Thứ Năm, 24/01/2019 15:53

Tài trí Hồ Chí Minh – Liên tưởng từ Picatxo tới Đác-Giăng-Liơ

ĐácGiăngliơ, vốn là một thày tu phá giới, đăng lính, phục vụ trong lực lượng hải quân Pháp, thăng dần lên đến chức đô đốc. Đầu năm 1946 được cử làm Cao ủy Pháp tại Đông Dương.

Giở lại những trang sử nước nhà - giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1946, giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh là thượng khách của nước Pháp đến Pari rồi trở về bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm - có nhiều chuyện kể về những cuộc đấu trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách, quan chức và tướng tá Pháp mà bao giờ phần thắng cũng thuộc về Hồ Chí Minh đã thể hiện tài trí của Người - Một trong những câu chuyện hấp dẫn, lý thú đó là màn đấu trí trên chiến hạn Supphơren tại vịnh Cam Ranh giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với cao uỷ Pháp tại Đông Dương ĐácGiăngliơ ngày 18 tháng 10 năm 1946.

ĐácGiăngliơ, vốn là một thày tu phá giới, đăng lính, phục vụ trong lực lượng hải quân Pháp, thăng dần lên đến chức đô đốc. Đầu năm 1946 được cử làm Cao ủy Pháp tại Đông Dương. ĐácGiăngliơ là một tên thực dân cáo già, hiếu chiến, chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh với chiến lược đánh nhanh thắng nhanh. Nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về đã đến Sài Gòn hắn liền mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Cam Ranh hội đàm để cứu vãn hoà bình (thực chất là để thăm dò và nắn gân!). Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã "đọc vị" ngay tim đen của ĐácGiăngliơ nên rất điềm tĩnh đến gặp ĐácGiăngliơ. Đi cùng Người chỉ có một mình Bác sĩ Trần Hữu Tước, bác sĩ riêng. Bác sĩ Trần Hữu Tước đã kể lại cuộc hội kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ĐácGiăngliơ: Một chiến tàu chiến ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thiết giáp hạm Supphren đang neo ngoài khơi vịnh Cam Ranh. Có hai chiếc thuỷ phi cơ bay lượn chung quanh. Trên boong hai đơn vị lục quân và thuỷ quân được dàn ra, xếp hàng thành một khung vuông, có lối vào trải thảm sang trọng. Lễ duyệt hàng quân danh dự được cử hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi duyệt giữa hai hàng quân bồng súng. Những phát đạn pháo chào mừng nổ vang. Xong phần nghi thức ĐácGiăngliơ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vị trí đã xếp sẵn. Tên thực dân cáo già cố ý xếp Bác ngồi giữa hắn là đô đốc hải quân và tướng Moóclie, tư lệnh lục quân Pháp tại Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ngồi xuống, Đác Giăngliơ nheo mắt, tay vẩy lên, vẩy xuống, lên giọng bóng bẩy: "Thưa Chủ tịch, Ngài đang được đóng khung giữa lục quân và hải quân rồi đó" (Monsieur le prési dent, vous voi là bien en cadré, enter I'Amee et la marine). Chưa kịp hưởng hương vị khoái trá bởi lối chơi chữ hiểm thì ĐácGiăngliơ đã sửng sốt, bẽ mặt trước lối ứng đối mau lẹ, trí tuệ, cao thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nhưng ngài biết đấy, thưa thuỷ sư đô đốc, chính bức tranh mới đem lại giá rị cho cái khung" (Mais vous sarez, mor sieur I'Amiral, c'est le tableau qui fait la valeur du cadre). Thật là "cao nhân tất hữu cao nhân trị".

Không thể (và không cần) "bình luận" gì thêm về câu chuyện này bởi nội dung câu chuyện đã nói lên tất cả tài trí, đầu óc mẫn tiệp của một bậc thiên tài: "Chúng ta không thể hiểu thiên tài mà chỉ có thể chấp nhận thiên tài mà thôi!". Đúng vậy, nhưng ở đây, tôi muốn có một sự liên tưởng về hội hoạ, về tình bạn, về cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoạ sĩ Picaxô ở Pari tháng 7 năm 1946, những "yếu tố cấu thành" dẫn đến cuộc đối thoại trên chiến hạm Suphren lấy hội hoạ (bức tranh và cái khung) làm cớ. Một "đòn đau" dành cho Đác Giăngliơ.

