Thứ Sáu, 12/08/2022 11:28

Phận cỏ

Một nền nghệ thuật chân chính tiến bộ thì không thế lực đen tối nào có thể “giết” được, càng cố “giết”, nó càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn, lan tỏa đến bất tận, như là cỏ vậy... (Bút kí của TRƯƠNG CHÍ HÙNG)

. TRƯƠNG CHÍ HÙNG

 

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

 

Tôi từng suy nghĩ rất nhiều về hai câu thơ của Thanh Thảo, trong bài Đàn ghi ta của Lorca. Phải chăng, nhà thơ đang nói về sức sống bất diệt của nghệ thuật? Bởi người ta có thể chôn được cây đàn chớ làm sao chôn được tiếng đàn, có thể dùng bạo lực để giết chết những người nghệ sĩ dành trọn đời đấu tranh cho tự do như Lorca, nhưng làm sao có thể giết chết được nghệ thuật. Một nền nghệ thuật chân chính tiến bộ thì không thế lực đen tối nào có thể “giết” được, càng cố “giết”, nó càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn, lan tỏa đến bất tận, như là cỏ vậy. Đồng nhất sự tồn hiện bất tận của cỏ với nghệ thuật là một ý tưởng sáng tạo, gợi nhiều chiều kích nghĩ suy mới lạ. Nếu có tri giác, hẳn cỏ cũng rưng rưng xúc động, vì từ xưa đến giờ nó chỉ quen với thân phận nhỏ bé bọt bèo, nào biết có ngày được đặt lên hàng “trâm anh thế phiệt”.

Minh họa: Hải Kiên

Trong tiếng Hán, cỏ là “thảo” (草), gồm bộ “thảo” (艹) đặt bên trên chữ “tảo” 早 (nghĩa là sớm). Người xưa thường tự xưng là “thảo dân” (草民), ý nói mình chỉ là kẻ hèn mọn, thân phận mong manh. Mấy ai biết được, chính những phận cỏ mong manh ấy đã tạo nên sức mạnh bất diệt, như câu danh ngôn đầy khí phách mà tôi ghi chép được trong lần viếng đền thờ người chí sĩ yêu nước Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Năm trước, khi đi dạo trong kinh thành Huế, tình cờ tôi bắt gặp những thảm cỏ xanh non mơn mởn trải dài, ôm vào chân những bức tường thành phủ bóng thời gian. Trong thoáng chốc, trước mắt tôi như hiện ra hình ảnh các cung tần mĩ nữ nối nhau thành những hàng dài, đi dọc thềm đá rêu phong cho cỏ hôn lên vạt xiêm y lộng lẫy. Có lẽ cụ Nguyễn Du khi xưa kia cũng từng bắt gặp hình ảnh ấy, khi theo chân chị em Thúy Kiều trẩy hội thanh minh. Nếu không, làm sao đại thi hào của chúng ta viết được hai câu thơ đẹp đến xuất thần: Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Đó là vẻ đẹp của sự thanh khiết và sức sống căng tràn, như thanh xuân của chị em Thúy Kiều ở tuổi “cập kê” nhiều mộng mơ, chưa vướng hồng trần. Nó đối lập với hình ảnh Sè sè nấm đất bên đường/ rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh minh chứng cho sự úa tàn xác xơ, hẩm hiu mệnh bạc của Đạm Tiên, người đang nằm sâu dưới ba tấc đất. Cùng là cỏ, nhưng số phận rất khác nhau, cũng như những phận người, có sang có hèn, có vinh có nhục…

*

*         *

Những con đường tôi đã đi qua, luôn thấp thoáng bóng dáng của những loài cỏ dại. Nhưng không hiểu sao, những bó cỏ tôi bắt gặp ở chợ Ô Lâm lại khiến tôi ám ảnh lạ thường. Chúng chẳng mang danh phận nào cả, chỉ đơn thuần gắn với nỗi mưu sinh của phận người nghèo khó nơi đây. Ô Lâm là một xã miền núi thuộc huyện Tri Tôn (An Giang). Có lần, thầy giáo người Khmer Chau Mo Ni Sok Kha giải thích cho tôi, từ “Ô Thôm” trong tiếng Khmer nghĩa là “dòng suối lớn”, dần dần người bản địa đọc trại thành “Ô Lâm”. Dòng suối này trước đây bắt nguồn từ sườn núi Cô Tô nơi hồ Ô Thôm, rồi chảy về phía cánh đồng Chong Ksach (“chong ksach” nghĩa là “ngọn cát”, ý chỉ đây là nơi đọng lại cát do dòng suối chảy mang về). Hiện nay người ta trữ nước lại hết trong hồ, nên suối cũng không còn nữa.

