Thứ Tư, 14/11/2018 09:28

Sự hư cấu làm cho cuộc sống có những khả năng khác

Tác phẩm của ông ấy có tính tự trị cao, và khi chuyển thành phim nó cũng giúp cho bộ phim mang tính tự trị. Cả văn chương và điện ảnh của ông đều giàu chất hư cấu. Sự hư cấu sẽ làm cho cuộc sống có những khả năng khác. (TUẤN LAM)
chu phoong arial moi copy - Trong khuôn khổ Tuần Văn học Pháp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề Từ trang sách đến màn ảnh, tối 13/11 tại Hà Nội, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức buổi tọa đàm Tính điện ảnh trong các tác phẩm của Romain Gary.
 
779a0401bfa05ffe06b1
Đạo diễn Đỗ Văn Hoàng và dịch giả Ngân Nguyễn tại buổi tọa đàm
 
Romain Gary là nhà văn Pháp duy nhất hai lần đoạt giải Goncourt với tiểu thuyết Rễ trời (1956) và Cuộc sống ở trước mặt (1975) dưới bút danh Émile Ajar. Ngoài ra Romain Gary còn được biết đến với những tiểu thuyết nổi tiếng như Giáo dục Châu Âu, Lời hứa lúc bình minh, Chó trắng, Quấn quýt...

Romain Gary cũng được biết đến là nhà văn có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh. Chính nhà văn cũng rất quan tâm đến điều này. Năm 1958 ông viết kịch bản cho phim Rễ trời, sau đó là kịch bản phim Ngày dài nhất ra rạp năm 1962. Ông cũng từng thử làm đạo diễn cho hai bộ phim chuyển thể từ chính tác phẩm của mình, Những con chim sẽ chết ở PeruPolice Magnum.

Nói về tính điện ảnh trong các tác phẩm của Romain Gary, đạo diễn Đỗ Văn Hoàng bày tỏ: Tác phẩm của ông dày đặc chi tiết điện ảnh, tình huống điện ảnh, không gian điện ảnh, hình ảnh điện ảnh, nhịp điệu điện ảnh... Tuy rằng khi được chuyển thể thành phim điện ảnh thì ít nhiều có chệch đi so với tiểu thuyết, nhưng không thể phủ nhận văn chương của ông vô cùng hấp dẫn và gợi cảm hứng lớn cho những nhà làm phim.

 
31e989d62477c4299d66
Một số tiểu thuyết của Romain Gary
 
Có thể nói, với văn chương, Romain Gary đã khẳng định mình một cách xuất sắc. Khi được chuyển thể thành phim điện ảnh, bên cạnh “cảm hứng điện ảnh” mà văn chương của ông đã gợi ra thì các nhà làm phim cũng đứng trước một thử thách quá lớn vì cái bóng của chính tác phẩm văn chương ấy. Tuy nhiên, ngôn ngữ điện ảnh sẽ có những thế mạnh của bản thân thể loại này.  

Khi đối sánh điện ảnh và các tác phẩm văn học của Romain Gary được chuyển thể, dịch giả Ngân Nguyễn cho rằng: Hầu như các nhà làm phim đã không thành công so với tác phẩm văn chương, trừ bộ phim Cuộc sống ở trước mặt đã giành được giải Oscar vào năm 1978. Có rất nhiều thứ để chuyển thể được thành phim, nhưng ký ức hay tình cảm là điều mà điện ảnh khó làm cho lung linh và rung động được như ngôn ngữ của văn chương.

Một điều đặc biệt ở các tác phẩm của Romain Gary là, các nhân vật của ông thường hay thái quá, mơ mộng thái quá, cực đoan thái quá, niềm tin thái quá, hay cố chấp thái quá. Những điều này đã được các nhà làm phim sử dụng, khai thác triệt để để xây dựng nhân vật của mình. Tính điện ảnh trong tác phẩm của ông chính là các tác phẩm ấy giải quyết được những yêu cầu và câu hỏi mà điện ảnh đặt ra. Và việc chuyển thể thành công hay không lại là câu chuyện của các nhà làm phim. Đạo diễn Đỗ Văn Hoàng khẳng định rằng: “Tác phẩm của ông ấy có tính tự trị cao, và khi chuyển thành phim nó cũng giúp cho bộ phim mang tính tự trị. Cả văn chương và điện ảnh của ông đều giàu chất hư cấu. Sự hư cấu sẽ làm cho cuộc sống có những khả năng khác”.

Romain Gary bên cạnh tư cách một nhà văn, nhà làm phim ông còn được biết đến là nhà ngoại giao Pháp, phi công thời Thế chiến II. Người vợ mà ông kết hôn từ năm 1962 - 1970 là một minh tinh màn bạc, nữ diễn viên Jean Seberg. Ông đã tự kết liễu đời mình vào năm 1980 ở Paris sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Những cánh diều. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết được ông viết sau cái chết bi kịch của diễn viên Jean Seberg. Trong chúc thư để lại ông nói rõ mình từng viết nhiều tác phẩm dưới tên Émile Ajar.
 
TUẤN LAM