Thứ Hai, 28/04/2025 10:30

Solvej Balle: “Một ngày có thể dài đến mức nào?”

Nhà văn Đan Mạch Solvej Balle gần đây gây chú ý khi tác phẩm On the Calculation of Volume I lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker Quốc tế.

Nhà văn Đan Mạch Solvej Balle gần đây gây chú ý khi tác phẩm On the Calculation of Volume I lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker Quốc tế. Có người cho rằng bà có nét tương đồng với Jon Fosse, chủ nhân giải Nobel Văn chương 2023 – cũng là tác giả của một bộ tiểu thuyết gồm bảy phần và từng được vinh danh tại giải Văn học Bắc Âu.

Nhà văn Đan Mạch Solvej Balle.

Nếu nhìn vào cốt truyện, cảm giác quen thuộc là điều khó tránh. Nhân vật chính của tiểu thuyết, Tara, bất ngờ nhận ra mình đang sống lặp lại cùng một ngày – mãi mãi. Điều kỳ lạ là chỉ riêng cô bị kẹt trong vòng lặp thời gian ấy. Nghe đến đây, không ít người liên tưởng đến bộ phim Groundhog Day, nơi nhân vật Phil cũng mắc kẹt trong ngày 2/2. Tuy nhiên, Tara của Balle sống đi sống lại ngày 18/11.

Điều thú vị là Balle đã nghĩ ra ý tưởng này trước cả khi bộ phim nổi tiếng ra đời. Bà kể rằng câu chuyện bắt đầu hình thành từ nỗi ám ảnh ở tuổi 20 khi đọc Ulysses của James Joyce và tự hỏi: “Một ngày có thể kéo dài đến mức nào?”. Ban đầu, bà định đặt tên cho tiểu thuyết là 1989, nhưng mãi đến 20 năm sau tác phẩm đầu tiên trong bộ bảy phần này mới được xuất bản bằng tiếng Đan Mạch. Khi biết có người “vô tình trùng ý tưởng” với mình, thay vì hụt hẫng, bà chỉ nhẹ nhàng nghĩ: “Thật tuyệt. Có người thay mình hiện thực hóa điều mà bản thân chưa sẵn sàng theo đuổi.”

Trong On the Calculation of Volume I, Tara – một cô gái khoảng 20 tuổi bán sách hiếm ở miền quê nước Pháp – dù bị mắc kẹt trong thời gian, vẫn chịu sự chi phối của thế giới vật chất: tóc vẫn mọc dài, cơ thể vẫn già đi, vết thương vẫn lành, thức ăn trong tủ lạnh vẫn hỏng. Balle tạo ra một vũ trụ nơi mọi quy luật đều khác thường. Cuốn sách không chỉ kể về một người muốn thoát khỏi tình cảnh éo le, mà còn khắc họa một trí tuệ tò mò, luôn cố gắng giải mã thế giới xung quanh.

2 phần đầu tiên thuộc về bộ 7 On the Calculation of Volume.

Chính Solvej Balle cũng có cuộc sống phi tuyến như nhân vật của mình. Sinh năm 1962 tại Nam Jutland, bà từng “làm tất cả những điều không nên làm nếu muốn trở thành một nhà văn”. Khi còn học trung học, bà thường xuyên di chuyển giữa Đan Mạch và Paris – nơi bà vừa làm bảo mẫu, vừa bắt đầu viết lách. Dù học văn và lấy bằng triết học, nhưng mãi đến năm 56 tuổi mới hoàn thành chương trình.

Tác phẩm đầu tay Lyrefugl (Chim hót nhái) ra mắt năm bà 22 tuổi, nhưng đến năm 1993, bà mới được giới phê bình chú ý nhờ cuốn According to the Law: Four Accounts of Mankind (Bốn câu chuyện về loài người) – một bộ tứ truyện ngụ ngôn triết lý được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhà phê bình Jes Stein Pedersen của báo Politiken từng nhận xét: “Tôi nhớ mình từng nghĩ đây là một tác phẩm lớn. Bà ấy có một giọng văn thật sự đặc biệt.”

Năm 2005, Balle rời Copenhagen, chuyển đến đảo nhỏ Ærø với chưa đến 6.000 cư dân. Bà nói thẳng: “Tôi thấy ngành xuất bản Đan Mạch ngày càng chạy theo thương mại, sách bán chạy và những thứ vô nghĩa, nên tôi bỏ đi.” Tuy nhiên, bà cho rằng cách nói mình muốn trở thành “ẩn sĩ” là quá lãng mạn. Balle nói: “Ở Đan Mạch, cũng như ở Anh, chỉ cần rời khỏi thủ đô là coi như biến mất.”

Sau đó, bà lập nhà xuất bản riêng – Pelagraf – và ra mắt thêm hai tác phẩm: một tiểu thuyết ngắn If and Then, cùng năm phần đầu tiên trong bộ bảy quyển đang viết dở. Khi được hỏi liệu cuộc sống đơn điệu trên đảo có truyền cảm hứng cho Tara không, bà phủ nhận: “Ít nhất ở đây còn có thể làm việc theo mùa, chứ thành phố bây giờ mùa nào cũng như nhau.” Dù vậy, bà thừa nhận: “Tôi cần không gian để neo giữ những ý tưởng của mình, và nơi này cho tôi điều đó.”

Tara ban đầu sống cùng chồng – Thomas, người cũng làm nghề buôn sách hiếm. Mỗi ngày, cô đều kể cho anh nghe về những điều lạ lùng mình trải qua. Vì thế, cuốn tiểu thuyết khởi đầu như một câu chuyện tình. Nhưng Balle cho rằng gọi nó là tiểu thuyết tình yêu thì chưa đủ. Tara rời bỏ Thomas, và bắt đầu hành trình du hành khắp châu Âu, nơi cô tự mình tái tạo những mùa trong năm, điều mà vòng lặp thời gian đã tước đi. Từ đó, câu chuyện dần chuyển hóa thành một ngụ ngôn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Trong phần thứ ba, do Sophia Hersi Smith và Jennifer Russell dịch sẽ được nhà xuất bản Faber phát hành bản tiếng Anh vào tháng 11 tới, Tara bất ngờ gặp những người cùng cảnh ngộ. Niềm hi vọng về một lối thoát bắt đầu le lói.

Tuy nhiên, chính Solvej Balle cũng chưa có câu trả lời cuối cùng. Bà hiện đang vật lộn với phần thứ sáu, vốn liên quan đến vật lý lượng tử và triết gia Hy Lạp cổ đại Epicurus – người tin rằng mục tiêu của triết học là đạt được hạnh phúc và sự an nhiên, không đau đớn hay sợ hãi.

Vì thế, những phần tiếp theo có thể sẽ chưa xuất hiện – ít nhất là chưa thể trong tương lai gần.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch theo The Guardian