Thứ Hai, 03/10/2022 00:41

Phó Đô đốc Hải quân Mai Xuân Vĩnh

Ông là hậu duệ của cụ Mai Phúc Khánh, thủy tổ dòng họ Mai ở Thọ Linh, một tướng của Lê Thánh Tông (1460-1497) vào đất Ô Châu dẹp loạn... (Hoàng Minh Đức)

. Hoàng Minh Đức
 

Phó Đô đốc Hải quân Mai Xuân Vĩnh sinh ngày 15/4/1931 tại làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Ông là hậu duệ của cụ Mai Phúc Khánh, thủy tổ dòng họ Mai ở Thọ Linh, một tướng của Lê Thánh Tông (1460-1497) vào đất Ô Châu dẹp loạn. Cố nội của Mai Xuân Vĩnh là Lãnh binh Mai Lượng, một vị tướng Cần Vương đã sát cánh cùng Đề đốc Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, ông Tham La Hà…, bên cạnh vua Hàm Nghi đánh Pháp trên đất Quảng Bình.

Nhà ông ở sát trường tiểu học Thọ Linh mang tên “École Primaire Complémentaire deThọ Linh”. Ngày 18/4/1947, giặc Pháp đánh vào xã Minh Trạch, đóng đồn Minh Lệ, cả nhà ông phải tản cư vào rừng. Hai tháng sau, mẹ rồi em ông bị sốt rét ác tính cướp đi giữa rừng già. Ông được người anh trai cho đi học ở trường trung học Phan Bội Châu, huyện Tuyên Hóa.

Ngày 1/5/1950, Trung đoàn 18 về tuyển quân tại trường và ông trúng tuyển, được biên chế vào Tiểu đoàn 436. Đầu năm 1951, Tiểu đoàn 436 sát nhập vào Trung đoàn 101, Trần Cao Vân. Ngày 12/2/1951, Tiểu đoàn 436 tham gia trận đánh mở màn nhưng mãi đến ngày 13/ 3/1952 tổ chức trận đánh lần thứ hai mới dứt điểm diệt gọn vị trí An Gia gần thị trấn Sịa. Tiểu đoàn đã liên tiếp diệt đồn Phổ Lại, đập tan phòng tuyến Phú Ốc - Sịa, chia cắt huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ngày 11/3/1951, Binh đoàn Butin của Pháp tập trung đánh vào Thanh Hương, bị Trung đoàn 101 xóa sổ. Binh đoàn Sockel ra tiếp viện cũng bị Trung đoàn 95 đánh cho tan tác phải tháo chạy về Huế.

Cuối tháng 8/1952, thực dân Pháp mở cuộc hành quân “Châu chấu” (Operation Sauterelle) đánh vào khu vực Trung đoàn 101 đóng quân. Tên Xuân, Tham mưu phó Trung đoàn (điệp viên Pháp cài vào) đã chỉ điểm cho địch bắt được đa số cán bộ, công nhân viên của trung đoàn bộ. Ngày 3/9/1952, giặc Pháp mở tiếp cuộc hành binh “Cá sấu” (Onperation Caiman) vào khu vực Thanh Hương - Vĩnh Xương. Lúc này Mai Xuân Vĩnh được bố trí làm Quản trị trưởng Đại đội 88. Địch cho máy bay ném bom vào đội hình rút lui của Tiểu đoàn 436. Quân số Đại đội 88 chỉ còn một nửa. Ông chỉ huy 8 người còn lại trong vòng vây vượt sông Ô Lâu để tìm đường lên chiến khu Hòa Mỹ. Hai chiến sĩ bị thương kiệt sức. Một người nói: “Anh Vĩnh ơi! Anh dẫn anh em đi thôi. Chúng tôi bị thương nay yếu lắm rồi, trước sau cũng chết. Đừng lấn bấn với chúng tôi mà chết hết cả”. Ông gạt đi: “Anh em chúng ta cùng chiến đấu, sống chết có nhau. Tôi không thể bỏ các đồng chí ở lại”. Nói rồi ông phân công người giúp đỡ các đồng chí bị thương, vượt qua đồng lúa để đến bờ sông. Trong đêm tối họ đã tìm được một chiếc thuyền nhỏ. Đúng lúc đó xuất hiện hàng trăm người dân giành nhau lên thuyền để chạy ra khỏi vùng chiến sự. Ông cho thương binh lên trước rồi lần lượt chèo hết bà con qua sông. (Chính hành động cao cả, tình thương yêu đồng bào, đồng đội vô bờ bến, Mai Xuân Vĩnh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

Cuối năm 1952, Trung đoàn 101 hành quân ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh để củng cố lực lượng. Tháng 3/1954, Tiểu đoàn được lệnh chiến đấu thọc sâu ở Hạ Lào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp viết thư tay gửi cho các cán bộ, chiến sĩ: “Các đồng chí lần này đi làm nhiệm vụ yêu nước và quốc tế, rất gian khổ nhưng rất vẻ vang… Chúc các đồng chí đã ra đi là chiến thắng, xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, đặc phái viên của Tổng quân ủy nói: “Các đồng chí càng tích cực chiến đấu thì càng gần đến ngày gặp đơn vị bạn”.

Sang đất Lào, trong 10 ngày Tiểu đoàn 436 đã cùng Đại đội 200, quân tình nguyện Việt Nam và quân dân Lào loại khỏi vòng chiến đấu 3000 tên địch, giải phóng hơn 20.000km2 với 300.000 dân. Tiểu đoàn đã gặp lại Trung đoàn 101 từ Trung Lào xuống giải phóng toàn bộ cao nguyên Bolaven. Tiểu đoàn nhanh chóng hành quân xuống đông bắc Campuchia chiến đấu, phục kích đoàn xe vận tải của Pháp chở lương thực và vũ khí từ Sài Gòn lên Lào. Tiểu đoàn tiêu diệt được 1 đại đội thiết giáp, 1 tiểu đoàn cơ giới tăng viện, giải phóng thị trấn Vơn-xai, “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ. Sau hiệp định Genève, Tiểu đoàn 436 trở lại Trung đoàn 101, (trong đội hình Sư đoàn 325). Mai Xuân Vĩnh làm Trợ lí thanh niên của Trung đoàn.

Năm 1961, Mai Xuân Vĩnh được đi học khóa đào tạo sĩ quan chỉ huy Hải quân ở Liên Xô. Chưa học xong thì đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Tất cả các học viên sục sôi xin trở về nước đánh Mỹ. Ông nhận nhiệm vụ Trợ lí tác chiến ở Khu tuần phòng 2. Ông cho làm một chiếc tàu giả bằng tre nứa trên sông Gianh. Tàu được phết màu ghi đứng gần cũng thấy giống như thật. Trên mặt boong được lắp các tấm tôn sắt để đánh lừa radar của địch.

Ngày 14 /7/1965, hai chiếc AD6 phát hiện được mục tiêu, bắn đạn khói xuống “tàu”. Nhiều tốp máy bay từ ngoài biển hùng hổ lao vào ném bom, bắn phá. Tất cả 36 nòng pháo 37mm, 14,5mm của Hải quân và Quân khu 4 chờ sẵn. Từng loạt đạn như roi sắt quất thẳng vào mặt lũ diều hâu. Kết quả 4 máy bay địch bị bắn cháy và bị thương, còn “tàu” trơ ra mấy chiếc cọc tre cắm trên sông.

Đầu năm 1966, Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Lúc này Mai Xuân Vĩnh đã là Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 radar bờ biển. Tiểu đoàn có 5 trạm radar tạo thành những con mắt thần từ bờ biển Nghệ An đến Vĩnh Linh. Đêm 23/4/1966, trạm radar 535 đã phát hiện 3 tàu biệt kích xâm nhập vùng biển Roòn (Đông Bắc Quảng Bình). Đơn vị đã kịp thời thông báo cho Đại đội 10 bắn chìm 2 chiếc.

Thực hiện chiến dịch “Rồng biển”, Hải quân Mỹ dùng các tàu khu trục, tuần dương bắn phá dữ dội vào các khu vực ven biển từ Vĩnh Linh đến Ninh Bình. Ngày 25/10/1967, các đại đội radar 530, 540 đã chỉ thị mục tiêu cho lực lượng pháo binh Quảng Bình, Vĩnh Linh bắn cháy hai tàu khu trục của Mỹ.

Ngày 6/4/1972, giặc Mỹ tiến hành ném bom miền Bắc lần thứ hai. Đồng chí Mai Xuân Vĩnh lúc đó là chỉ huy trưởng Hải quân khu vực 4 (Tiểu đoàn Sông Gianh được nâng cấp lên tương đương Trung đoàn). Ngày 19/4/1972 các trạm radar phát hiện 2 tàu khu trục địch đi song song cách bờ biển Lý Hòa 5km. Tại Sở Chỉ huy K4, ông ra lệnh cho 2 trạm radar 535 và 530 bám sát mục tiêu. Được Sở Chỉ huy dẫn đường, Biên đội MiG-17 do hai phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) cất cánh từ sân bay Gát công kích, 4 quả bom 250kg lao xuống 2 chiếc tàu địch. Địch thú nhận: 2 tàu hư hỏng nặng, trong đó, tàu Hegbee bị hỏng rất nặng.

Trước việc địch lấn sâu vào bắn phá giao thông trên quốc lộ 1A, Bộ Tư lệnh Hải quân đã lệnh cho K4 dùng thủy lôi đánh tàu khu trục. Tại Sở chỉ huy K4, Mai Xuân Vĩnh trực tiếp chỉ huy bố trí thả thủy lôi đúng vệt đi của tàu khu trục. Một hôm, nghe một tiếng nổ to từ phía biển, ông ra lệnh cho trạm radar 530 mở máy quan sát thì thấy chiếc tàu khu trục bị trúng thủy lôi. Tàu khu trục có tên là “Oa-sinh-tơn DD843” phải kéo về Su-bic (Philippines), bị loại khỏi vòng chiến đấu. Một thời gian ngắn sau, tàu khu trục “Giô-dép-Xtơ-rao DDG16” cũng bị thương nặng.

Đất nước thống nhất, Mai Xuân Vĩnh giữ nhiều vị trí trọng trách trong quân chủng Hải quân. Năm 1994, ông được phong quân hàm Phó đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Trong việc tranh chấp vùng đặc quyền lãnh hải, Mai Xuân Vĩnh đã chỉ đạo lực lượng Hải quân mềm dẻo, nhưng cương quyết, khôn khéo không được để mất một tấc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi được gặp Trung tướng Mai Xuân Vĩnh, Phó đô đốc Hải quân Việt Nam trong dịp kỉ niệm 120 năm ngày mất của Lãnh binh Mai Lượng. Ông nói chuyện thân tình như một người chú, một người cha. Ông chia sẻ, trọn cuộc đời đi theo cách mạng, về hưu ông vẫn tâm nguyện một điều: “Làm tốt nhiệm vụ của người đảng viên, người công dân; giữ vững và phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng”. Ông xứng đáng với dòng máu anh hùng của họ Mai trên đất làng Thọ Linh địa linh nhân kiệt.

H.M.Đ