Chủ Nhật, 06/10/2019 08:53

Sự giải phóng năng lượng cá nhân của một nhà thơ

Vài thập niên gần đây, Nguyễn Linh Khiếu luôn được xem là một trong những nhà thơ dành toàn bộ sự tìm tòi, thể nghiệm của mình vào lĩnh vực thơ văn xuôi và với thơ văn xuôi anh đã để lại nhiều dấu ấn với bạn đọc

(Đọc Sa hồng của Nguyễn Linh Khiếu, Nxb Hội Nhà văn, 2018)

Vài thập niên gần đây, Nguyễn Linh Khiếu luôn được xem là một trong những nhà thơ dành toàn bộ sự tìm tòi, thể nghiệm của mình vào lĩnh vực thơ văn xuôi và với thơ văn xuôi anh đã để lại nhiều dấu ấn với bạn đọc nhất là về mặt thi pháp. Vẫn lấy thơ văn xuôi là mạch nguồn chủ đạo, năm 2018, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã cho xuất bản liền hai tập là trường ca Phồn sinh và tập thơ Sa hồng như để khẳng định thêm những đóng góp của người thơ vào dòng chảy thi ca đương đại nước nhà.
Tập thơ Sa hồng với 52 bài trải rộng cảm xúc của nhà thơ trên nhiều miền đất, nhiều chân trời khác nhau, từ Việt Nam đến một số nước châu Á và châu Âu. Nguyễn Linh Khiếu đi nhiều và những trang kí-ức-thơ, những hồi-tưởng-thơ mang đến sự phong phú và đa dạng của thơ anh.
Có cảm tưởng, trong mỗi bài thơ văn xuôi của Nguyễn Linh Khiếu, sự tràn đầy của cảm xúc và sự cuồng phóng của liên tưởng đã dựng lên một bức tranh lớn với những khắc họa ấn tượng, sống động về mặt hình tượng thơ để mang đến một cái nhìn mới như trong bài thơ Họa mi cao nguyên đá dưới đây:
… hoạ mi hót trên cao nguyên đá
tiếng tình yêu vang dội tầng trời vang dội tầng đất vang dội đỉnh núi vang dội vực thẳm vang dội hang động vang dội hoang vắng vang dội bóng tối vang dội ánh sáng vang dội sắc màu vang dội nhịp điệu vang dội sương khói vang dội tình nhân
những người chưa yêu sẽ yêu những người đang yêu tình yêu đang mất những người đã yêu tình yêu đã chết những người đã chết tình yêu bơ vơ
hoạ mi hót tình yêu bến bờ trời
hoạ mi hót tình yêu bến bờ đá
hoạ mi hót tình yêu bến bờ sương
hoạ mi hót tình yêu bến bờ người
cổng trời cửa người vời vợi Đồng Văn
đá ngổn ngang tua tủa cao nguyên.

Ở trích đoạn thơ nói trên, dường như tiếng hót của chim họa mi đã đánh thức những cảm xúc của nhà thơ để anh có những khắc họa hình tượng về tình yêu, về tự do của con người miền cao nguyên đá hoang vu này. Trong bài thơ Họa mi cao nguyên đá và ở một số bài thơ khác, Nguyễn Linh Khiếu thường có một kết thúc mở, bài thơ đã đi đến câu cuối nhưng mạch thơ không chịu đóng (hay không chịu “kết”) như vẫn còn một âm vang gì đó ở phía sau mà chúng ta chưa nhận ra, chưa thấy hết, chưa nghe thấy được. Đây có thể là một tìm tòi mới, khiến bài thơ đầy ắp sức sống liên tưởng của anh nối dài được dư âm thơ trong tâm tưởng người đọc tạo nên một dòng chảy nhịp điệu sống động.
Nguyễn Linh Khiếu đang kiên trì một hướng đi mới, với những câu thơ văn xuôi ngồn ngộn sức sống về các vùng đất, vùng người còn tươi rói những mùa sinh sôi và giàu năng lượng sống. Suy nghĩ về công việc sáng tác, Nguyễn Linh Khiếu cho rằng: “Thơ là sự giải phóng năng lượng cá nhân của nhà thơ. Nhà thơ vẽ chân dung của mình bằng thơ. Qua thơ sở dĩ người đọc thấy được chân dung thời đại, dân tộc, con người và văn hóa… là vì chúng được phản ánh một cách tuyệt vời và trung thực trong chân dung nhà thơ”. Ta hãy xem anh giải phóng năng lượng sáng tạo của mình trong bài thơ về chiếc Bình gốm India: Mang về từ New Delhi/ chiếc bình gốm hăng hăng cay cay say ngây ngất/ nõn nà lồng lộng thướt tha/ ngồn ngộn nở nang/ bất khả luận bàn/ vun vút bay miền trời thổn thức/ Bình gốm đoan trang trên bàn/ mỗi khi đổ đầy nước/ sừng sững vươn lên chọc trời tháp Qutab Minar tháp Mahabodhi tháp Lotus/ Mỗi khi đổ đầy nước/ nghiêm trang ngôi đền Lakshmi Naraya ngôi đền Askhardarm…
Trong những bài thơ văn xuôi như ở trên của Nguyễn Linh Khiếu, tôi có cảm giác sức liên tưởng của nhà thơ được huy động tối đa vào công việc khắc hoạ và miêu tả, đôi khi nó lấn át tính khái quát của tư duy hình tượng, nó lấn át sức gợi mở chiều sâu của ngôn từ. Vì thế, tuy nó chưa làm nên một kết cấu riêng, một tứ thơ riêng, một mã số riêng cho mỗi bài thơ nhưng nó vẫn có sức lay động người đọc trong một trường liên tưởng giàu mĩ cảm mang dấu ấn thơ anh.

