Thứ Hai, 18/09/2017 14:10

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 877 (cuối tháng 9/2017)

Phần Thơ số này là tiếng nói của những vùng quê đã mất; tiếng gọi của miền phố đây mà thăm thẳm cô đơn; tiếng nhắc của kí ức giục quay về... “Thơ trong những tập thơ” là thi tập "Mùa hạ mưa về" của Trần Minh Tạo, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TPHCM, 2017...
chu phoong arial moi copy - Năm đó, Aline Rebeuud hai mươi tuổi, đến từ Thụy Sĩ, là sinh viên mĩ thuật. Câu chuyện bắt đầu khi trong chuyến du lịch vòng quanh thế giới cô dừng chân tại Việt Nam năm 1992 và gặp cậu bé mồ côi đang cận kề cái chết trong một hẻm nhỏ của Sài Gòn. Cô quyết định phải cứu sống cậu. Thế rồi mọi thứ cứ dẫn cô đi, cuộc gặp gỡ với cậu bé lang thang như một định mệnh khởi đầu cho một hành trình dài, dài mãi trên con đường tìm một tương lai cho người khuyết tật ở một đất nước xa xôi... Đến nay Aline Rebeuud đã 45 tuổi, trở thành công dân Việt Nam cả về tình cảm và pháp lí. Cái tên Việt, Hoàng Nữ Ngọc Tim như một minh chứng cho hơn hai mươi năm liền gắn tuổi trẻ của mình với người khuyết tật. Giúp họ có được cuộc sống tốt hơn, hòa nhập được với cộng đồng. Bài trò chuyện với tiêu đề Những số phận đã quyết định một cách khác sẽ mở đầu tạp chí VNQĐ số này.

Cùng với đó, phần Văn xuôi giới thiệu bút kí Trong tiếng đất rì rầm của Uông Triều, tản văn Đèo thiền của Nguyễn Đình Minh Khuê và các truyện ngắn Hoa ô môi nở nghẹn của Nguyên Chương, Người qua sông Mê của Cát Lâm, Bí mật của cỏ của Lê Vũ Trường Giang.

Hoa ô môi nở nghẹn là tiếng ngân dài của thời gian. Trong tình yêu con người ta có thể chờ nhau bao lâu? Cô gái tên Miên trong truyện đã chờ Hậu, người mình yêu hơn bốn mươi năm. Quyết, bạn thân của Hậu, cũng chờ Miên hơn bốn mươi năm. Những tình yêu đơn phương qua chiến tranh càng đan xen, tủi lẻ hơn. Cuối cùng việc chờ của Quyết cũng kết thúc, Hậu còn sống, Miên ra thăm nhưng Hậu đã có người khác chăm sóc. Miên nói: “Anh còn sống và có người chăm sóc tui yên tâm rồi. Từ nay tui không còn chờ đợi ai nữa”. Nhưng có thật Miên không còn chờ đợi ai nữa?...

Người qua sông Mê kéo người đọc vào vùng đất u tối, mù mờ của những đức tin “chờ sống dậy”. Liệu con người ta có thể sống được khi không có đức tin? Liệu đức tin có thể thay đổi qua năm tháng? Làm thế nào để sống sót mà không cần phải qua sông Mê, con sông của kí ức trộn lẫn với niềm hi vọng một cõi khác tươi đẹp hơn?...

Bí mật của cỏ là hành trình truy tìm nguồn gốc bản thân của nhân vật lịch sử Hoàng Cao Khải. Bối cảnh truyện trải dải từ Nam ra Bắc. Đi qua những cuộc khởi nghĩa nông dân cùng những cuộc đàn áp đẫm máu của người Pháp đối với con dân đất Việt. Hoàng Cao Khải chọn đứng về “phe chiến thắng” nhưng ông ta có chiến thắng? Những gì tưởng đã quên đi nhờ sắt đá, máu và nước mắt lại hiện về trong năm tháng tuổi già vò võ nơi ấp Thái Hà xa ngái...

Phần Thơ số này là tiếng nói của những vùng quê đã mất; tiếng gọi của miền phố đây mà thăm thẳm cô đơn; tiếng nhắc của kí ức giục quay về... “Thơ trong những tập thơ” là thi tập Mùa hạ mưa về của Trần Minh Tạo, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TPHCM, 2017 và chùm bài tiêu biểu do Nguyễn Thị Kim Nhung chọn và giới thiệu.

Trang Văn học nước ngoài kì này giới thiệu tiểu luận Vậy thì tôi nên viết gì đây? của nhà văn Haruki Murakami người Nhật do Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ.

Phần Bình luận văn nghệ là những bài viết đáng chú ý của các tác giả Trịnh Bá Đĩnh, Lê Tú Anh, Tâm Anh, Záng My, Cao Duy Sơn, Nguyễn Minh Khiêm.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 877 (cuối tháng 9/2017) dày 120 trang với nhiều tranh, minh họa đẹp, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc cả nước ngày 20/9/2017. Mời quý vị đón đọc.
 
bia 877 a

Văn
Nguyễn Xuân Thủy
Nhưng số phận đã quyết định một cách khác
Nguyên Chương
Hoa ô môi nở nghẹn
Uông Triều
Trong tiếng đất rì rầm
Nguyễn Đình Minh Khuê
Đèo thiền
Cát Lâm
Người qua sông Mê
Lê Vũ Trường Giang
Bí mật của cỏ
 

Thơ
Thanh Thảo
Trái tim Dung Quất; Thư gửi má
Lê Văn Vỵ
Áo tơi
Tiến kèn môi và tiếng đàn T’rơ bon ở bản Rào Tre
Lương Kim Phương
Chiếc roi của bố; Ngày anh xa
Lê Thị Thu Hiền
Nhà mẹ
Nguyễn Đình Xuân
Đưa em về với đất quê
Phan Văn Ấu
Gọi quê; Tiếng mõ
Vi Thùy Linh
Cái hôn của gương; Mùa đằm thắm
Thế Chính
Trăng lưỡi liềm
Lê Nguyệt Minh
Ở trên cao; Nhạt
Phạm Phương Thảo
Tiếng ban mai; Giới hạn
Vũ Xuân Hoát
Lời người câu cá; Bình gốm
Nguyễn Thanh Lâm
Phật Di Lặc; Siêu thoát trong rừng tùng
Diệu Hoa
Ngoại; Phía không anh
Nguyễn Thị Kim Nhung
Người nhóm lửa trong mưa (Đọc Mùa hạ mưa về của Trần Minh Tạo, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, 2017)
 

Văn học nước ngoài
Haruki Murakami (Nhật)
Vậy thì tôi nên viết gì đây? (Nguyễn Huy Hoàng dịch)
 

Bình luận văn nghệ
Trịnh Bá Đĩnh
Nguyên lí đối thoại của M.Bakhtin trong hệ hình lí luận đương đại
Lê Tú Anh
Thân phận di dân và xung đột văn hóa trong văn học viết về đề tài tha hương
Tâm Anh
Sự biến mất của một thể loại
Záng My
Hai đứa trẻ từ một cách đọc khác
Cao Duy Sơn
Người trong Ngôi nhà xưa bên suối
Nguyễn Minh Khiêm
Những câu thơ viết trong miên cảm