Chủ Nhật, 02/08/2020 07:38

Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến chống "giặc" Covid-19

Ở nước ta, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của toàn dân, Đảng, Chính phủ đã tập trung mọi nguồn lực ngăn chặn, phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, trong đó quân đội rất vinh dự được Chính phủ tin tưởng và giao nhiệm vụ là lực lượng tuyến đầu.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra từ tháng 12 năm 2019 đến nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, trở thành đại dịch lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Nhận thức rõ tính cấp bách, tác hại khôn lường của dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đã có các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ “chống dịch như chống giặc”.

Trên tinh thần ấy, ngay từ những ngày đầu, quân đội ta đã nhanh chóng chủ động nhập cuộc và luôn ở tuyến đầu chống dịch. Cục Quân y - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng chống dịch Covid-19, trong suốt thời gian qua đã làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, nêu tấm gương sáng theo lời Bác Hồ dạy “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”.

Trong bối cảnh ấy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quân y. Đây cũng là dịp để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về truyền thống của chiến sĩ quân y, phẩm chất tỏa sáng của Bộ đội Cụ Hồ trong những ngày chống “giặc” Covid.

VNQĐ: Thưa đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội trên toàn cầu, các quốc gia đang phải ngày đêm gồng mình chống dịch. Riêng với Việt Nam, do chúng ta đã nhận thức và hành động hết sức đúng đắn ngay từ đầu nên đã có những kết quả thuận lợi, mang lại niềm tin cho nhân dân. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày nào cũng thấy hình ảnh cán bộ chiến sĩ quân đội ở tuyến đầu chống dịch, nhường nhà cửa doanh trại cho nhân dân, nhường cơm sẻ áo cho người thực hiện cách li y tế, ngày đêm sáng đèn tìm phương thuốc mới… Đó là những hình ảnh làm ấm lòng nhân dân, không chỉ tạo dựng niềm tin mà còn hướng tới cùng nhau vượt qua đại dịch. Xin đồng chí chia sẻ về vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Vâng, như các đồng chí đã biết, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã trở thành đại dịch toàn cầu, tính đến thời điểm hiện tại trên thế giới đã có 210 quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng 3 triệu người mắc Covid-19. Ở nước ta, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của toàn dân, Đảng, Chính phủ đã tập trung mọi nguồn lực ngăn chặn, phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, trong đó quân đội rất vinh dự được Chính phủ tin tưởng và giao nhiệm vụ là lực lượng tuyến đầu.

Đúng là hình ảnh cán bộ chiến sĩ toàn quân cùng các lực lượng chức năng trong đó có cán bộ chiến sĩ quân y thường xuyên xuất hiện trên truyền thông, báo chí, kể cả sự truyền miệng trong nhân dân. Đó đều là những hình ảnh và câu chuyện vô cùng xúc động. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng vào rừng ở lán trại, lập chốt chặn các đường mòn lối mở ngăn chặn nguồn dịch xâm nhập từ bên ngoài, các chiến sĩ túc trực sẵn sàng đón công dân và các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 từ sân bay về điểm cách li y tế và tận tình chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho nhân dân. Các đoàn xe Binh chủng Hóa học, Viện Y học dự phòng Quân đội, Trung tâm Y học dự phòng Quân đội phía Nam, các đội, tổ y học dự phòng... không quản ngại khó khăn, thâu đêm phun thuốc khử trùng, tiêu độc trên những tuyến phố ngăn chặn nguồn bệnh các khu dân cư.

Các phòng thí nghiệm quân y đêm đêm sáng đèn tìm phương thuốc mới. Hàng trăm cuộc hành quân bất kể đêm ngày, mưa nắng của các tổ cơ động phòng chống dịch từ các đơn vị quân y toàn quân tới các vùng có dịch là những hình ảnh thường thấy, gây xúc động tới toàn thể nhân dân. Đây cũng là sự thể hiện của trái tim, tấm lòng người chiến sĩ với nhân dân, cái nôi nuôi dưỡng người chiến sĩ trong suốt các chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành. Rất xúc động và giàu ý nghĩa.

