Thứ Tư, 14/09/2022 07:36

Nụ cười giữa những mất mát

Ánh sáng hi vọng tràn ngập trong những trang viết của ông mở ra một góc nhìn mới tràn đầy cảm xúc của thời “văn hóa đói nghèo”, của sức phá hủy và những con người là nạn nhân của nó, chưa bao giờ cũ.

Từng được độc giả Việt Nam biết đến rộng rãi qua tác phẩm Người Thầy, Frank McCourt bằng sự hóm hỉnh trong những bi kịch đã viết lại câu chuyện đời mình theo cách duy nhất và đầy độc đáo. Mới đây cuốn hồi kí ở tuổi thiếu thời - Tro tàn của Angela đã được Nxb Phụ nữ Việt Nam tái bản sau nhiều năm vắng bóng. Đây không chỉ là một bức tranh chắp vá về một gia đình, mà phần nào đó nó còn cho thấy cuộc sống Ireland tràn ngập khó khăn trong những năm 1940, 1950.

Kể về hành trình phiêu lưu cũng như biến động của nhà McCourt trong hai mươi năm, Tro tàn Angela được kể từ góc nhìn của Frank từ năm lên 4 đến khi trở thành một người đàn ông trưởng thành. Với tác phẩm này, thêm một lần nữa ta thấy một Ireland đầy dồn nén của những đối nghịch tôn giáo, cũng như những người nghèo khổ bị dìm xuống đáy xã hội.

MẪU HÌNH IRELAND CHUNG

Dường như chưa có nơi nào khi được tái hiện thì đều có cùng một kiểu nhân dáng như là Ireland. Nếu trong Shuggie Bain, Douglas Stuart nhớ lại kí ức ở tuổi ấu thời là người mẹ Anges nghiện rượu, là gia đình đến ở mỏ than, là người cha vô trách nhiệm… thì Tro tàn Angela cũng đậm đặc hình ảnh như thế, của một người mẹ chìm dưới cuộc đời sau nhiều cố gắng cũng như nỗ lực không thành hiện thực.

Đặt tựa cuốn sách bằng 2 biểu trưng, Angela – tên mẹ của ông, cũng mang hàm nghĩa ám chỉ thiên thần; cùng với tro tàn – thứ còn sót lại từ những ngọn lửa thắp lên sưởi ấm ban đêm. Không chỉ một lần, Frank đã “lia máy” từ chính người mẹ đổ gục của mình sang đống tro tàn, như thể cuộc đời của bà không còn lại gì ngoài nhúm nhỏ ấy - vô tri, bị bỏ mặt và là tàn dư không ai muốn nhận.

Rất nhiều lần ông đã viết: “Mẹ ngồi đó, hút thuốc, uống trà và khóc. Nằm dài quay mặt vào tường, điên dại khi những đứa con không còn và nhìn vào đống tro tàn như cách chạy trốn sự thật”. Angela cũng như Agnes trong Shuggie Bain, chịu đựng quá nhiều biến cố cuộc đời. Không như những người lúc đó dứt áo ra đi, “giấc mơ Mĩ” của nhà McCourt sớm đã tiêu tan.

Tro tàn Angela do Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành, qua bản dịch của Nguyễn Bích Lan và Hoàng Nguyên.

Được cho sang Mĩ làm việc, Angela giờ đây trở về với một bầu đoàn những đứa trẻ ranh và người đàn ông nát rượu. Đám quân của nhà McCourt di chuyển từ nhà bên nội để đến Dublin rồi lại dắt díu về lại bên ngoại, để sống cố định ở vùng Limebrick nghèo nàn không có việc làm.

Là người đàn ông nghiện rượu, cha Frank từ sớm không còn là mình. Mang theo gốc gác phía Bắc Ireland cộng thêm thuộc về Giá hội Trưởng lão, ông bị từ chối ở khắp mọi nơi. Mặc cho người vợ kiệt sức với 4 đứa con thì người bố ấy vẫn đi hàng ngàn dặm đường để mà tìm việc, thế nhưng tối muộn mỗi khi về nhà thì lại chìm ngập trong những cơn say.

