Thứ Sáu, 14/01/2022 11:47

“Sự hiện diện của em” cất lời buồn và đẹp

Khởi từ tư duy thơ truyền thống trong những năm chiến tranh, cùng với tiến trình đổi mới, thơ Hoàng Vũ Thuật đã có một cuộc vượt thoát ngoạn mục mà hiếm nhà thơ nào cùng thời khai triển được...

(Đọc Sự hiện diện của em của Hoàng Vũ Thuật, Nxb Hội Nhà văn, 2021)

Khởi từ tư duy thơ truyền thống trong những năm chiến tranh, cùng với tiến trình đổi mới, thơ Hoàng Vũ Thuật đã có một cuộc vượt thoát ngoạn mục mà hiếm nhà thơ nào cùng thời khai triển được. Các thi phẩm của Hoàng Vũ Thuật liên tiếp ra đời đã khẳng định cho chúng ta thấy một chân dung thơ hiện đại, mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng vô cùng trầm lắng.

Sự hiện diện của em tiếp tục con đường thơ đã được tạo dựng của Hoàng Vũ Thuật. 77 bài thơ được chia thành ba phần, tập thơ vừa cho thấy một sự dấn thân mạnh mẽ trên con đường sáng tạo của nhà thơ vừa hé mở những bí mật thơ ca của riêng ông. Những bài thơ của mỗi phần lí giải cho ta biết tại sao ông lại chia tập thơ thành ba phần: Bi kịch Hăm Lét, Đôi khi nhìn thấy mẹ nơi em, Đẹp và buồn.

Bi kịch Hăm Lét đó là một motif muôn thuở. Ai trong đời cũng gồng gánh cái bi kịch này. Khi bừng ngộ ta đều nhận ra điều đó. Hoàng Vũ Thuật viết về nó một cách đầy giản dị: nguồn sống tôi ơi người ở đâu/ thượng đế của hồn tôi khát khao tận cùng thế giới/ tia chớp ấy bao giờ trở lại// tôi là con chim ưng mang sứ mệnh bầu trời/ trên đôi cánh dũng mãnh/ nhưng cái trò chơi xúc xắc chẳng buông tha/ giống người đàn ông vô tâm không biết nói để làm gì.

Đôi khi thấy mẹ nơi em mang hình bóng những người thân thương trở về trong kí ức nhà thơ. Tôi ngờ rằng đó là những giấc mơ tuyệt vời dồn nén từ tầng sâu vô thức về quê hương, cha mẹ, người tình và về chính tuổi thơ thần tiên của tác giả. Đó là sự lưu luyến bất tận đầy thầm kín về thời gian đã mất của cuộc đời mỗi người: ôi mẹ/ con hiểu cái giá của nước/ dù chảy bốn phương tám hướng vẫn không ra ngoài quỹ đạo/ anh quàng tấm khăn trong cái rét vô nghĩa/ những vành cong xây nên tháp nón/ che một nửa vòng ôm/ đôi khi thấy mẹ nơi em.

Đẹp và buồn là căn cước thơ Hoàng Vũ Thuật. Một vẻ đẹp thiêng liêng và một nỗi buồn thánh thiện bao giờ cũng thấm đẫm trong thơ ông. Vẻ đẹp ấy thật khó nắm bắt, huyền ảo như thực như mơ. Nỗi buồn ấy thật trong trẻo tinh khiết và nhiều khi ta thấy đó là vẻ đẹp của nỗi buồn: em đừng buồn nếu ta không đạt tới điều ao ước/... điều gì đã dẫn tôi ra khỏi ranh giới bi kịch giữa cái đẹp và không đẹp; tôi uống hết màu nâu nguyên bản/ uống cả nỗi buồn chia xa bỏ quên tận đáy...

Sự hiện diện của em của Hoàng Vũ Thuật khởi lên những bi kịch đời người, bi kịch của phận người. Ta thấy nhà thơ ngày càng nhận ra sự bất lực của mình trước bi kịch vĩ đại và đành lòng thỏa hiệp. Một sự thỏa hiệp đầy đớn đau, tủi hờn nhưng không bi lụy, không thất bại mà luôn tin tưởng vào một sự hồi sinh. Đó là một thông điệp mạnh mẽ về câu chuyện đời người, về niềm hân hoan được sống, được làm người.

NGUYỄN LINH KHIẾU giới thiệu và chọn

Tôi là ai

Tôi im lặng giữa bốn bức tường chật hẹp
ánh sáng lùa vào như giấc mơ sau tiếng rít ổ khóa
vang lên
đã từ lâu trái tim vắt kiệt dòng máu cạn khô
mọi thứ đều vỡ tan từng mảnh vụn
không được nhìn không được nghe không được diễn giải
tôi quên tôi
chẳng rõ mình là ai

Nguồn sống tôi ơi người đang ở đâu
thượng đế của hồn tôi khát khao tận cùng thế giới
tia chớp ấy bao giờ trở lại

Tôi muốn là con chim ưng mang sứ mệnh bầu trời
trên đôi cánh dũng mãnh
nhưng cái trò chơi xúc xắc chẳng buông tha
giống người đàn ông vô tâm không biết nói để làm gì

Tôi thấy tôi đã chết
bóng chiếc hòa cùng cây lá đang reo ngoài nội.

Hoa trinh khiết

Không theo mùa nở trên những nhánh mây
nồng nàn vạt áo
hương thơm ngôi sao xa và rất nhiều sợi mưa lấp lánh
hàng tỉ năm mới gặp mùi hương ấy

Bay cùng ánh sáng
hổn hển của tiếng ca
giờ e ấp giữa lòng tay im lặng

Bông hoa trắng trong tay em vừa trở lại
những ngón mềm không làm rơi hạt sương buổi sáng
sau cánh mỏng là thiên đường
nàng bạch tuyết với bảy chú lùn đang ở đó

Anh tin hoa thơm từ bàn tay trinh khiết
chẳng thể nào anh tới được cùng em.

Sự hiện diện của em

Tôi cố lấp kín nỗi buồn
chúng vẫn tua tủa như chùm rễ giữa ngày hè khô khốc
bám vào gốc cây
thân thiết làm bạn với tôi dù em không chia đôi phần đất

Nỗi buồn nói
ngươi sinh ra để nuôi ta
ta cần ngươi
như ngươi cần tia đom đóm trong khuya
tôi thua cuộc

Đêm qua kẻ đồng hành lại rung hồi chuông thảng thốt
dài tựa lưỡi gió trên cánh đồng vãn gặt
trên niềm hi vọng
em chớ hỏi vì sao trận cuồng phong chưa chịu chấm dứt

Tờ khế ước bị nỗi buồn xé nát
chữ nghĩa cuốn theo chiều gió nhào trộn khói sương
điều đó cấp báo ngày tận thế phải không

Chúng ta khước từ
nhen nhóm thái dương hệ mới
mặt trời là trái tim tự quay trong lồng ngực

Hãy để tôi nghe em hát qua giấc mơ ban chiều im ắng
hãy để tôi nói tiếng nói của em
hãy để tôi thở bầu khí quyển thanh sạch của em
hãy để tôi tan hết nỗi buồn trước đôi mắt em

Sự hiện diện của em
đã tháo bỏ chiếc áo từ lâu chưa một lần thay.