Thứ Năm, 25/08/2022 06:39

Ta nên thế nào ‘trước nỗi đau của người khác’?

Xoay quanh bạo lực, nhiếp ảnh và mối tương quan của hai phạm trù, Susan Sontag đã làm nên một nghiên cứu sâu rộng về tính phổ biến, ý nghĩa và tác động của bạo lực.

Susan Sontag (1933-2004) là nhà văn, nhà làm phim, triết gia, giáo viên và nhà hoạt động chính trị người Mĩ. Trong quãng thời gian hoạt động sôi nổi, bà đã đi sâu vào các khu vực xung đột, khai thác nhiều đề tài và thu hút được sự quan tâm. Các tác phẩm của bà chủ yếu xoay nhiếp ảnh, truyền thông, văn hóa… vừa mang được tính thời sự, nhưng cũng động đến những vấn đề rất sâu về mặt triết học, xã hội học, nhân học, nghệ thuật…

Nối tiếp một trong những tác phẩm quan trọng nhất của bà đã được chuyển ngữ - Bàn về nhiếp ảnh (Trịnh Lữ dịch), mới đây Nxb Tri thức và dịch giả Chu Đình Cường đã giới thiệu đến độc giả một tiểu luận khác cũng quan trọng không kém của bà là Trước nỗi đau của người khác. Xoay quanh bạo lực, nhiếp ảnh và mối tương quan của hai phạm trù, Susan Sontag đã làm nên một nghiên cứu sâu rộng về tính phổ biến, ý nghĩa và tác động của bạo lực.

Trước nỗi đau của người khác đã làm say đắm giới phê bình và nghiên cứu hơn 2 thập kỉ qua.

Đặt trong bối cảnh thế giới liên tục biến đổi, tác phẩm này cho thấy một tư duy sâu rộng và không điển hình. Dù bao thời gian trôi qua nhưng nó vẫn còn giá trị và vẫn hiển hiện cho đến ngày nay. Như các nhà phê bình đánh giá, tiểu luận của Sontag rõ ràng mà không nông cạn, phức tạp mà không khó chịu. Trước nỗi đau của người khác một lần nữa mang đến những góc nhìn mới về hai yếu tố bạo lực - nhiếp ảnh đã trở thành nền tảng trong các nghiên cứu của bà, từ đó đi tìm ý nghĩa và sự liên kết giữa chúng.

TÍNH HAI CHIỀU CỦA NHIẾP ẢNH

Khởi đầu tiểu luận, Susan Sontag đã nêu lên luận điểm chính của cuốn sách này một cách rõ ràng và rất thuyết phục, rằng chúng ta “Không nên dùng từ chúng ta một cách chung chung khi chủ đề là nhìn nhận về nỗi đau của người khác”. Mở đầu bằng câu chuyện của Virginia Woolf - người lúc đó đang viết Ba đồng Ghinê - và những bức thư trao đổi qua lại với một luật sư, để thảo luận chiến tranh là gì và cách kết thúc nó.

Trong vấn đề này, Woolf đã cho thấy dù cùng là người có học, nhưng đàn ông cũng như đàn bà đều có cách nhìn rất khác về “nỗi đau” của người khác. Theo Sontag, việc cụ thể hóa góc nhìn giúp hình thành nên trách nhiệm của người quan sát. Đối với bà, chiến tranh hay là nhiếp ảnh đều cùng có chung một yếu tố chính, là tính hai chiều cũng như biên giới mong manh giữa các nhìn nhận.

Theo đó, nhiếp ảnh đôi khi là một phương thức không đáng tin cậy. Nó vừa có thể tạo nên những sự chối bỏ chiến tranh (như trường hợp chiến tranh Việt Nam), nhưng cũng có thể được dùng để tiếp sức mạnh cho “bàn cờ quyền lực” (như trường hợp chiến tranh Tây Ban Nha). Bức ảnh mang đến một trạng thái tĩnh, chúng không thể nói, do đó hầu hết các tác phẩm này đều bị phụ thuộc vào lời giải thích, do đó vẫn thường xuyên bị bóp méo bởi những dòng chú thích ở bên dưới.

Do đó không hẳn là có bất ngờ khi trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở vùng Balkan, cả người Serb và Croatia đều dùng những bức ảnh để tuyên truyền về cách làng mạc của mình đã bị bắn phá. Sự mong manh của bộ môn nghệ thuật này được đặt trên một vũng lầy như thế. Tuy nhiên, để nhìn nhận nỗi đau của người khác - một bi kịch, một cơn đau, thì nhiếp ảnh là một cơ hội rất tốt khi cung cấp góc nhìn từ khoảng cách xa. Tính hai mặt của nó luôn luôn ẩn hiện, và vì những sự tàn ác luôn luôn sản sinh ra các phản ứng đối lập, nên nó vừa là lời kêu gọi hòa bình, nhưng cũng có thể là lời khẩn cầu cho sự trả thù.

