Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã đi trọn con đường thơ ca của mình. Ông cũng đã nếm trải đủ đầy khổ đau và hạnh phúc, sự hi sinh, niềm tin và lẽ sống.
Cứ mỗi dịp chuẩn bị tới ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Tám, cánh nhà văn trẻ Quân đội chúng tôi lại cồn cào nhớ tới nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Ông mất cũng đã ngót mười năm và khoảng thời gian ấy biết bao công việc cuốn trôi đi, song không hiểu tại sao, mỗi độ thu sang, chúng tôi lại nhớ ông đến thế.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sinh ngày 20 tháng 7 năm 1934 tại thị xã Hà Tĩnh nay là thành phố Hà Tĩnh. Phạm Ngọc Cảnh mười hai tuổi đã tình nguyện có mặt trong hàng ngũ Vệ quốc quân, làm liên lạc viên rồi tham gia đội tuyên truyền văn nghệ của Trung đoàn 103 tỉnh đội Hà Tĩnh. Không thể ngờ ông lại biết diễn kịch và trở thành diễn viên kịch nói. Trong kháng chiến chống Mĩ, đoàn văn công Quân khu Trị Thiên đã có vô vàn đêm diễn khắp đất Thừa Thiên - Huế, kể cả vùng địch hậu và nhất là thành Huế trong chiến dịch Mậu Thân. Trên sân khấu dung dị sơ sài bốn bề thi thoảng còn vang lên tiếng súng, chàng thiếu niên Phạm Ngọc Cảnh đắm mình vào những vai diễn để phục vụ chiến sĩ và nhân dân. Chất thơ dần dà ngấm vào ông, và bút danh Vũ Ngàn Chi đã ra đời từ những bài thơ nơi lửa đạn. Khi đã trở thành diễn viên trụ cột của Đoàn kịch nói Quân đội, Phạm Ngọc Cảnh đã bộc lộ khả năng sáng tác thơ và được điều về Văn nghệ Quân đội làm biên tập thơ, tiếp đó làm cán bộ sáng tác trong suốt mấy chục năm, cho tới lúc nghỉ hưu.
Phạm Ngọc Cảnh còn được biết đến với việc viết các kịch bản phim, viết lời bình phim, đọc lời bình và dẫn các chương trình thơ trên sóng phát thanh, truyền hình Việt Nam với giọng nói và gương mặt vô cùng biểu cảm, một nét riêng chỉ có ở ông. Với kịch nghệ, Phạm Ngọc Cảnh nổi tiếng nhất với vai Trung úy Phương trong vở kịch Nổi gió của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm. Vai diễn này, sau Phạm Ngọc Cảnh, đến lứa các diễn viên đàn em, dù hết sức cố gắng đã không tạo được dấu ấn như ông. Âu cũng là duyên cách không phải ai cũng dễ dàng có được. Nhưng trên hết, mọi người nhớ tới ông trên danh nghĩa một nhà thơ với những vần thơ lay động.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.
Với thơ ca, người yêu thơ đều yêu say đắm tác phẩm Lý ngựa ô ở hai vùng đất của nhà thơ họ Phạm với một văn mạch hào sảng và bay bổng của người lính trận đã gieo vào lòng không chỉ độc giả cùng thế hệ ông mà cả các thế hệ kế tiếp niềm tin vô hạn vào chiến thắng tất yếu của người chính nghĩa: Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu/ Gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi/ Đường đánh giặc chảy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu... - Em muốn về hội Gióng với anh không/ Để anh khoe với họ hàng câu lý ấy/ Em muốn làm dâu thì em ở lại/ Lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi/ Đồng đội của anh đã chọn mùa thắng giặc/ Cũng sắp về chia vui... Cũng chính duyên thơ đã gắn kết ông với người phụ nữ đẹp người đẹp nết Giáng Hương sau đằng đẵng những truân chuyên như là huyền thoại. Và chính ông, khi đã trên giường bệnh lúc cuối đời đã viết những vần thơ nhói lòng tặng Giáng Hương: Anh ăn canh đắng nhà mình/ Quên hết trần gian canh đắng lạ/ Ăn mà tin/ Khi thương khi giận/ Khi chối khi mời/ Khi cơm có thất thường thác đổ/ Khi nước mắt đắng vào huyệt mộ/ Bát canh nghèo em nuôi... Những câu thơ chỉ có được ở những người đã nếm trải đến tận cùng khổ đau và hạnh phúc.
Trong tập thơ đầu tiên có cái tên đúng với tính cách của Phạm Ngọc Cảnh: Gió vào trận bão đã cuồn cuộn một Phạm Ngọc Cảnh ngọn bút luôn ở tuyến đầu với một phong cách riêng quyến rũ. Thơ ông quyết liệt nhưng vô cùng mềm mại. Phạm Ngọc Cảnh từ đó đã xác định thi ca là một hành trình không có ga dừng, trạm nghỉ.
