Thứ Tư, 31/08/2022 23:08

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Tác phẩm của các nhà văn quân đội trong chương trình và sách giáo khoa ngữ văn mới

Đúng là SGK lần này khác rất nhiều so với SGK trước đây. Sự thay đổi ấy trước hết đáp ứng yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện”...

Năm học 2022 - 2023 là năm học có tính chất “cách mạng” của nền giáo dục nước nhà nói chung và chương trình ngữ văn trung học phổ thông nói riêng. Thay vì chung một sách giáo khoa (SGK) ngữ văn như trước đây, trong năm học này các trường, các thầy cô dạy ngữ văn và các em học sinh lớp 10 được quyền lựa chọn giảng dạy và học tập từ nhiều bộ SGK ngữ văn khác nhau của những nhóm biên soạn khác nhau. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Chủ biên chương trình Ngữ văn 2018 và hiện nay là Tổng chủ biên bộ sách Ngữ văn trung học phổ thông Cánh Diều, nhằm giúp bạn đọc có những hình dung cụ thể, rõ ràng hơn về một trong những bộ SGK đang thu hút được sự quan tâm của các trường, các giáo viên dạy ngữ văn trên toàn quốc.

- Mặc dù năm học 2022 - 2023 mới bắt đầu dạy SGK lớp 10, phải hai năm nữa, bộ SGK Ngữ văn trung học phổ thông mới hoàn thành hết lớp 12, nhưng nhìn vào nội dung và cấu trúc của SGK Ngữ văn 10 Cánh Diều, tôi đã thấy sự đổi mới của các nhà biên soạn. Nếu trước đây, SGK Ngữ văn được biên soạn theo hướng kết hợp giữa giảng dạy theo tiến trình văn học sử và thể loại thì ở bộ Cánh Diều lại chú trọng nhiều hơn đến thể loại. Nội dung, khối lượng kiến thức cũng được giảm tải tương đối. Với tư cách là Tổng chủ biên bộ sách, ông có thể chia sẻ cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội về điều này?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Đúng là SGK lần này khác rất nhiều so với SGK trước đây. Sự thay đổi ấy trước hết đáp ứng yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện” mà Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Chính phủ đã nêu lên. Tiếp theo là đáp ứng yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới (chương trình 2018).

Cụ thể, SGK Ngữ văn Cánh Diều lần này kế thừa chương trình của các lần trước ở chỗ: vẫn tổ chức dạy học theo thể loại và kiểu văn bản. Tuy nhiên việc sắp xếp học các tác phẩm không theo tiến trình văn học sử. Vì thiết kế theo văn học sử có hạn chế ở chỗ rất nhiều tác phẩm khó, cách xa hiện tại (văn học dân gian và trung đại) lại học ở lớp dưới, lên lớp trên lại học các tác phẩm dễ hơn, gần với thời hiện tại hơn (văn học hiện đại). Như thế trái với trình độ và tâm lí tiếp nhận văn học của học sinh.

Lần này SGK Ngữ văn Cánh Diều lấy tiêu chí thể loại và kiểu văn bản, không phân chia theo văn học sử, nhằm hình thành cho học sinh cách đọc theo thể loại (thơ, truyện, kí, kịch bản văn học...) hoặc kiểu văn bản (văn bản nghị luận, văn bản thông tin). Phải dạy cách đọc để phát triển năng lực đọc và thông qua nội dung đọc mà phát triển phẩm chất. Hơn nữa yêu cầu của chương trình là đọc hiểu văn bản nên cần tập trung vào văn bản, tác phẩm, chứ không phải học lịch sử văn học. Đương nhiên yếu tố lịch sử văn học vẫn được coi như một cơ sở để giúp học sinh hiểu tác phẩm, nhưng không phải là mục tiêu dạy học.

Do tổ chức dạy đọc theo thể loại nên SGK Ngữ văn Cánh Diều không chạy theo khối lượng nội dung mà tập trung lựa chọn một số tác phẩm tiêu biểu theo yêu cầu của chương trình. Vì thế giúp việc học sẽ nhẹ nhàng hơn, mỗi bài học giáo viên chỉ cần tập trung dạy thật kĩ một văn bản, tác phẩm sau đó hướng dẫn cho học sinh thực hành đọc các tác phẩm khác có thể loại tương tự để củng cố cách đọc ở bài trước.

