Thứ Năm, 03/07/2025 00:47

Tấm bản đồ trong tim

Xe chạy được khoảng ba, bốn tiếng, đột nhiên một chiếc lán gỗ hiện ra trước mắt khiến tôi sững sờ. Khung cảnh hệt những lữ khách bôn tẩu giang hồ giữa vùng hoang dã... (Bút kí của NGUYỄN MẠNH HÙNG)

. NGUYỄN MẠNH HÙNG
 

Kí ức xưa

Năm 2011, tôi phụ trách trại viết văn học của Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp cùng Binh đoàn 15 tổ chức tại Quy Nhơn. Trong chương trình của trại có chuyến đi thực tế tại một số công ty của Binh đoàn. Đó là lần đầu tiên tôi đến Tây Nguyên. Vì là lần đầu tiên, nên trước khi đi tôi có gọi và hẹn Vũ Bá Thiết, Đội trưởng 711 Công ty 72 khi ấy và hẹn anh bố trí một chuyến khám phá Tây Nguyên.

Ngay buổi chiều gặp, Thiết chốt luôn: Tối nay 6 giờ, anh chờ em ở cổng công ty, em sẽ cho anh chạm nhẹ rừng đêm Tây Nguyên để có chút khái niệm. Gần sáu giờ tối, tôi cùng nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (vừa bay từ Hà Nội vào) hồi hộp đứng chờ. Con đường Ia Pnol vắng hoe, những ngôi nhà, cây cối đứng lặng thing trong không gian chàm tối u buồn và bí ẩn. Đột nhiên, từ đằng xa, giữa đám bụi đỏ bốc lên mù mịt, một chiếc xe U oát mui trần xuất hiện với một người nằm trên nóc xe đỗ xịch trước mặt chúng tôi. Quả thực đến bây giờ, tôi vẫn không quên được cảm giác khi Thiết từ trên nóc xe nhảy xuống. Trong cái dáng vẻ vâm váp phong trần với nước da ngăm đen, mặt vuông chữ điền, tóc rễ tre cứng, dày cắt ngắn, ánh mắt luôn nhìn thẳng, toát ra vẻ tin cậy và an tâm, Thiết ngoắc chúng tôi lên xe. Đang ngơ ngác chưa biết an tọa chỗ nào vì trong xe gần đủ người thì Thiết đã chỉ lên nóc xe có ghép mấy tấm gỗ chắc chắn, bảo, nếu muốn thật thấm Tây Nguyên thì các anh có thể lên đó còn không thì vào trong. Tất nhiên, chúng tôi gật đầu. Chưa kịp… nằm thì chiếc xe đã chồm lên. Lần đầu tiên tôi được cảm nhận rừng đêm Tây Nguyên - rừng khộp, với tán không quá dày, khá thoáng đãng, những bụi cây lúp xúp xen những cây dầu và một số loại cây gỗ khác vươn thẳng trải dài trên cao nguyên. Có những đoạn đi trong rừng mà vẫn có thể nhìn thấy sao trên trời. Nó khác hẳn với những cánh rừng rậm rạp ở miền núi phía Bắc hoặc Ninh Bình, Hòa Bình mà tôi đã từng qua.

Xe chạy được khoảng ba, bốn tiếng, đột nhiên một chiếc lán gỗ hiện ra trước mắt khiến tôi sững sờ. Khung cảnh hệt những lữ khách bôn tẩu giang hồ giữa vùng hoang dã bất ngờ gặp lữ quán trong các phim võ hiệp. Chúng tôi dừng lại vào lán nghỉ. Tôi nằm ngửa trên chiếc phản tạm được kê bằng mấy tấm ván gỗ ghép lại với nhau ngắm sao trời. Mùi đất, mùi lá khô, mùi cây rừng, tiếng côn trùng, tiếng chim, tiếng thú trong đêm thảng thốt quyện trong cái tinh khiết của không khí… Mọi giác quan của tôi như đều được đánh thức bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và linh thiêng của Tây Nguyên…

Và hôm đó chúng tôi đã đi suốt đêm trong rừng, đi là đi thôi, đi như trong cơn mơ, sáng ra ghé lại một đồn biên phòng. Trở về đơn vị cũng đã hơn sáu giờ sáng để bắt đầu một ngày làm việc mới…

