Thứ Bảy, 14/03/2020 09:16

Ở thị trấn cửa sông

Ỏa á!... Mi đó răng, Cận? Giữa đông đúc người uống cà phê, ông Phức mở to mắt, nhìn sâu mắt người đối diện, nửa tin nửa ngờ. Phải rồi, Cận đây! Rứa... phải mi không, Phức? Ông Cận cũng không tin ở mắt mình.

. Truyện ngắn dự thi. HỮU PHƯƠNG

Ỏa á!... Mi đó răng, Cận? Giữa đông đúc người uống cà phê, ông Phức mở to mắt, nhìn sâu mắt người đối diện, nửa tin nửa ngờ. Phải rồi, Cận đây! Rứa... phải mi không, Phức? Ông Cận cũng không tin ở mắt mình. Họ như bắt được vàng, như tìm nhau một đời trong vô vọng, bất ngờ trời cho được gặp. Hai người nắm chặt tay, giặc giặc mấy cái. Bật cười ha hả. Đúng là ông cha lộn qua con nít. Mặc kệ ai nhìn, họ trở về những đứa trẻ chăn bò tắm sông quê xưa.

Chừng như chưa bưa, chưa đã, họ ôm quàng qua vai nhau, riết chặt. Mối dây thời gian xoắn chắc. Quá hi hữu. Thế mới biết, dưới gầm trời này không chuyện gì là không thể xảy ra. Nói đúng hơn, sau dằng dặc chiến tranh loạn lạc, bom đạn ngút trời, máu sông xương núi, cái lắng lại chót cùng đời người không thể là hận thù, không phải vinh hoa phú quý, mà là tuổi thơ lấp lánh chốn quê nghèo xưa.

Cuộc tay bắt mặt mừng sửng sốt này, đố trời cắt nghĩa được. Có thể là họ cố gượng, để tỏ ra hòa hợp như người đời mong mỏi sau chiến tranh cắt chia. Là cách ứng xử nhanh của mỗi con người hiểu biết, từng trải, khi cả quán cà phê thị trấn cửa sông đổ dồn mắt về phía họ. Nhưng cũng có thể là rất thật, từ đáy lòng bao năm biệt mù cà cưỡng khói bom lửa đạn. Bởi họ là hai bạn chăn bò quần đùi áo cộc con rận cắn đôi, không hận oán, thời xa ngái. Có nhiều chuyện ngày trốn đi ấm ức mang theo chưa được giãi bày, giờ là dịp hiếm có để tận tỏ.

Xung quanh lấy vẻ bâng quơ, nhưng ai nấy im lặng theo dõi cuộc gặp gỡ bất ngờ của hai ông già xa lạ vừa đến nơi này. Khi buông nhau ra, cả hai đều òa khóc tu tu như trẻ bị mất bò. Nước mắt lăn trên những cái má da mồi, không cho biết là nước mắt mừng vui hay hờn tủi. Hình như trong mắt họ, người đối diện tóc muối tiêu kia vẫn là đứa bạn vừa lặn sông lên, bùn rêu chưa rửa sạch. Xung quanh bãi bờ thân thuộc, làng mạc tre pheo xao xác, mấy con bò cần mẫn cúi mặt trên cỏ, con sông ngày đêm đổ ra biển cần cù... Làng cửa sông, nhưng số nghề biển chỉ lép nép mấy nhà sát biển, còn lại vẫn là ruộng đồng nông quê chân chỉ. Càng về già, kí ức tuổi chăn bò nơi quê kiểng càng tươi rói...

Cận. Răng mi đem vịt con mới nở nhà ai, bỏ cội rơm nhà tau, để cả nhà bị lây vạ? Ông Phức chợt bật hỏi. Rứa lúc nớ mi ở mô, tau đi tìm mỏi cẳng mấy ngày liền, nỏ thấy? Ông Cận thanh minh, biết điều ấm ức này bạn mình mang theo suốt cuộc chiến. Ha ha. Là thành ý của mi? Ông Phức gượng cười, đưa tay quệt nước mắt. Chớ răng. Ông Cận rỉ rủm nói. Tau trộm của nhà mụ Roạng bên tê sông, bọc trong áo bơi về giấu trong cây rơm nhà mi. Định sớm sau rủ nhau ra bờ đê vắng luộc ăn, cù cả con Rấm nữa. Ai dè, mấy hôm liền tìm không được mi, rơm nóng, lũ trứng nở đàn vịt con, liên mồm kêu chiệt chiệt... À á. Tau hiểu rồi. Ông Phức phì cười. Mụ Roạng là nhơn tình nhơn ngãi của ông bọ mi, lí trưởng làng Cửa Hãn sau được gọi là xã trưởng, nên làm oai làm oách khi tìm được lũ vịt con nhờ tiếng kêu chịt chịt trong đống rơm. Ông Cận có chút ngậm ngùi xấu hổ, nhớ lại cha mình vì lấy lòng người đẹp “cụt đọt” bán quán nhậu bên kia sông, đã lập biên bản ông Phưởng, bố Phức, tội trộm trứng vịt lộn nhà cô Mỹ Roạng, mức phạt trời giáng...