- SGK Ngữ văn Cánh Diều có giảng dạy hai loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc là chèo và tuồng (các văn bản chèo Thúy Vân giả dại, Thị Mầu lên chùa, tuồng Mắc mưu Thị Hến). Thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, tại sao các nhà biên soạn lại chọn hai loại hình này và các văn bản trên mà không chọn hay thêm vào chương trình những loại hình nghệ thuật truyền thống khác của dân tộc như cải lương, rối nước…?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Đây là vấn đề của chương trình. Chương trình 2018 quy định lớp 10 đọc kịch bản tuồng hoặc chèo; lên lớp 11 và lớp 12 sẽ học đọc văn bản hài kịch và bi kịch. Cần chú ý đây chỉ là dạy cách đọc kịch bản văn học chứ không phải dạy sáng tác hoặc xem biểu diễn trên sân khấu. Tức là cách đọc một vở kịch được trình bày trên giấy như các văn bản thơ, truyện, kí... Sở dĩ không dạy đọc kịch bản của các loại hình nghệ thuật truyền thống khác vì SGK Ngữ văn chủ yếu ưu tiên cho các thể loại chính (thơ, truyện, kí với các tiểu loại cụ thể). Thời gian học của các em chỉ 3 tiết/ tuần nên không thể dạy thật nhiều và đầy đủ các thể loại (ngay cả hát nói, văn tế, ngâm khúc, phú... cũng không được dạy như một thể loại). Dạy đọc kịch bản tuồng, chèo là hai loại hình nghệ thuật tiểu biểu cho ba miền. Cũng không phải ngẫu nhiên chương trình và SGK từ trước tới nay đều dạy kịch bản của hai thể loại này. Tôi nghĩ các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác có thể vận dụng trong việc dạy học các nội dung địa phương.

- Trong chương trình SGK Ngữ văn mới, các nhà biên soạn bộ Cánh Diều tích hợp nội dung, kiến thức giảng dạy trong bốn hoạt động đọc - viết - nói - nghe. Nếu như đọc - viết là những kĩ năng “cổ điển” đối với hoạt động dạy và học môn văn thì nói - nghe lại là những kĩ năng mới. Việc đặt hai kĩ năng này lên ngang tầm với hai kĩ năng đọc - viết (vốn rất được chú trọng trong thực tiễn giảng dạy vì phục vụ cho thi cử) nhằm mục đích gì thưa ông?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Trong bốn kĩ năng giao tiếp, với học sinh bản ngữ, kĩ năng nói và nghe đã có và được thực hành rất nhiều ngay từ trước khi đến trường. Trẻ ba, bốn tuổi đã nói - nghe rành rọt. Không đến trường học sinh vẫn nói - nghe được; nhưng muốn biết đọc, biết viết thì phải đến trường. Vì thế trường học tập trung nhiều hơn cho kĩ năng đọc và viết. Phải học đọc và viết thành thạo để học các môn học khác, mới học nghề và làm việc tốt được. Tuy nhiên như thế không có nghĩa là nhà trường bỏ dạy kĩ năng nói và nghe. Chương trình từ trước đến nay đều có yêu cầu dạy kĩ năng nói và nghe, nhưng trong thực tế ít được chú trọng. Kết quả học sinh sau khi ra trường là kĩ năng nói, nghe rất kém. Chương trình và SGK 2018 chủ trương dạy nói và nghe với ba yêu cầu: nội dung, cách thức và thái độ nói và nghe. Mục đích của chương trình mới là điều chỉnh lại cách dạy nói, nghe; khắc phục hạn chế trước đây; giúp cho học sinh nói - nghe một cách tự tin, có nội dung, rõ ràng, đúng trọng tâm, biết kết hợp ngôn ngữ nói với ngôn ngữ hình thể và có thái độ nói - nghe phù hợp.

- Đọc bộ Cánh Diều, tôi thấy các nhà biên soạn dành một dung lượng thích đáng cho việc tự học - một vấn đề căn bản, cốt lõi của giáo dục hiện đại. Ông có thể nói rõ hơn cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội về yêu cầu tự học đối với học sinh phổ thông? Yêu cầu này có gì khác biệt so với việc tự học của sinh viên đại học?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Tự học rất quan trọng với tất cả mọi người; sau khi rời ghế nhà trường, ra đời vẫn phải tiếp tục tự học mới có thể “thành người”, mới có năng lực và khả năng thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống. Vì thế nhà trường nói chung, SGK nói riêng cần hình thành và dạy cho học sinh năng lực tự học. Để học sinh có năng lực tự học, SGK Ngữ văn Cánh Diều chủ trương hướng dẫn cho các em cách thức là chính: cách đọc, cách viết, cách nói và nghe; cách vận dụng kiến thức văn học, tiếng Việt vào đọc, viết, nói, nghe. Khác với bậc đại học, tự học với nghĩa đầy đủ nhất là tự mình đặt ra và nghiên cứu; ở phổ thông SGK và nhà trường hình thành cho học sinh năng lực tự học bắt đầu từ việc phải có hướng dẫn. Chẳng hạn phải hướng dẫn cách đọc truyện thông qua một vài tác phẩm tiêu biểu cụ thể (dạy kĩ). Sau đó yêu cầu học sinh thực hành đọc, vận dụng các kĩ năng đã hình thành ở bài đầu. Và cuối cùng tự đánh giá kết quả đọc bằng một văn bản ngữ liệu mới không có hướng dẫn của giáo viên.

