Thứ Bảy, 08/12/2018 03:48

Rặng trâm bầu một vở chèo hay về cách mạng miền Nam

Không chỉ ngợi ca tinh thần cách mạng, vở diễn Rặng trâm bầu còn tập trung khắc họa những mất mát, hi sinh của quân và dân miền Nam trong kháng chiến. (NGUYỄN VĂN VĨ)

Chuẩn bị chương trình, kịch mục tham gia Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân (NTCN) năm 2018, Nhà hát Chèo Quân đội vừa báo cáo tổng duyệt và ra mắt khán giả thủ đô vở chèo về đề tài “ruột” lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng: Rặng trâm bầu của hai tác giả Vũ Trinh - Trần Hồng Vân (đạo diễn: NSND Nguyễn Quốc Trượng; trợ lí đạo diễn: NSƯT Vũ Duy Từ; âm nhạc: NSƯT Hạnh Nhân; thiết kế mĩ thuật: NSƯT Nguyễn Đạt Tăng; cố vấn nghệ thuật: NSND Lê Hùng). Vở diễn phản ánh một cách toàn diện và chân thực bức tranh sinh động về quân và dân miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Nhân vật trung tâm của vở diễn là gia đình má Tám (nghệ sĩ Thu Hải đóng). Má sinh nở bảy, tám bận, nhưng cả chồng và các con má đều gửi gắm cho cách mạng. “Thằng Ba, thằng Năm, thằng Bảy đều đã hi sinh... đều bỏ má mà đi hết...” (lời má Tám), chỉ còn lại Tám Thọ (nghệ sĩ Văn Cường đóng) cùng người con dâu hiếu thảo Ngọc Hiệp (nghệ sĩ Thanh Tuyết đóng) và người cháu đích tôn Hai Hưởng (nghệ sĩ Xuân Phú đóng) tham gia lính đặc công, được tổ chức cho kết hôn với Út Lài (nghệ sĩ trẻ Hương Giang đóng) - con bác Hai Chính. Cùng với gia đình má, nhân dân trong ấp - mà đại diện là “tổ tam tam”: Tư Đục (nghệ sĩ Đình Lục đóng); Năm Mộc (nghệ sĩ Đức Hải đóng); Sáu Quy (nghệ sĩ Kim Quy đóng) - đã cùng hàng vạn, hàng triệu người dân tham gia đội quân cách mạng. Họ là lính biệt động, lính đặc công hoặc dân quân, du kích. Dù hoạt động bí mật ở “cứ”, trên “rú”, đấu tranh công khai (phản đối bắt người vô cớ, phản đối di dân vào ấp...), thực hiện các nhiệm vụ bí mật (đánh tàu tuần tra, bao vây chặn địch...) hay dò la tin tức qua việc bơi ghe câu cá..., họ đều thể hiện sự mưu trí, tinh thần dũng cảm, không ngại nguy hiểm, gian khổ, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Những người con của miền Nam “thành đồng Tổ quốc” xác định rất rõ: “Đất nước đang có chiến tranh, chuyện mất mát hi sinh cũng là bình thường” (lời của Tư Đục). Trong họ, niềm tin vào chiến thắng của cách mạng, của chính nghĩa, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng khi đất nước độc lập, thống nhất luôn dạt dào, đầy ắp như sông nước miền Nam bao la: “Ủng hộ cho cách mạng, đến ngày thống nhất đất nước, lúc đó nỗi khổ sẽ vơi đi” (lời của Năm Mộc). Và, tất thảy những con người đó, suy nghĩ và hành động đó, sự đoàn kết thống nhất đó đã làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta chiến thắng kẻ thù, đem lại ấm no cho mọi người, như câu hò Nam Bộ của người chiến sĩ cách mạng Ngọc Hiệp xuyên suốt vở diễn: Chung nhau uống một dòng sông/ Theo lính quốc gia thì xương tan thịt nát/ Mà theo cách mạng hạnh phúc ấm no.

