Thứ Sáu, 13/09/2019 08:24

Sáng tác của nữ văn sĩ Nhật Bản ngày càng được nhìn nhận đúng đắn

Một trong số giải thưởng văn học đáng khao khát nhất Nhật Bản - giải Naoki - năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử 85 năm vinh danh tất cả các tác phẩm đến từ các nữ tác giả.

Một trong số giải thưởng văn học đáng khao khát nhất Nhật Bản - giải Naoki - năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử 85 năm vinh danh tất cả các tác phẩm đến từ các nữ tác giả.

Natsuko Imamura (phải), người chiến thắng giải thưởng Akutagawa và Masumi Oshima, người chiến thắng giải thưởng Naoki, hình ảnh sau lễ trao giải tại Tokyo.

Nhật Bản được coi là quê hương của cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của thế giới - Truyện kể Genji - do nữ quý tộc có biệt danh là Murasaki Shikibu viết vào thế kỉ 11, triều đại Thiên hoàng Nhất Điều (986-1011). Cuốn tiểu thuyết lớn về dung lượng, phức tạp về nội dung và quyến rũ về mặt hình thức, trở thành một hiện tượng có một không hai đối với văn học nhân loại thời kì trung cổ tiền Phục Hưng và xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết châu Âu bằng tác phẩm Don Quijote của Miguel de Cervantes vào thế kỉ 16.

Về sau, tiểu thuyết hiện đại của đất nước mặt trời mọc được định hình bởi những nam nhà văn tài năng, cá tính, từng đoạt giải Nobel như Kenzaburo Oe và Yasunari Kawabata. Trong nhiều thập kỉ gần đây, văn học Nhật Bản cũng bị chi phối bởi Haruki Murakami, nhà văn có khả năng pha trộn giữa chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hiện thực kì ảo cùng với sức lan tỏa của văn hóa nhạc pop, đã khiến những sáng tác của ông trở thành những cuốn sách bán chạy trên phạm vi thế giới.

Những năm trở lại đây, văn học Nhật Bản ngày càng chuyển mình mạnh mẽ, có nhiều khác biệt khi xuất hiện những tiếng nói mới thuộc nhiều lứa tuổi: các nhà văn trẻ, các nhà văn lớn tuổi giàu kinh nghiệm, các nhà văn nữ ngày càng đông đảo và nhận được sự công nhận trong nước và quốc tế.

Tháng 8/2019 vừa qua, hai nữ nhà văn Natsuko Imamura và Masumi Oshima lần lượt được trao giải thưởng Akutagawa và Naoki. Giải Akutagawa và Naoki đều được trao 2 lần mỗi năm, một cho tác phẩm văn học hàn lâm được xuất bản trên báo hoặc tạp chí của tác giả mới vào nghề, thường trao cho truyện ngắn và truyện vừa; một cho tác phẩm văn học đại chúng hay nhất, dưới bất kì hình thức nào, của một tác giả trẻ. Người chiến thắng sẽ nhận được chiếc đồng hồ kỉ niệm và 1 triệu Yên Nhật (khoảng 200 triệu tiền Việt) nhưng giá trị hơn cả là người viết sẽ có được uy tín trong nghề và sự chú ý, đầu tư của truyền thông một cách rõ ràng, có định hướng để họ có thể đến với đông đảo độc giả thông qua con đường dịch thuật.

Chẳng hạn, cuốn Convenience Store Woman (tạm dịch: Người phụ nữ tại cửa hàng tiện lợi) của nhà văn Sayaka Murata viết từ cảm hứng công việc hàng ngày của mình, đã bán được 600.000 bản tại Nhật kể từ khi tác giả giành giải Akutagawa trong năm 2016. Vào cuối năm 2016, khi cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Anh, tên tuổi Sayaka Murata càng được biết đến rộng rãi khi cô nhận giải tiểu thuyết hay nhất trong năm của tờ New Yorker - tạp chí văn học nghệ thuật hàng đầu của Mĩ, từng là bệ phóng cho Murakami trở thành ngôi sao.

Theo các chuyên gia tiêu thụ sách, các nhà xuất bản ở Anh và Mĩ đã và đang chứng kiến lượng độc giả có nhu cầu tiểu thuyết dịch thuật ngày càng tăng, trong số đó có tới phân nửa thuộc về các tác giả nữ Nhật Bản đạt giải thưởng. Ví dụ, cuốn The Emissary của Yoko Tawada được dịch và xuất bản vào năm ngoái tại Mĩ đã giành giải thưởng Sách quốc gia 2018 của nước này cho tác phẩm dịch.

Ông David Karashima, giáo sư Đại học Waseda, người đã dịch các tiểu thuyết giành giải Akutagawa nhận xét: “Những giọng nói mới vừa xuất hiện trong vài năm qua đến từ các tác giả nữ Nhật Bản thật đáng khích lệ. Họ đã cung cấp cho độc giả tiếng Anh nhiều trải nghiệm độc đáo”. Tuy thực chất, tỉ lệ phụ nữ được xuất bản ở Nhật vẫn thấp hơn nam giới, song ông Karashima lạc quan cho rằng, điều này sẽ dần thay đổi, một phần từ cuộc bùng nổ trong tiểu thuyết dịch Nhật Bản, một phần vì phụ nữ dần nắm nhiều quyền lực hơn trong ban tuyển chọn các giải thưởng văn học.

Ông Karashima cũng cho rằng, bạn đọc Nhật Bản ngày càng có nhu cầu đối với các tác phẩm viết bằng giọng nữ. Bằng chứng là, tác phẩm của các nhà văn nữ mới đoạt giải Akutagawa và Naoki bán chạy nhất mùa hè 2019 và một số phát hành gần đây của tạp chí văn học Bungi về “Hàn Quốc, nữ quyền và Nhật Bản” được yêu cầu hai lần tái bản, lần đầu tiên sau hơn 80 năm.

Erika Tsugawa, một dịch giả có trụ sở tại Mĩ, người điều hành blog Tsundoku Reader chia sẻ, cô cũng đã nhận thấy một làn sóng các nhà văn Nhật Bản mới bước vào sáng tác ở tuổi trung niên và khởi đầu từ các công việc không mấy liên quan nhưng đã khẳng định được dấu ấn. Ví dụ Chisako Wakatake, 63 tuổi - người đã giành giải Akutagawa năm 2017 cho cuốn Tôi sẽ sống một mình.

Người hâm mộ có quyền hi vọng sự phổ biến của những tiếng nói mới sẽ dẫn đến sự đa dạng trong cách thể hiện và bản sắc của các tác phẩm văn học trong một xã hội thường rập khuôn, ngay cả tại đất nước như Nhật Bản.

HIÊN NGỌC dịch tổng hợp