Khu vực Ô Lâm có địa hình bán sơn địa, đồi núi trập trùng xen kẽ với đồng bằng. Có điều, đất trên đồng là đất cát pha, nên khó trồng trọt. Thay vào đó, người dân nuôi trâu bò rất nhiều. Nguồn cỏ tại chỗ cho trâu bò ăn ngày càng khan hiếm, dân địa phương phải đi cắt cỏ ở những cánh đồng xa rồi đem về đây bán lại, tạo thành một chợ cỏ tấp nập ở miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc. Chợ họp giữa trưa, khi cái nắng miền núi đổ từng đợt nóng xuống làm những ngọn cỏ héo rũ. Chủ nuôi trâu bò quanh vùng tập trung về chợ, đi đến các bó cỏ dựng đứng thành những hàng dài ven đường, nhấc lên rồi đặt xuống, nhúng trề, mặc cả. Xế chiều, những bó cỏ cuối cùng cũng được bán hết. Người mua hí hửng ra về. Người bán ngồi nán lại dọc ven đường, đếm tới đếm lui số tiền ít ỏi vừa kiếm được, lòng nghĩ về những lon gạo cho bữa cơm chiều.

Chị Hen là người Khmer, biết tiếng Việt không nhiều, chỉ nói được vài từ cơ bản, và những con số giản đơn học được trong quá trình giao tiếp mua bán với người Kinh. Khi tôi hỏi gì đó, chị chỉ cười, bối rối và khắc khổ. Chồng chị là anh Chau Sang, biết tiếng Việt kha khá do trước đây từng được học tới lớp ba. Anh nói, cỏ bán năm bó hai mươi ngàn đồng. Người nào cắt giỏi, chăm chỉ, mỗi ngày có thể cắt được hơn hai mươi bó, nghĩa là kiếm được gần một trăm ngàn. Hai vợ chồng anh gom lại, ngày nào cũng được hơn một trăm ngàn tiền bán cỏ. Số tiền đó đủ để lo cho một gia đình bốn miệng ăn, dĩ nhiên là phải tiết kiệm đến mức tối đa. Lần đầu trong đời tôi nghe nói một gia đình mưu sinh bằng cỏ nên rất đỗi ngạc nhiên, nhưng anh Chau Sang thì xem đó là điều rất bình thường. Anh nói, ở xứ này, người ta dựa vào cỏ để sống, nhiều lắm.

Đêm đó, tôi ngủ lại nhà anh Sang, một căn nhà lá dựa lưng vào sườn dãy Phụng Hoàng Sơn. Nhìn từ trước ra sau, ngôi nhà trống hoác, chẳng thấy vật dụng gì giá trị ngoài chiếc tivi cũ để trên cái bàn gỗ đóng đầy bụi. Nhà này không có cửa, cơ hồ như gia chủ biết không tên trộm nào khổ đến mức phải mò vào cái nơi mà chúng chẳng thể kiếm chác được gì. Điểm sáng nhất của căn nhà nhỏ này có lẽ là là hai chiếc bàn nhựa xanh đỏ, trên ấy là mấy quyển tập sách được xếp ngăn nắp, hai chiếc ghế cóc để bên cạnh. Đó là góc học tập của con anh Chau Sang, một đứa lớp 7 và một đứa lớp 3. Thấy người lạ đến nhà, chúng bẽn lẽn trốn vào lòng mẹ, như những chu gà con tìm đôi cánh chở che khi gặp bão dông. Thi thoảng chúng len lén nhìn tôi, đôi mắt đen láy, to tròn. Tôi thích những đôi mắt trẻ thơ, đầy ắp tinh khôi. Trong bữa cơm chiều, tôi thấy anh Sang và chị Hen hay nhìn hai đứa nhỏ, rồi lại nhìn nhau cười hạnh phúc. Tôi biết, hai thiên thần ấy là những gì quý giá nhất mà anh chị có được. Đôi khi, người ta sẵn sàng đổi những giọt mồ hôi chỉ mong có được buổi cơm chiều như thế.

Nói là ngủ, thật ra cả đêm ấy tôi không chợp mắt được. Tôi nằm ngoài chiếc chõng tre trước hiên nhà anh chị, trở mình nhè nhẹ là nghe tiếng cót két vang lên. Tôi đành nằm lặng yên, cảm nhận những âm vọng từ đá núi. Phụng Hoàng sơn là đỉnh núi cao thứ hai trong quần thể Thất Sơn, chỉ đứng sau núi Cấm, hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn. Người Khmer xứ này gọi núi Phụng Hoàng là Phnom K’Tô (nghĩa là núi K’Tô hay núi Cô Tô). Do trước đây, trên núi này mọc rất nhiều cây k’tô, một loại cây thân gỗ, cao lớn như cây sao, cây dầu, lá to như lá bàng nên mới có tên gọi như thế. Người Kinh gọi là Phụng Hoàng Sơn vì ngọn núi này gắn với một huyền thoại về thời kì hỗn mang, khi những đàn chim nơi tiên cảnh thường xuống hạ giới tìm mồi. Có một chú chim phụng hoàng vì mải mê ngắm nhìn cảnh đẹp nên đi lạc bầy, mắc kẹt lại và hóa đá, thành một ngọn núi kì vĩ giữa điệp trùng xanh ngát. Huyền thoại còn kể, một ngày nào đó chú chim khổng lồ ấy sẽ hồi sinh, sẽ đập cánh tung bay về trời, bỏ lại những nhớ nhung hoài vọng miền biên viễn. Tôi tưởng tượng cảnh chú chim ấy vươn mình đập cánh khi tôi đang nằm bên sườn núi ở nhà anh Chau Sang. Chắc tôi sẽ bị ném ra thật xa hoặc bay lên thật cao trên bầu trời. Trước khi rơi vào một khoảng không mịt mùng, tôi sẽ ngắm vẻ đẹp trầm mặc của Thất Sơn trong màn đêm tĩnh mịch, huyền ao như một miền cổ tích.

Đang quay cuồng với những ý nghĩ mông lung, tiếng gà gáy hiệp nhất cuối xóm đã kéo tôi về thực tại. Trong nhà, anh Chau Sang và chị Hen cũng lục đục thức dậy để chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Bóng tối vẫn dày đặc xung quanh. Vài tiếng chó sủa vọng vào vách núi.

Sửa soạn đâu đó xong xuôi, chúng tôi rọi đèn pin đi ra bờ kinh, nơi đậu chiếc tắc ráng nhỏ. Đây cũng là phương tiện quý nhất để mỗi ngày anh chị chạy đi cắt cỏ bán. Cỏ ở vùng Ô Lâm hay Cô Tô giờ còn ít lắm, chỉ có đi qua tỉnh Kiên Giang, cách đó chừng ba bốn chục cây số, mới mong còn cỏ để cắt. Anh Sang nói vậy, rồi cho tắc ráng bắt đầu chạy dọc theo các con kinh nhỏ, đi về phía Hòn Đất, Kiên Giang. Tôi ngồi nhìn bầu trời sao sáng lung linh, đẹp như một giấc mơ thời thơ trẻ. Những bóng tràm hai bên bờ kinh tạo thành những vệt đen xám, trôi tuột dần về phía sau. Tôi không biết lúc này anh Sang và chị Hen đang nghĩ gì, khi bắt đầu một vòng lặp của cuộc mưu sinh. Anh chị không phải là kẻ dạo chơi như tôi, nhìn những thảm cỏ một cách dửng dưng, vô cảm. Anh chị nhìn từng ngọn cỏ bằng cái nhìn của sự sống, là chén cơm manh áo, là sách vở cho những đứa con. Ở đoạn kinh mà chúng tôi ghé lại lúc tờ mờ sáng hôm ấy, có hàng chục người như anh Sang và chị Hen. Những đoạn kinh khác, người cắt cỏ cũng đông tương tự. Họ trầm nửa thân mình dưới nước, cắt những ngọn cỏ mọc ven kinh, bó thành từng bó nhỏ để ngay ngắn trên tắc ráng. Hầu như họ chẳng nói gì với nhau, chỉ tập trung vào đôi mắt, vào đôi tay để sao cho thao tác được nhanh nhất. Bởi có thể, một chút lơ là thôi sẽ khiến bữa cơm chiều không được no bụng.