VNQĐ: Trong phòng chống dịch Covid-19, từ trước đó nữa, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong đó có người chiến sĩ quân y luôn có mặt giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ cứu nạn, xóa đói giảm nghèo… là hình ảnh đẹp nhất, gần gũi nhất. Đặc biệt các chiến sĩ quân y, mùa nào cũng tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc cho nhân dân vùng sâu vùng xa. Bà con dân tộc ít người nơi tận cùng biên giới chưa nói sõi tiếng Kinh nhưng luôn nắm chặt bàn tay bộ đội giúp bản làng mở đường, lập trạm, dạy chữ, chăm sóc sức khỏe hàng ngày... thật khó kể hết được. Đặc biệt, trong những ngày này, dường như bà con lại càng ngóng đợi Bộ đội Cụ Hồ. Điều đó nói lên cái gì và các chiến sĩ ngành quân y đã và đang giúp đỡ bà con ra sao, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Không chỉ những năm gần đây mà truyền thống của chiến sĩ quân y từ thời chống Pháp, chống Mĩ là luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Ở nơi đâu có người dân sinh sống, bộ đội ta đều tới cùng ăn, cùng ở, cùng phát triển mọi mặt, lắng nghe không chỉ sức khỏe mà còn cả tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Được sống trong lòng nhân dân đã giúp cho người chiến sĩ nhận ra năng lực và lẽ sống của mình, đặc biệt với chiến sĩ quân y.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngành quân y luôn gương mẫu đi đầu trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là nơi vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Các đội xung kích khám chữa bệnh miễn phí của Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các Bệnh viện Quân y 175, 103, 354, 105... và các bệnh viện của quân khu, quân đoàn, các bệnh xá đơn vị trong toàn quân hàng ngày có mặt theo dõi chặt chẽ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở mức tốt nhất. Nhiều ca bệnh được cứu sống kịp thời nơi đảo xa, nơi núi cao rừng thẳm gây xúc động không chỉ với người trong cuộc mà còn có tác động rất tích cực tới cộng đồng xã hội.

Trong phòng chống dịch Covid, với chức năng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Cục Quân y đã kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Biện pháp cũng rất phong phú, phát huy sức mạnh mọi nguồn lực một cách linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại với y học cổ truyền, tận tụy làm việc, theo dõi chặt chẽ, giám sát y tế cho hàng vạn người cách li và nhân dân, đảm bảo tốt đời sống hàng ngày cho lực lượng làm công tác cách li và người dân một cách chủ động.

Một bữa ăn ấm nóng nơi chốt trạm biên giới, những viên thuốc, chiếc chăn ấm, có khi chỉ là lời động viên chân tình với cụ già, em nhỏ chưa quen việc cách li đã khiến mọi người gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn, yêu thương chia sẻ với bộ đội hơn. Bộ đội tới đâu nhân dân ở đó đều tin tưởng và an lòng. Việc khử trùng, tiêu độc ở các khu cách li, ở tuyến phố Trúc Bạch (Hà Nội), xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), thôn Hạ Lôi của xã Mê Linh (Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai đã bảo đảm an toàn cho cộng đồng và tạo niềm tin bền vững cho nhân dân.

Từ ngày mùng 2 tháng 2 năm 2020, quân đội nhận lệnh tham gia tiếp nhận, tổ chức cách li y tế với người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid vào Việt Nam tại trên 150 điểm với trên 60 nghìn người - đó là một thách thức lớn với người chiến sĩ. Việc không để lây nhiễm chéo ở các khu vực cách li và lây nhiễm chéo sang người phục vụ luôn được đặt ra rất nghiêm ngặt.

Toàn quân đã kiện toàn và sẵn sàng triển khai 154 tổ cơ động phòng chống dịch từ các bệnh xá quân y và đội y học dự phòng; 14 tổ chuyên khoa tăng cường và 20 đội cơ động phòng chống dịch tham gia vào lực lượng phản ứng nhanh của Chính phủ; 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm với 2.800 giường bệnh được sẵn sàng triển khai… Một điểm đặc biệt là vừa tham gia chống dịch khẩn trương cho nhân dân, vừa phòng chống dịch cho bộ đội, không để Covid lây nhiễm vào các cơ quan, đơn vị quân đội, luôn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu một cách cao nhất. Đây cũng là thử thách lớn, lửa thử vàng đối với chiến sĩ quân y.

Mùa xuân, thời tiết ẩm thấp cũng là mùa dịch bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, bùng phát. Nhân dân nay đã được ăn no, mặc lành thì việc tăng cường sức khỏe cho bà con phải được chú trọng. Có bộ đội, tuổi thọ của bà con vùng sâu vùng xa đã tăng lên rõ rệt. Họ luôn mong ngóng bộ đội đến với họ, thật tự nhiên, chí nghĩa chí tình như buổi đầu cách mạng.