Ông Phức nhớ, sau mấy ngày mang tài liệu lên chiến khu Ba Lòng, trở về với nhiệm vụ tuyệt mật, rạng sáng lẻn vào được căn hầm dưới bụi chuối vườn nhà. Tức thì, đã nghe tiếng om sòm quát tháo của xã trưởng Cượng, bố Cận. Trong nhà, cha mẹ bị trói gô vào cột như những tên tù trốn trại. Rát rúa tiếng khóc thét mấy đứa em. Tiếng chân lính bảo an, dân vệ chạy rộn rịch, lách cách súng ống. Tiếng vịt con đòi ăn chiệc chiệc trong chiếc lồng đặt giữa sân. Tiếng guốc mảnh mai, gõ đỏng đảnh.

Xã trưởng Cượng mắt sáng lên khi thấy Mỹ Roạng ngoáy đôi mông tròn nguây nguẩy bước vào. Anh đã tìm được thủ phạm và ổ trứng bị mất của em đây. Khớ khớ. Xã trưởng Cượng khăn đóng áo dài the, cười nhăn nhở gõ gõ đầu hèo song mây đen bóng, lên cái lồng tre nhốt lũ vịt mới nở lông vàng mơ. Nhưng em ơi, tang vật đã chuyển giai đoạn, từ trứng sang vịt rồi. Không sao, em đem về chịu khó nuôi mươi lăm bữa, là có món tiết canh vịt hảo hạng đấy. Mấy ông cố vấn Mĩ ở đây quen ăn, thích món đó đáo để luôn.

Người đẹp Mỹ Roạng ỏn ẻn bước theo chân tên lính xách lồng vịt con xuống đò, đôi mắt đen sắc không quên liếc tình ngài xã trưởng, vẻ biết trả ơn. Xã trưởng Cượng mừng quắn lên, sai lính làm ngay tấm biển viết vôi “Nhà ăn trộm” cắm lên trước cửa nhà ông Phưởng.

Rứa... mấy ngày đó, mi ở mô mất dạng? Tại nhà con Rấm cũng nỏ có? Ông Cận buột miệng hỏi. Tau vẫn trong làng Cửa Hãn thôi. Mi mà thấy, e tau cũng bị bọn mi trói gô nộp lên đồn rồi. Ông Cận trố mắt, bán tín bán nghi nhớ lại, chiếc tàu chở tụi lính thủy đánh bộ đậu giữa sông sâu bất ngờ bị nổ tung, chìm nghỉm giữa ban ngày... Mi vẫn hay đến nhà con Rấm, hỉ? Ông Phức nheo mắt cười cười, chợt hỏi. Phải, đến luôn. Ông Cận khẽ gật. Nó đẹp lên từng ngày mi ơi, đẹp dã man luôn! Nhưng hình như trái tim nó thuộc về mi mất rồi, Phức nạ? Tau tiếc, vì không nhận ra sớm một giai nhân tuyệt sắc ngay bên mình...

Lão Căng Lãng lính com-măng-đô Pháp giải ngũ về làng, chỉ oóc đơ một chân, chân kia là chiếc nạng gỗ tập tễnh. Lẽo đẽo theo sau như cái đuôi, đứa con gái khoảng tám, chín tuổi, tóc cằn hoe khét nắng, mũi thò lò dãi xanh, tai rỉ dòng mủ trắng hôi rình. Đã rứa, con bé xấu đến ma hờn quỷ khóc. Đôi mắt to sâu càng khiến cái trán dô vêu vao và cái miệng móm như bà già. Con bò của Rấm đi đến đâu, ruồi bám theo cả đàn như ong. Cả ba thường đem bò ra bãi hoang, hay bờ đê ven sông. Đôi khi để Rấm trông bò, hai thằng xuống ruộng bắt đam lên nướng ăn. Cận cố tránh xa con Rấm một quãng, cả khi ăn đam nó cũng quay mặt sang hướng khác, cố khuất mặt con bé. Nhưng con bò cái tơ nhà Rấm cứ lẽo nhẽo chạy theo con bò đực nhà Cận, khiến cậu ta tức điên lên. Vừa vụt roi túi bụi vào lưng con bò nhà Rấm, vừa quát tháo xua đuổi. Mi cút đi! Mi cút đi! Cút xa tau ra! Không biết Cận phũ phàng đuổi con bò nhà Rấm, hay đuổi Rấm. Nhưng từ đó, con bò choai của Rấm chạy sang đi cùng con bò đực nhà Phức.

Phức thương người, dễ tính, Cận không mấy quan tâm. Đuổi được con Rấm bẩn thỉu hôi hám, là Cận sướng rơn rồi. Mặc cho Phức tỉ mẩn cắt lá dứa dại, tết chiếc đồng hồ đeo tay cho Rấm, thỉnh thoảng Phức hỏi mấy giờ rồi, Rấm nhìn đồng hồ lá dứa, ngửa mặt nhìn trời nói, còn sớm. Khi khác Phức tết cái vương miện hoa hậu bằng cỏ, đội lên mái tóc vàng hoe khét nắng cho Rấm. Khỏi nói, Rấm như con điên phát rồ, nhảy tót lên lưng bò Phức, nghiêng ngả cười sằng sặc, tiếng cười chua loét. Không ai nghĩ đến tuổi mười hai, Rấm bỗng thành con người hoàn toàn khác. Cao vụt lên, róng rảy chân tay, thon thảy dáng hình. Mái tóc chuyển màu đen mượt, đôi mắt long lanh. Da lột trắng hồng, mịn mượt như trứng gà bóc. Tuổi mười ba, Rấm thành thiếu nữ hút chết mọi mắt nhìn. Những vương miện hoa cỏ Phức tết, biến Rấm thành bà hoàng, thành nàng tiên lạc xuống làng nghèo Cửa Hãn...