- Trong chương trình SGK Ngữ văn, việc giảng dạy tác giả và tác phẩm nào có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc lựa chọn những tác giả vào SGK Ngữ văn Cánh Diều dựa trên những quan điểm, tiêu chí gì thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Chương trình Ngữ văn 2018 quy định 3 loại văn bản ngữ liệu: 1/ bắt buộc học 6 tác phẩm Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập; 2/ bắt buộc chọn (bắt buộc học một số bộ phận văn học và tác giả, nhưng không quy định tác phẩm cụ thể nào; ví dụ bắt buộc dạy Nam Cao, nhưng dạy tác phẩm nào thì tùy mỗi bộ sách); 3/ tự chọn hoàn toàn không bắt buộc, tùy vào mỗi bộ sách. Quy định này bảo đảm kiến thức văn học nền tảng, kết hợp với hướng mở để việc lựa chọn được đa dạng, phong phú... Tuy nhiên việc lựa chọn các tác phẩm cụ thể cần dựa vào tiêu chí chương trình đã nêu lên, như: a/ phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực; b/ phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh từng cấp học; c/ có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; d/ phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc...

Ngoài ra, khi soạn sách chúng tôi còn phải chú ý bảo đảm tỉ lệ hợp lí giữa văn bản văn học với văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Trong văn bản văn học, chú ý bảo đảm sự cân đối tương đối giữa các thể loại cơ bản (truyện, thơ, kí, kịch), giữa văn học trung đại và văn học hiện đại, giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn học dân tộc Kinh và văn học dân tộc thiểu số, giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, giữa Đông và Tây. Bảo đảm sự phù hợp của văn bản với yêu cầu phát triển và thời lượng học tập của chương trình. Độ khó của các văn bản đọc tăng dần qua từng năm học. Bảo đảm kế thừa và phát triển các chương trình môn ngữ văn đã có.

- Từ trước đến nay, nhiều nhà văn, nhà thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông cũ như Hữu Thỉnh, Nguyễn Khải, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đức Mậu… Nhìn vào SGK Ngữ văn 10 Cánh Diều, tôi rất phấn khởi khi thấy có sự xuất hiện của các nhà văn, nhà thơ đã công tác tại Nhà số 4 là Trần Đăng Khoa, Sương Nguyệt Minh. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống có thể chia sẻ với bạn đọc Văn nghệ Quân đội về “truyền thống” lựa chọn các tác phẩm của những nhà văn mặc áo lính trong chương trình ngữ văn phổ thông?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Xuất phát từ các tiêu chí nêu trên, tất yếu các tác phẩm của các nhà văn quân đội được chú ý lựa chọn vào chương trình SGK ngữ văn. Chẳng hạn mảng văn học viết về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và hậu quả của chiến tranh thì khó ai viết hay hơn các nhà văn đã từng và hiện đang trong quân đội. Vì thế ngoài các tác giả có trong chương trình trước, chương trình 2018 có gợi ý thêm một số tác phẩm của các tác giả là nhà văn quân đội như: Phan Tứ, Bảo Ninh, Trần Đăng Khoa, Trung Trung Đỉnh, Đặng Thùy Trâm... Sách Ngữ văn Cánh Diều bổ sung thêm một số tác giả mới như Sương Nguyệt Minh, Vũ Cao Phan. Trần Đăng Khoa trong chương trình trước chỉ có ở tiểu học và trung học cơ sở, nay lần đầu tiên có mặt trong sách ngữ văn trung học phổ thông với bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo (đề tài biển đảo).

- Trong các bộ sách giáo khoa trước, ở mảng đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, người biên soạn thường chọn những tác phẩm viết trực diện về các cuộc kháng chiến với âm hưởng sử thi hào hùng (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi) nhưng với hai truyện ngắn Người ở bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh, Ngày cuối cùng của chiến tranh của Vũ Cao Phan, dường như các nhà biên soạn bộ Cánh Diều lại có xu hướng thiên về những tác phẩm viết về nỗi đau, hậu quả mà chiến tranh mang lại cho con người, dân tộc Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này với bạn đọc Văn nghệ Quân đội?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Đúng như thế. Chúng tôi cho rằng cần lựa chọn các tác phẩm viết về người lính và chiến tranh, nhưng theo hướng viết về hậu quả của chiến tranh hơn là miêu tả trực tiếp cảnh chiến trận. Người ở bến sông ChâuNgày cuối cùng của chiến tranh viết về chiến tranh nhưng không tập trung miêu tả trực tiếp cảnh “máu chảy đầu rơi, xương tan thịt nát” mà cả hai truyện đều tạo được các tình huống rất hấp dẫn, độc đáo, người đọc thấm thía những mất mát, đau thương do chiến tranh và những tình cảm nhân ái, vị tha cũng như những suy nghĩ và hành động cao đẹp của con người. Theo hướng này vừa nói được sự khốc liệt của chiến tranh, vừa nêu được những phẩm chất cao đẹp và sự hi sinh thầm lặng của những người lính; giáo dục học sinh lòng yêu hòa bình, trân trọng các thế hệ cha anh... Hơn nữa các tác phẩm ấy đáp ứng được yêu cầu mới về đọc truyện như yêu cầu về tình huống truyện, cách khắc họa nhân vật từ nhiều phía, tác dụng của ngôi kể, lời kể và sự thay đổi điểm nhìn...

- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống!

ĐOÀN MINH TÂM thực hiện