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Cục Quân y tổ chức vào tháng 3 năm 2020. Ảnh: PV.

VNQĐ: Nhớ đến buổi đầu cách mạng, ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập, Chính phủ Việt Nam mới được thành lập ngay sau nạn đói với hai triệu người chết, dân số hầu hết mù chữ, dịch bệnh, ốm yếu rất nhiều. Rồi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, quân và dân phải rời các đô thị về tổ chức chiến đấu ở vùng nông thôn, rừng núi. Không chỉ thiếu vũ khí, đạn dược mà còn vô cùng thiếu lương thực, đặc biệt là thuốc men. Đúng lúc khẩn cấp đó, Cục Quân y được thành lập với vị Cục trưởng đầu tiên là Bác sĩ Vũ Văn Cẩn. Nhiệm vụ khi đó hết sức nặng nề, gian khổ, bảo vệ chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh, tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Xin đồng chí Cục trưởng chia sẻ sự trưởng thành từ trong gian khó ấy.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Chúng tôi là lớp hậu sinh đã cách xa những ngày đầu ấy trên nửa thế kỉ nhưng mỗi khi nhắc tới truyền thống anh hùng của bộ đội quân y ai cũng xúc động. Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nhiều ngành trong quân đội, trong đó có ngành quân y. Chính Bác Hồ là người gần gũi, là điểm tựa lớn nhất đối với đội ngũ quân y từ những ngày trứng nước cho tới hôm nay.

Chỉ hai tháng sau ngày thành lập (16 tháng 4 năm 1946), Quân y Cục đã tổ chức được Hội nghị Quân y lần thứ I (tháng 6 năm 1946) với những quyết sách quan trọng, kịp thời thực hiện tốt công tác bảo vệ, cứu chữa bộ đội và nhân dân, nhất là ở các mặt trận.

Tháng 3 năm 1948, trong Hội nghị Quân y lần thứ VI, Hồ Chủ tịch rất quan tâm đã gửi thư động viên, cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới phổ biến tình hình và nhiệm vụ mới, trong đó coi trọng hoạt động quân y ở cơ sở và từ ngày đó đã đề ra khẩu hiệu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chiến sĩ quân y khi ấy vừa học vừa làm, trực tiếp ở chiến trường, trực tiếp cầm súng và cứu chữa thương binh, bộ đội, có người hi sinh ở tuyến đầu. Còn vị Cục trưởng Quân y đầu tiên - Bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là người đặc biệt lắm…

VNQĐ: Quả là chiến tranh có rất nhiều điều đặc biệt, mà đặc biệt nhất là các trí thức theo lời mời của Hồ Chủ tịch đều nhất loạt từ bỏ mọi điều kiện vật chất, vị trí tốt, mức lương cao ở trong nước và ngoài nước để gia nhập kháng chiến, tiêu biểu như các trí trức lớn Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng… trong đó có Bác sĩ Vũ Văn Cẩn. Ông là tấm gương sáng không chỉ của ngành quân y mà của cả nền y tế non trẻ. Xin đồng chí chia sẻ về vị Cục trưởng đầu tiên đáng kính này.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Đúng là ngành quân y có những tấm gương lớn mà chúng tôi luôn hết sức kính trọng, lấy đó để học tập. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn - người anh cả của ngành quân y luôn có mặt ở chiến trường Điện Biên nóng bỏng. Từ trước đó, trong các chiến dịch Biên giới, Đông Xuân, bộ đội ta khi vận động bao vây đánh địch trên chiến trường Tây Bắc, Việt Bắc bị thương và bị bệnh khá nhiều. Vấn đề sức khỏe của bộ đội được Bác Hồ và Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn ngay sau ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 được Hồ Chủ tịch bổ nhiệm làm Giám đốc Ban Y tế Vệ quốc đoàn Trung ương.

