Thứ Tư, 03/10/2018 00:11

Ra đi từ làng

Nếu tư duy là thành tựu quan trọng nhất trong sự tiến hóa bậc cao của con người, thì hình thành ngôn ngữ chính là điểm mốc hệ trọng nhất của quá trình ấy. Nhờ ngôn ngữ, các cá nhân có thể chia sẻ và để lại dấu vết tâm hồn cũng như kí ức của mình. (YẾN THANH)
(Đọc Nở - tàn biên niên kí của Lê Vũ Trường Giang - Nxb Văn hóa văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2018)

. YẾN THANH 

Nếu tư duy là thành tựu quan trọng nhất trong sự tiến hóa bậc cao của con người, thì hình thành ngôn ngữ chính là điểm mốc hệ trọng nhất của quá trình ấy. Nhờ ngôn ngữ, các cá nhân có thể chia sẻ và để lại dấu vết tâm hồn cũng như kí ức của mình. Với ngôn ngữ, những thế hệ hay cá nhân có thể phác họa nên địa vực trừu tượng và siêu hình nhất trong mỗi con người, đó chính là thế giới tinh thần. Cuộc đời của mỗi chúng ta do vậy, thứ lưu lại với thời gian, trong lòng kẻ khác, chính là văn bản, chính xác hơn là tập hợp những văn bản. Theo nghĩa ấy, Lê Vũ Trường Giang đã trình bày với bạn đọc bản tường trình tâm hồn của anh một cách chi tiết, cặn kẽ qua tập tản văn - tiểu luận: Nở - tàn biên niên kí. Tôi đọc Lê Vũ Trường Giang cũng đã lâu, từ tập truyện ngắn lịch sử đầy hồi quang của quá khứ Ngủ giữa trùng sơn cho đến tập bút kí Đi như là ở lại, nhưng chỉ đến tập tản văn - tiểu luận Nở - tàn biên niên kí mới có được hình dung đầy đủ nhất về chân dung tinh thần của nhà văn.

Nở - tàn biên niên kí giống như những mảnh vỡ của một tâm hồn, thứ bạn đọc cầm lấy được trên tay chỉ là từng phần rời của một chỉnh thể bản ngã. Nó không đầy đủ, bởi giới hạn của từng góc độ khai thác, dung lượng ngắn ngủi của từng tiểu luận, nhưng vì nhỏ nhoi, sắc cạnh nên những mảnh vỡ tâm hồn ấy hiện ra thật rõ ràng, cụ thể và sống động. Quyển sách được kết cấu thành ba phần, với mười lăm tiểu luận có độ dài ngắn khác nhau, khai thác phong phú nhiều chủ đề trong cuộc sống mà tác giả quan tâm, từ cá nhân cho đến cộng đồng, từ quốc gia cho đến thế giới.

Trong ba phần, tôi đặc biệt chú ý đến phần 1 Tôi… của nhà… của làng… của nước. Đây là phần giúp bạn đọc có đủ hình dung cần thiết về thế giới nghệ thuật, lí giải được cội nguồn sáng tạo của nhà văn trẻ, nhà nghiên cứu lịch sử trẻ Lê Vũ Trường Giang, không chỉ trong quyển sách mỏng này mà còn ở các văn bản khác. Ở đây, Lê Vũ Trường Giang không cố ý viết một tự truyện có tính chất chân dung tinh thần, nhưng qua cái tôi và thân phận con người thực của tác giả, chúng ta có thể khám phá vào vỉa tầng sâu nhất trong cái tôi của anh. Lê Vũ Trường Giang là một nhà văn nông thôn. Tính chất nông thôn này quy định hàng loạt xu hướng tinh thần và khuynh hướng nghệ thuật trong văn chương của anh như: hoài cổ, thiên nhân hợp nhất, trọng tiền nhân, tư tưởng sinh thái, tầm chương trích cú… Nó kiến tạo khuôn mẫu của một chân dung tinh thần, là giới hạn tất yếu nhưng cũng là điểm tựa vững chắc. Trên hết, nó tạo ra một thứ bản sắc “nông thôn - nông dân - nông nghiệp” trong văn chương Lê Vũ Trường Giang. Anh sinh ra ở làng, lớn lên ở làng, sống ở làng và viết cũng ở làng. Làng quy định cách Trường Giang nhìn về thế giới, cũng như cách anh soi vào trong thế giới nội cảm. Anh tự hào và ra sức kiếm tìm ngược chiều về quá khứ lịch sử ngôi làng Thần Phù của mình, với biết bao huyền tích, sự kiện lịch sử và danh nhân.