Phức “nhảy núi” sau trận đánh chìm chiếc tàu chiến to đùng giữa lòng sông sâu Giang Hãn. Cận lân la đến nhà Rấm nhiều hơn, cũng tỉ mẩn làm đồng hồ lá dứa và vương miện hoa cỏ. Nhưng nàng tiên tuổi mười lăm chẳng động lòng, mắt thăm thẳm mơ màng nhìn đâu xa xăm. Cận thất vọng trở về với quyết tâm sắt đá, thay đồng hồ lá dứa và vương miện cỏ bằng vàng thật. Trước khi vào trường võ bị Đà Lạt, Cận dặn cha, giữ con Rấm cho con. Lão Cượng và lão Căng Lãng như sừng với đuôi, nhưng thấy con Rấm quá đẹp, nên cũng nhân nhượng. Từ đó, mỗi trận bố càn, lính Mĩ hay lính quốc gia, hết thảy đều tránh nhà Căng Lãng...

Tau cũng muốn nhảy núi theo mi, để được lòng người đẹp, nhưng không thể. Ông Cận cười thỏn thẻn. Cha tau là xã trưởng, lí lịch xấu như ma lem. Hì. Thực ra, Phức nạ, mi đi rồi, tau quyết chí lấy cho được con Rấm... Ông Cận thầm thĩ. Rứa mi để Rấm tuột khỏi tay khi mô? Ông Phức buột miệng. Không phải nó chạy theo mi lên xanh, há? Cận trố mắt hỏi lại. Đâu có, sau khi bọn mi cắm cái biển “Nhà Việt cộng” lên trước ngõ nhà tau, biết bị lộ tau đi liền đêm đó. Rồi năm sau được cử ra Bắc học trường đặc công. Cho đến chừ, vẫn không gặp được Rấm... Ủa! Tau cũng rứa. Ông Cận thảng thốt. Tốt nghiệp võ bị Đà Lạt trở về, với quân hàm trung úy sắc lính thủy quân lục chiến, tau oai vệ đi tìm Rấm, trong tay đã có đồng hồ và vương miện vàng. Nhưng chẳng thấy Rấm mô, chỉ mỗi lão Căng Lãng oóc đơ chân có nạng chân không, mắt đỏ lầm lừ, nồng nặc mùi rượu. Hãi quá, tau vọt lẹ.

Cả hai thở dài, bồi hồi buồn vui nhớ về xưa cũ.

Xã trưởng Cượng rất sợ Căng Lãng. Cả tay cố vấn Mĩ và lính tráng Việt Nam Cộng hòa đi theo cũng vậy. Nhất sợ anh hùng nhì kẻ cố cùng liều thân, Căng Lãng có cả hai cái đó. Về làng, lão như con trâu mờm sứt mũi, không điều khiển được. Chưa hết, lão lại có chiếc mề đay quân đội Pháp tặng cùng lon trung sĩ trên ve áo. Ở cái làng Cửa Hãn này, trời chính là Căng Lãng. Bất kể phải trái, lão chẳng nghe ai phân bua, vì hai tai điếc đặc. Bởi thế chăng mà tên lão Căng được đèo thêm chữ Lãng?

Khi đại đội thủy quân lục chiến cùng tay cố vấn Mĩ hùng hổ bao vây ngôi nhà con trâu mờm sứt mũi, thì xã trưởng Cượng cắp hèo theo sau cười tủm tỉm. Phen này hai con trâu cui, một lông trắng một lông đen, húc nhau trối chết đây. Xã trưởng hả hê chờ, hồi hộp són cả nước tiểu. Cái làng Cửa Hãn bé bằng bàn tay, nằm bên bờ sông, sát ngay bờ biển, mọi đường ngang ngõ dọc lão thuộc như lòng bàn tay. Chiếc tàu sắt lững lững như ngôi nhà hai tầng đậu giữa lòng sông sâu, súng to súng nhỏ, lính tráng canh gác cẩn mật, bỗng chốc bốc cháy giữa ban ngày ban mặt. Tiếng nổ như bom dội, lửa trùm lên thành khối đỏ rực như thể nước sông Hãn là xăng. Không cách chi cứu được. Chỉ giương mắt nhìn nó chìm dần. Quả thật là một nỗi nhục vuốt mặt không kịp cho đội quân bất khả xâm phạm của quốc gia được cố vấn Mĩ huấn luyện, dạy bảo. Ai đã làm? Làm bằng cách chi? Làm xong thì rút chạy đi mô, nếu không phải là độn thổ làng Cửa Hãn?

