Chủ Nhật, 02/06/2019 22:06

Sơn mài truyền thống chuyển mình thời hội nhập

Từ thực tế sáng tác phong phú, đa dạng của thời kì đổi mới, sơn mài vẫn giữ được nét truyền thống, có thể kể đến những tên tuổi như: Nguyễn Trường Linh, Lý Trực Sơn, Phan Quang Tuấn, Đỗ Đức Khải,...

Sơn mài ngày nay, dưới bàn tay của những họa sĩ trẻ đang mang những giá trị hiện đại nhưng vẫn thể hiện rõ tinh thần dân tộc cùng sự chuyển mình của đất nước thời hội nhập. Một thế hệ tác giả đã hình thành và tạo nên diện mạo sơn mài đa dạng về xu hướng và phong cách, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Buổi tọa đàm “Tranh sơn mài truyền thống, một cách tiếp cận hiện đại” nằm trong đề án Tương lai của Truyền thống vừa được tổ chức ngày 1/6, tại Hà Nội với sự tham gia của họa sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi.

Họa sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi (phải) chia sẻ về chất liệu trong sơn mài

Sơn mài truyền thống trong bối cảnh hiện đại

Sơn mài là một loại hình nghệ thuật có xuất sứ từ nghề sơn cổ truyền, cho đến khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1925. Những họa sĩ thời ấy như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân… đã tìm tòi, thể nghiệm và cho ra đời tranh sơn mài với ý nghĩa: sơn - vẽ bằng chất liệu sơn ta, một loại sơn lấy từ nhựa cây sơn vùng Phú Thọ; mài - vẽ xong rồi mài (hay còn gọi là mài vẽ).

Họa sĩ Nguyễn Quân từng cho rằng truyền thống là sự lấy lại những suy nghĩ, xúc cảm của một xã hội, của một con người hay dân tộc. Truyền thống giúp cho con người giữ lại những thành quả của quá khứ để không phải làm lại từ đầu. Truyền thống vì thế là bậc thang để nhân loại tiến lên phía trước.

Ngày nay, nghệ thuật sơn mài vẫn tiếp tục kế thừa giá trị truyền thống. Tính truyền thống ấy thể hiện ở chất liệu, kỹ thuật và đề tài.

Họa sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi cho biết, chất liệu sơn ta là một trong những nét truyền thống của mỹ thuật Việt Nam. “Khi rất nhiều họa sĩ dùng sơn Nhật để vẽ thì tôi vẫn chọn sơn ta bởi sơn Nhật dù dễ tính nhưng thường cứng và rất khó mài, chỉ phù hợp với đồ mỹ nghệ, trang trí, còn sơn ta mềm hơn, mang lại chiều sâu và sự bí ẩn sau mỗi mảng màu. Tôi vẫn sử dụng những kỹ thuật truyền thống như thể hiện màu sắc nhiều lớp, phủ mài, đánh bóng… để cho ra đời những bức tranh sơn mài rất Việt Nam mà không một quốc gia nào có được”.

Nguyễn Oanh Phi Phi chọn lựa đề tài thể hiện trong tác phẩm của mình thường là những thứ bình dị như hình ảnh gạch nung, hoa văn của nền gạch cũ, mâm cơm, những chiếc dép để ngoài cửa, hình ảnh hoa phượng đỏ… tất cả đều là những vật không được mài dũa nhưng khi thể hiện bằng chất liệu sơn mài nó trở nên hấp dẫn và bóng bảy. Chất Việt Nam, chất truyền thống rõ ràng cũng thể hiện ở trong đó.

Từ thực tế sáng tác phong phú, đa dạng của thời kì đổi mới, sơn mài vẫn giữ được nét truyền thống, có thể kể đến những tên tuổi như: Nguyễn Trường Linh, Lý Trực Sơn, Phan Quang Tuấn, Đỗ Đức Khải, Nguyễn Đức Việt, Trần Tuấn Long, Chu Viết Cường, Nguyễn Đức Đàn… Những họa sĩ này kế thừa công đoạn làm sơn mài thủ công, chỉ sử dụng sơn ta truyền thống nhưng lại khoác lên mình những chiếc áo mới nhiều loại màu sắc, đa dạng đề tài phản ánh cuộc sống hiện đại. Điều đó chứng tỏ sơn mài truyền thống trong bối cảnh ngày nay thể hiện sự biến chuyển sinh động và đa dạng.