Đến đầu năm 1946, Bác Hồ chỉ định bổ nhiệm ông làm Cục trưởng Quân y. Khi ấy, vị bác sĩ chuyên khoa về mắt Vũ Văn Cẩn mới tròn 31 tuổi. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những ngày đầu khó khăn thiếu thốn trăm bề. Ngành quân y non trẻ đã phải vượt qua nhiều thử thách. Bám sát đời sống bộ đội, nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kì, tất cả những gì có thể làm, lực lượng quân y đều làm bằng tất cả khả năng và sức lực. Toàn bộ thuốc men, máy móc ở phòng mạch của Bác sĩ Cẩn đã được ông cùng gia đình và các đồng nghiệp chuyển lên chiến khu cho kháng chiến. Ông còn vận động đồng nghiệp ủng hộ mua thuốc từ các hiệu thuốc lớn ở Hà Nội chuyển lên chiến khu.

Năm 1946, cuộc kháng chiến bùng nổ, việc cứu chữa thương bệnh binh trở nên cấp bách. Theo đề xuất của Dược sĩ Hoàng Xuân Hà, Bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã bàn với những cộng sự và cử Dược sĩ Hà đi Hồng Kông tìm mua những loại thuốc mà ở ta không có. Ông đã bàn bạc với vợ là bà Từ Thị Giốc huy động toàn bộ nữ trang quý của mình kể cả chiếc nhẫn cưới thiêng liêng giao cho Dược sĩ Hà mang đi Hồng Kông. Trái tim yêu nước đánh thức những trái tim yêu nước.

Tại Hồng Kông, khi biết được tấm lòng vàng của vợ chồng ông, đông đảo Việt kiều đồng lòng hướng về Tổ quốc đã quyên góp ủng hộ nhiều nguyên liệu, thuốc sát trùng, đặc biệt là thuốc sốt rét chuyển về cho kháng chiến mà không cần phải tiêu đến số tư trang của vợ chồng ông. Khi Dược sĩ Hoàng Xuân Hà đưa lại túi vàng, Bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã cảm động rơi nước mắt, chỉ lấy lại chiếc nhẫn cưới đưa cho vợ còn toàn bộ tư trang ông đã bảo Dược sĩ Hà chuyển lên nộp vào Văn phòng Chính phủ để sử dụng cho công cuộc kháng chiến còn đang bộn bề thiếu thốn.

Cục trưởng Vũ Văn Cẩn là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, sau đảm đương cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, cả đời cống hiến cho Tổ quốc. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII với những đóng góp sâu sắc để vị thế của y tế ngày càng phát triển bền vững. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với những đóng góp xuất sắc ở chiến trường. Cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân trong những khoảng thời gian khó khăn, bước ngoặt nhất của cách mạng.

Cao hơn mọi danh xưng, mọi thành tích, mọi huân huy chương, tôi luôn thấy ông thật gần gũi và bình dị từ những công việc cụ thể hàng ngày mà người đời kể lại. Ông đã về với thế giới của người hiền và chính ông luôn mang dáng dấp của người hiền, luôn hi sinh và dâng hiến tất cả cuộc đời mình cho Tổ quốc.

VNQĐ: Đúng là bộ đội quân y luôn thầm lặng hi sinh, có những đóng góp hết sức thiết thực trong các cuộc kháng chiến. Chính điều này đã tôi rèn nên phẩm chất và bản lĩnh của người chiến sĩ quân y, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần tạo nên bản lĩnh và nghị lực trong cuộc sống hôm nay. Xin đồng chí chia sẻ thêm những nét đẹp ấy.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Hi sinh về máu xương của bộ đội ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc là rất lớn, trong đó có sự đóng góp của người chiến sĩ quân y. Trong chiến tranh và cả khi đất nước đã im tiếng súng thì người chiến sĩ quân y luôn xác định mình ở tuyến đầu. Thời kì chống Mĩ, bộ đội quân y hành quân vào chiến trường vừa cầm súng vừa cứu chữa thương binh ngay tại mặt trận. Đã có những bác sĩ, y tá, y sĩ trở thành liệt sĩ mà tiêu biểu phải kể đến tấm gương liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Không bút mực nào kể hết được sự hi sinh của người lính và nhân dân chúng ta trong các cuộc chiến tranh. Điều này để nhắc nhở người chiến sĩ càng phải sống tốt hơn trong điều kiện hòa bình.

Hàng năm, khi tới viếng các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9, chúng tôi đã lặng người trước rất nhiều đồng nghiệp hi sinh ở độ tuổi còn rất trẻ. Đào tạo được một bác sĩ, y tá thời bình đã khó, thời chiến còn khó khăn hơn nhiều. Vậy mà các anh chị đã cống hiến máu xương của mình cho Tổ quốc. Chính vẻ đẹp cao cả ấy đã giúp chúng tôi vững bước hơn trong cuộc sống hôm nay. Như trong đại dịch Covid đang diễn ra, người chiến sĩ quân y lại kề vai sát cánh bằng niềm tin và nghị lực, kiến thức khoa học và nền tảng truyền thống để góp phần chiến thắng dịch bệnh.