Chúng ta đều biết, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người của hội hoạ (vẽ tranh, minh hoạ, tô màu, sửa ảnh, trình bày báo) và Người tỏ ra rất có năng khiếu trong môn nghệ thuật này như chính Picatxô nhận xét "Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên tờ Le Paria, ký tên Nguyễn Ái Quốc, tôi nói với nhà văn Hăngri BácBuypxơ: "Chỉ mấy nét vẽ đã cho thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong". Nếu như anh chuyên tâm đi theo con đường hội hoạ, thì biết đâu, có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc hoạ sĩ. Nhưng hôm nay anh Nguyễn đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đi hàng đầu của cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình và của các dân tộc bị áp bức khác". Rõ ràng Picatxô đáng giá cao năng lực, năng khiếu hội hoạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã mời Chủ tịch đi thăm phòng tranh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem rất chăm chú, lúc trở lại phòng khách, Picatxô trân trọng đề nghị:

- Anh Nguyễn, anh cho tôi một lời khuyên!

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhã nhặn:

- Tôi đến để chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình phẩm về tranh của Picatxô chỉ là nét viền quanh khung bức tranh (H.Q.U nhấn mạnh). Anh miễn cho tôi, một người am hiểu hội hoạ quá ít.

Thật là lịch thiệp, thấu hiểu và trân trọng.

Cuộc gặp với hoạ sĩ Picatxô đã để lại nhiều ấn tượng đẹp và mối quan hệ, vị trí, giá trị của chiếc khung tranh với bức tranh đã được xác lập rõ nét, in sâu để khi Đác Giăngliơ buông lời doạ dẫm "bị đóng khung" với ý: "bị khoá chặt", Chủ tịch Hồ Chí Minh liền lái "chiếc khung" của Đác Giăngliơ thành khung tranh mà "đập lại". Thật là "gậy ông đập lưng ông".

"Dẫn giải" một cách thô sơ như vậy để phần nào thấy rằng mọi kết quả đều có nguyên nhân. Có thể hiển hiện, có thể ẩn sâu mà vẫn giả mã được.

Câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, trò chuyện với hoạ sĩ thiên tài người Tây Ban Nha Picatxô giữa thủ đô Pa Ri còn "kể" rằng: Cuộc trò chuyện càng trở nên thân mật. Picatxô cầm bút vẽ, phác thảo mấy nét chân dung Hồ Chí Minh. Vẽ xong Picatxô cất bức vẽ vào trong cặp giấy. Một lúc sau, Hồ Chí Minh đứng dậy cáo từ. Picatxô tiễn ra tận cửa rồi tặng bức vẽ cho Hồ Chí Minh:

- Đây là món quà Pari tôi tặng anh, đó là hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay và cũng là hình ảnh của Nguyễn Ái Quốc thời thanh xuân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động nhận lấy bức vẽ và cảm ơn nhà hoạ sĩ thiên tài rồi giao cho người thư ký giữ. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến người thư ký của Bác Hồ cẩn trọng gìn giữ bức vẽ quý đó... Sau rồi không biết bức vẽ thất lạc nơi đâu? Cũng có thể đang ẩn khuất ở một nơi nào đó! Nếu tìm lại được thì bức vẽ của Picatxô sẽ lưu lại hình ảnh sinh động, chân xác về thiên tài Hồ Chí Minh, bậc đại trí, đại nhân, đại dũng như hình ảnh Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc đã được lưu lại trong bài báo của nhà thơ Nga Oxíp Manđenstam đăng trên tờ Ogoniok tháng 12.1923 với đầu đề Thăm một chiến sĩ Cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc. "Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai".

Hy vọng và hy vọng dù rất xa vời.

HOÀNG QUẢNG UYÊN