Quan thổ địa Cượng dẫn đám lính thủy đánh bộ do ngài Bill đi kèm, bao vây chặt ngôi làng. Con kiến không thể bò qua, con muỗi cũng không bay lọt. Tiến từng bước một, vừa đi vừa lật tung mọi hang cùng ngõ hẻm, vừa xăm nát lòng đất. Vòng vây thắt dần, thắt dần, rồi cuối cùng thít lại ở khu vườn độ vài sào đất. Ở đó có ngôi nhà ba gian hai chái lợp dày tranh, bốn vách thưng cũng bằng tranh giữa rừng chuối xanh nhức. Lão Căng Lãng chơi trội, thuê cả trăm người lên tận Cồn Chùa, Dốc Miếu bứt tranh săng, thứ không lẫn một cọng lau ngọn cỏ, về trải phơi trên mặt đê mấy hôm. Được sương được nắng, tranh vàng au như được chuốt từng sợi, lợp lên sáng rạng cả mái nhà. Mèn đặt khít mèn, đầu trang ken dày, bền dễ đến năm mươi năm có dư. Nhà lão Cượng dù ngói đỏ tường gạch sang nhất làng cũng chẳng thấm chi nhà lão Căng Lãng. Mùa đông ấm sực, mùa hạ mát rượi.

Lão Cượng cũng chẳng ưa gì tay cố vấn Bill bởi từ khi quán nhậu người đẹp cụt đọt Mỹ Roạng có món tiết canh vịt, hắn không bỏ sót trưa nào. Cứ khoảng mười một giờ, mặt trời sắp đứng bóng, nắng bỏng rát các trảng cát, là con tàu sắt lù lù kéo còi hụ hụ, đậu lại giữa lòng sông. Rồi từ sau đuôi, nhả ra một chiếc xuồng cao su. Cả bọn quan quân lính tráng nhanh chóng áp vào bờ, leo lên quán người đẹp Roạng. Cố vấn Bill mặt đỏ lựng như gà chọi, quàng tay ôm eo ả nhân tình đi thẳng vào buồng trong, nói nằm nghỉ tí chút chờ món tiết canh vịt. Nhiều lần Cượng phàn nàn chuyện này với nhân tình, thay vì được một bàn tay thơm tho đưa lên bịt miệng, là mấy tờ đô la mới cứng phất phất vào mũi, lão đành ngậm miệng hến. Lần này, con tàu hắn bị đánh chìm, ngoài mặt thương cảm, thâm tâm lão hởi lòng hởi dạ đáo để...

Vậy ai cả gan đánh chìm hạm tàu? Đương nhiên là Việt cộng rồi. Nhưng bọn họ trốn đi đằng nào, khi nghe tiếng nổ giữa lòng sông, lập tức lính tráng bao vây, bủa trùm lên ngôi làng Cửa Hãn bé tẹo tắp lự và đang kéo thắt dần. Giờ chỉ còn ngôi nhà tranh của lão Căng Lãng ở đáy lưới. Vì ghét cái nhà tranh chơi trội đắt hơn nhà ngói của mình nên lão dẫn lính tráng bao vây, mượn bàn tay cố vấn Bill đốt quách đi cho đỡ ngứa mắt, chứ lão không tin có Việt cộng ở đây. Mĩ thế chân Pháp trên đất này, coi như hai mà một, Căng Lãng đi lính cho Pháp, được Pháp thưởng mề đay, cũng coi như Mĩ thưởng mề đay. Giờ lão ta cũng đang ăn lương Pháp, coi như ăn lương Mĩ, mắc mớ chi theo Việt cộng.

Minh họa: Lê Anh Vân

Dù tính toán chi li mọi nước, lão Cượng vẫn bất ngờ. Bất ngờ nhất là con cúi bện rơm im lìm ngún cháy ở góc sân, tỏa mơ hồ ngọn khói. Ngọn khói xanh mơ rất mỏng, lẩn vào nắng chiều đố nhận ra. Tay Bill tất nhiên không thể, lính tráng quốc gia cũng vậy. Chỉ có những kẻ đẻ rơi trong sảo khoai, sấp mặt trên luống cày, mới thấy được. Căng Lãng ủ mưu chi đây, hay lão ta lợi dụng chộn rộn này, để phóng hỏa ngôi nhà rồi vu oan giáng họa? Hừm!... Tiền quốc gia đền bù, có khi đủ cho Căng Lãng xây cái vila ngạo nghễ ở Cửa Hãn này cũng nên. Khi đó, cái nhà ngói tường gạch của lão, không xứng cái chuồng bò Căng Lãng. Lão muốn giẫm nát con cúi kia, như giẫm nát mưu hiểm Căng Lãng, nhưng vội dừng lại. Biết đâu trong mớ rơm bện ấy, có chứa khối thuốc nổ, tan xác như chơi. Lão chưa tìm được câu tiếng Anh nhắc nhở Bill, thì Căng Lãng từ trong nhà đã tập tễnh bước ra. Bông rua me sừ! Bông rua me sừ Bill! Căng Lãng xổ một tràng tiếng Tây bồi rồi đứng lại, chân kẹp nạng, hai tay giơ ra đón. Nhìn bộ quân phục Pháp cũ nát với chiếc mề đay trên ngực Căng Lãng, Bill có chút vị nể, cũng giơ hai tay lao đến...