Đoàn công tác VNQĐ và cán bộ Trung đoàn 710, Binh đoàn 15

Và Tây Nguyên hôm nay

Nếu không có tấm biển nền xanh bên đường ghi chữ Ia Pnol, chắc chắn tôi không thể nhận ra nơi đây, hơn chục năm trước, chính là chỗ chiếc xe U oát mui trần khỏa bụi đất đỏ bazan mù mịt xuất hiện lúc chàm chàm tối. Một cảm giác vừa vui mừng vừa có chút tiếc nuối chợt nhen lên. Giờ đây, xuyên Ia Pnol là con đường nhựa phẳng lì, sạch sẽ. Hai bên đường có rất nhiều nhà ngói, nhà trần. Trong trụ sở của Công ty TNHH một thành viên 72, đơn vị quản lí các đội sản xuất trải dài ở 3 xã biên giới Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và một phần xã Ia Kla và thị trấn Chư Ty của huyện Đức Cơ, Thượng tá Trần Chí Kiên, Bí thư Đảng ủy ngồi tiếp chúng tôi. Hóa ra, anh cũng lại là “người quen” khi tiếp đoàn trại viết năm 2011, lúc anh là Chủ nhiệm chính trị ở Công ty 715. Vốn con nhà lính chính hiệu (bố anh trước là Chính ủy Quân khu 5) anh chốt luôn, thời gian không cho phép chúng ta đi nhiều, vì thế sẽ đi nơi nào thật ý nghĩa, thật sâu sắc.

Anh đưa chúng tôi lên cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đầu mùa khô, cỏ đuôi chồn tím nhẹ phớt hồng chạy dài như bạt ngàn cờ phướn hai bên đường. Nắng seo seo, gió seo seo. Lòng người cũng seo seo. Chúng tôi đang đi trên con đường mà ngày xưa, đất mẹ dang tay đón những người lính từ bên kia biên giới trong cuộc chiến chống Pol Pot. Những đứa con bằng da bằng thịt với nụ cười rạng rỡ; cùng những đứa con chỉ là chút xương cốt, chút di vật trong ba lô, thậm chí, chỉ là những kỉ niệm chiến chinh trong lòng đồng đội…

Trong đoàn đi cửa khẩu Lệ Thanh hôm ấy, người nói nhiều nhất, ngó nghiêng nhiều nhất là nhà văn Trung Sỹ - tác giả Chuyện lính Tây Nam. Không phấn khích sao được, khi anh đang đi trên con đường của mình, đồng đội mình ngày xưa đã đi, đã trở về. Không phấn khích sao được khi bao nhiêu hình ảnh, âm thanh, ngày tháng cũ đồng vọng trong những khoảnh khắc của buổi sáng này… Anh xoay ngang, xoay dọc trên xe chỉ chỗ này, chỗ nọ cho chúng tôi trong cái mớ kí ức gặp hiện hữu bật ra. Nhưng có lẽ, Trung Sỹ xúc động nhất trong hai khoảnh khắc: lúc anh đứng trước cột mốc 30 chỉ cho chúng tôi cây kơ nia cổ thụ bên kia biên giới, nơi đồng đội của anh nhảy cẫng lên reo hò sung sướng bởi mấy bước chân nữa thôi là về với đất mẹ, với yên bình. Nhưng chính chỗ đó, cũng là nơi tập kết những đồng đội chỉ còn là những di hài… Và khoảnh khắc thứ hai, khi chúng tôi vào Nhà tưởng niệm các liệt sĩ cách Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chừng gần 1km, cạnh trục đường 14C, nối liền huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) với huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Trên bia đá ghi rõ tên họ, quê quán của các anh, những người đã anh dũng chiến đấu và hi sinh chống trả địch trong 9 ngày bị địch bao vây khi chúng tràn từ bên kia biên giới sang… Thượng tá Trần Chí Kiên và Trung Sỹ, mỗi người lấy một điếu thuốc ra châm, cắm lên chân nhang rồi sau đó mới thắp hương. Tôi chợt nhớ lần đi cùng các cựu chiến binh Sư đoàn 356 lên cây hương điểm chốt 685 Hà Giang, trong các thứ đặt lên ban thờ có cả thuốc lào, thuốc lá, muối vừng, lương khô… Nó không chỉ là lễ đơn thuần mà là kí ức về đồng đội…

