Đặc biệt năm nay có sự tham gia của một số cơ quan ngoại giao tại Hà Nội (Đại sứ quán Ấn Độ, Pháp, Italy, Cộng hòa Séc...); Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á, Hiệp hội Xuất bản Philippines, Hiệp hội Xuất bản Myanmar, cùng 14 nhà xuất bản đến từ Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Đây là cơ hội để các đơn vị sách giao lưu, hội nhập trong lĩnh vực xuất bản quốc tế và các hợp tác liên kết xuất bản, trao đổi bản quyền.

Không chỉ tại Hà Nội mà gần đây một số địa phương đã tổ chức các hội sách thu hút và thúc đẩy văn hóa đọc. Ví như ngay tại Hà Nội, tháng 2-2019, Hội sách Xuân 2019 được tổ chức với hàng chục vạn đầu sách cũ, mới để bạn đọc lựa chọn. Từ ngày 27 đến 29-9-2019, tại Đường sách TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội sách thiếu nhi với chủ đề “Mở trang sách-Sáng tương lai”. Đó là những tín hiệu tốt đẹp báo hiệu sự quan tâm đến văn hóa đọc không chỉ của Nhà nước mà của toàn xã hội, để xóa bỏ con số đáng ngại: Bình quân người Việt đọc 1 quyển sách/năm.

Qua các hội sách, tình hình xuất bản và thăm dò xã hội học cho thấy trẻ em dưới 13 tuổi là bạn đọc đông đảo nhất, vì đối tượng này vừa có thời gian lại được cha mẹ, thầy cô khuyến khích. Thế nên các sách cho lứa tuổi này bán chạy, như sách của Nguyễn Nhật Ánh hay J. K. Rowling... Về thể loại thì truyện tranh vẫn được ưa thích hơn cả. Một khảo sát nhỏ cho biết mỗi trẻ em ở thành phố đều sở hữu không dưới 5 quyển truyện tranh mỗi năm. Đối tượng đọc nhiều tiếp đến là thiếu niên từ 13 đến 16, vừa để phục vụ cho việc học nhiều môn vừa thoả tâm lý tò mò với những rung động say mê ở tuổi mới lớn. Thể loại sách đáp ứng độ tuổi này viết về tình yêu ban đầu, truyện kiếm hiệp, phiêu lưu, giả tưởng, kỳ ảo. Đối tượng học sinh phổ thông trung học (16 đến 19 tuổi) có mặt nhiều hơn ở gian sách dạy học ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh), sách tham khảo về văn, toán, lý, hóa… phục vụ trong chương trình học. Một số ít đọc sách về tình yêu, giới tính. Sách ngôn tình chủ yếu được mua bởi sinh viên đại học (chủ yếu là nữ) và các chị, các cô thường dưới 45 tuổi.

Dưới đây chúng tôi xin cung cấp số liệu cụ thể qua một đề tài khoa học khảo sát xã hội về văn hóa đọc: Về đề tài, sách về tình yêu, hôn nhân và gia đình; đọc sách về tâm linh, vô thức; sách về chiến tranh được bạn đọc quan tâm nhiều nhất. Về loại sách và tác giả, 48,5% độc giả chọn sách best seller (tức loại sách bán chạy. Họ đọc có thể chạy theo dư luận chứ chưa hẳn đã thích); sách của các tác gia kinh điển hoặc nổi tiếng cũng được nhiều bạn đọc quan tâm. Trả lời câu hỏi đọc sách để làm gì, thì 67% đọc để giải trí, thư giãn; số đọc để hiểu biết nâng cao kiến thức cũng chiếm khá cao. Đọc sách nào: Sách dịch vẫn đứng đầu. Tiếp theo là truyện ngắn, tiểu thuyết…

Có thể tạm thời rút ra một vài kết luận:

Việc trẻ em thích đọc truyện tranh là đáng mừng vì đúng với lứa tuổi tưởng tượng bay bổng của trẻ thơ. Nhưng phần lớn truyện tranh này là của tác giả nước ngoài (chủ yếu là Nhật Bản) in lại trên giấy đen vừa xấu vừa khó đọc chữ. Các tác giả truyện tranh Việt và xuất bản trong nước có cách gì để khỏi “thua trên sân nhà”?

Bạn đọc vẫn thích sách dịch hơn. Vì sao? Vì hấp dẫn, linh hoạt và nhiều tình huống căng thẳng, gay cấn hơn…

Loại sách về lịch sử vẫn còn ít người đọc là điều cần khắc phục sớm.

Các tác giả sách phải ngày càng viết hay hơn, mới hơn mới có thể có lượng độc giả riêng. Đó cũng là quy luật khắc nghiệt của nghệ thuật: Phải độc đáo, mới lạ!

Nguồn: QĐND (Nguyên Thanh)