Xã trưởng Cượng nhìn theo xanh mắt vì Bill quá mất cảnh giác. Căng Lãng không thể là Việt cộng, nhưng tính khí trặc ngởn của con trâu điếc tai sứt mũi dễ làm bẽ mặt quan thầy Mĩ. Bill cao lớn, hai tay chỉ quàng qua vai Căng Lãng, trong khi hai tay Căng ôm hờ thắt lưng Bill. No! No! No! Xã trưởng Cượng hét lên khi thấy một tay Căng Lãng tụt dần xuống bao súng để mở của Bill. Viên cố vấn Mĩ chưa kịp hiểu mô tê, bàn tay lính Pháp cũ đã thọc vào bao súng hắn. Bill mặt xanh đít nhái, chỉ còn nước giơ hai tay lên trời bước giật lùi khi Căng Lãng ấn mũi súng ngắn vào ngực. Lập tức, từ con cúi góc sân một tiếng nổ đanh dội vang cùng khói và rơm tung tóe. Lão Cượng cùng Bill, thần hồn nát thần tính, quay người chạy. Đám quan quân lính tráng cũng không dám nhìn lui, co cẳng chạy có cờ có khói. Căng Lãng lại xổ một tràng tiếng bồi Tây và Mĩ ném theo, Mét sì! Mét sì! Bai, bai.

Rứa lúc nớ, mi với con Rấm ở mô? Ông Cận chợt hỏi. Ông Phức đưa tay gãi tai, ra bộ lục tìm trí nhớ. Thực ra, lúc đó Phức nằm co dưới đống lưới con thuyền ba lá cha con Căng Lãng thường ra sông thả cá, giờ đậu trong ao. Đầu mũi, Rấm ngồi lặng im vá lưới, mắt không rời tốp lính. Hôm sau, làng Cửa Hãn vắng tanh, quán nhậu người đẹp Mỹ Roạng cũng không bóng lính thủy quân lục chiến. Cận lang thang dọc mép cát, nhìn con tàu đắm chỉ còn nhô ống khói, chợt gặp dấu chân Phức trên cát ướt. Tóc gáy Cận dựng lên, sống lưng lạnh toát. Cậu ta vội vàng giẫm chân mình lên các vết chân Phức để lại. Nhưng đã muộn, bố cậu đã cho lính dân vệ cắm biển đánh dấu nhà Việt cộng trước ngõ nhà Phức.

Xin lỗi mi, Phức nạ. Ông Cận ngậm ngùi. Chuyện ni tại tau. Tau vô tình thôi. Ông Cận thón thén nhìn ông Phức. Là răng? Tau biết chi mô. Ông Phức nói, cười xuê xoa thông cảm cho bạn. Là ri, mỗi lần làng ta tổ chức thi bơi, mi đều giành giải nhứt. Một hôm bọ tau hỏi, này Cận, cùng trang lứa cả, thậm chí con nục chắc hơn thằng Phức, răng lần mô cũng chỉ về nhì. Tau nói, thưa bọ, ngài thằng Phức dài đòn, trời lại cho hai bàn chân đều sáu ngón, hai ngón út sáp sinh dính liền nhau mỗi bên, bàn chân như mái chèo... Rứa đó, bọ tau đã nhận ra dấu chân mi trên cát ướt, sau khi con tàu bị đánh chìm. Ổng chắc chắn, mi là thủ phạm. Tau cũng đoán rứa, vì từ đó mi lặn tăm, nỏ thấy mô nữa...

Cả hai rơi vào im lặng. Nhưng hồi ức sâu kín cuộn sôi. Ông Phức vỡ ra điều mới mẻ, mình bị lộ từ lâu bởi bàn chân hai ngón út sáp sinh. Chưa thôi, ông Phức còn bị ông Cận chỉ ra điều dữ dội hơn. Sau ni tau còn biết, Phức nạ, chính mi đánh chìm con tàu dầu hiện đại mười lăm ngàn tấn USS Noxubec, neo đậu ngoài khơi, cách cảng Cửa Hãn ba hải lí. Ông Phức giật thột như phải bỏng. Ông Cận tủm tỉm cười, ra chiều cảm phục bạn. Mi giỏi thiệt, đặc công thủy Việt cộng có khác. Tàu USS Noxubec có thiết bị chống người nhái, chống đặc công thủy, ngày đêm có bốn tuần dương hạm Mĩ bao quanh bảo vệ. Phía cửa sông Giang Hãn, lại có các tàu tuần tiễu ven biển, tàu cuốc, tàu quét mìn và tàu cứu thương hoạt động. Sát cửa biển, hai bên mép sông còn có hai lô cốt và nhiều đài quan sát, đèn pha như những con mắt sáng choang. Trước đó, quân cảng ni được Mĩ cho xây dựng sáu cụm đèn pha công suất cực lớn. Ban đêm sáng như ban ngày. Thế mà tàu USS Noxubec biến thành hỏa diệm sơn, sùng sục cháy giữa biển khơi...