Thượng tá Trần Chí Kiên biết khá nhiều về trận chiến năm xưa của đồn nhưng anh chỉ kể nhát gừng, giọng rất nhẹ về mỗi hoàn cảnh hi sinh, rồi anh dẫn chúng tôi ra chiếc giếng nhỏ miệng đã được bịt lại, phía trên đặt một bát hương nhỏ bên trái Đài tưởng niệm, giọng nghẹn ngào: Một lần bọn nó mò vào trinh sát gặp mấy người lính đang tắm và lấy nước. Chúng đã giết rồi vứt xác xuống dưới đó…

 

Dấu ấn Binh đoàn

Năm 2015, trong chuyến thứ hai vào Tây Nguyên với Binh đoàn 15, tôi có tìm xuống một xóm của xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum. Tên xóm, tên đường, đường điện, thậm chí tên một vài đứa trẻ trong xóm đều là… A Tâm. A Tâm chính là một người lính của Binh đoàn - Thượng tá Trịnh Hà Tâm, nguyên Giám đốc Công ty 732, người đã quyết tâm làm đường, kéo điện cho bà con. Và trong chuyến đi lần này vào đội 5, Ia Púc huyện Chư Prông, Gia Lai, người từng dẫn tôi đi khám phá Tây Nguyên năm 2011 nay là Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Kinh tế Quốc phòng 710 Vũ Bá Thiết cũng chỉ cho tôi một đường điện của Binh đoàn kéo vào cho công nhân ở đó. Rồi anh hướng mắt về những cánh rừng cao su đang mùa cạo mủ hai bên đường bảo, vùng này trước đây hoang vu, không có người ở. Nhưng từ khi Binh đoàn có chủ trương, Trung đoàn cùng Công ty Bình Dương đã đưa công nhân vào đây. Hiện đội 5 của đơn vị có 45 công nhân với rất nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Jrai, Bahnar, Tày, Nùng… đã thành làng - làng đội 5, vì ở heo hút, đi lại khó khăn nên phải tổ chức một điểm trường bán trú ở trung tâm xã Ia Boòng để đảm bảo cho các cháu không bị thất học.

Sau hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đi được từ đội 5 ra trung tâm xã Ia Boòng, nơi đặt điểm trường bán trú cho con em công nhân của đội 5. Mới hơn 6 giờ sáng nhưng các con đã nô đùa trước sân. Thứ bảy, mười bảy con học cấp I được nghỉ nên bố mẹ đã đón từ chiều thứ 6, chỉ còn 11 con đang học cấp 2 và 3 ở lại để chuẩn bị đến trường. Cậu bé Lương Xuân Báo đang học lớp 8 trông khá nhanh nhẹn trong bộ quần áo chuẩn bị đến trường nói chuyện khá tự nhiên dù chúng tôi là người lạ. Báo người dân tộc Mường, nhà ở đội 6, bố mẹ là công nhân cạo mủ cao su của Trung đoàn, học ở đây từ năm lớp 2. Báo cho biết, buổi sáng Báo cùng các bạn dậy từ 5 giờ, tập thể dục, gấp chăn màn vệ sinh… Nghe Báo kể, tôi hình dung các bé không khác gì các chú bộ đội tí hon. Tính kỉ luật, gọn gàng, ngăn nắp, giờ nào việc ấy được uốn nắn, rèn rũa từ bé. Báo bảo, ước mơ sau này của mình là được giống các chú. Còn Trương Nữ Hiền Trang đang học cấp 3 thì khẳng định, mình sẽ thi vào trường mầm non nào đó để sau này trở thành cô giáo mầm non. Chia sẻ với tôi, Thiếu tá QNCN Cao Văn Quang, quê Quảng Bình cho biết, lớp bán trú hàng ngày có một cô giáo của đơn vị chịu trách nhiệm kết hợp với một phụ huynh do các gia đình phân công để cơm nước, dọn dẹp và giúp các con học thêm về xuất ăn hàng ngày, đơn vị huy động đóng góp cho mỗi cháu 5 nghìn đồng một bữa.

