Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta, thắng lợi trên chiến trường, đặc biệt trận chiến với pháo đài bay B52 tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội buộc Mĩ phải kí Hiệp định Paris trong năm 1973, rút toàn bộ quân cùng thiết bị chiến tranh, chấm dứt sự can thiệp, bảo đảm quyền tự quyết của người dân Việt Nam. Với tư duy quân sự sắc bén, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chính trị quyết định thành lập bốn Quân đoàn chủ lực 1,2,3,4 cùng Đoàn 232 hình thành 5 cánh quân với trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, cơ động cao đẩy nhanh thế tiến công của ta trên các hướng làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.
Nhân kỉ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính uỷ Quân đoàn 1 xoay quanh cuộc hành quân thần tốc của Quân đoàn 1 trong những ngày tháng hào hùng ấy.
PV: Thưa Thiếu tướng, nhắc đến Đại thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc ta, không thể không nhắc đến vai trò của các binh đoàn chủ lực…
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Thực hiện di nguyện của Bác Hồ, “Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào”, sau Hiệp định Paris năm 1973, chúng ta đã khiến cho “Mĩ cút”. Dù lúc này tương quan trên chiến trường nghiêng về phía ta, nhưng lực lượng ngụy quyền còn lại rất mạnh, lại được Mĩ tiếp tục hà hơi tiếp sức, vì thế, để “ngụy nhào”, cần có những cú đấm thép để đè bẹp luôn sức kháng cự của chúng. Muốn vậy, phải có những quân đoàn chủ lực đủ mạnh, có khả năng mở các chiến dịch tiến công bằng binh chủng hợp thành để thực hiện. Từ thực tiễn ấy, sau khi được Bộ Chính trị thông qua, tháng 6/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra chỉ thị: “Khẩn trương thành lập các quân đoàn, những “quả đấm chủ lực” sẵn sàng sử dụng ở thời điểm quyết định, nghiên cứu phương thức tác chiến theo hướng tiêu diệt chi khu, quận lị, chiến đoàn, lữ đoàn địch đi ứng cứu, tiêu diệt sư đoàn địch”, để rồi ngày 24/10/1973, tại Ninh Bình, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng được thành lập. Tiếp đó, trong năm 1974 là Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang tại Trị Thiên, Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long ở Đông Nam Bộ. Sang đầu năm 1975, là Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) ở Nam Bộ sau đó đổi thành Binh đoàn cánh Tây Nam và Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên được thành lập ở Tây Nguyên. Từ đó đã hình thành nên năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn.
PV: Lực lượng của Quân đoàn 1 khi thành lập ra sao, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Hội tụ về thành lập Quân đoàn 1 đều là những đơn vị được thành lập đầu tiên của QĐND Việt Nam, có bề dày truyền thống chiến đấu, đó là 4 Sư đoàn: Sư 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong, sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta thành lập năm 1949 đã kinh qua chống Pháp và chống Mĩ, Sư đoàn 312 - Đại đoàn Chiến Thắng thành lập năm 1950 cũng vậy, Sư đoàn 320B - Đại đoàn Đồng bằng ra đời năm 1965, Sư đoàn Phòng không 367 thành lập năm 1966 và 3 Lữ đoàn: Lữ đoàn 45 Pháo binh - Tất Thắng, tiền thân là Trung đoàn 34 thành lập từ thời kì chống Pháp, Lữ đoàn 202 Tăng thiết giáp nguyên là Trung đoàn xe tăng thiết giáp đầu tiên của Quân đội ta thành lập năm 1959, Lữ đoàn Công binh 299 nguyên là Trung đoàn Công binh 299 thành lập năm 1965, riêng Trung đoàn 140 Thông tin dù mới thành lập nhưng hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã qua chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên… Bộ Tư lệnh Quân đoàn cũng vậy, Bộ Quốc phòng ưu tiên những tướng lĩnh, cán bộ trung, cao cấp dày dạn kinh nghiệm trận mạc về lãnh đạo như Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng được cử kiêm Tư lệnh Quân đoàn, Thiếu tướng Lê Quang Hòa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Chính ủy Quân đoàn, Đại tá Hoàng Đan - Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng. Năm đầu mới thành lập, Quân đoàn chủ yếu làm nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng củng cố lực lượng. Khi Bộ Chính trị quyết định giải phóng Miền Nam, ngày 31/3/1975, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Quân đoàn cơ động toàn bộ lực lượng vào miền Đông Nam Bộ để giải phóng Sài Gòn, trong đó để lại Sư đoàn 308 làm lực lượng dự bị cơ động chiến lược cho Bộ. Khi nhận nhiệm vụ ở lại, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 rất băn khoăn. Làm sao một đơn vị có bề dày truyền thống là đơn vị đầu tiên của Quân đội và kinh nghiệm tác chiến như thế lại không được đi mà phải ở lại. Bộ Chính trị phải giải thích, đó là nhiệm vụ rất quan trọng, nếu có tình huống lập tức cơ động thần tốc, đặc biệt, ở lại ở đây là để bảo vệ miền Bắc và Trung ương Đảng.
PV: Với các đơn vị khác nhau được điều về để thành lập Quân đoàn, liệu có khó khăn gì không, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Trước đây cũng có ý kiến cho rằng Quân đoàn là sự gộp lại của các đơn vị để thành lập. Ý kiến đó xét bề ngoài không có gì sai. Nhưng để đầy đủ, chính xác và đúng bản chất, thì phải gọi đó là sự hội tụ. Hội tụ của những giá trị đã được hun đúc, tích lũy, kế thừa và khẳng định qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ riêng có của từng đơn vị. Đến khi về dưới mái nhà chung của Quân đoàn, những giá trị ấy vẫn được giữ nguyên và hun đúc tích hợp, hội tụ trong giá trị của cả Quân đoàn. Ví dụ truyền thống “Tiên phong, quyết thắng” của Sư đoàn 308, “Đoàn kết, anh dũng, chiến thắng” của Sư đoàn 312, “Đã ra quân là đánh thắng” của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” của Lữ đoàn 45 Pháo binh… Các truyền thống, giá trị ấy, hội tụ vào truyền thống chung “Thần tốc - Quyết thắng” của Quân đoàn. Tất cả hòa quyện tạo nên sức mạnh chung, tổng hợp của toàn Quân đoàn, sức mạnh riêng của từng đơn vị trong mối quan hệ hết sức biện chứng.
Đoàn kết và thi đua là truyền thống tốt đẹp tạo nên sức mạnh của Quân đoàn 1 trong suốt chiều dài lịch sử Ảnh: Đức Thắng
PV: Thế còn về đại bản doanh, tại sao lại là Tam Điệp mà không phải một vùng đất khác?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Khi có quyết định thành lập Quân đoàn, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Hoàng Đan cùng đoàn công tác, rồi trực tiếp Tư lệnh Lê Trọng Tấn đã đi thị sát một số khu vực của Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình. Cuối cùng Bộ Tư lệnh quyết định chọn khu vực Tam Điệp bởi đây là vị trí hiểm yếu, có giá trị chiến lược về mặt quân sự. Trước hết, nó là đoạn cuối và thấp nhất của dải núi đá vôi đồ sộ chạy từ cao nguyên Mộc Châu qua Hòa Bình, Nho Quan đến bờ biển Nga Sơn, Thanh Hóa. Bên cạnh đó, các dải núi có hình răng cưa, xương cá nhiều hướng, nhiều tầng tạo thành bức tường thành bao bọc gần kín khu vực với rất nhiều thung lũng, hang động lớn và những con suối nhỏ uốn quanh rất tiện cho đóng quân luyện tập, tích trữ lương thảo, biến Tam Điệp như một điểm tựa, một lá chắn thiên nhiên. Thêm nữa, xuyên qua Tam Điệp có đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và các con đường chạy xuống biển Kim Sơn, Nga Sơn, lên vùng rừng núi phía Tây và Tây Bắc, cơ động đi đâu cũng thuận tiện. Bằng chứng về sự hiểm yếu để tạo thế và lực trong chiến tranh của Tam Điệp cũng được minh chứng khá rõ trong lịch sử. Cuối năm 43, sau khi đàn áp lực lượng kháng chiến của Hai Bà Trưng chiếm lại Giao Chỉ, hai vạn quân của Mã Viện cùng đội chiến thuyền định kéo vào bình định đất Cửu Chân (Thanh Hóa trở vào) nhưng đã bị lực lượng kháng chiến của lão tướng Đô Dương, một tướng cũ của Hai Bà Trưng chặn lại ở Tam Điệp và cửa biển Thần Phù, Mã Viện không cách nào qua được phải đào một nhánh sông qua hẻm núi để đi. Ngô Quyền cũng chọn Tam Điệp để xây dựng lực lượng từ đó tiến ra đánh bại quân Nam Hán ở Đại La… Rồi cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi đầu thế kỉ XV dựa vào Tam Điệp khiến quân Minh thất điên bát đảo dù sau đó ông thất bại. Đặc biệt là cuộc tiến quân thần tốc của thiên tài quân sự Quang Trung. Ông cũng quyết định lấy Tam Điệp, nơi hai tướng Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm đã lui về xây dựng phòng tuyến phòng ngự chống quân Thanh làm nơi tập kết lực lượng làm bàn đạp mở cuộc phản công thần tốc, đại phá 29 vạn quân Thanh chỉ trong vòng 5 ngày đêm.