Ông Phức nhớ, trận đánh trực tiếp chỉ có hai người, ông và cậu Hiểu, dân kẻ biển Nhân Trạch. Đêm đầu vượt vĩ tuyến 17 ở Cửa Tùng sang bờ nam, men theo mép biển đến vị trí tập kết bờ bắc cửa sông Giang Hãn nhận vũ khí. Mỗi người mang theo phao bơi, ống thở, khí tài lặn, hai thủ pháo, hai lựu đạn, dao găm và quan trọng nhất là quả mìn đặc dụng 6,8kg do Liên Xô sản xuất. Cả hai lặng lẽ vượt ba trăm mét cửa sông Giang Hãn sóng ầm ào. Sang được bờ nam đã nửa khuya, vừa đúng kế hoạch. Đêm cách nhà nửa cây số, nín im thin thít, chờ trời tối hôm sau ra khơi hành động. Nhưng bất đồ, vừa tám giờ sáng một trung đội lính thủy đánh bộ Việt Nam Cộng hòa đi tuần ngang qua. Đang hàng dọc, bỗng tên đi đầu khựng lại. Phát hiện dấu vết đối phương trên cát, tất cả tỏa ra lùng sục. Phức đã kịp vùi mình xuống cát, Hiểu thả nhẹ người xuống sông.

Cả hai trải qua một ngày tra tấn hút chết ngỡ dài cả thế kỉ. Trong cát bỏng lúc chính ngọ, đã có lúc Phức dựng cả tóc gáy, tay nắm chặt trái lựu đạn sẵn sàng tung lên khi tiếng chân lò dò đặt nhẹ lên mặt cát cạnh mình. Còn dưới sông, mưa đạn AR15 vãi chùm chũm, tung tóe cả mặt nước. Mãi đến chạng vạng tối, cuộc lùng sục vô vọng của trung đội địch mới kết thúc. Hai lính đặc công hoàn hồn, sau một ngày dài vọ vịnh...

Cận nời. Răng mi biết tau đánh trận đó? Ông Phức thốt hỏi. Xì. Ông Cận trề môi, giễu mỉa bạn. Ai nỏ biết đặc công Việt cộng đánh trận toàn chân đất người trần, bàn chân sáu ngón của mi chỉ tau biết, giấu đi mô trên cát ướt. Rứa trung đội lính thủy đánh bộ đi tuần sáng nớ, do mi chỉ huy? Ông Phức hỏi, mở to mắt nhìn bạn. Chớ răng. Nhưng tau lo đi giẫm xóa dấu chân mi đọa mạng. Rứa à. Ông Phức thở ra, hàm ơn bạn. Cả hai bất giác cùng nhấp giọt cà phê đắng đót trên môi, rào rạt kí ức thời trai trẻ.

Không thể nói, hai ông già ấy từng là hai sĩ quan đánh trận nổi tiếng, mang đến lon trung tá. Ông Phức rít một hơi thuốc, khói trắng mơ màng như thời gian xa ngái, chợt lên tiếng. Cận nì. Ở thiên đường nước Mĩ giàu có, ai cũng ao ước tìm cách nhập tịch, răng mi mò mặt về đây? Hà hà... Ông Cận lại nheo mắt cười cười, giễu bạn, có người đang nhà cao cửa rộng ở thành phố đô hội, cũng tìm về chốn ni, là răng hả Phức? Lại đập hai bàn tay vào nhau, như hai lão nhà quê buôn bò ở chợ, miệng cười ha hả, nhưng nước mắt vòng quanh. Lạ, hai người ở hai chiến tuyến, hai nếp sống, hai sự hưởng thụ, ở hai nơi cách biệt, lại cùng sở thích hồi hưu chốn quê xưa, thật hiếm thấy.

Trung tá Cận, tiểu đoàn trưởng thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa từ Mĩ trở về, dựng nhà bên phải trục đường thôn, tính từ đại lộ bờ biển chạy vào. Trung tá Phức, tiểu đoàn trưởng đặc công quân Giải phóng, dựng nhà bên tay trái, cũng trục lộ ấy. Bên ngoài, nhà hai ông nom gần như trái ngược. Ông Cận cấu trúc kiểu Mĩ, các mảng khối vuông vức không đối xứng, nhưng hài hòa, tạo dáng khỏe khoắn. Ông Phức cấu trúc kiểu biệt thự vườn, cửa vòm mái ngói lồi lõm, mềm mại nét cổ kính. Chỗ giống nhau là vườn ông nào cũng nhiều hoa, và cũng dành một luống trồng chè xanh để om mỗi sáng. Riêng vườn ông Phức trồng nhiều cây vừa hoa vừa trái, xuân có bầu bí, thu có mướp. Dưới giàn, quây lưới B.40 thả mấy mái gà lấy trứng. Ông Phức nặng về tự cung tự cấp, hẳn vì đồng lương hưu trung tá bên này chiến tuyến, không dư dật như bên kia chiến tuyến do Mĩ trả.

