Thứ Tư, 13/05/2020 16:21

Suốt đời học Bác

Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học và nghệ thuật.

 “Bác dừng lại cúi đọc những chữ khắc sâu trên đá. Rồi Người hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu về dải đất Tổ quốc trùng điệp… Bác dừng lại một chút nữa bên một dãy ghế đá thiên nhiên có nhiều hình dạng. Người nhìn sâu vào khoảng đất trời Tổ quốc biết bao đẹp đẽ nhưng đang đầy đau thương.

Người đã xúc cảm những gì, đã suy nghĩ những gì trong giây phút lịch sử đó?

Đứng cạnh Bác trên cái mốc biên giới đã quen biết ấy, nghĩ tới quê hương thân thiết ruột rà, tôi cảm thấy mình vô cùng gần gũi Bác như đứa con yêu quý ở bên cha, như người chiến sĩ đứng sau lá cờ người tổng chỉ huy sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ khó khăn nhất”.

Đó là một trích đoạn đầy xúc động và thiêng liêng trong cuốn sách Suốt đời học Bác - Cuốn sách giới thiệu mười sáu câu chuyện về Bác qua ghi chép từ lời kể “người thật việc thật” của nhà báo Kiều Mai Sơn, với những phát hiện và góc nhìn mới.

Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học và nghệ thuật. Đã có rất nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng có không ít những cuốn sách ghi lại những hồi ức, kỉ niệm, tình cảm thiêng liêng của các tầng lớp nhân dân dành cho Người, nhưng mỗi câu chuyện về Người được kể lại, được viết ra, lại thêm một lần cuốn hút. Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản suốt đời tận tụy vì nước, vì dân với những phẩm chất giản dị mà cao đẹp luôn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ tìm hiểu, học tập, noi theo. Những chuyện kể về Người luôn gợi cho chúng ta nhiều xúc cảm chân thành.

Trong tập sách này, bạn đọc sẽ được trở lại Cao Bằng, lắng nghe hoài niệm về thời kì gian khó, hiểm nguy - những ngày đầu tiên khi vị Cha già trở về Tổ quốc qua lời kể của cụ Hoàng Thị Đào, dân tộc Tày, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, (Người bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc).

Bạn đọc cũng hòa cùng không khí tưng bừng, trang nghiêm của buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập, đồng cảm với người thanh niên Hà Nội về niềm tôn kính Bác, về lí tưởng được cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Thủ đô và xây dựng đất nước của đại tá Nguyễn Xuân Lương (1919 - 2019): Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Hậu cần - Bộ Quốc phòng. Trước 1945, làm Chủ nhiệm Tạp chí Văn Mới và Giám đốc Nhà in Hàn Thuyên. Từ 1946, công tác tại NXB Quân đội Nhân dân, Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Pháo binh và Tổng cục Hậu cần. (Học Bác suốt đời).

Bài tường thuật buổi làm việc của Hồ Chủ tịch về văn hóa với đại biểu Đoàn Văn hóa lâm thời Bắc Bộ (gồm Trương Tửu, Thượng Sĩ, Nguyễn Đức Quỳnh) đã được đăng trên Tạp chí Tri Tân số 205, tháng 9 năm 1945, trang 4-5. (Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền văn hóa Việt Nam những ngày đầu cách mạng).

Chúng ta cũng thêm cảm phục tài dân vận của Bác trong công cuộc kêu gọi những trí thức lớn ở nước ngoài về phụng sự Tổ quốc, khiến họ “yêu quý, khâm phục và một lòng một dạ tin tưởng đi theo Người, cho đến trọn cuộc đời mình”, bằng “nhân cách cao cả cùng sự uyên thâm của Người: một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước thương nòi sâu sắc.” (Từ sức hấp dẫn lôi cuốn kì diệu của Bác Hồ, Người trí thức dấn thân).

Bác có khả năng thấu tỏ sự thực đằng sau bề mặt, thấu hiểu nỗi khổ của người dân lao động nghèo, khiến họ yên tâm bày tỏ tâm tư, bằng sự giản dị, hòa mình vào cuộc sống của người dân (Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn).

Cảm động làm sao khi biết rằng, dù bận việc nước, việc quân, Bác vẫn quan tâm đến đời sống cá nhân của từng cán bộ trong cơ quan. Lời dặn của Bác: “Bác không tặng cái áo này cho cô. Cô giữ lấy đến khi nào chú ấy ở ngoài Côn Đảo về thì để chú ấy mặc” khiến người được tặng áo xúc động khôn nguôi. (Chiếc áo Bác Hồ)

Theo chân Bác lên chiến khu Việt Bắc, chúng ta lại được Người chỉ bảo về nếp sinh hoạt tiết kiệm, lối sống văn minh; về ý thức sáng tạo, vượt lên nghịch cảnh qua lời kể của những cán bộ, nhân viên được làm việc cùng Bác…

Và còn nhiều nữa, những câu chuyện dung dị, sâu sắc về Bác mà mỗi việc làm, mỗi cử chỉ, lời nói của Người đều được khắc ghi, trở thành nguồn động viên, khích lệ mọi người nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thử thách khó khăn để hướng tới một ngày mai tươi sáng, hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

“Suốt đời học Bác” để làm mình trưởng thành hơn trong lối sống, trong nếp nghĩ. Và để qua đó chúng ta cũng phần nào thấu hiểu hơn những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Ta bên người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” trong những ngày tháng Năm nhớ Bác này.

ĐÌNH SƠN