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ thị: “Trong bất luận tình huống nào, quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu phòng, chống dịch Covid-19”; “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân nguyện đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, vì nhân dân phục vụ, tiếp tục xung kích, nòng cốt trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19”.

Trên tinh thần ấy, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; ban hành các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, phương án, chủ động nghiên cứu và tham gia sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế, chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng, tổ chức diễn tập thực tế với mọi tình huống, và trên thực tế, toàn quân ta đã để lại hình ảnh vô cùng tốt đẹp, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong phòng chống dịch bệnh Covid.

VNQĐ: Thời nào cũng vậy, hình ảnh đẹp nhất của Bộ đội Cụ Hồ vẫn là sự hi sinh. Ngày trước các chị các anh không tiếc sinh mệnh của mình nơi chiến trường bom đạn thì hôm nay lại là những hi sinh khác về vật chất, về tinh thần. Hi sinh để lớn hơn. Hi sinh để trưởng thành hơn. Vừa qua, có hàng chục tấm gương như thế. Đó là Trung úy Lương Sĩ Nhạc quê ở Châu Kim, Quế Phong, Nghệ An - chiến sĩ biên phòng Đồn Phú Quý, Bình Thuận đã định ngày cưới với người vợ tương lai Nguyễn Thị Mai Thảo là điều dưỡng viên tại Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý. Ảnh cưới đã chụp. Họ hàng đang chờ đợi ngày vui vậy mà cặp đôi Nhạc - Thảo vẫn quyết định gác tình duyên để thực hiện tốt việc phòng chống Covid. Đó là Trung úy Nguyễn Tiến Đua, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy Đồn Biên phòng Phú Gia, Hà Tĩnh, đã chuẩn bị xong mọi việc cho lễ thành hôn dự kiến ngày 12 tháng 4 năm 2020 nhưng anh đã chủ động bàn với vợ sắp cưới hoãn lại. Bản thân Trung úy Đua hơn hai tháng nay chỉ huy bộ đội lập chốt phòng chống dịch tại đường mòn biên giới. Đó là Trung úy Phạm Quang Tiến, cán bộ Đồn Biên phòng Long Bình, An Giang đã nửa năm nay chưa về thăm gia đình, khi biết vợ mang thai con đầu lòng bị sảy phải mổ cấp cứu nhưng cũng không thể về vì nhiệm vụ. Đó là Đại úy Trần Viết Nam, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, Sơn La khi biết tin em gái ốm rồi mất cũng không thể về đưa tang được. Riêng lực lượng biên phòng trong phòng chống dịch Covid đã có 27 đồng chí hoãn kết hôn, 20 đồng chí vợ sinh con đã xin nghỉ phép vẫn tình nguyện ở lại cùng đồng đội chống dịch. Các lực lượng khác trong toàn quân cũng vậy. Đặc biệt lực lượng quân y, nhiều tấm gương sáng trong phòng chống Covid càng khiến chúng ta vững tin hơn vào chiến thắng…

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Đúng như vậy! Không chỉ các tấm gương đã được phản ánh trên báo chí, truyền thông đâu mà còn rất nhiều tấm gương lặng thầm trong các công tác phòng chống dịch Covid. Ở Học viện Quân y, nhóm bác sĩ giỏi chuyên môn đã được huy động ngày đêm nghiên cứu, kịp thời chế tạo thành công bộ sinh phẩm (bộ kit) real-time RT-PCR phát hiện virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) và nhiều sản phẩm khác, với độ nhạy, đặc hiệu, tính ổn định cao, bảo đảm chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là công cụ quan trọng và cần thiết, góp phần phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác kiểm soát, phát hiện dịch Covid. Thế chủ động của ngành quân y đã được xác lập ngay từ đầu. Đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong các cuộc họp trực tuyến, chỉ đạo diễn tập toàn quân đã khẳng định “chỉ có quân đội mới làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid được như thế”.