Chợ cỏ vẫn họp ở Ô Lâm mỗi ngày, kẻ bán người mua tấp nập. Có người ngợi ca rằng, đó là nét văn hóa đặc sắc của địa phương, rằng đời sống người dân vì thế được cải thiện. Tôi không bàn luận về những mĩ từ mà người ta nói về chợ cỏ. Mỗi lần ghé qua đây, tôi thường chỉ đứng lặng ở một góc chợ, nhìn người bán cỏ đứng co ro bên những bó cỏ của mình. Dễ nhận ra vì quần áo họ thường ướt đẫm từ bụng trở xuống. Họ như những thân cỏ mọc lên từ nước, nửa thân còn ngập, rễ vẫn bám trong đất bùn. Họ hiện diện ở chợ này càng nhiều, là minh chứng cho thấy còn nhiều cảnh ngộ nghèo khó, phải ngụp lặn mưu sinh bằng cỏ. Họ gieo vào lòng tôi nhiều nỗi xót xa, về những phận đời.

*

*        *

Khi viết đến đây câu thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn bỗng bật dậy trong tâm thức tôi, day dứt:

Như cố dạy giọt mồ hôi tập nói

Cỏ lác u sầu biết gượng mà đi

Một bà chị ngồi bó chổi ở làng nghề Phú Bình quệt mồ hôi chảy dài trên trán, rồi dạy tôi mấy câu đầy triết lí. Chị nói, ai làm nghề gì mà dính tới cỏ là khổ hết đó em ơi, không tin em cứ nhìn tụi chị nè, khổ đứt đường luôn. Tôi cãi lại, bảo mấy chị ngồi ở chỗ mát như thế này, làm công việc bó chổi cũng không quá nặng nhọc, sao lại kêu là khổ được. Chị cười, mắt không rời cây chổi đang bó, kêu tôi hãy nhìn kĩ đi, mỗi người bó chổi ở đây đều đeo mấy cái khẩu trang, mặc ba bốn lớp quần áo, mang vớ, đeo bao tay kín mít, nóng nực cỡ nào cũng phải “trang bị” như vậy. Tại sao à? Vì bông cỏ dùng để bó chổi rụng bụi dữ lắm, mặc như vậy nó còn len vào, chiều về ngứa gãi rướm máu hông hết ngứa. Chưa kể, có những đợt bông cỏ nhập về bị xịt thuốc bảo vệ thực vật, là do người ta xịt để cỏ được tốt, bán giá cao. Họ đâu có biết, những “mẻ” cỏ đó ngứa và độc hại vô cùng, mấy chị bó xong có khi đi bệnh viện luôn, tiền công lãnh được không đủ trả tiền thuốc.

Tôi nhớ trước đây bó chổi dùng bông sậy, một loại cây thân thảo sống chủ yếu ở vùng sông nước miền Tây. Cứ vào mùa nước lên, sậy lại trổ những bông dài như cỏ lau. Người ta cắt những bông ấy về bó chổi, vừa bền vừa đẹp. Chị nghe tôi nhắc, thở dài tiếp lời, bây giờ miền Tây hầu như không còn mùa nước nổi nữa, nên bông sậy cũng khan hiếm lắm. Không có bông sậy đành thay bằng bông cỏ. Loại bông cỏ này đặt mua từ miền Trung. Không biết những người cắt bông cỏ ngoài ấy có bị gì không, chớ tụi chị ngồi bó chổi ở đây thì bị đủ thứ hết, em biết rồi đó. Nhưng bỏ nghề sao được, làng nghề này cũng tồn tại cả trăm năm rồi. Bao thế hệ dựa vào đây mà sống. Thu nhập chỉ khoảng vài chục đến một trăm ngàn đồng mỗi ngày thôi, nhưng không làm thì chẳng biết làm gì. Bọn trẻ bây giờ thì ít theo nghề này lắm, tụi nó đi Bình Dương, đi Sài Gòn làm công nhân hết rồi. Thôi kệ, ai thoát khỏi được mấy cái nghề dính tới cỏ này thì đỡ khổ em ơi.

Giọng chị cứ đều đều, không phải than trách, mà như giãy bày. Bởi có than trách gì thì những người phụ nữ này cũng không dễ dứt cuộc đời mình ra khỏi những bông cỏ nơi đây. Tôi không nhìn rõ mặt một ai cả, vì họ bịt kín bằng khẩu trang và khăn. Trên tay các chị, những lọn cỏ lật ngược rồi lật xuôi, bắn ra các hạt bụi li ti như cám. Tôi đoán chừng, mấy chị này chắc chỉ trạc tuổi chị tám, chị chín của tôi. Rồi chợt nhớ, chị em tôi cũng có những năm tháng dài mưu sinh với cỏ.