Tôi đi vòng quanh thì thấy có một vườn rau khá rộng đủ cho điểm trường. Nhìn gương mặt rạng rỡ của các cháu và ước mơ mà các cháu chia sẻ tôi biết, những ngày tháng ở đây sẽ là những kỉ niệm đẹp sau này lớn lên, và biết đâu, trong số những gương mặt kia, sẽ có những người lính, những cô giáo mầm non tiếp tục công việc mà những người lính Binh đoàn 15 đang làm để xây dựng mảnh đất này ngày càng tươi đẹp…

 

Những anh “Hồ Giáo Binh đoàn”

Nhớ lại, cũng ở lần vào Binh đoàn 15 công tác lần thứ hai, đúng thời điểm cao su rớt giá thê thảm, đến đâu, tôi cũng luôn phải chứng kiến xen trong câu chuyện là tiếng thở dài, những ánh mắt lo âu. Cả Binh đoàn 15 gồng mình, cố gắng chạy vạy để lo cho đời sống công nhân, cán bộ công nhân viên, ngõ hầu duy trì hoạt động sản xuất, giữ cho cây cao su xanh tươi. Thời gian đó, tôi cũng đã nghe binh đoàn bắt đầu có những tìm tòi những hướng đi mới để có thể lấy mảng sản xuất kinh doanh nọ bù mảng kia khi xuất hiện những rủi ro của thị trường.

Chín năm sau trở lại, tôi được chứng kiến những hướng đi mới ấy đang cho quả ngọt. Xí nghiệp chăn nuôi của Công ty 74 là một trong những cú “rẽ ngang” thành công từ khó khăn ngày ấy. Phó giám đốc Công ty 74 Dạ Từ cho biết, năm 2015, Giám đốc Công ty 74 Hoàng Văn Sỹ (hiện là Thiếu tướng Tư lệnh Binh đoàn 15) xin chủ trương mở rộng một số ngành nghề cho phù hợp với tình hình và một trong những hướng đi chính là thành lập xí nghiệp chăn nuôi trên khu vực nguồn sẵn có là một vườn cao su đã hết chu kì khai thác. Ngay những ngày đầu, công ty đã xác định sẽ đầu tư cơ bản với quy mô lớn. Các cơ quan nghiên cứu kĩ thuật, cử người đi học, mua máy móc… Tuy nhiên thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên bò giống mặc dù mua ở những trung tâm giống uy tín ở các tỉnh miền Tây, nhưng do không hợp thổ nhưỡng nên việc chăm sóc rất vất vả, quá trình vận chuyển lại xa. Thông qua tìm hiểu trên báo chí, mời các chuyên gia về tư vấn, xí nghiệp rút kinh nghiệm, chuyển sang mua bò giống ở những vùng lân cận như An Khê của Gia Lai, Bình Định… vừa phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, vận chuyển lại gần, giá thấp hơn. Thay vì mua bò nhỏ, xí nghiệp mua loại tầm 15 tháng nặng khoảng 3,5 tạ đang ở thời kì sinh trưởng nên sẽ lớn nhanh, ít bệnh tật, khi xuất bò sẽ ở tầm 7 - 8 tạ. Tức là tăng trọng trung bình 1 ngày một cân.

Phạm Đình Phương, sinh năm 1984, nhân viên thú y, người gắn bó với những chú bò từ những ngày đầu cười bảo, tính bò cũng như tính trẻ con. Có con hiền, thích vuốt ve, chạm vào là lim dim mắt. Nhưng cũng có con rất hung dữ, hễ thấy người là mắt vằn lên, cụ cựa đầu. Đã có người lúc đưa tay vào cho ăn, nó húc đập vào gióng sưng vù tay, có người bị nó húc văng luôn. Nhưng có con lại nhát, hễ cứ nhìn thấy người là chạy. Phương nhớ nhất, có con bò mua về không hiểu sao cứ thấy người là kêu rất ghê, ăn no rồi cũng vẫn kêu, mà tiếng của nó lại to, thế nên nhiều khi đi kiểm tra, đến chỗ nó là cứ phải lanh lánh, kẻo lại… điếc tai. Thêm chuyện “tế nhị” của đám bò đực cũng khá… phiền toái. Vì chúng không được phối giống nên khi bò đực A thấy bò đực B cạnh chuồng quay mông về phía mình lập tức chồm lên khiến hai chân trước bị mắc vào gióng, không hạ xuống được, đành đứng trên hai chân sau, rất hại bò, thậm chí, có con bị đau tập tễnh cả tháng trời. Cá biệt có con mắc suốt đêm, sáng ra kiểm tra, hạ xuống, khuỵu luôn không đứng dậy được. Vậy là lại phải thuê thợ vào phá gióng ngăn đã hàn trước đây. Bệnh cũng thế, không khác gì con người. Nếu bị viêm phổi thì mũi dãi cũng ròng ròng, ho khục khục lẫn đờm, ho khan như con người...