Tiếp đó là những thi phẩm: Ngọn lửa dòng sông; Lối vào phía Bắc; Đất hai vùng; Hương lặng; Nhặt lá... càng hằn rõ một Phạm Ngọc Cảnh vạm vỡ, gân guốc nhưng cũng rất trữ tình. Và đặc biệt đến thi phẩm Trăng lên đã dường như đạt tới một cung bậc cảm xúc dào dạt và đằm chín: Trăng lên, kìa trăng lên/ Quảng trường dâng biển sáng/ Ôi vầng trăng Ba Đình/ Mênh mông và thiêng liêng... - Như đầy thuyền trăng ngân/ Rằm xưa sông Đáy hát/ Bác luận bàn việc quân/ Dưới trăng rừng Việt Bắc/ Gió hàng tre dào dạt/ Quang Lăng như đẩy thuyền/ Con được mang hình Bác/ Vượt sóng thời gian lên... thì càng cảm nhận thật rõ ràng không chỉ sự tài hoa mà còn vô cùng giản dị.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh luôn có con mắt xanh đặc biệt của người làm biên tập. Đến bây giờ, sức sống của bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng đã được khẳng định vượt mốc thời gian, nhưng nếu không có Phạm Ngọc Cảnh thì bài thơ đã rất có thể không bao giờ xuất hiện. Trong một lần trò chuyện với nhà thơ Thanh Tùng tại Sài Gòn, đích thân thi sĩ người Hải Phòng đã kể với tôi rằng ông đã không tin là Phạm Ngọc Cảnh sẽ tìm cách in được Thời hoa đỏ trên Văn nghệ Quân đội bởi những câu với ngày đó là rất nhạy cảm: Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng mang tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ/ Hoa như mưa rơi rơi/ Như tháng ngày qua ta dại khờ/ Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau...
Nhưng thơ hay luôn có lí lẽ riêng và những người tinh thơ, thèm những bài thơ hay như Phạm Ngọc Cảnh đã phải dùng kế sách mới in được. Ngay như nhà thơ Vũ Cao khi đó là Tổng Biên tập đã hết sức đắn đo mà khi bài thơ in xong, ông còn bị một số cán bộ tuyên huấn “cạo” nhiều lần.
Phạm Ngọc Cảnh luôn là như vậy.
Phạm Ngọc Cảnh đối với chính mình cũng vô cùng nghiêm khắc. Bởi vậy, những thi phẩm của ông mới có sức sống bền chắc với thời gian. Những Long thành đêm cũ; Đôi mắt Tén Tần; Ai về Kinh Bắc; Bài hát về nhịp trống; Uống rượu ở Lếnh; Cô Tấm ở trong nhà... và đặc biệt chỉ hai câu thơ thôi: Một giọng Huế gọi: - eng ơi/ Thế thôi mà đủ suốt đời đa mang (Người yêu tôi ở Huế) đã cho thấy không chỉ sự tinh tế mà còn là một trái tim đa cảm đa mang đến kiệt cùng. Đời Phạm Ngọc Cảnh cũng không khác mấy thơ ông, luôn chập vào làm một: Giặt áo chồng giăng kín chiếc sào phơi/ Đường chỉ vụng chẳng cần chi giấu bỏ/ Thơ viết cho mình trang thơ ấy ơ/ Nghìn bận cám ơn đời cho ta được khóc (Người làm thơ cho mũi đất). Quả thực là nết đất tính người trước sau như một của nhà thơ gốc gác miền Trung.
Trong đội ngũ nhà văn ở Văn nghệ Quân đội, Phạm Ngọc Cảnh là một gương mặt rất riêng. Ông đặc biệt có trách nhiệm với các cộng tác viên vốn đều là những tài năng văn chương của đất nước. Cái cung cách các ông săn sóc cộng tác viên khiến lứa nhà văn đàn em chúng tôi luôn coi đó là những dấu son phải học. Không chỉ riêng một Thời hoa đỏ phải dùng tới kế sách để đến với bạn đọc mà còn nhiều câu chuyện như là truyền kig của các ông với cộng tác viên. Trong bài viết ngắn Mười năm ấy, cả đời người của ông đã hiện lên mồn một tấm lòng của biên tập viên Phạm Ngọc Cảnh với nhà văn liệt sĩ Vũ Đình Văn vô cùng cảm động:
“Tôi guồng xe đạp suốt một ngày qua mấy huyện của tỉnh Hà Tây. Từ làng Hương Ngải của huyện Thạch Thất vòng vèo lên phía núi Miếu Môn, Vân Đình. Tôi đi tìm Vũ Đình Văn. Cô em gái của Vũ Đình Văn tốc tả từ phố Lãn Ông sang phố Lý Nam Đế tìm tôi báo tin ‘Anh Văn em đã ra ngoài này’ rồi lại tốc tả về nơi sơ tán. Qua cô em gái rất xinh đẹp của Văn, tôi biết thêm Văn đã có thơ. Những bài thơ khi chưa nhập ngũ.
- Em có được đọc không? - Tôi hỏi.
- Chỉ có M được đọc. Nhưng em biết. Đó là thơ tình rất hay của anh Văn em.
Bấy giờ đã vào mùa thu năm 1972. Vũ Đình Văn là lính mới của bộ đội tên lửa đứng chân bên bờ sông Đáy thuộc đất Hà Tây. Tất cả doanh trại, khí tài, bệ phóng phủ bạt nằm chờ im lặng. Vũ Đình Văn leo lên chòi TZK tu sửa lại những bài thơ trận mạc của mình.
- Cho anh đọc được chứ! - Tôi vỗ vai Văn.
- Em còn muốn nhờ anh chuyển sang dự thi báo Văn nghệ.
- Sẵn sàng.
- Thơ cho anh đâu? - Tôi hỏi Văn trước khi dắt xe đạp về.
- Anh lấy bài nào trong chùm này cũng được.
Thật không ngờ đó là lần cuối gặp Văn. Tháng 12 năm ấy, Vũ Đình Văn hi sinh trên chòi TZK này.”
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã đi trọn con đường thơ ca của mình. Ông cũng đã nếm trải đủ đầy khổ đau và hạnh phúc, sự hi sinh, niềm tin và lẽ sống. Lứa nhà văn các ông luôn như những ngọn đèn, nhỏ thôi, nhưng mãi sáng, mãi đượm nồng với thời gian.
PHÙNG VĂN KHAI