Đó là khoảng thập niên 90 của thế kỉ trước, khi thuốc bảo vệ thực vật chưa thịnh hành, mấy công ruộng thường bị nhiều cỏ dại mọc xen lẫn với lúa. Bởi vậy, nghề mần cỏ mướn rất phổ biến ở quê tôi. Năm tôi học hết tiểu học, má tôi kêu mấy chị dạy cho tôi cách mần cỏ. Má nói với mợ hai cho chị em tôi mượn công đất của mợ để “học nghề”. Chị tôi chỉ cây cỏ rồi giảng giải, lá cỏ thường có màu xanh lợt hơn lá lúa, và cong xuống chớ không thẳng lên. Gặp những lá như vậy, cứ nắm lấy và vạch gốc xem lại cho kĩ. Gốc cỏ màu trắng còn gốc lúa màu xanh đậm, đó là dấu hiệu rõ rệt nhất để nhận biết.

Tôi học một chút, đã nhổ được cả nắm cỏ trên tay. Thấy dễ quá, nên chỉ học một buổi thì tôi không thèm học nữa, bỏ đi đá banh với mấy đứa bạn trong xóm. Nào ngờ, chiều hôm đó má tôi phán một câu như đinh đóng cột: “sáng mai thằng út đi mần cỏ mướn chung với mấy chị, má đã lãnh rồi”. Tôi nghe má nói mà lo lắng vô cùng, bởi làm chơi thì dễ, chớ làm mướn lãnh tiền của chủ đất thì chẳng dễ chút nào. Tôi định xin má để vài hôm cho tôi học thêm nghề mần cỏ, nhưng tôi biết má sẽ không bao giờ đồng ý. Gia đình tôi là vậy, con cái đông lắm mà gia cảnh nghèo túng nên đứa nào làm được là phải đi làm để kiếm miếng ăn. Mấy anh chị tôi ai cũng đi làm mướn khi còn nhỏ tuổi hơn tôi lúc đó, nên tôi không còn lí do gì để từ chối.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy từ rất sớm, mặc quần dài và chiếc áo dài tay đã cũ, đội cái nón lá cũ của má tôi và chuẩn bị ra đồng. Mấy chị tôi thì quấn thêm khăn và đeo bao tay. Chúng tôi đi trên những bờ mẫu nhỏ, có đoạn nước ngập làm đất nhão ra, bùn quẹt vào các đọt cỏ hai bên bờ, quẹt ngang tới bụng tôi. Chủ ruộng đã đợi chúng tôi sẵn ở bờ kinh. Đó là một phụ nữ trung niên, mặt xương, cổ đeo dây chuyền vàng, ánh mắt sắc lẻm đến mức tôi không dám nhìn thẳng vào. Bà ta tỏ ra không bằng lòng cho tôi làm một nhân công, vì tôi nhỏ quá. Mấy chị tôi năn nỉ, nói là tôi đã biết mần, bà cứ yên tâm. Bà ta không thèm trả lời, liếc chị em tôi một cái rồi bỏ đi.

Chúng tôi chia ra làm ba luống, tôi ở giữa, hai chị kèm hai bên. Sở dĩ làm vậy vì hai chị sợ tôi nhổ sót cỏ chủ sẽ không trả tiền. Hai chị vừa làm luống của chị, vừa nhìn qua luống tôi xem sót cây nào thì với qua nhổ cây đó. Tôi cố gắng tập trung nhổ thật kĩ nhưng cỏ vẫn sót nhiều, mấy chị phải hỗ trợ nên cũng nhổ không nhanh được. Đến trưa mà chúng tôi chỉ làm được có một khoảng ruộng nhỏ xíu. Bà chủ lúc nãy quay lại, miệng lầm bầm gì đó tôi nghe không rõ, rồi bà lại đi.

Đến xế chiều thì cũng xong công nhật. Tôi ra ngồi trên bờ mẫu, mệt bơ phờ, chân tay mỏi rã rời. Nhưng về tới nhà thì tôi còn buồn hơn, vì bà chủ ruộng đến nặng nhẹ má tôi, cho rằng bà mướn nhân công mần cỏ chớ không phải mướn một đứa con nít hỉ mũi chưa sạch đến giẫm lúa của bà. Má tôi chỉ biết xin lỗi và năn nỉ bà bỏ qua. Má nói bà trả công bao nhiêu cũng được, nhưng hãy cho tôi được làm để phụ giúp gia đình, vì nhà tôi nghèo lắm. Má còn nói thêm nhiều điều nữa nhưng tôi không nhớ được, chỉ nhớ ánh mắt má rưng rưng nhìn tôi, khiến tôi vô cùng chua xót. Tôi tự hứa với lòng, từ đó về sau không bao giờ làm gì để má phải cầu lụy người khác nữa.