Nhà hai ông ở khá gần nhưng lại thuộc hai tiểu khu. Dân trong vùng, nhất là tiểu khu bên phải đường, có vẻ ưa ông Cận hơn. Từ việc to đến việc nhỏ, ông Cận lên tiếng, là xong nhẹ như lông hồng. Chẳng hạn, các tiểu khu làm cổng chào vệ sinh đường làng ngõ xóm, chuẩn bị đón tết. Tiểu khu bên phải nhởn nhơ sắm sanh chợ búa, chẳng ai phải mó tay. Ông Cận bỏ tiền thuê người trên phố về làm chưa đầy buổi trong khi tiểu khu bên trái, hu hò hít hẹn mãi mới có một nhúm người cuốc cào ra vén dọn. Hay vận động quyên góp ủng hộ người nghèo, vùng bị bão lụt, tiểu khu bên phải chẳng cần nộp đồng nào, ông Cận bao tất. Được chính quyền phường biểu dương đơn vị hoàn thành sớm. Thằng Cường, con trai ông lại đang đầu tư vào dự án trồng rau quả, mấy chục hecta nhà kính nhà lưới, thu hút hàng trăm nhân công ở đây vào làm, nên càng được nể.

Ngày kỉ niệm chiến thắng Ba mươi tháng Tư quả là khó xử cho hai vị trung tá ở hai chiến tuyến đối địch, bạn chăn bò con chấy cắn đôi. Ông Cận buồn rầu, chốt cửa không ra ngoài, ngồi uống rượu tì tì, thằng con trai theo chúng bạn mất hút từ sớm. Chiến thắng của bên này, là nỗi đau của bên kia. Ông Phức biết ý, nháy cho ban tổ chức, sau phần lễ long trọng kỉ niệm ngày chiến thắng, là chuyển sang phần liên hoan mừng đất nước thống nhất. Phần này có cả tinh thần lẫn vật chất. Trong khi chờ chuẩn bị các tiết mục, ông Phức lẻn về nhà thay bộ quân phục màu cỏ úa bằng bộ sơ vin quần tím than áo trắng cộc tay, đi nhanh đến nhà bạn. Nghe tiếng gõ dồn dập, ông Cận buộc phải ra mở cửa. Tức thì ông Phức bá tay qua vai, cái bá vai thân tình lại khá dứt khoát. Đi. Đi với tau. Đi ngay. Có cái ni hay lắm. Không biết cái chi hay, nhưng bị ông Phức quàng vai ẩy riết, ông Cận miễn cưỡng đưa chân.

Cả hội trường bật dậy vỗ tay như sấm, khi trên lối rộng giữa hai khối ghế hội trường, hai vị trung tá xưa ở hai chiến tuyến, bá vai nhau đi vào. Trên sân khấu, như thể chỉ chờ có vậy, MC ngay tắp lự vui vẻ tuyên bố, tiếp theo chương trình là hợp ca nam nữ Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, do đội văn nghệ thanh niên thị trấn trình bày. Vừa bị bàn tay ông Phức ấn vai, lại vừa lúc giai điệu hào hùng màn hợp ca vang lên, ông Cận ý tứ cúm núm ngồi xuống ghế, và choán ngợp bởi không khí hội hè. Chợt mắt hoa lên, ông Cận nghiêng qua phía ông Phức, bấm tay hất hàm có ý hỏi về người thanh niên đứng giữa hàng sau, trong dàn hợp ca trên sân khấu. Ông Phức khẽ cười, thằng Cường con trai mi đó, chớ ai nữa. Hả? Rứa há? Răng mấy lâu ni chẳng nghe hắn nói chi, hỉ?

Không còn tự mặc cảm người ngoài cuộc, nhất là sau những tiết mục có mặt con trai, được khán giả trầm trồ vỗ tay rầm rầm, ông Cận dè dặt nâng li mời mọi người trong bàn. Khi đã có vài ba li vào bụng, ông Cận hứng lên kéo ông Phức đứng dậy, cụng li “cách” rõ to, trịnh trọng hô, mừng đất nước thống nhất. Rồi cả hai rơm rớm xúc động, lại ôm nhau như ngày mới gặp sau mấy chục năm trận mạc xa cách.

Làng tổ chức giẫy mả thường niên như lệ xưa, hai ông rủ nhau ra viếng nghĩa địa làng. Ông Phức cầm bó hương, ông Cận ôm bó hoa tươi. Nghĩa địa ven đồi, mồ mả hằng hà sa số, lô xô sang hèn thấp cao. Nông thôn đang dần đô thị hóa. Khu nghĩa địa, thành phố của người chết, cũng được xây cất chu đáo tùy theo gia cảnh. Lá rụng về cội. Dù chết ở đâu đâu, gia đình cũng tìm cách đưa nắm xương về gửi quê nhà.

Cuối chiều, không hiểu sao chân hai người vô tình dừng lại ở khu mộ những người nằm xuống trong trận mạc. Như thể ai mách bảo, hai ông xăm xăm bước đến ngôi mộ bia ghép đá xẻ, trên đó in chìm bức chân dung thiếu nữ, mũ tai bèo, khăn rằn áo bà ba đen. Cả hai cùng chết lặng. Mắt hoa lên, nhòe đi trước dòng chữ: Liệt sĩ Trần Thị Rấm.