NGUYỄN VIỆT CHIẾN chọn và giới thiệu


Hoa sen đỉnh đồi Roma


Nở trắng muốt bầu trời mùa hạ
những đóa sen đỉnh đồi Roma
tuổi thơ mẹ hát lên chùa bẻ một cành sen
tuổi thơ cha hát bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Trắng muốt bầu trời những đóa sen
ngày xưa tổ tiên ta ở nơi này
quê hương ta ngày xưa ở nơi này
mẹ sinh ta ngày xưa ở nơi này
ngày xưa những đóa sen trắng muốt ngát hương trước cửa
nhà mình

Quê hương vời vợi quê hương
phận người vời vợi phận người
chim di cư sải cánh bầu trời
thú di cư tung vó mịt mù mặt đất
cỏ cây di cư hạt giống nổi nênh đại dương dào dạt

Roma đã ra đi hay ta đã ra đi
ta đã ra đi hay những đóa sen đã ra đi
tự bao giờ vẫn nở trắng tinh bài ca tiên tổ
tự bao giờ vẫn ngào ngạt hương bài ca cha mẹ
lên chùa bẻ một cành sen ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng
hôm qua tát nước đầu đình bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Dằng dặc hành trình vô vàn duyên kiếp
nơi ta ở đó là Tổ quốc
nơi ta đến đó là quê hương
hoa ở đâu cũng ngát hương mặt đất
người ở đâu cũng tươi tắn dưới trời xanh

Những đóa sen trên đỉnh đồi Roma
trắng muốt tuổi thơ ta.

Cánh buồm


Sơn mài trên tường những cánh buồm đỏ thắm
tươi như máu của ngôi nhà
trời yên biển lặng
giấc mơ hạnh phúc
những cánh buồm đỏ thắm trong ráng chiều bờ bến mù sa

Căn phòng đơn sơ
chiếc giường đôi bồi hồi chăn gối
gương lược lấp lánh bàn phấn
bộ đồ nghe nhạc cũ âm thanh như hơi thở
những chiếc rèm hân hoan rối rít chưa biết khóc bao giờ

Cánh buồm đỏ ngọn lửa trong ngôi nhà của ta
chuyến ra khơi ở ngoài cửa sổ
ngoài cửa sổ cuồng phong bão tố
ngoài cửa sổ những cánh đồng hoa
ngoài cửa sổ bội thu những vụ mùa

Những cánh buồm đỏ tươi như máu
âm thầm giấc mơ
trời yên biển lặng
âm thầm giấc mơ
mưa thuận gió hòa.


Bình gốm của ông nội


Bình gốm da lươn méo mó ông nội đặt chênh vênh trên tường
những cọng rạ mái nhà lòa xòa chở che chiếc bình lờ mờ
ẩn hiện
lá chuối khô cuộn tròn nút miệng bình kín mít
hông bình rộng chất chứa bao bí mật nhân gian

Chiếc bình gốm nhỏ bầm dập méo mó lam lũ bần hàn
vật bí truyền thiêng liêng trong ngôi nhà ông nội
tuổi thơ ta ngưỡng mộ ngước nhìn lên
chiếc bình mong manh vắt vẻo trên tường đất nứt nẻ
lũ chuột lũ mèo lũ rắn rầm rập đuổi nhau
chẳng hiểu sao mấy trăm năm không làm vỡ chiếc bình

Chiếc bình gốm của ông nội đằng đẵng râm mát
không gian đói rách
thời gian cay cực cơ hàn nhăn nheo trên xương cốt da lươn
chiếc bình gốm bảo vật bao đời tổ tiên truyền lại
có lần ta thấy ông nội ghé miệng bình đổ ra những hạt giống

Các chủ nhân lần lượt về với tổ tiên
chiếc bình gốm méo mó vẫn vắt vẻo lặng thinh trên tường
đất nâu xưa cũ
thắp một nén hương
xin phép ông nội ta mang bình về ngôi nhà của mình nơi đô thị
nhưng ta chẳng có hạt giống nào để cất giấu vào trong
gió hu hu miệng bình những giai điệu tổ tiên.