Do đó nhiếp ảnh đã có một đời sống dài trong những quá trình đấu tranh. Đó là lần đầu tiên máy ảnh được dùng trong chiến tranh Tây Ban Nha và lần đầu tiên đánh dấu sự ra đời của những thước phim truyền hình trong chiến tranh Việt Nam. Tuy thế nhảy cóc giữa hai quá trình này, những sự bóp méo điểm nhìn, những sự tinh chỉnh khác xa sự thật cũng nên được bàn luận thêm, về tính mong manh, về sự giả hiệu và hơn bao giờ hết, đây là ngành nghệ thuật không hề bền vững, đặt trong hiện thực có phần mong manh như là chiến tranh.

TÍNH TRUNG GIAN CỦA NHIẾP ẢNH

Dẫu biến máy ảnh chính là thiết bị trung gian cho sự đau đớn cũng như đổ nát của chiến tranh, thế nhưng đâu đó xét về bản chất, nó được cấu thành từ những yếu tố có phần đối lập. Chúng luôn ẩn chứa tính chất của tính khách quan (ở việc phản ánh hiện thực), thế nhưng tất yếu, chúng cũng đồng thời mang theo quan điểm (của người đứng sau và những ý đồ mong muốn thể hiện của họ).

Do đó, như Virginia Woolf tuyên bố, những bức ảnh không phải là một luận điểm, chúng chỉ đơn giản là một báo cáo về những sự việc. Tuyên ngôn của Woolf không hẳn không đúng, mà chính từ đó, nó cũng gợi nên một vấn đề khác, sâu xa hơn, ẩn sâu hơn và đứng trong phía bóng tối - về tính chủ quan, về quan điểm của chính chủ thể mong muốn nhiếp ảnh thể hiện.

Nhiếp ảnh luôn đứng lưỡng nan ở ngã ba đường. Mang danh “phản ánh sự thật”, thế nhưng nó lại không ngừng bị hãm hại bởi những chủ thể “bẻ cong sự thật”. Do đó, cũng như là tính hai mặt, nó vừa có tính dân chủ, lại vừa có tính cá nhân.

Nó dân chủ về văn hóa bởi nhẽ nó là ngành nghệ thuật duy nhất mà quá trình đào tạo chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm không mang đến lợi thế tuyệt đối trước những người không được đào tạo hay thiếu kinh nghiệm. Một bức ảnh chụp tòa Tháp đôi trong sự kiện 11/9 bởi một nhiếp ảnh gia hiện trường chuyên nghiệp cũng chưa chắc đã đáng giá bằng một cá thể nghiệp dư, một người tình cờ… chứng kiến thảm kịch diễn ra ở vị thế “đẹp”.

Do đó thêm phần bất định, nhiếp ảnh chịu nhiều ảnh hưởng của tính chủ quan, cũng như thời cơ và sự may mắn. Tuy thế, nó cũng bị kẹt ở những câu hỏi, nó nên “thực” nhất một cách xác đáng, hay nên chứa thêm cái “đẹp” vốn là đặc trưng nghệ thuật? Ai cũng biết nhiếp ảnh đòi hỏi tính nhanh, xác thực cũng như chính xác, dẫn đến sự thiếu chỉn chu mới là đỉnh cao. Nhưng một khi cái đẹp thâm nhập vào nó, điều gì sẽ diễn ra?

Susan Sonatg - tác giả của Ta nên thế nào trước nỗi đau của người khác.

Susan Sontag không che giấu những ý đồ này. Bà luôn cho rằng một bức ảnh luôn có thể bị bóp méo, và những hình ảnh khi chụp luôn được lựa chọn. Chính việc chọn lựa khung hình, loại bỏ… đã làm mất đi sự thật như nó vốn phải mô tả. Điều này kéo theo rất nhiều những ý đồ khác, về lịch sử của nhiếp ảnh chiến tranh (đi từ xác thực, cho đến lôi kéo theo ý đồ, tô hồng sự hoàng huy, khích bác sự tàn bạo để rồi mê hoặc người hi sinh…).