Khung cảnh nghèo đói khiến Malachy thay đổi tâm tính. Ông nhớ về thời quá khứ hoàng huy, và trong những cơn chếnh choáng, ông vẫn hát vang những bài ái quốc và muốn lũ con nguyện chết cho Ireland này. Khi đó, người mẹ vì chính cái đói phải đến các hội cứu tế để xin trợ giúp, phải chịu những sự sỉ nhục, phải đi mót than cũng như vay mượn hằng tá đồ dùng, thực phẩm từ tiệm tạp hóa…

NGƯỜI MẸ SUY SỤP

Giống Shuggie Bain hay là Belfast của đạo diễn Kenneth Branagh, những người phụ nữ ở thời kì ấy bị bỏ lại nheo nhóc bởi một bầy con khi người đàn ông hoặc là bội phản, hoặc là sang Anh trong thời chiến tranh và không trở về. Frank viết: Bố sang Anh và say sưa với rượu chè, không gửi tiền về. Đến đêm, mẹ nằm nhắm mắt nhưng không ngủ mà chỉ nghĩ tới việc đưa bốn đứa con trai của mình vào trại trẻ mồ côi để mẹ có thể đi Anh tìm một công việc gì đó để làm và đón chúng tôi sang và cho chúng tôi một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

“Ở đó có thể có bom nhưng mẹ thích hơn cảm giác xấu hổ vì cứ phải đi cầu xin hết người này đến người khác, mẹ xấu hổ vì bọn tôi mặc những bộ quần áo rách rưới và đi giày tồi tàn, tất thủng”. Tình thương có thể vừa là động lực vừa là nấm mồ chôn sống cả một gia đình. Angela bị mắc kẹt bởi đàn con thơ, và ngay cả cô đã phải đối mặt với 3 cái chết của từng đứa một, mà cứ mỗi lần ai đó ra đi cô chỉ im lặng quay mặt vào tường.

Khi Angela mỏi mệt và mắc viêm phổi, Frank cùng những người em phải tự lo liệu cho bản thân mình. Khác với Agnes đang bị phá hủy chính bởi những tuyệt vọng, Angela buông xuôi và mặc kệ đời. Cũng như người phụ nữ khác, cô đầy hy vọng khi Malachy hứa sẽ đi tìm việc rồi lại “nướng” tiền vào những quán rượu, để rồi tiếp tục bị đuổi vì nghỉ một ngày. Khi chồng sang Anh, mỗi thứ 6 cô cùng bầy con chờ giấy rút tiền để có giăm bông, bánh mì cùng những thứ mứt… Thế nhưng khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu buổi đêm vang lên lanh lảnh, thì cô đã biết không còn lại gì.

Frank ở giai đoạn đó trở thành người mẹ cũng như người cha của lũ em mình. Cậu làm mọi thứ, từ việc hái trộm táo, uống sữa dê ở các trang trại… cho đến lấy trộm sữa cũng như bánh mì, nước chanh trước nhà của các gia đình giàu có. Mặc cho những sự nóng nảy cũng như khó tính bởi bà và người bác Anggie, thế nhưng câu luôn chịu đựng để mà hoàn thành lời hứa trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn và mang tiền về cho mẹ.

Nhà văn, Nhà giáo Frank McCourt.

Angela buông dài trong quãng đời đó. Từ việc sang tay hết người đàn ông này đến người đàn ông khác. Từ việc lê lết ở hội phát chẩn này đến hội phát chẩn kia. Người mẹ ấy trong cuốn hồi kí ngày càng mờ nhòe, và chỉ xuất hiện ở đó chỉ như cái bóng không hồn. Cô đã mất tất cả.