Trung tá Nguyễn Tiến Thọ phụ trách xí nghiệp chăn nuôi cho biết quân số của xí nghiệp tổng 18 đồng chí, đảm nhiệm chăm sóc 1 ngàn con bò hàng năm. Bên cạnh đó, xí nghiệp còn có khu vực vườn ươm cây cao su non, khu vực trồng cỏ voi, rồi hàng chục ngàn mái tôn chuồng trại được tận dụng sản xuất điện mặt trời. Riêng phân bò dùng để bón cho cây cao su cũng đã tiết kiệm chi phí sản xuất cho binh đoàn rất nhiều. Ngoài ra, từ khi công ty ra đời ngoài tạo điều kiện công ăn việc làm tại xí nghiệp cho nhân dân quanh vùng, còn tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con khi xí nghiệp thu mua ngô sinh khối, cỏ voi…

Ngoài xí nghiệp chăn nuôi, phân xưởng chế biến gỗ cao su, đơn vị được thành lập năm 2022 trên cơ sở tận dụng mặt bằng một nhà máy chế biến cà phê, cũng là một điểm mới của binh đoàn. Xuất phát từ thực tiễn năm nào binh đoàn cũng có những khu vực rừng cao su hết chu kì khai thác cho mủ cần chặt bỏ, trong khi đó, giá trị của gỗ cao su trên thị trường trong nước và thế giới ổn định và cao, nếu bán gỗ cao su cho bên ngoài giá trị sẽ không cao bằng tự khai thác, mặt bằng trả lại cho binh đoàn không “sạch” để có thể ngay lập tức tiến hành trồng mới, ảnh hưởng đến tiến độ mùa vụ, bên cạnh đó không bảo đảm về an ninh vùng vành đai biên giới. Vậy là phân xưởng chế biến gỗ cao su ra đời quy mô sản xuất 30.000m3 phôi gỗ thành phẩm/năm, công suất chế biến 300 tấn gỗ cao su nguyên liệu/ ngày. Ban đầu, Phân xưởng chỉ có hơn 100 công nhân, đến nay đã thu hút trên 300 công nhân vào làm việc trực tiếp, gần một trăm công nhân trên địa bàn làm gián tiếp, thu nhập gần mười triệu đồng một tháng.

“Một đời công nhân, một đời cây cao su”… đó là câu nói của Thiếu tá QNCN Đỗ Xuân Thành, phụ trách Hành chính - Hậu cần của phân xưởng hóm hỉnh nói về phân xưởng của mình khi tiếp chuyện chúng tôi. Thành giải thích, nếu như một cây cao su tính từ lúc trồng, trưởng thành cho thu hoạch mủ đến khi hết chu kì khai thác khoảng 27 năm thì một người công nhân trực tiếp cạo mủ cũng chỉ làm việc được khoảng ngần ấy năm. Hai mươi tuổi vào làm công nhân cạo mủ thì đến tuổi 45, 50 cũng là lúc phải nghỉ vì không còn đủ sức để thức đêm thức hôm lặn lội trong rừng và chuyển sang làm công việc khác. Thanh xuân cây hiến mình cho đời những dòng mủ trắng thì người công nhân cũng hiến trọn tuổi thanh xuân cho cây…

Trong tiếng máy chạy ầm ầm, những người công nhân trong xưởng gỗ miệt mài làm việc. Ngẩng đầu lên sau chiếc khẩu trang và chiếc mũ che gần hết khuôn mặt là đôi mắt lấp lánh cười của Nguyễn Thi Mỹ, 39 tuổi, nhà cách xưởng gỗ khoảng 5km. Mỹ bảo, thu nhập hàng tháng của cô khoảng 7 đến 9 triệu đồng. Trả lời về lí do tại sao không làm cho các xưởng gỗ bên ngoài, cô trả lời không chút đắn đo: Làm cho xưởng gỗ của binh đoàn ổn định quanh năm, chứ không như bên ngoài, có việc thì họ gọi, không thì lại ở nhà. Với lại làm cho bộ đội chắc chắn sẽ yên tâm hơn rất nhiều…