Nhiếp ảnh cũng đưa ra những lựa chọn của riêng mình, khi nó có thể bỏ qua những hiện trạng khác, như nạn đói ở Ấn Độ, những nạn nhân chiến tranh Biafra (Nigeria), ô nhiễm chết người ở làng chài Nhật Bản… để chỉ tập trung vào nỗi đau chung như Thế chiến, như chiến tranh Tây Ban Nha, và nhiều những cuộc chiến nổi tiếng khác.

TRONG THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI

Ngược dòng thời gian để đến một thời đại mới, nơi hình ảnh, các phim tư liệu… xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Liệu ta có bị nhàm chán? Liệu ta có bị làm cạn và trở nên thân quen với sự chai lì từ những tác động này? Câu trả lời là có, và Susan Sontag cũng chuyển trọng tâm cho những nhận thức của mình vào một thời đại mới, nơi người ta bị động và quá quen thuộc để có thể bỏ qua ngay trong hiện thực, bởi việc chuyển kênh cũng như kỉ nguyên chiến tranh điều khiển từ xa, của sự kiểm duyệt, của ranh giới thông tin… đang ngày ngày ngập tràn trong thế giới này.

Sontag nhận ra một khía cạnh khác của các bức ảnh, về tính thuộc địa hóa của nhiếp ảnh. Trong cuốn Bàn về nhiếp ảnh, bà từng nói đến việc “chiếm dụng văn hóa” của những vị khách du lịch đối với văn hóa bản địa da đỏ, khi đòi hỏi những sự cung ứng khác với truyền thống bản địa của họ. Thì gắn cùng với chiến tranh, việc trưng bày những bức ảnh về sự tàn nhẫn gây ra trên những con người với da sậm hơn ở những đất nước xa lạ cho thấy địa điểm càng xa xôi hoặc càng xa lạ, chúng ta càng dễ có cơ hội thấy hình ảnh trực diện của cái chết và người chết.

Sự chai lì trong kí ức từ những hình ảnh cũng đang xâm chiếm trí não của người đương đại. Như các hình ảnh có phần “xấu xí” cũng như “khó chịu” mang một ý nghĩa có phần cảnh báo trên bao thuốc lá, liệu đến bao lâu hay đến một mức độ nào ta sẽ không còn cảm nhận được gì từ những thứ đó? Kí ức cá nhân dần bị mai một bởi sự nhan nhản của một đời sống thị trường, trong khi kí ức cộng đồng thì không tồn tại.

Sontag phơi bày việc các đất nước hiếm khi tự gửi lại những nỗi đau của mình. Như thể ở Mĩ có các tượng đài về những nỗi đau của Thế chiến, của cuộc thảm sát Armenia… thế nhưng không có bảo tàng về chế độ nô lệ, về cuộc nội chiến đã định hình nên một nước Mĩ hiện đại. Và dù cho có bảo tàng của những nỗi đau đã qua, thì ham muốn “biến thái” của chúng ta trước sự tò mò vẫn luôn hiện diện.

Triết gia Ernst Jünger đã từng nói rằng: “Chúng ta có một mức độ thích thú không hề nhỏ trước những bất hạnh lớn lao và những nỗi đau của người khác. Không có cảnh tượng nào chúng ta theo đuổi hăng hái như những cảnh tai ương đau đớn và hiếm thấy”, cho nên rõ ràng có sự tồn tại khuynh hướng bẩm sinh hướng về những điều kinh khủng.

Và chưa khi nào những hình ảnh ấy được cung cấp đa dạng và đầy phong phú như hiện nay, với việc ngày càng gia tăng bạo lực và cái ác trong văn hóa đại chúng. Đó là vũ lực trong các phim ảnh, truyền hình, truyện tranh, trò chơi điện tử… theo một mức độ ngày càng gia tăng. Ở đó, lòng trắc ẩn của người hiện đại là một cảm xúc không còn cố định, mà nó phải được chuyển biến thành những hành động một cách tức thời, nếu không chúng sẽ phai tàn. Tuy nhiên hành động đến đâu và đến lúc nào, vẫn là câu hỏi rất khó trả lời.

Với Trước nỗi đau của người khác, Susan Sontag đã làm một cuộc khảo cứu về nhiếp ảnh và vai trò của nó gắn với chiến tranh. Với những khảo sát mang tính triết học, xã hội học, nhân khẩu học cũng như gắn nó vào đời sống đương đại… Một cánh cửa mới, một góc nhìn mới đã được đưa ra. Về sự mong manh, về cái yếu ớt của một bộ môn nghệ thuật dễ bị đánh bại. Về những nỗi đau phải thật tỉnh táo để biết được ta là ai. Một khảo sát vô cùng sâu rộng về những thực tại vẫn đang hiện diện trong đời sống này.

NGÔ THUẬN PHÁT