Thứ Năm, 21/03/2019 10:04

Phạm Trí Tuệ: Vẽ để giải phóng con tim

Ghi lại, chép lại cuộc đời, nhưng không phải vậy. Phạm Trí Tuệ bày tỏ mình với những điều mà ông rung cảm.

Chiều 20/3/2019, tại Hà Nội, Hội Mĩ thuật Việt Nam đã khai mạc triển lãm Hội họa Phạm Trí Tuệ, giới thiệu trên 60 bức tranh, với nhiều chất liệu. Triển lãm là hoạt động ý nghĩa kỉ niệm 60 năm theo nghiệp vẽ của Phạm Trí Tuệ - một họa sĩ bình dị, khiêm nhường và say mê sáng tạo.

Như một sự bừng sáng sau nhiều năm ẩn mình, Phạm Trí Tuệ mang đến triển lãm nhiều bức tranh từ mấy chục năm trước, và cũng không ít bức tranh mới được ông hoàn thành. Như vậy để thấy nội lực sáng tạo của ông không bị chi phối bởi tuổi tác, thời gian hay một điều gì khác. Ông là con người của đam mê.

Là họa sĩ có thể sử dụng tốt mọi chất liệu hội họa như sơn dầu, sơn mài, lụa, acrylic, cắt giấy màu, màu bột, màu nước, khắc gỗ..., Phạm Trí Tuệ thể hiện sự tài hoa, điêu luyện, tinh tế trong từng chi tiết, mảng màu, nét vẽ, những điều này làm nền cho một cảm hứng thầm kín mà rung cảm mãnh liệt.

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ tại buổi khai mạc triển lãm

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ xúc động chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm: “60 năm đã trôi qua tôi vẫn thấy mình còn ngơ ngác trước thiên nhiên và con người mà tôi yêu quý tột cùng, vẫn nguyên đó sự ham muốn khôn nguôi trước hiện thực cuộc đời. Tôi vẽ như sự thành tâm, tôn trọng sự thực vốn có như đời thực để bỏ qua sự gò ép chủ quan, để giải phóng nhịp đập con tim”.

Ghi lại, chép lại cuộc đời, nhưng không phải vậy. Phạm Trí Tuệ bày tỏ mình với những điều mà ông rung cảm. Nhìn những thạch nhũ trong hang động ông tưởng tượng ra dáng hình tiên thánh của chốn thiên thai. Vọng cõi người xưa ông phác nên những nét dân gian với tâm linh, tín ngưỡng, những điều tưởng vô hình vô ảnh mà được ông phác gợi nên ảnh hình. Những vàng son của tam bảo, nơi mái chùa, cột đình, góc miếu được ông khắc họa bằng nỗi niềm chân tâm. Khát vọng tình yêu đôi lứa hay nhưng đắm say của đất trời vừa thực vừa hư, tưởng đây mà xa vời bất tận. Hiện thực mà gợi lên tâm trạng đến thế, hỏi mấy ai làm được như Phạm Trí Tuệ?

Chiều hậu phương - sơn dầu

Là học trò xuất sắc của cố danh họa Nguyễn Sỹ Ngọc, Phạm Trí Tuệ còn mang đến triển lãm một niềm thành kính biết ơn người thầy lớn đã có công phát hiện, dìu dắt, định hướng con đường hội họa cho mình. Ông ảnh hưởng từ thầy mình về cách vẽ chân dung, kí họa bay bướm, thần thái sống động. Nhưng tranh phong cảnh của Phạm Trí Tuệ là một cá biệt. Sự mênh mông cao vời của bầu trời trung du, những cơn mưa ngâu u buồn, nặng trĩu, xám xịt của xứ Bắc hay một con ngõ vắng lặng đến tịch liêu của buổi trưa là những bức tranh khiến người xem lạc vào không gian mà họa sĩ đã tạo ra, để mà đắm đuối và thả hồn trong đó.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mĩ thuật Việt Nam bày tỏ: “Là một người bạn cùng thời với Phạm Trí Tuệ, tôi trân trọng con người bình dị, khiêm nhường nhưng lại có một niềm đam mê, khát vọng nghệ thuật đầy mãnh liệt, và một bút pháp sáng tạo không mệt mỏi. Phạm Trí Tuệ luôn tìm tòi những cái mới ở trong cái thực, để rồi cái thực ấy được nâng lên trong vẻ đẹp khôn cùng”.

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ sinh năm 1942 tại Nam Sách, Hải Dương. Trong sự nghiệp hội họa của mình, ông đã có nhiều tác phẩm được lưu tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam...

Triển lãm Hội họa Phạm Trí Tuệ sẽ kéo dài đến ngày 24/3/2019 tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:

Ca trù - cắt giấy màu
Ba giá đồng - acrylic
Mênh mông - sơn dầu

TUẤN LAM