Không thể kể hết những thay đổi mà tôi đã chứng kiến trong chuyến đi lần này của Binh đoàn 15, Những con đường thẳng tắp trải nhựa giữa rừng cao su ngút xanh. Những ngôi nhà khang trang, những ánh mắt lấp lánh, những dự định tươi sáng của những người công nhân cao su mà tôi gặp khi năm nay cao su, tiêu điều được giá, cả làm thêm vườn rẫy ở nhà, có người thu nhập lên đến bảy tám trăm triệu... Nhưng trong muôn vàn những thay đổi ấy, có một sự bất biến đó là tấm lòng, cái tình của những người lính Binh đoàn 15. Họ vẫn thế: Nhiệt thành, chung lòng lo toan ở mảnh đất Tây Nguyên này.

 

Tình yêu Tây Nguyên

Tôi biết ý định của Đội trưởng Đội 711, Công ty 72 Vũ Bá Thiết ở Ia Pnol khi đưa chúng tôi đi trải nghiệm đêm rừng Tây Nguyên năm 2011. Chúng tôi chỉ có một đêm duy nhất, vậy thì, không gì bằng để chúng tôi cảm nhận cái mênh mông, hoang sơ, yên bình - những giá trị vĩnh hằng của Tây Nguyên. Và 13 năm sau, Vũ Bá Thiết lúc này đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 710 ở Ia Mơ dẫn tôi đi lại con đường ngày xưa anh đã cho tôi trải nghiệm. Đi để cảm nhận sự thay đổi của Tây Nguyên. Cảm nhận những người lính Binh đoàn 15 đã làm được gì sau hơn mười năm ấy. Rồi Bí thư Đảng ủy Công ty 72, Thượng tá Trần Chí Kiên nữa, anh muốn chúng tôi hiểu giá trị của vùng đất mà Binh đoàn 15 đang đứng chân. Nó đã phải đánh đổi không chỉ là mồ hôi, mà còn là xương máu của các thế hệ cha anh để giữ yên vùng biên viễn này…