Cô buông bản thân vào làn khói thuốc cũng như cái lạnh của vùng Ireland. Cô làm những thứ chỉ như thói quen có từ thời trước, để rồi cuối cùng vẫn bị phá hủy hoàn toàn từ tận bên trong. Đó không phải là việc nghiện rượu ở mặt vật chất như là Agnes, mà là quá trình đục ruỗng mòn vẹt một cách từ từ bởi 20 năm sống cùng người chồng tự tôn, vô dụng và bị bao phủ bởi sự nghèo đói.

KHOẢNH KHẮC HÀI HUỚC

Tuy nói về những bi kịch, thế nhưng trong mỗi khoảnh khắc, Frank McCourt luôn cho người đọc thấy được niềm tin về một tương lai tươi sáng của ông qua sự hóm hỉnh cũng như hồn nhiên. Đó có thể là những vấn đề của tuổi mới lớn qua việc kết bạn với Mikey lớn - người biết các trò dơ bẩn trong rạp chiếu phim, hay như mỗi khi nhìn trộm chị em nhà Paddy tắm. Đó còn là sự ngờ nghệch trong cuộc tình đầu với Theresa - cô gái bị bệnh lao phổi không may qua đời, và còn trong cậu là sự hối hận cũng như dằn vặt liệu cái chết đó có phải là màn trừng phạt của Chúa cho việc vụng trộm?

Đó cũng còn là những “trò khỉ” với việc lẻn vào xem trộm rạp phim, lắp trộm răng giả của cả bố mẹ để rồi không thể gỡ ra, lấy tiền học nhảy những điệu Ireland để đi mua kẹo… Cũng như Người thầy, hành trình trưởng thành được Frank ghi lại một cách hài hước cho thấy hi vọng vẫn còn nhen nhóm, qua việc cậu đã tìm thấy được ông Timoney và lắng nghe cậu như một người bạn. Hoặc là công việc chở than với ông Hanon, người coi cậu như con trai của mình. Đó còn là những việc làm ở bưu điện, đi bán các trang bị xé bởi nội dung nhạy cảm từ tờ báo đối thủ, của việc viết thư tống tiền... để đem về từng shilling cho mẹ, thay cho người cha vô phương biệt tích.

Tuy thế Frank chưa bao giờ trách móc cha mình. Cậu hiểu chính bối cảnh hai miền Nam – Bắc Ireland cũng như yếu tố tôn giáo đã phá hủy một người như Malachy. Trong những khoảnh khắc, ông viết: “Tôi nghĩ bố mình giống như Chúa bà ngôi, với tận ba người ở trong cơ thể. Một người vào buổi sáng với tờ báo sớm, một người buổi tối với những câu chuyện và lời cầu nguyện, và một người làm những điều tồi tệ, về nhà với bia rượu nồng nặc, chúng tôi muốn chết cho Ireland”.

Cậu thương bố mình nhưng không thể quay lưng với ông. Cậu thấy mẹ mình nhưng không thể làm khác. Trong những đêm tối của bi kịch, tuy thế nhà McCourt vẫn dang rộng vòng tay cho những con người tội nghiệp hơn mình. Đó là Angela mang những người đàn bà lang thang về và chia bánh cho họ, trong khi cậu em Michael thì về với những ông già và các con chó. Đó cũng còn là những người tốt bụng ở tiệm tạp hóa khi cho hành và tiêu khi Oliver sốt, là ông Domino cho giăm bông cũng như xúc xích vào dịp năm mới, và còn rất nhiều những người khác nữa.

Với Tro tàn của Angela, Frank McCourt cho thấy được nghệ thuật kể chuyện đạt đến bậc thầy, để dù chứa đựng những câu chuyện buồn, ta cũng không thể phân định đây là bi kịch hay là hài kịch. Ánh sáng hi vọng tràn ngập trong những trang viết của ông mở ra một góc nhìn mới tràn đầy cảm xúc của thời “văn hóa đói nghèo”, của sức phá hủy và những con người là nạn nhân của nó, chưa bao giờ cũ.

NGÔ THUẬN PHÁT