“…Một hình ảnh khiến tôi đặc biệt xúc động là khi rời một đảo chìm, tôi thấy một người lính gác cứ đứng lặng lẽ, dõi theo chiếc xuồng nhỏ chở chúng tôi rời đi. Đó là một ánh mắt vừa cương nghị, vừa chan chứa thương mến. Khoảnh khắc ấy khiến tôi lặng người. Tôi chỉ ra đảo có vài ngày thôi mà đã thấy rõ sự khắc nghiệt của sóng gió, của đời sống trên đảo. Còn những người lính bám trụ quanh năm suốt tháng, phải đối mặt với biết bao giông bão, thiếu thốn và hiểm nguy thì làm sao ta có thể lấy thước ra mà đo được sự chịu đựng, khó khăn vất vả, thiếu thốn ở họ…”
Bài trò chuyện sâu sắc và thú vị giữa nhà thơ Đoàn Văn Mật và nhạc sĩ Vũ Thiết mang tên Cảm xúc lớn của thời đại luôn hiện diện trong mỗi người nghệ sĩ sẽ mở đầu Tạp chí số này.
Phần Văn xuôi được tiếp tục với các tác phẩm và bài viết ấn tượng.
Truyện ngắn Khoảng trời xanh thẳm của Nguyễn Ngọc Lợi thấm đẫm tình đồng đội, tình yêu trong sáng và lí tưởng sống giữa khói lửa chiến tranh. Trên nền không gian rừng Lào ngập nắng và bom đạn, người lính trẻ hiện lên với vẻ đẹp gan dạ, giàu cảm xúc và nhân hậu. Cuộc gặp gỡ thoáng qua với cô dân công tên Thái trở thành ngọn lửa âm ỉ trong tâm hồn anh, kết nối với lời hứa “hòa bình, anh hãy tìm em”. Truyện lay động bởi sự mất mát khôn nguôi (cái chết của Triển), và cả khoảng xanh hi vọng vẫn ngân trong mắt người lính. Văn phong nhẹ nhàng, chi tiết sống động, truyện như một khúc tưởng niệm đẹp và buồn về một thời tuổi trẻ không bao giờ quên của một thế hệ thanh niên ra trận.
Truyện ngắn Là sóng hay là hạt? của Huy Phạm là một cuộc độc thoại nội tâm đầy day dứt. Nhân vật Tâm đi tìm bản thể của mình gọi tên nỗi cô đơn của mình qua những va chạm tinh tế giữa đời sống và công việc. Mọi sự kiện dẫu diễn ra ồn ào đến đâu thì bên trong anh vẫn là một thế giới trầm tư, là những những khắc khoải về tồn tại, tình yêu, đời sống. Ngôn ngữ truyện tiết chế, không cầu kì tu từ, mà giàu nhịp điệu suy tưởng. Nghệ thuật kể chuyện nghiêng về lối cấu trúc trầm mặc với những mảnh vụn tưởng chừng vô nghĩa lại kết tinh thành một lớp triết lí lặng thầm. Một truyện ngắn mang tinh thần phản tỉnh, khai mở nhiều tầng liên tưởng trong một không gian rất đời thường.
Truyện ngắn Nước mắt chảy xuôi của Tống Ngọc Hân giàu tính hiện thực và nhân bản, khắc họa sâu sắc chân dung người nông dân miền núi suốt đời gắn bó với rừng, sống kiên cường, nghĩa tình và đầy bao dung. Ông Luật không chỉ là biểu tượng của tinh thần giữ đất, giữ rừng mà còn là hiện thân của đạo lí làm người, nghiêm khắc với cái sai nhưng không dứt bỏ gốc rễ yêu thương. Tác phẩm khiến người đọc thổn thức bởi những lớp lang đời sống được đan cài khéo léo, giữa trộm và chủ, giữa quá khứ và hiện tại, giữa lí trí và tình cảm, nơi tất cả đều tan chảy trong ánh bình minh thơm mùi quế và ánh sáng của lòng người.
Ghi chép Bà bán vé số và lời hứa năm xưa của Kim Chi là bức chân dung sống động và đầy cảm xúc về bà Bảy, một người phụ nữ từng vào sinh ra tử vì cách mạng, nay lặng lẽ giữ trọn lời hứa với đồng đội năm xưa.
“Kí ức lính” Những cánh diều màu máu của Nguyễn Trọng Luân là lời tự sự day dứt và đầy ám ảnh của một người phụ nữ từng sống, yêu và nhiều mất mát giữa chiến trường ác liệt. Hình ảnh “những cánh diều màu máu” khép lại truyện như một biểu tượng bất tử của tình yêu, kí ức và sự mất mát không bao giờ nguôi.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Vũ Ngọc Thư, Mai Thìn, Phạm Thuý Vinh, Lê Thanh My, Võ Sa Hà, Nguyễn Đình Minh, Lương Kim Phương, Hồ Minh Thông, Hoàng Hiền, Nguyễn Ngọc Trìu, Bùi Phan Thảo, Chung Tiến Lực.