PV: Vâng, sự hiểm yếu của Tam Điệp là điều không có gì phải bàn cãi, cùng với đó, sát bên Tam Điệp, khu vực Hoa Lư hiểm yếu cũng không kém, chẳng thế mà có truyền thuyết Cao Biền bị phục kích bắn rơi diều ở núi Cánh Diều khi bay đi trấn yểm nước Nam. Rồi Đinh Bộ Lĩnh dựa vào địa thế hiểm yếu của Hoa Lư, Tam Điệp để tích trữ lương thảo, huấn luyện quân sĩ, dẹp 12 sứ quân thống nhất đất nước… Tam Điệp gắn với cuộc hành quân thần tốc của Hoàng đế Quang Trung từ Phú Xuân ra dừng lại ở đây để chuẩn bị lực lượng trước khi tiến đánh Thăng Long và cũng gắn với nơi xuất phát cuộc hành quân thần tốc của Quân đoàn 1 vào góp phần giải phóng Miền Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Cuộc hành quân của Quang Trung về độ thần tốc, quả thực có một không hai mà cho đến bây giờ, chưa có giả thuyết nào thực sự thuyết phục. Còn với cuộc hành quân thần tốc của Quân đoàn 1 có thể nói thế này: Đó là một cuộc hành quân cơ giới. Khi giao nhiệm vụ hành quân vào tập kết ở Đồng Xoài, Bộ Quốc phòng để Quân đoàn 1 tự quyết định đường hành quân. Đây là vấn đề có tính sống còn, nếu quyết định sai sẽ gặp vô vàn khó khăn, thậm chí dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ. Có ba đường có thể hành quân gồm: Theo đường số 1, đường Đông Trường Sơn, đường Tây Trường Sơn. Đường số 1 ngắn nhất và tốt nhất, nhưng chắc chắn khi rút chạy các cầu cống đã bị địch phá để cản bước tiến của quân ta. Kế là đường Đông Trường Sơn, đường này Đoàn 559 mới mở, các đơn vị vận tải chiến lược đang tập trung vận chuyển vật chất hậu cần cho chiến dịch, Quân đoàn 3 cũng đang hành quân theo tuyến này, thêm vào đó, đang cuối mùa khô nên bắt đầu có những đợt mưa, đường trở nên chật chội, lầy lội, dốc trơn. Rất khó khăn với xe một cầu, xe kéo pháo. Đường Tây Trường Sơn tuy xa nhất, nhiều đèo dốc vì phải vòng qua đất bạn Lào nhưng thời tiết hanh khô, Quân đoàn có thể cơ động tốt, vừa không bị ùn tắc, giữ được yếu tố bí mật bất ngờ, bảo đảm được hậu cần, kĩ thuật… Và đường Tây Trường Sơn đã được chọn. Trong 2 ngày, mùng 2 và 3/4/1975, từng đoàn xe pháo nối đuôi nhau qua đất Tam Điệp - Bỉm Sơn (nơi mà 186 năm về trước, cũng có một cuộc hành quân thần tốc của Vua Quang Trung ra đánh tan 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long) để rồi 12 ngày sau, 14/4/1975, Quân đoàn đã vượt chặng đường hơn 1.700km với toàn bộ xe, pháo, vũ khí trang bị, hậu cần để tập kết tại Đồng Xoài, vượt thời gian quy định của Bộ 1 ngày, mở đầu cho truyền thống “Thần tốc - Quyết thắng” của Quân đoàn.
PV: Theo một số giả thuyết, sở dĩ cuộc hành quân của Vua Quang Trung từ Phú Xuân ra Tam Điệp thần tốc như thế bởi đoàn quân đi suốt ngày đêm không lúc nào nghỉ bằng cách quân lính cứ 3 người một tốp, 2 người cáng một người ngủ thay phiên nhau, rồi khi qua sông, suối, dùng ngay cáng để làm bè vượt sông. Thế còn cuộc hành quân của Quân đoàn 1 những ngày đầu tháng 4/1975 thì thế nào thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Tất nhiên, cuộc cơ động này khác với cuộc hành quân của Vua Quang Trung vì Quân đoàn 1 cơ động bằng cơ giới. Nhưng có một điểm chung đó là: Bằng mọi cách, tốc độ và thời gian hành quân trên đường phải đạt tối đa. Vì thế, trước khi hành quân, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 đã đề ra một số biện pháp như các xe phải chạy liên tục trên đường từ 18 đến 20 giờ/ngày, tốc độ trung bình 30km/giờ, xe cách nhau 20m, bộ đội ăn ngủ ngay trên xe, mỗi xe là một đơn vị tự quản giúp đỡ nhau về mọi mặt, phải có 2 người lái thay nhau, ưu tiên việc ăn ngủ đối với lái xe... Ở các điểm hiểm trở, các ngầm đều bố trí các tổ kéo, các tốp thợ sửa chữa để giải phóng xe, không để ùn tắc. Tất nhiên, thực tế hành quân có vô vàn tình huống xảy ra đòi hỏi phải xử lí. Chẳng hạn khi qua đèo Âm Pun, một khẩu pháo gãy khung chữ A, nếu chờ đội cơ động sửa chữa đến sẽ lâu, đường sẽ tắc, anh em lấy ngay khung chữ A của khẩu trước lắp vào để tăng bo qua, rồi một số xe tăng, xe ô tô bị thiếu nước làm mát, nóng máy không đi được, đào giếng ở lòng suối cạn xuống đến 2 - 3 mét mà không có nước, vậy là người đành chịu khát để nhường tất cả bi đông nước của mình làm mát cho xe...
PV: Vâng, quả thật, đó là một cuộc hành quân kì vĩ.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Trong hồi kí Đường binh nghiệp của tôi của Thiếu tướng Nguyễn Chuông, người trong cuộc hành quân ấy là Sư đoàn trưởng Sư 312, có một đoạn ông mô tả trên đường Trường Sơn “bụi khủng khiếp, xe chạy như chui vào ống khói khổng lồ” đến nỗi, lợn mang theo làm thực phẩm bị chết một phần ba vì… bụi làm tắc mũi. Nhiều đoạn như sa mạc cát, xe lao đến đâu xé cát đến đấy, không khác gì xe lội nước. Ngay cả xe của ông bị thụt xuống cát tận ngang hông, anh em phải đưa gậy kéo lên mới thoát “chết đuối” cát… Tất nhiên, bộ đội cũng không thiếu những giây phút lãng mạn, đi trong khung cảnh hùng vĩ đến lặng người với những khu rừng san sát lim, gụ, vàng tâm cao hàng chục mét, hai ba người ôm không xuể, cành lá tầng tầng lớp lớp, tưởng như ánh mặt trời không xuyên qua được. Chồn, sóc nhảy nhót chuyền cành, phong lan đủ loại, đủ màu, rủ xuống tỏa hương trong tiếng thác đổ, suối reo suốt chặng đường dài…
PV: Sự thần tốc ấy được phát huy thế nào trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Sau khi tập kết ở Đồng Xoài, đến ngày 28/4, Quân đoàn cơ bản đưa lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị vào chiếm lĩnh trận địa trên dải tiến công Bắc Sài Gòn với chiều rộng 13km, sâu hơn 70km sớm hơn dự kiến sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở cửa đánh chiếm một số căn cứ địch án ngữ đường 16 từ Bình Mỹ về bắc Tân Uyên. Hai ngày đêm tiếp theo, với lối đánh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Quân đoàn đã tiến công dũng mãnh, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như: Bộ Tổng tham mưu - cơ quan đầu não của ngụy, khu bộ tư lệnh các binh chủng, lục quân công xưởng, phối hợp cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng tiểu khu Gia Định, quận lị Gò Vấp, tiểu khu Bình Dương và các chi khu: Bến Cát, Châu Thành, Tân Uyên, Lái Thiêu, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương, phần lớn tỉnh Gia Định, xây đắp nên truyền thống “Thần tốc - Quyết thắng”.
PV: Khoảng cuối năm 2009, 2010 gì đó, tôi có may mắn được đi theo vòng diễn tập LT-09 của Quân đoàn và đã cảm nhận được cái chất “Thần tốc - Quyết thắng” của những người lính Quân đoàn 1. Nó thể hiện trong từng nhát cuốc xẻng đào công sự, từng cú nhấn ga của xe kéo pháo, từng yếu lĩnh bắn để tiêu diệt mục tiêu…
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng: Truyền thống ấy càng được hun đúc tỏa sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nó được phát huy không chỉ trong các cuộc diễn tập, không chỉ là lời nói, suy nghĩ mà bằng kết quả công việc. Truyền thống “Thần tốc - Quyết thắng” cũng chính là sự linh hoạt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hàng ngày, hàng giờ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, và khi đã đẹp rồi thì càng phải làm đẹp hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!