Trời như bị thủng, nước đổ ào ào suốt mấy ngày đêm không ngớt. Cơn lũ bất ngờ. Nguy cơ nửa thị trấn bắc Cửa Hãn chìm sâu trong nước. Đêm như hố đen, chớp lóe xanh lè, ma quỷ múa gươm. Bờ kênh nước mặp mẹ, mấp mem chực xé chỗ quãng đê ngấm nước bắt đầu lụn xuống. Nếu bị vỡ, cả khối nước từ kênh cấp một sẽ đổ về đây như thác, nửa phía bắc thị trấn này sẽ lóp ngóp giữa biển khơi...

Không kịp nữa rồi, người lính đặc công già nằm mẹp xuống, lật nghiêng người chắn ngay lưỡi nước đang bóc nhanh lớp cỏ mặt đê. Mấy thanh niên trai tráng hiểu ý ông Phức, lập tức đổ người theo, đầu người này gối lên mông người kia, làm thành con đê người chắn nước. Cánh nữ thanh niên tóa ra, hối hả kẻ đào người bới, kẻ gánh người khiêng, lấy đất dưới đồng lên đắp thành con chạch lớn, ngay phía sau con đê người. Giờ khắc nóng bỏng. Còn hơn cái sống cái chết của một cá nhân, đây là sự tồn vong của cả một xóm làng, nhà cửa, trâu bò, ruộng đồng khoai lúa đang kì thu hoạch.

Đây là kênh cấp hai, nối với kênh cấp một như một dòng sông chạy ngang mái nhà, về những cánh đồng xa trong huyện. Để có nước hai vụ cho bờ bắc Giang Hãn, người ta hạ xuống dòng kênh này. Theo kí kết, mỗi tiểu khu trong phường nhận đắp một quãng bờ kênh. Tiểu khu phía phải trục đường chẳng cần ra tay, ông Cận xung phong bỏ tiền thuê người đưa máy móc về làm chỉ trong mấy đêm. Trong khi tiểu khu phía ông Phức tổ chức gánh gồng ra mặt đê, hò khoan hò hụi ì ạch cả tháng trời. Ông Phức còn bày trò diễn văn nghệ hằng đêm, tại quãng đê của tiểu khu mình. Dân chúng kéo ra xem đông như kiến cỏ. Cây nhà lá vườn, người đăng kí biểu diễn dài dằng dặc. Hát, múa, đọc tấu, ngâm thơ, có cả kịch nữa. Đêm nào cũng say mê. Không ai biết cái mẹo của ông Phức, mỗi ngày đắp một lớp, là tối lại được mấy trăm con người ra giẫm đạp, nện chặt. Người xem chen chúc, lớp này sang lớp khác, đứng lèn mặt đê để được xem cho rõ, vô tình giúp đầm nện bờ kênh. Khi đoạn kênh tiểu khu ông Cận cỏ lát đã lên xanh, đoạn kênh tiểu khu ông Phức mới cao lưng lửng...

Của bền tại người, giờ mới thấy rõ. Đã mấy năm, đoạn kênh tiểu khu ông Phức vẫn phẳng lì, vững chãi. Nhưng đoạn kênh tiểu khu ông Cận có dấu hiệu sụt lún dần. Do không được đầm nện kĩ từng lớp, ông Phức mấy lần đi qua đã biết. Thấy mưa trút tù tì mấy hôm liền ông sinh nghi, liền gọi cậu Cường cùng nhóm thanh niên ra xem sao. Giờ thì nguy cơ nó bị nước xé toạc, cuốn phăng thấy rõ. Nếu bị vỡ, mấy chục hecta dự án rau củ quả của Cường giá trị hàng tỉ bạc, cũng đi toi. Cường đổ người, nằm bẹp nối sát người ông Phức. Cậu thầm trách mình cạn hẹp, không biết kéo ba đi cùng. Con đê người bị nước khuya ngấm lạnh, răng đánh cầm cập. Mặc, phải chờ con chạch đất bên ngoài đắp cao, đủ sức chặn con nước hung hãn tàn phá, mới được đứng dậy.

Rạng sáng, thằng Cường hồng hộc chạy vào nhà, nói không ra hơi. Ba... Ba ơi... Bác Phức... Bác Phức cấp cứu ở bệnh xá... Ông Cận giật bắn người, lẩm bẩm trách bạn, cái thằng, đã nhủ sáng sớm khoan uống rượu. Không. Bác ấy nhiễm lạnh suốt đêm, trụy tim mạch... Hả? Nó ngâm nước hộ đê suốt đêm? Trời đất! Ông Cận để nguyên bộ đồ ngủ pizama, lẹp xẹp đôi dép lê chạy ra trạm xá phường. Ông rẽ đám người vòng trong vòng ngoài, nước mắt rân rấn, lao đến bên chiếc giường ông Phức nằm thoi thóp, dây chạc y tế loằng ngoằng. Đổ rũ xuống bên cạnh, ông òa khóc như trẻ con.

Ông khóc như lần đầu được khóc. Hình như ông khóc cho cả sự nông cạn của mình. Phức ơi, chừ tau thấu hiểu cả rồi. Hiểu mọi lẽ. Hiểu cặn kẽ. Từ năm sau, tau sẽ cùng mi đi dự lễ kỉ niệm ngày chiến thắng Ba mươi tháng Tư. Đi một cách hồ hởi. Phải. Chắc chắn rồi

H.P