Chẳng lâu sau, tôi đã mần cỏ nhanh và kĩ chẳng thua gì mấy chị. Không những vậy, tôi còn thường xuyên làm xong luống của mình trước, rồi tranh thủ đi ôm mấy bó cỏ mà ba chị em đã nhổ đem bỏ ngoài bờ kinh, bờ mẫu. Tôi đã có thời gian để nhẩn nha bứt mấy gốc mù u non đưa lên miệng nhai, nghe vị ngọt ngọt chát chát. Tôi cảm nhận được mùi thơm của đám lúa non. Thỉnh thoảng tôi nằm trên thảm cỏ ở bờ kinh, nhìn bầu trời trong vời vợi, cho gió thổi mát rượi qua tai.

Nhưng công việc đó không phải lúc nào cũng nhàn nhã và lãng mạn như tôi cảm nhận. Vụ lúa hè thu thường rơi vào đợt mưa bão, chúng tôi phải phơi mình giữa đồng dù trời nắng hay trời mưa, như bị trời đày. Tay của chị em tôi tiếp xúc lâu với nước nên phồng lên, rồi chảy nước vàng, nhiều chỗ rướm máu. Chân cũng bị nước ăn, lở loét. Chiều tối, chúng tôi phải ngâm chân tay trong nước muối, sáng hôm sau các vết thương vừa ráo ráo thì phải ra đồng. Cứ thế kéo dài hàng tháng trời, tới khi tất cả các công ruộng đều trổ đòng đòng, chủ đất mới không mướn chúng tôi nữa. Tiền công của chị em tôi đương nhiên má dùng hết để đong gạo. Nhiều lúc, bưng chén cơm nóng hổi trên tay, tôi không ăn ngay mà nhìn làn khói mỏng bốc lên, hít nhè nhẹ mùi thơm gạo mới. Lòng nghĩ, những chén cơm ấy được chắt chiu từ mồ hôi nước mắt nó cũng gắn liền với thân phận loài cỏ dại.

Sau này, người ta dùng thuốc cỏ nhiều quá, nên nghề mần cỏ mướn cũng thưa vắng dần ở quê tôi. Mấy chị tôi giờ đã ở tuổi ngũ tuần, nhắc lại chuyện trước đây chỉ biết thở dài than, “hồi đó sao khổ quá”. Cháu tôi và những đứa trẻ trong xóm bây giờ không mấy thiết tha với ruộng đồng. Chúng đổ xô lên thành phố, hòa vào những dòng người tất bật ngược xuôi. Cuộc đời của chúng không còn gắn nỗi mưu sinh với cỏ nữa. Giấc mơ của chúng là những thảo nguyên xanh bát ngát, không phải những phận cỏ dại bọt bèo như chị em chúng tôi.

Rồi tôi nhớ đến hai đứa con của anh Chau Sang và chị Hen ở Cô Tô. Không biết giờ này, chúng đã đi học về hay chưa? Tôi thầm mong chúng đừng vì bất cứ lí do gì mà phải bỏ học, mong chúng sẽ chân cứng đá mềm để mai này lấy hành trang là con chữ mà bước vào đời, không phải vất vả như cha mẹ chúng bây giờ. Lúc ấy, chắc anh chị sẽ vui lắm, sẽ thấy những hi sinh của đời mình đã cho quả ngọt. Nghĩ đến cặp mắt sáng trong, gương mặt thanh tú của bọn trẻ, tôi tin rằng chúng sẽ làm được. Tôi cũng tin rằng những đứa cháu tôi, những đứa trẻ ở làng nghề bó chổi Phú Bình sẽ viết được trang đời tươi sáng, không còn để những hạt bụi cỏ phủ lên số phận.

Có điều, mai này, những lúc mỏi mệt trên bước đường vạn dặm, không biết bọn trẻ có còn muốn ngả lưng xuống một bờ đê đầy cỏ dại, nghe tiếng chim ca trong gió và đất trời ru giấc bình yên?

T.C.H