Tác phẩm được chiếu qua hệ thống thấu kính sơn mài do chính Oanh Phi Phi chế tạo

Cách tân sơn mài truyền thống

Nguyễn Oanh Phi Phi so sánh nghệ thuật sơn mài truyền thống cũng như âm nhạc, người nghệ sĩ không thể hát mãi những giai điệu, nhịp điệu xưa cũ. Những người trẻ sinh ra ở thế kỷ hiện đại, lối sống, suy nghĩ thay đổi vì thế họ cần sự sáng tạo để thể hiện ngôn ngữ cá nhân. Có nhiều người cho rằng, xu hướng thương mại hóa nghệ thuật đã khiến một số họa sĩ làm tranh sơn mài theo kiểu “hàng chợ”, sử dụng chất liệu “phi sơn ta” khiến cho sơn mài không giữ được vẻ đẹp truyền thống. Mặt khác, chất liệu sơn ta ngày càng hiếm, công đoạn cầu kỳ khiến người họa sĩ tốn nhiều tâm sức và thời gian. Chính điều này làm cho sơn mài truyền thống trong bối cảnh hiện đại trở nên “kén” họa sĩ và cũng “kén” người thưởng thức.

Nghệ thuật sơn mài đến nay vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn kỳ diệu và chứng tỏ khả năng biểu đạt vô hạn, vì vậy khuyến khích người nghệ sĩ không ngừng đổi mới, sáng tạo. Nghệ thuật sơn mài đã chứng kiến những biến chuyển độc đáo như trên mặt tranh: vỏ trứng, vỏ trai được họa sĩ dùng để diễn tả màu da, ánh sáng, màu sơn son thiếp vàng quyền quý hay những vật dụng bình dị như mâm cơm, chén nước… Ngoài những màu sắc đã sử dụng truyền thống như đen, nâu, vàng, bạc, nay có thêm các màu mới như lam, lục làm phong phú thêm bảng màu sơn mài mà vẫn giữ được bản sắc của chất liệu. Sơn mài ngày nay cũng được thể hiện trên nhiều vật liệu và kích thước đa dạng, phong phú hơn, cho thấy sự sáng tạo mạnh mẽ của dòng nghệ thuật này.

Tác phẩm được phóng chiếu từ bức tranh sơn mài trên kính

Nguyễn Oanh Phi Phi là một trong những họa sĩ mạnh dạn cách tân tranh sơn mài Việt Nam, thể nghiệm sơn mài với nhiều chất liệu mới và áp dụng công nghệ nhằm mở rộng năng lực thị giác. Không chỉ để soi rọi những đặc tính ẩn khuất trong lịch sử và văn hóa của chất liệu mà còn mang đến các cơ hội đối thoại mới cho chất liệu có tính truyền thống này. Oanh Phi Phi đã bỏ vật liệu nền của tranh sơn mài (vóc) thay vào đó chị vẽ trên bề mặt tấm kính mỏng, rồi chiếu chúng bằng máy lacquerscope cho hình ảnh hiện lên một tấm lụa trong. Cuộc gặp gỡ thị giác đặc biệt ấy khiến người xem ngỡ ngàng. Sơn mài bây giờ là hình ảnh trên tấm kính, tấm lụa, tầng tầng, lớp lớp sơn với những màu sắc độc đáo hiển hiện rõ nét trước mắt người xem.

Thế kỷ XX đã chứng kiến những biến đổi to lớn trong việc nhìn nhận và biến đổi của nhiều loại hình nghệ thuật, sơn mài cũng không nằm ngoài quy luật tự nhiên đó. Sẽ có những giải pháp, cách tân nghệ thuật mới mẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nội tại của nghệ thuật và của người thưởng thức, đưa sơn mài Việt Nam trở thành chất liệu truyền thống quý báu cần được gìn giữ và phát triển phù hợp với xu thế hiện đại.

NGUYỄN LINH