 
gif5b2a1c7de4db8

Văn Lê Vũ Trường Giang đẹp ở xúc cảm chân thực, sang trọng nhưng không hề màu mè, làm dáng. Anh đã viết nên những câu văn duy mĩ nhưng rất giản dị như: “Tôi lớn lên từ đồng xanh, chịu ân điển lớn lao để nhồi tạo cơ thể vật chất và phẩm hạnh tinh thần. Đồng xanh của cát, gió, nước trở thành cánh đồng tâm thức chứa đầy năng lượng của những ý niệm lành. Tôi sẽ kể các bạn nghe khoảng yên bình của một gia đình nhỏ gắn bó đồng xanh” (Đồng xanh, mái nhà, lửa ấm). Với một đất nước nông nghiệp, dựa trên văn minh lúa nước như Việt Nam, mọi dòng họ, gia đình hay cá nhân đều có gốc gác nông thôn, nông dân. Chính vì thế, ở Việt Nam, ranh giới và bản sắc của tầng lớp thị dân, quý tộc, tư sản chỉ là rất mờ nhạt, tương đối. Ngay cả trí thức phong kiến, tức các nho sĩ đa phần cũng xuất thân từ nông dân, sống giữa nông thôn. Các đô thị Việt Nam xuất hiện muộn, lại khá nhỏ bé và luôn tồn tại được nhờ sự gắn bó chặt chẽ với những vùng nông thôn rộng lớn bao quanh. Chính do đặc điểm này, mà tôi tin câu chuyện về cuộc đời, xuất thân của Lê Vũ Trường Giang trong Nở - tàn biên niên kí sẽ rất quen thuộc, gần gũi với mọi người. Thân phận, gốc gác của anh cũng chính là của chúng ta, nếu không cũng là của cha mẹ hay ông bà chúng ta. Đọc Nở - tàn biên niên kí là một cách hành hương về lại cội nguồn, để hiểu mình nhiều hơn và yêu quý, trân trọng nông thôn nhiều hơn. Vì những lí do ấy, tôi tin rằng đây là phần hay nhất của tập tiểu luận.

Lê Vũ Trường Giang ngoài bản mệnh là một nhà văn, do đặc trưng nghề nghiệp, anh còn là nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử. Tất cả thế mạnh này đã được anh thể hiện một cách đầy đủ trong phần 2 của quyển sách với tựa đề Cội nguồn thiêng. Trong phần này, tác giả đã quan tâm đến nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống đương đại như: chiến tranh và hòa bình, công lí cho những nạn nhân chất độc màu da cam, giáo dục và chấn hưng quốc gia, báo chí truyền thông, vấn đề tự hào dân tộc và giáo dục lịch sử… Nhìn chung, mặc dù các chủ đề khá xa nhau, có đôi chỗ hơi nặng về chính luận báo chí, nhưng Lê Vũ Trường Giang đã thể hiện được trách nhiệm công dân, sự suy tư trăn trở về thời cuộc đầy tự trọng của một người trí thức. Cũng qua phần này, anh đã thể hiện kiến thức lịch sử dày dặn, khả năng bao quát sử liệu cùng sự suy tư sâu về những vấn đề quan thiết đương đại.

Tôi đánh giá cao sự dũng cảm dấn thân của Lê Vũ Trường Giang trong những tiểu luận có tính chất chính luận về các vấn đề thời sự đang diễn ra nóng bỏng ngày nay. Anh mạnh dạn đòi công lí cho những nạn nhân chất độc màu da cam, nhưng đồng thời cũng thẳng thắn nhận ra: “Truyền thống “viễn giao cận công” của giới chính trị Trung Quốc từ xưa đến nay luôn là phương châm chiến lược. Diễn biến sự kiện trong những năm đầu thế kỉ này đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên, nếu một chú rồng hành động như vậy thì nó đã tự biến mình thành loài bạch tuộc đáng sợ đi hoang, ứng xử hẹp hòi và thiếu văn minh” (Nước những người chưa bao giờ khuất). Việc một nhà văn trẻ sinh ra sau chiến tranh nói lên những suy nghĩ đầy trách nhiệm cho thấy đất nước đang bước vào thời kì dân chủ, đổi mới. Tương lai của đất nước chúng ta phụ thuộc vào những người trẻ tuổi; chính tài năng và thái độ, lòng yêu nước của họ sẽ quyết định đất nước đi về đâu. Tuy vậy, trong những tiểu luận ở phần 2, có lẽ do đặc tính nghề nghiệp (nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử) mà tính chất nghệ thuật, cái tôi trữ tình không còn được biểu hiện một cách tài hoa như phần trước.

Các giới hạn của phần 2 nhanh chóng được khắc phục trong phần 3 của quyển sách với tựa đề Mảnh mảnh tâm hồn. Nhìn nhận chính xác về mặt thể loại, nếu các bài viết trong phần 2 đúng là những tiểu luận (chính trị, xã hội, lịch sử…) thì trong phần 3, đích thực đó là những bài tản văn đẹp. Phần 3 thể hiện sự chín muồi nhất của cả nhân sinh quan và thế giới quan Lê Vũ Trường Giang cũng như bút pháp nghệ thuật của anh. Lúc này anh không còn kể về chính mình, cũng không nói về những vấn đề thời sự đương đại, mà quay lại suy tư về bản thể, về cái đẹp, về bản ngã (cái tôi), về giới hạn, về tha nhân và cuộc đời. Những hiểu biết của anh về triết học hiện sinh, Phật giáo, phân tâm học, về lịch sử thế giới… thật đáng kinh ngạc. Cuộc bàn luận của anh về nhiều vấn đề phổ quát của cõi nhân sinh này có thể vượt xa sự trù liệu của bạn đọc về trình độ của một nhà văn trẻ, sinh sống tại nông thôn. Bằng tài năng, sự đọc và quá trình toàn cầu hóa tri thức, ta có thể nhận ra và tin tưởng rằng tuổi tác (già hay trẻ), vị trí địa lí của sự viết (trung tâm hay ngoại biên) đôi khi chỉ là một con số rất tương đối, không có nhiều ý nghĩa trong thời đại ngày nay. Điều đáng chú ý nhất trong các tản văn này là chất thơ thấm đẫm từng con chữ. Sự tài hoa, đa tình và nhạy cảm trước cái đẹp đã làm nên chất riêng không lẫn vào ai được của Lê Vũ Trường Giang: “Mùa xuân không hoàng mai như người con gái đẹp không lụa là, không phấn hương, u hoài như những ngày vốn dĩ. Mai gom cả màu vàng của hóa công dát lên xiêm áo, tô vẽ cho đất trời một dáng xuân quốc sắc. Màu vàng hoàng mai màu lụa là, êm như mây, mượt như nhung. Hoa nở lụa làm đất trời hân hoan, động lòng kẻ lữ thứ đắm say hồng trần mà ngưng cuộc mộng” (Hoa, mĩ học và tâm hồn). Nhiều chỗ anh xứng đáng là truyền nhân kế tục hứa hẹn nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở địa hạt của tản văn, bút kí.

Khép lại một cuộc phiêu lưu chữ nghĩa, bạn đọc ắt hẳn có thể tìm riêng cho mình những thông điệp, những trăn trở khởi đầu khi gấp sách. Đọc Nở - tàn biên niên kí, tôi bất chợt liên tưởng đến Biên niên kí chim vặn dây cót của Haruki Murakami, ở sự trăn trở đi tìm cái tôi cũng như kĩ thuật tạo dựng liên văn bản trong diễn ngôn, dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhà văn dẫu ở đâu, thời nào thông thường vẫn có chung một số mệnh, đó là lưu đày trong chữ và lấy nỗi đau của mình mà viết. Cũng chính vì lẽ ấy, giống như những thiền sư, họ tìm được cho mình sự sống mới đằng sau cái chết nhờ tác phẩm của mình.
 
Y.T