Hội thảo nhằm tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với trang phục áo dài Huế, đưa áo dài Huế trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Huế, tôn vinh nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ cố đô.
Sáng ngày 16/3/2019, tại thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế”. Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự hiện diện của tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế; chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang và nhà thiết kế thời trang Đặng Thị Minh Hạnh đến từ thành phố Hồ Chí Minh; tiến sĩ Lê Ngọc Lâm - Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ; luật sư Lê Đăng Thọ - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kĩ thuật Việt Nam (VIFOTEC) - CEO Công ti Sở hữu trí tuệ Vietnam IP - Công ti tư vấn xây dựng thương hiệu Áo dài Huế; đại diện các cơ quan ban ngành liên quan, các cơ sở doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áo dài trên địa bàn tỉnh và đông đảo nhà khoa học.
Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo
Hội thảo nhằm tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với trang phục áo dài Huế, đưa áo dài Huế trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Huế, nhằm tôn vinh nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ cố đô. Thông qua ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, Hội thảo hướng đến phát triển thương hiệu áo dài Huế thành một sản phẩm du lịch đặc trưng nổi tiếng của Huế. Hội thảo còn hướng đến các giải pháp phát triển thương hiệu áo dài Huế thông qua các cơ hội đầu tư phát triển sản phẩm áo dài Huế, những chính sách giải pháp hỗ trợ nghề may áo dài và các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm áo dài Huế trên địa bàn tỉnh.
Gần đây, với mong muốn đưa hình ảnh áo dài Huế trở lại “thuở vàng son” góp phần quan trọng nâng cao vị thế vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai cuộc vận động phụ nữ mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam. Sau một thời gian thực hiện, cuộc vận động đã tạo được hiệu ứng tích cực và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của phụ nữ tỉnh nhà. Hình ảnh những tà áo dài truyền thống ngày càng lan tỏa trong các cơ quan, công sở, trường học, trên các đường phố đã góp phần quan trọng tôn vinh bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của phụ nữ vùng đất cố đô và “làm cho Huế đẹp hơn” trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Áo dài Huế là một thương hiệu, một chỉ dấu văn hoá của miền di sản cố đô (Ảnh: TRT)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia và đặc biệt là các chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh áo dài Huế tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp khả thi để hiến kế cho chính quyền địa phương trong việc vừa tiếp tục phát huy giá trị truyền thống văn hóa của một trang phục có lịch sử lâu đời, vừa xây dựng và phát triển thương hiệu áo dài Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc trong xu hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giải pháp phát triển áo dài Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá bản địa Huế do nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh nêu lên đã gây chú ý tại Hội thảo. Theo bà, Huế là nơi có nhiều di sản nhất, là nơi duy nhất trên cả nước được nhận diện bằng màu tím, là nơi nổi tiếng với các làng nghề may, thêu, đan…, là nơi có đủ bốn mùa, là nơi tập trung văn nghệ sĩ có đẳng cấp… Về giải pháp sản phẩm: Áo dài cần được nhìn nhận như một sản phẩm tiêu dùng mang tính đặc trưng của Huế và phải mang tính thương mại cao. Về giải pháp marketing: Áo dài là một chiếc áo truyền thống có sự tiếp biến rộng và phổ biến, chính vì thế marketing cần được thực hiện một cách thận trọng và có chiến lược để không biến chiếc áo dài thành một sản phẩm tầm thường và trở thành thảm hoạ; phải được thực thi bởi đội ngũ trí thức có tâm huyết, có nền tảng văn hoá cao, là những người sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình vì giá trị của bản sắc văn hoá bản địa và bản sắc dân tộc trường tồn; chính những giá trị này mới tạo ra được thương hiệu quốc gia phát triển bền vững. Về giải pháp truyền thông: Cần thông tin chọn lọc, cẩn trọng trên quan điểm của bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá bản địa; cách thể hiện về hình ảnh và ngôn ngữ phải hướng đến tính chuyên nghiệp cao nhất; truyền thông chỉ có hiệu quả khi chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn và được sự tôn trọng của mọi người bằng giá trị bản sắc văn hoá Huế.
Tham luận công phu, tâm huyết của tiến sĩ Trần Đình Hằng cũng nhận được nhiều đồng tình từ các đại biểu tham dự Hội thảo. Nhà nghiên cứu kết luận: “Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế là quá trình cần có sự đồng lòng tham góp của các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá, các nhà sưu tập cổ vật, các nhà thiết kế, nghệ nhân may thêu… để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy nhất, tiệm cận với di sản áo dài - lễ phục truyền thống Huế. Từ đó mới có tinh thần và thủ pháp phù hợp để thổi hồn truyền thống, mang lại sức sống cho di sản văn hoá độc đáo này, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại trong vai trò là một sản phẩm du lịch. Phát triển bền vững cũng có nghĩa là tiếp nối, kế thừa và tái tạo truyền thống, không tạo nên sự xung đột, đối lập giữa truyền thống và hiện đại. Giải quyết hài hoà vấn đề này, không chỉ có áo dài - lễ phục truyền thống mà còn trên nhiều phương diện, khía cạnh khác, Huế sẽ trở thành một bảo tàng, một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống một cách bền vững, hiệu quả, điển hình cho cả nước và khu vực”.
PHƯƠNG PHƯƠNG