Trang thơ ấn tượng bởi những bài thơ về chiến tranh và người lính hết sức xúc động. Bên cạnh đó là sự đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt, một số tác giả đã khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo cũng như chiều sâu của tư duy thơ. Những bài thơ mang đậm dấu ấn văn hoá lịch sử vùng miền, những tự sự cá nhân, những bản diện đời sống…
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Nơi mỗi giọt nước mắt có thể hoá thành ánh sáng của Hoàng Đăng Khoa giới thiệu về thi tập Thơm từ nỗi đau của Hoàng Thuỵ Anh.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Mặt trời và mặt trăng của Ye Chun do Nguyễn Thị Thuỳ Linh dịch từ bản tiếng Anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyên Đức, Nguyễn Thị Thái Hà, Đặng Nguyên, Nông Thị Ngọc Hiên, Nguyễn Phước Thảo, Lê Thị Kim Thuỳ, Thế Đức.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư chấn của nó trong kí ức, trong cơ thể những người trở về, trong nước mắt của người mẹ, trong nỗi niềm lặng lẽ của người vợ vẫn âm ỉ, day dứt như một vết thương chưa bao giờ lành miệng. Với văn chương sau 1975, hình tượng thương binh, liệt sĩ không chỉ được khắc họa như những biểu tượng vinh quang mà còn là cánh cửa mở vào nỗi đau, vào bi kịch của thân phận con người bị xé nát bởi bom đạn. Và hơn cả là nhịp cầu nhân văn hóa giải hận thù, kết nối những phận người. Bài viết Hình tượng thương binh, liệt sĩ trong văn học sau 1975: khi máu xương cưu mang đời sống và chữ nghĩa sẽ có những phân tích sâu sắc về chủ đề này.
Dân tộc Tày là dân tộc thiểu số, có lượng dân cư đứng thứ hai sau dân tộc Kinh trong số 54 dân tộc của đất nước Việt Nam. Đây cũng là dân tộc với những bản sắc được hình thành rất lâu trong lịch sử, giàu truyền thống nghệ thuật, văn hóa, văn học… Những truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc đó luôn là niềm tự hào to lớn cho mỗi người con của dân tộc. Nhà văn, nhà thơ Y Phương cũng mang trong mình niềm tâm huyết, tự hào thiết tha như thế. Bài viết Vùng cao trước xung đột truyền thống và hiện đại: nhìn từ tản văn Y Phương sẽ có những phân tích kĩ lưỡng về câu chuyện này.
Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1065 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/7/2025. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Đoàn Văn Mật - Vũ Thiết
Cảm xúc lớn của thời đại luôn hiện diện trong mỗi người nghệ sĩ
Nguyễn Ngọc Lợi
Khoảng trời xanh thẳm
Kim Chi
Bà bán vé số và lời hứa năm xưa
Nguyễn Trọng Luân
Những cánh diều màu máu
Huy Phạm
Là sóng hay là hạt?
Tống Ngọc Hân
Nước mắt chảy xuôi
Thơ
Vũ Ngọc Thư
Đứng dưới cột cờ Lũng Cú; Đêm tháng bảy
Mai Thìn
Ở nghĩa trang Hàng Dương; Bên chái bếp của mẹ;
Những viên gạch tháp Chàm
Phạm Thuý Vinh
Chiều Vị Xuyên; Trăng Đồng Lộc
Lê Thanh My
Tàu ngang qua Quảng Ngãi; Viết cho một bàn tay
Võ Sa Hà
Mắt bố; Kí ức nguồn; Gọi hồn con đường
Nguyễn Đình Minh
Bất ngờ hương ổi; Mảnh quê
Lương Kim Phương
Kí ức bên dòng sông Sê Pôn; Bậc cửa trăng
Hoàng Đăng Khoa
Nơi mỗi giọt nước mắt có thể hoá thành ánh sáng
Hồ Minh Thông
Ngồi lại bên tôi; Dáng hình của gió
Hoàng Hiền
Loang ra trong chiều thẫm
Nguyễn Ngọc Trìu
Biển ngày mưa
Bùi Phan Thảo
Hết dấu thiên di
Chung Tiến Lực
Nghe em hát ở Trường Sơn
Văn học nước ngoài
Ye Chun
Mặt trời và mặt trăng
(Nguyễn Thị Thuỳ Linh dịch từ bản tiếng Anh)
Bình luận văn nghệ
Nguyên Đức
Hình tượng thương binh, liệt sĩ trong văn học sau 1975:
khi máu xương cưu mang đời sống và chữ nghĩa
Đặng Thị Thái Hà
Tình thương và khả năng hoà giải: Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm nhìn từ đạo đức của sự chăm sóc
Hạ Nguyên
Triển lãm đa giác quan và sự thách thức triển lãm nghệ thuật truyền thống
Nông Thị Ngọc Hiên
Vùng cao trước xung đột truyền thống và hiện đại:
nhìn từ tản văn Y Phương
Nguyễn Phước Thảo
Một dòng chảy lạ
Lê Thị Kim Thuỳ
Về kiểu con người “vô tăm tích” trong tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ
Thế Đức
Các nguyên mẫu trong Trăng lên
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Giải phóng quê hương Tranh của họa sĩ Nguỵ Đình Hà
Minh họa: Trương Đình Dung, Đỗ Dũng, Phạm Hà Hải, Ngô Xuân Khôi, Lê Anh Vân