Cùng với nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch do Chính phủ giao, chúng ta còn phải thực hiện đồng bộ việc phòng chống không để dịch Covid lây nhiễm vào các cơ quan, đơn vị trong quân đội. Điều này thật chẳng dễ dàng. Bộ đội cũng là con người với những ăn ở, sinh hoạt như bất cứ công dân nào khác. Vậy anh phải phòng chống sao đây? Còn vợ con, gia đình, người thân, nội ngoại nữa chứ! Ai cũng có cha mẹ già, nhiều người ở quê xa, không ít các cụ cao tuổi luôn ốm đau bệnh tật. Phải làm sao để dung hòa mọi thứ trong chống dịch Covid quả là bài toán không dễ giải, đòi hỏi tính khoa học và đặc biệt là sự hi sinh. Chính sự hi sinh của các chiến sĩ trong đó có chiến sĩ quân y trong chống dịch Covid đã góp phần tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

VNQĐ: Ngày trước, lửa đạn chiến tranh đã rèn luyện nên bản lĩnh và phẩm chất người chiến sĩ quân y. Ngày nay, dù không mong muốn có dịch bệnh, nhưng người chiến sĩ quân y đã một lần nữa thể hiện bản lĩnh và sự trưởng thành của mình trên tuyến đầu chống dịch. Sẽ có nhiều kinh nghiệm được đúc rút. Sẽ có những cơ chế, nhiệm vụ phải điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển bền vững mà chúng ta hướng tới. Đồng chí có nghĩ như thế?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Thực tiễn cuộc sống phong phú đã cho chúng ta rất nhiều bài học bổ ích. Trong những lúc khó khăn giáp mặt với nguy hiểm, nhất là trong một thế giới phẳng như hiện nay, các vấn đề nhận thức, tâm lí, phương cách hành xử cũng đã có những đổi khác. Nhưng rất mừng một điều rằng, người chiến sĩ trong đó có người chiến sĩ quân y không chỉ giữ vững phẩm chất và bản lĩnh, hết lòng vì nhân dân mà còn biết từ những hiểm nguy ấy, bình tĩnh tự tin, chủ động sáng tạo thực hiện tốt nhất công việc của mình.

Điều này chính là sự trưởng thành mới của người chiến sĩ trong cuộc sống sôi động, có không ít phức tạp như hôm nay. Dịch bệnh Covid rồi sẽ được khống chế. Cán bộ chiến sĩ ngành quân y sẽ tiếp tục những công việc chuyên môn hữu ích của mình, phục vụ nhân dân và bộ đội, nhưng chắc chắn, tình cảm, trí tuệ, sự trưởng thành của mỗi chiến sĩ qua phòng chống dịch Covid là rất lớn. Để chúng ta hiểu mình hơn, soi rõ năng lực, trách nhiệm của mình, cả tình cảm thiết thân máu thịt cũng được nâng lên, hòa quyện. Đó là những bài học lớn mà chúng ta thu nhận được.

VNQĐ: Vâng! Ngành quân y đã trưởng thành cùng sự trưởng thành vững chắc, toàn diện của quân đội ta, và hôm nay, mỗi cán bộ chiến sĩ quân y đang viết tiếp những trang sử vẻ vang. Đồng chí có suy nghĩ gì về người chiến sĩ quân y hôm nay?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên: Thật tự hào là người chiến sĩ quân y! Điều này không chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi mà còn là mơ ước của rất nhiều cô bé cậu bé đang ngồi trên ghế nhà trường. Người chiến sĩ quân y hôm nay không chỉ phấn đấu giỏi chuyên môn, giàu tình cảm, luôn nâng cao trí tuệ, mà cao hơn là phải biết trân trọng truyền thống, từ đó chia sẻ, đồng hành với đồng đội, với nhân dân. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ viên thuốc, thìa cháo, lời tâm tình với người bệnh, với người dân, với cha mẹ, anh chị, vợ chồng, hàng xóm láng giềng nghĩa tình thơm thảo, với đồng chí đồng đội còn nhiều khó khăn nơi hải đảo biên cương. Mỗi người hãy làm thật tốt chức phận của mình, nhiệm vụ của mình, hãy biết nhường nhịn, hi sinh, tự nhiên sự trưởng thành sẽ đến. Chúng ta hãy biết ơn mỗi người xung quanh, đặc biệt là thế hệ cha anh đi trước. Và thật vững vàng, tự tin vào chính chúng ta, những người lính Cụ Hồ.

VNQĐ: Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng!