho dù một kiểu nói chuyện kì khôi, chẳng giống ai. Hệt như bánh mì chấm mắm tôm. Mặc áo trạch săn, đầu đội mũ cao bồi. Nhưng nhờ có cuộc trò chuyện trái khoáy này, mà những cảnh ngang ngược ở bên trong xe cũng được làm mờ đi. Lòng dạ mình cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút. Người tiếng Kinh chưa sõi, cứ nói. Người tiếng Tày cứ hỏi. Kinh Tày đi với nhau gần trọn ba trăm cây số đường đèo!

Khi tới bến Mỹ Đình, xuống xe, bà cụ nháo nhác tìm gặp tôi. Vẻ mặt cụ vui hẳn lên. Cụ nói với tôi bằng tiếng Tày Quảng Nguyên rành rọt. Tôi nghe thân thiết như mẹ đẻ, như chị gái. Tiếng mẹ mình xuất hiện ở một nơi xa lạ, tự nhiên tôi nổi hết da gà. Tôi mừng như trút được một gánh guột to đùng. Lúc nãy bá phải nói tiếng Kinh như người Hà Nội, chú biết không. Là để nó không bắt nạt được mình.

Trời!

Y.P