Chủ Nhật, 14/07/2019 19:34

Sơn mài là trừu tượng

Sơn mài là dùng sơn để vẽ và dùng cảm xúc để mài tranh. Tạo hình là rất quan trọng và với sơn mài thì mài chính là vẽ. Người họa sĩ mài ra câu chuyện, mài ra kí ức của mình trong tác phẩm.

 Sáng 14/7 tại Hà Nội, Cuci Art Studio đã tổ chức buổi thảo luận mở: Câu chuyện sơn mài để tìm hiểu và trao đổi sâu hơn về nghệ thuật sơn mài với các nghệ sĩ tham gia triển lãm “Câu chuyện sơn mài: Đối Thoại Cửa Võng” đã được khai mạc vào ngày 22/6/2019.

Không gian buổi thảo luận mở: Câu chuyện sơn mài

“Câu chuyện sơn mài: Đối thoại Cửa Võng” nói về vẻ đẹp và giá trị lịch sử của nghệ thuật sơn mài theo dòng chảy thời gian. Đây là triển lãm đem đến thử thách mới cho mỗi nghệ sĩ: phá bỏ những giới hạn của chất liệu và tôn vinh ngôn ngữ tạo hình. Đây cũng là triển lãm đầu tiên có sự tham gia của các nghệ sĩ đương đại đa phương tiện sử dụng chất liệu sơn mài đem đến cho công chúng một góc nhìn khác về tạo hình thông qua chất liệu sơn mài truyền thống thường thấy.

Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam. Đây là sự tìm tòi và phát triển kĩ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kĩ thuật sơn mài. Kĩ thuật mài là điểm khác biệt lớn và phân biệt giữa đồ thủ công sơn mĩ nghệ và tranh sơn mài Việt Nam. Và đây cũng là yếu tố để các họa sĩ vẽ tranh sơn mài làm nên những câu chuyện, những tác phẩm của riêng mình.

Theo họa sĩ Nguyễn Trường Linh, người có kinh nghiệm 25 năm làm tranh sơn mài thì, sơn mài là một chất liệu rất đặc biệt. Họa sĩ cần phải yêu và hiểu sơn mài thì mới có thể gắn bó và đồng hành được với tranh sơn mài. Chất liệu sơn mài bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời tiết, môi trường, độ ẩm... Bên cạnh đó, không có một công thức nhất định để tạo ra được những chất liệu cho sơn mài, vì vậy phần lớn là phụ thuộc vào yếu tố kinh nghiệm cũng như cảm xúc của người nghệ sĩ để có được những tác phẩm của riêng mình. Đây cũng là yếu tố làm nên sự phong phú, đa dạng cho tranh sơn mài Việt Nam.

Ngai - Nguyễn Trường Linh, sơn mài, 90x70cm, 2019

Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, v.v. vẽ trên nền vóc màu đen. Những năm 1930, các họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mĩ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre, v.v. và đặc biệt đưa kĩ thuật mài vào tạo nên kĩ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh.

Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương cho biết: sơn mài gần gũi với nếp sống, tư duy, văn hóa Á Đông. Sơn mài ẩn sâu những tầng lớp không gian nghệ thuật phương đông. Với nghệ sĩ Việt Nam, sơn mài luôn là một thế mạnh bởi loại hình hội họa truyền thống này. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý niệm của họa sĩ với sơn mài trong đời sống cũng như trong văn hóa. Các họa sĩ sơn mài đương đại hôm nay vẫn đang cố gắng để đem đến những thể nghiệm mới cho sơn mài cũng như hướng cho sơn mài sẽ trở nên phổ biến hơn trong nghệ thuật hội họa quốc tế.

Có thể nói, không chỉ riêng Việt Nam mới có sơn mài. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản thì sơn mài cũng phổ biến. Từ những năm 70 của thế kỉ trước đã có rất nhiều họa sĩ Trung Quốc sang Việt Nam học sơn mài và mua sơn, vóc từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của số đông các nhà chuyên môn thì sơn mài của Trung Quốc vẫn đang ở giữa ranh giới của mĩ nghệ và hội họa. Còn ở Nhật Bản hay Hàn Quốc thì màu sơn thường được pha chế sẵn theo công thức nào đó để các họa sĩ sử dụng, điều này cũng tạo nên sự khác biệt lớn với sơn mài Việt Nam. Sơn mài Việt Nam được đánh giá cao bởi thể hiện được nỗ lực sáng tạo, cá tính và tính cá nhân cao của họa sĩ ngay từ cách pha màu, sử dụng chất liệu...

Theo họa sĩ Vũ Trung, bảng màu trong hội họa sơn mài cũng đã có nhiều thay đổi trong khoảng 15 năm trở lại đây. Có được điều này là do các họa sĩ Việt Nam đã cố gắng đưa thêm những chất liệu khác vào sơn mài. Bên cạnh đó là sự thay đổi quan niệm về sơn mài của các họa sĩ cũng dẫn đến sự thay đổi bảng màu của sơn mài trong hội họa.

Họa sĩ Công Quốc Thắng chia sẻ: sơn mài là dùng sơn để vẽ và dùng cảm xúc để mài tranh. Tạo hình là rất quan trọng và với sơn mài thì mài chính là vẽ. Người họa sĩ mài ra câu chuyện, mài ra kí ức của mình trong tác phẩm.

Những nàng tiên - Nguyễn Gia Trí vẽ trước 1940

Sơn mài ở Việt Nam là một nét son trong nghệ thuật tạo hình. Họa sĩ Vũ Trung bày tỏ mong muốn trong tương lai sơn mài sẽ có chỗ đứng và có tiếng nói hơn nữa trong đời sống nghệ thuật. “Câu chuyện sơn mài” sẽ đi xa hơn nữa, và điều này phụ thuộc vào những họa sĩ đã và đang đam mê với sơn mài. “Bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi. Vì nó không thực như ngoài đời. Họa sĩ sơn mài nhìn vào tâm bên trong, chứ không nhìn vào cái vỏ bên ngoài của sự vật”. Đó là những lời của danh họa Nguyễn Gia Trí, người đã có những bức tranh sơn mài tài hoa.

TÙNG QUÂN