Cảnh trong vở diễn Rặng trâm bầu - Ảnh: Lê Khanh

Không chỉ ngợi ca tinh thần cách mạng, vở diễn Rặng trâm bầu còn tập trung khắc họa những mất mát, hi sinh của quân và dân miền Nam trong kháng chiến. Để có được ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, biết bao chiến sĩ, đồng bào miền Nam đã ngã xuống. Những cống hiến, hi sinh lớn lao ấy được các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội tái hiện qua hình ảnh gia đình má Tám. Trước khi vào trận đánh lớn, tổ chức đã truy điệu sớm cho Hai Hưởng. Hai Hưởng bị thương nặng rồi hi sinh. Út Lài đưa Hai Hưởng “đi khắp dòng sông quê lần cuối”. Bên cạnh nỗi đau mất con, mất cháu đích tôn, má Tám còn phải chịu đựng sự tra tấn dã man của kẻ thù. Săm - tên đại úy, đồn trưởng ngụy (nghệ sĩ Quốc Khánh đóng) lệnh cho Khâm “hồi chánh” (nghệ sĩ Xuân Dương đóng) rút hết móng chân, móng tay của má. Hành động tra tấn của Săm đối với má Tám và một chiến sĩ cách mạng khác (nghệ sĩ Văn Giang đóng) tàn ác đến mức hắn bị chính tên tay chân của mình (Khâm) lên án, nguyền rủa: “Thằng Săm độc ác vô vàn/ Đúng loài lang cẩu cắn càn hại dân”, “Bao giờ dân nổi can qua/ Xử loài gian ác không tha chúng mày/ Vận trời đang sắp đổi thay”. Những gia đình cách mạng khác trong Rặng trâm bầu mà đại diện là “tổ tam tam” (Tư Đục, Năm Mộc, Sáu Quy) cũng phải chịu nhiều đau đớn, tổn thất. Năm Mộc có hai con trai đều đi theo cách mạng và hi sinh. Trớ trêu thay, người con gái út lại lấy chồng theo ngụy, làm nhiều điều hại dân hại nước, buộc Năm Mộc phải từ mặt con. Người con trai duy nhất của Tư Đục cũng đi làm cách mạng và bị địch bắt, ở tù ngoài Côn Đảo. Những mất mát, hi sinh ấy không làm chùn ý chí, tinh thần cách mạng của nhân dân miền Nam. Dù thể xác đau đớn, má Tám vẫn cố gắng chịu đựng và còn an ủi động viên con cháu rằng “mất có mấy cái móng chân, móng tay thì nhằm nhò gì”. Không những vậy, má còn chỉ thẳng vào mặt tên đồn trưởng, đanh thép lên án: “Ông nói ông cũng là bạn chăn trâu cắt cỏ với thằng Tám nhà tôi. Vậy mà ông quên hết tình làng nghĩa xóm. Ông quên hết ân nghĩa của những rặng trâm bầu kia đã bao bọc chở che cả tuổi thơ cho ông”.

Và từ những đau thương ấy, mầm sống cách mạng lại mọc lên, kiên cường, mạnh mẽ, vươn lên trong bão táp cho đến ngày toàn thắng. Út Lài, cháu dâu má Tám có thai, sinh con. Em bé sinh ra trong lửa đạn chiến tranh và niềm vui sướng khôn cùng của má Tám. Vậy là “nòi giống cách mạng” của gia đình má nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung tiếp tục được trao truyền, từ đời này qua đời khác, vĩnh viễn, trường tồn. Đó là dư âm sau cùng đọng lại trong lòng khán giả khi tấm màn nhung của vở diễn Rặng trâm bầu khép lại.

Với thiết kế sân khấu hiện đại, âm thanh, ánh sáng trung thực, kịch bản hay và diễn xuất chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, Rặng trâm bầu đã góp thêm một nốt nhạc trong bản hòa âm ngợi ca sự nghiệp cách mạng của quân và dân miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, khơi gợi lòng mến quý của khán giả thủ đô đối với nghệ thuật chèo truyền thống và với các nghệ sĩ - chiến sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội - “chiếu chèo” duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

N.V.V