Với riêng Vũ Bá Thiết, anh là người yêu và hiểu Tây Nguyên. Anh có nhiều khoảnh khắc tuổi thơ gắn bó với mảnh đất này khi lớp 5 đã vào đây học, nhưng vì điều kiện trường lớp không thể học cấp 2 nên phải quay ra quê ở Thái Bình, rồi cấp 3 lại quay vào học tiếp. Gắn bó với Binh đoàn 15 từ công nhân hợp đồng, làm thống kê, đội trưởng, phó giám đốc, giám đốc công ty... Anh thuộc Tây Nguyên từ việc nhìn những con thú bắt đèn có thể biết con đực hay con cái, đang có chửa hay không. Con đực mắt sẽ có viền đỏ, con cái xanh biếc, nếu có chửa mắt sẽ xanh đục. Quy luật kiếm mồi là khoảng thời gian chàm tối hoặc sau 12 giờ đêm và ít ở rừng rậm mà hay ra chỗ rừng thưa bởi trong rừng rậm sợ tiếng gió xạc xào... Anh biết ở đây khi đi rừng, nếu gặp cây le, gần đó sẽ có suối nhỏ, cây lồ ô sẽ có suối lớn, còn gặp một loại cây, giống tre nhưng không phải tre, giống trúc nhưng không phải trúc, có rất nhiều ở trong rừng khộp thì sẽ không bao giờ gặp nước... Anh bảo ở đây, đồng bào người Gia Rai họ sống thật, có trước có sau, có ơn có nghĩa. Khi đã có niềm tin vào ai thì khó thay đổi. Nếu ai cho gì, họ sẽ tìm cách cho lại. Khi đã kết nghĩa thì coi nhau như anh em ruột thịt. Với Vũ Bá Thiết, những kỉ niệm ở làng Chan, Ia Pnol, Đức Cơ những năm 2007 - 2011, khi đang còn là Đội trưởng Đội 711, Công ty 72 là quãng thời gian vô cùng đáng nhớ. Thời điểm đó, đồng bào trồng cây cao su thường mua giống ở ngoài, vừa đắt lại không được hướng dẫn kĩ thuật dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Biết được điều đó, anh lấy giống của Viện về giá rẻ hơn giá thị trường, sau đó hướng dẫn bà con kĩ thuật trồng, chăm sóc. Nếu để bà con tự làm có khi chi phí lên đến vài chục triệu, nhưng khi giúp thì giá chỉ trên dưới chục triệu. Đến bây giờ, vườn cao su của đồng bào xanh tốt, cho năng suất cao, nhiều người trong làng vẫn gọi điện cho anh để cảm ơn. Với đồng bào, có những chuyện, nếu biết xử lí khéo léo, kiên nhẫn sẽ lấy được lòng tin, còn không sẽ ngược lại. Anh vẫn nhớ kỉ niệm với ông trưởng nhóm chấp sự Tin lành làng Chan. Hồi ấy, nhóm Tin lành rất khó tiếp cận vì trưởng nhóm trước đây là công nhân thời vụ của công ty, giai đoạn làm cỏ cao su, bà con làm cỏ lâu không xuể, trong khi thuốc diệt cỏ mới có, nhiều người chưa biết, vậy là ông chấp sự này nhận lại của các gia đình, sau đó mua thuốc diệt cỏ về phun để lấy công. Vì phun nhiều quá nên bị ngộ độc nhưng vì không hiểu nên vào công ty để… bắt đền bộ đội. Tất nhiên, công ty không thể bồi thường được. Sau sự việc ấy, anh xuống gặp. Hỏi không nói, mặt cứ lạnh toát như bom. Biết được vấn đề, anh quay ra lân la làm quen với vợ con của ông. Nhà làm cao su, anh lên hướng dẫn kĩ thuật, làm đẹp hơn cả các nhà khác. Ông bị dạ dày, anh đi tìm thuốc mua về cho uống khỏi. Sau những việc ấy, ông chấp sự rất quý anh. Thời điểm ấy đang mùa cao điểm cạo mủ, trong khi bà con vì theo đạo nên chủ nhật thường nghỉ để đi lễ, dẫn đến năng suất, sản lượng mủ của đội không đảm bảo, thu nhập của bà con thấp nhưng rất khó vận động bà con xắp xếp để đi làm. Sau khi suy nghĩ, anh xuống gặp ban chấp sự đề nghị, đơn vị sẽ điều chỉnh thời gian cạo sớm hơn, cạo, thu mủ xong trước 7 giờ sáng, sau đó bà con nghỉ ngơi về đi lễ, vẫn đảm bảo lòng kính Chúa, vừa có thu nhập, vậy là giải quyết xong bài toán không nghỉ ngày chủ nhật. Lâu lâu, anh lại cho chi đoàn lên quét dọn nhà thờ, đường làng giúp bà con. Rồi vận động anh em trong đội đóng góp tiền, vận động bà con ai có gạch góp gạch, có xi góp xi, góp công sức làm một con đường bê tông gần 200m từ làng xuống chỗ lấy nước cho đỡ vất vả. Anh còn có dự định làm việc với ban chấp sự nhóm Tin lành của làng làm sân trước cửa nhà thờ để làng hàng tháng có thể tổ chức chào cờ. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định ấy thì anh được Binh đoàn điều đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị khác. Biết tin anh sẽ chuyển công tác, hôm chia tay, bà con mang một xe công nông bầu bí, rau quả, chuối, gạo, gà… đến cho.

*

*         *

Sau ba lần vào Tây Nguyên đi cùng những người lính Binh đoàn 15, tôi nhận ra hầu như người nào cũng luôn có một tấm bản đồ cương thổ trong tâm trí. Họ luôn thao thức để làm sao cái nét đậm viền biên phía Tây, nơi miền thượng du che chắn cho đất mẹ luôn vững chãi, luôn được bồi đắp dầy thêm bởi những rừng cao su đâm rễ sâu vào đất, những bản làng đời nọ sang đời kia an cư lạc nghiệp…

N.M.H